Bình đẳng nam nữ chẳng ích lợi gì!
Dù là thiểu số trong nhà nhưng cuối cùng bà xã tôi cũng đã vùng lên! Cha con tôi phải nấu cơm, giặt đồ, lau nhà; lúc rảnh rỗi phải phụ bán hàng, đi lấy hàng; ngày nghỉ phải ra vườn coi sóc cây trái, rãi phân, tưới nước, mần cỏ… Chỉ trong vòng có một tháng mà 3 cha con tôi đen thui, ốm nhách…
Bình đẳng nam nữ là vầy sao?
Tôi cưới vợ năm 25 tuổi, lúc đó bà xã vừa bước qua tuổi 19. Do cha mẹ hai bên là chỗ bạn bè nên hứa hẹn làm sui chớ đôi trẻ chẳng quen biết, yêu đương gì.
Vợ tôi là con nhà nề nếp; học hết lớp 12 thì ở nhà phụ giúp gia đình vì nhị vị nhạc gia của tôi quan niệm, con gái học chữ chừng ấy là đủ rồi, quan trọng là phải biết nữ công gia chánh để hầu hạ chồng con sau này. Chính vì vậy mà vợ tôi đã đẹp người, còn đẹp nết. Đi chợ, nấu ăn, chăm sóc việc nhà nàng làm đâu ra đó, đến nỗi mẹ tôi vốn khó tính mà cũng hài lòng.
Tôi không phải con trưởng, cũng không phải con út nên cưới nhau được vài năm thì cha mẹ tôi cho ra riêng. 5 công vườn cây ăn trái và một ngôi nhà gạch là phần cha mẹ chia cho chúng tôi. Lúc đó, vợ tôi đã kịp sanh cho tôi 2 chú nhóc. Ra riêng rồi thì vợ chồng có hơi vất vả vì tôi đi dạy ngoài chợ, vợ tôi ở nhà một mình vừa trông con, vừa làm lụng chuyện nhà cửa, vườn tược.
Ấy vậy mà nàng vẫn làm mọi thứ gọn hơ! Đến nỗi, dần dần thu nhập chính trong gia đình đều trông cả vào mảnh vườn do một tay vợ tôi chăm nom, coi sóc. Được một thời gian thì vợ tôi lại nảy ra ý định làm ăn buôn bán. Nàng lên kế hoạch mở một tiệm tạp hóa. Với những lý lẽ vợ đưa ra thì tôi không thể nào không ủng hộ: Nhà tôi ở ngay ngã ba sông, xa chợ, xa hàng quán, mỗi lần muốn mua thứ gì, dù là rất nhỏ như chai nước tương, bịch bột ngọt… thì cũng phải qua tận chợ tỉnh, vừa xa xôi, vừa mất thời gian. Vậy là tôi “ok” cái rụp. Vợ tôi ngay lập tức trở thành bà chủ tiệm!
Nhờ tính tình vui vẻ, xởi lởi, chịu thương chịu khó nên chẳng bao lâu, cái tiệm tạp hóa của vợ tôi đã trở thành nơi lui tới của bà con xung quanh. Việc buôn bán cứ phất lên vùn vụt. Từ cái “cửa hàng” là cái chái bên hông nhà, vợ tôi đã cất hẳn một căn nhà rộng rãi thoáng mát là nơi buôn bán.
Nhìn cung cách làm ăn của vợ, tôi muôn phần nể phục. Càng quý vợ hơn khi công việc bù đầu, bù cổ như vậy mà vẫn không xao nhãng chuyện chăm sóc chồng con. Buổi sáng tôi thức dậy thì đã có bữa điểm tâm và ly cà phê thơm phức, bộ quần áo đi dạy đã được ủi phẳng phiu treo trên vách… Có lẽ chính vì vợ quá tuyệt vời như vậy nên đôi khi các nữ đồng nghiệp trẻ buông lời bóng gió xa gần, tôi phải vận hết nội công để đừng sa ngã…
Rồi xóm tôi có điện về, nước máy về. Cứ như là trong chuyện cổ tích. Chưa hết, lại có cả dịch vụ in-tẹc-nét. Vợ tôi sắm tivi, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, bàn ủi điện… Tóm lại là rất nhiều thứ tiện nghi trong gia đình để giải phóng sức lao động cho người phụ nữ.
Tôi mừng khi thấy bà xã đỡ vất vả hơn trước rất nhiều và khuyên nàng nên dành thời gian chăm sóc bản thân. Thú thật là đôi khi tôi nghĩ, nếu chẳng may bà xã bệnh hoạn nằm xuống thì cha con tôi lâm nguy bởi xưa nay đã quen sống trong sự “đùm bọc” của vợ, của mẹ. Chính vì vậy mà bao giờ, khi có dịp van vái, tôi cũng cầu mong cho “bà xã đại nhân” của tôi luôn khỏe mạnh, yêu đời…
Video đang HOT
Cầu được ước thấy. Từ ngày lấy nhau, tôi chưa bao giờ thấy vợ đau ốm, bệnh tật đến nỗi phải nằm một chỗ… Âu cũng là trời thương người hiền vậy.
Cho đến một ngày, vợ tôi thỏ thẻ: “Mình mua cái máy tính đi anh. Em thấy trong truyền hình quảng cáo rất hay. Bây giờ xã hội tiến bộ rồi, nếu không có máy tính, thấy mình lạc hậu lắm. Với lại hai đứa nhỏ học hành cũng cần máy tính. Anh nữa, thầy giáo mà không biết xài máy tính thì quê với bạn bè lắm”. Lời bà xã nói nghe thật chí lý. Vậy là cuối tuần được nghỉ, tôi đưa vợ ra thị xã sắm cái máy đời mới nhất. Đó là năm 2008.
Khỏi phải nói, mọi người cũng hình dung cái cảnh rộn ràng trong ngày mừng máy mới. Không chỉ hai đứa nhỏ mà cả tôi và bà xã cũng nôn nao… Rồi thì giành giật, rồi thì giận hờn… Rồi thì… phải mua thêm máy. Lần này thì là xách tay hẳn hoi. Tôi giao hẹn với hai thằng con: “Cái này là của ba mẹ nghe không, cấm đứa nào đụng tới”.
Thỏa thuận được thực thi. Phải công nhận là khi có máy tính và in-tẹc-nét thì đầu óc mở mang như thể vừa được tắm gội; không gì sướng hơn là cả thế giới ở ngay bên cạnh mình. Nhất là bà xã tôi, cứ rảnh rỗi là lại vi vu lên mạng… Chuyện ở châu Phi, châu Mỹ, châu Úc gì bà xã cũng nói vanh vách khiến đôi khi tôi không tin đó là cô hai Lúa của mình ngày nào.
Tuy nhiên, ở đời được cái này thì mất cái kia. Nếu hồi trước, có thời gian rảnh rỗi thì bà xã tôi đều dành hết cho chồng, cho con; còn bây giờ thì cái gã in-tẹc-nét đã lấy đi tất cả. Thậm chí, “hắn” còn “ăn lố” vô thời gian làm việc của vợ tôi. Nhiều khi có khách hàng tới giao dịch, vợ tôi lại hét hai thằng con ra tiếp khách vì mình còn bận… chát! Rồi vợ tôi bắt đầu khóc cười với cái màn hình vi tính và ngày nào cũng ôm cái máy tính đến quá nửa đêm. Thậm chí, có hôm, tôi thèm quá, không ngủ được cứ nằm lăn qua trở lại đợi chờ nhưng nàng vẫn bơ đi…
Cho đến một ngày, hết chịu nổi, tôi gầm lên: “Trời ơi là trời, dẹp hết đi!”. Vợ tôi trố mắt: “Anh nói dẹp mà dẹp cái gì? Dẹp cửa tiệm hả? Không được đâu, đang bán buôn ngon quá mà sao lại dẹp?”. Tôi chỉ vô cái máy tính: “Là tui nói dẹp cái này…”. Vợ tôi vẫn chưa thôi ngạc nhiên: “Anh muốn mua cái đời mới hơn hả? Cũng được. Mua cái mới, em sẽ để anh xài cái này một mình cho tiện”.
Trời ạ, đến nước này thì tôi chỉ còn biết bức tóc kêu trời rên rỉ: “Làm ơn bỏ chát chiếc, mạng miếc cho tui nhờ đi. Bà có biết là bây giờ bà kỳ cục lắm không? Ai đời suốt ngày lại ôm ấp cái máy tính, giao du với những người không quen biết… mà bỏ cả công ăn chuyện làm, bỏ mặc chồng con. Bà làm ơn trở về là bà của 20 năm trước dùm tui…”.
Những điều tôi nói ra khiến vợ tôi có vẻ nghĩ ngợi, lát sau cô ấy lắc đầu: “Không được. Em phải là em bây giờ chớ sao trở lại ngày xưa được? Xã hội phát triển thì anh cũng phải cho em tiến bộ chớ? Không lẽ chỉ có các ông mới có quyền? Nam nữ bình đẳng mà, cái gì đàn ông làm được thì cũng phải để cho phụ nữ làm chớ!”.
Dù là thiểu số trong nhà nhưng cuối cùng bà xã tôi cũng đã vùng lên! Cha con tôi phải nấu cơm, giặt đồ, lau nhà; lúc rảnh rỗi phải phụ bán hàng, đi lấy hàng; ngày nghỉ phải ra vườn coi sóc cây trái, rãi phân, tưới nước, mần cỏ… Chỉ trong vòng có một tháng mà 3 cha con tôi đen thui, ốm nhách…
Còn bà xã tôi thì ngày càng phổng phao, phơi phới; hết quần nọ tới áo kia; cuối tuần lại còn ra thị xã đi xì-pa, tối tối lại cắt dưa leo, cà chua đắp đầy mặt để làm đẹp… Những thứ đó, vợ tôi học từ… trên mạng!
Thú thật, tôi càng ngày càng thấy bất ổn với cái sự vùng lên này của bà xã. Lạy trời cho vợ tôi đừng có gia nhập mấy cái diễn đàn chán chồng, chán vợ trên đó mà học đòi thói trăng hoa, mèo mã gà đồng, chồng ăn chả vợ ăn nem…
Giờ đây, tôi đâm ra… oán hận cái sự tiến bộ của nhân loại vô cùng.
Giá như đừng có điện để mãi mãi bà xã tôi phải đốt đèn dầu!
Giá như đừng có tivi để bà xã tôi không có cơ hội xem phim Đài Loan Hàn Quốc rồi bắt chước làm theo từ cách ăn mặc đến nói năng đi đứng…
Giá như đừng có cái máy giặt để bà xã tôi ngày ngày phải tỉ mẩn vò từng cái quần, cái áo của chồng con mà gởi gấm bao yêu thương vào đó…
Giá như đừng có cái nồi cơm điện để bữa cơm của cha con tôi còn có miếng cháy giòn rụm của bếp than hồng…
Giá như đừng có cái tủ lạnh để ngày ngày tôi được ăn những con cá, con tôm còn nhảy tanh tách…
… và giá như đừng có cái mạng in-tẹc-nét chết tiệt kia để vợ tôi đừng lơ lơ lửng lửng suốt đêm ngày với cái thế giới vô hình nguy hiểm, độc hại ấy.
Trời ạ, tôi không nghĩ có lúc mình phải… sống trong sợ hãi giữa thế giới văn minh như thế này!
Theo VNE
Xuân này con không về
Có không ít chuyện buồn khi đồng lương eo hẹp chi phối quá lớn đến chuyện sum họp ngày tết.
Tết năm nay được nghỉ khá dài ngày, nhiều nhà vui mừng vì được đoàn tụ gia đình ở quê, được du lịch đó đây. Nhưng, có những cảnh nhà dư thời gian mà lại thiếu tiền, hoặc quê chồng tận Hà Đông còn quê vợ giữa khúc ruột Huế thương, phải về nơi nào để đôi bên toại nguyện?
Chịu khổ vẫn không mua được vé
"Năm ngoái, trầy trật mãi chúng tôi mới tìm được hai chiếc vé ghế xếp để về quê chồng tận Hà Đông. Đồ đạc, người ngợm xếp nhau ngồi dưới sàn, ra đến Huế tôi mới có được ghế để ngồi. Chuyến về quê đó ám ảnh tôi cả năm nên lần này tôi quyết đón mua vé thật sớm" - đang xếp hàng tại quầy vé xe khách Hà Nội, chị Minh Lan chia sẻ. Nhưng mới đầu tháng 12, hãng xe chị mua chưa bán vé tết, mất nửa tiếng xếp hàng chỉ để nghe câu từ chối, chị Minh bực bội bỏ về.
Xe đò vẫn là ưu tiên số một cho những gia đình có thu nhập bình dân. Mặc dù giờ đây thay vì chen chúc xếp hàng, khách có thể đặt vé xe qua điện thoại, rồi hẹn ngày giờ lấy vé, nhưng nỗi lo thiếu vé, không có vé về vẫn không giảm chút nào. Chị Thanh Hiếu 38 tuổi, chia sẻ: "Mấy tuần gần đây, tuần nào tôi cũng ghé hỏi mua vé tết về Quảng Ngãi, nhưng các quầy đều dán thông báo "Chưa bán vé tết". Đợi đến khi họ mở bán thì chắc không tới lượt mình. Tôi mừng như bắt được vàng khi một quầy nói có bán vé Quảng Ngãi nhưng phải trả gấp ba vì đây là tuyến ra... Hà Nội".
Chi phí ngất ngưởng, lương thưởng bèo bọt
Chuyện tàu xe chỉ là yếu tố nhỏ làm cho những chuyến về quê ngày một xa (Ảnh minh họa)
Chuyện tàu xe chỉ là yếu tố nhỏ làm cho những chuyến về quê ngày một xa. Lương thưởng cuối năm bèo bọt, kinh tế eo hẹp là nỗi lo chính cho cả nhà, đặc biệt với những cặp vợ chồng là trụ cột của cả dòng họ. Sau nhiều đêm trăn trở, chị Như Ý, nhân viên ngân hàng, nhà ở Thủ Đức vẫn không tính được bài toán thu chi cho chuyến về quê chồng cuối năm nay. "Nhà tôi ở Bến Tre, còn nhà chồng tận Nghệ An. Năm ngoái cả hai về quê vợ nên năm nay phải là quê chồng. Chồng tôi là con một nhưng thuộc trưởng chi, trưởng tộc. Vì lần đầu tiên về ra mắt dâu họ nên tôi phải chuẩn bị quà cho từng gia đình. Mỗi gói quà ít nhất cũng 200.000 đồng, chưa kể phong bao lì xì cho chục đứa nhỏ. Rồi tiền tàu xe đi lại, hai cái vé máy bay khứ hồi ít nhất cũng tốn chục triệu đồng. Mới nghe năm nay ngân hàng làm ăn thua lỗ, lại sắp sáp nhập với ngân hàng khác nên đến giờ vẫn chưa biết lương thưởng cuối năm thế nào. Nếu không có thưởng thì không biết lấy đâu tiền về quê. Tôi bàn với chồng thôi để sang năm ăn tết lớn, nhưng chưa hết câu thì đã bị trách: "Em tiếng làm dâu mà chưa về nhà chồng thử một ngày!"
Cũng không ít chuyện buồn khi đồng lương eo hẹp chi phối quá lớn đến chuyện sum họp ngày tết. Anh Hoàng Long (quận 3) thổ lộ: "Đã năm cái tết vợ chồng tôi không được gần nhau. Lúc vợ tôi về Cà Mau (quê vợ) để tôi lại Sài Gòn, lúc tôi chắt chiu mua vé bay về Bắc thăm mẹ già để vợ ở lại với con nhỏ. Coi như thoả thuận đó giúp ông bà hai bên vui lòng, nhưng tết nhất mà chồng một nơi, vợ một ngả ai chẳng buồn".
"Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm"
Với những trường hợp khá giả như Kim Chi - hàng xóm nhà bên cạnh, thì không có khái niệm tết phải về thăm quê: "Cả năm vùi mặt ở văn phòng, cuối năm phải là dịp để hưởng thụ, thư giãn chứ? Về quê thì lúc nào cũng nấu nướng, cúng kiếng, dọn dẹp, xong là hết tết. Nếu lấy tiếng thăm bố mẹ mà về tết thì thời gian nghỉ phép trong năm thăm ông bà cũng được vậy". Nhưng theo ý anh Thành - chồng của Chi, "Tết là phải về nhà, thăm ông bà, dòng họ, chuyện chơi bời để ra tết hãy tính".
Bà cụ ở căn hộ nhà đối diện, tết rồi mỗi mình bà ra vào khoá cửa. Hỏi con cháu đâu cả rồi, bà bỏm bẻm nhai trầu, cố gắng nói thật vui vẻ: "Cả năm chúng nó vất vả, cuối năm mình ở nhà giữ cửa cho chúng thoải mái dắt con cháu đi chơi. Mình già rồi, đi xa đâu được. Ở nhà thắp hương, trò chuyện với ông bà cũng ấm lòng rồi". Nếu con cháu bà cụ nghe được điều này, hẳn họ sẽ chạnh lòng suy nghĩ lại.
Theo VNE
Cô gái 13 tuổi sinh con của "yêu râu xanh" Cô gái bị người đàn ông 61 tuổi cưỡng hiếp vừa sinh ba đứa trẻ tại thủ đô Dominica. Cô gái 13 tuổi vừa trải qua một ca đẻ sinh ba tại thủ đô Santo Domingo, Cộng hòa Dominica. Được biết, cha của ca sinh ba này là một người đàn ông 61 tuổi. Sau khi thực hiện hành vi cưỡng bức trẻ...