Big Tech và cuộc chiến cáp quang dưới lòng đại dương
Các ‘ông lớn’ công nghệ đang kiểm soát Internet toàn cầu, điều này không phải nói quá nếu xét đến một khía cạnh quan trọng: cáp quang biển.
Với người dùng, Internet là một môi trường vô hình, nơi mọi hoạt động như đăng bài viết Facebook, buôn bán hàng hóa, tổ chức sự kiện ảo… diễn ra. Tuy nhiên, để cho Internet có thể tồn tại, lại cần tới những thứ hữu hình, một mạng lưới kết nối vật lý.
Cáp sợi quang chuyên chở 95% lưu lượng Internet quốc tế, kết nối gần như tất cả trung tâm dữ liệu thế giới – nơi biến những phép toán toàn số 1 và số 0 thành trải nghiệm Internet của người dùng. Chúng hầu như bao gồm toàn bộ cáp chạy dưới nước – khoảng 1,3 triệu km. Trước đây, phần lớn cáp quang biển do các công ty viễn thông và chính phủ lắp đặt, kiểm soát và sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay điều đó không còn đúng nữa.
Big Tech lấn sân lĩnh vực cáp quang biển
Trong chưa đầy một thập kỷ, 4 hãng công nghệ lớn – Microsoft, Alphabet ( công ty mẹ Google), Meta ( công ty mẹ Facebook) và Amazon – trở thành người thống trị năng lực cáp quang biển. Trước năm 2012, thị phần năng lực cáp quang biển của 4 hãng này chưa đầy 10%; ngày nay, tỉ lệ khoảng 66%.
Theo các nhà phân tích, 4 “ông lớn” mới chỉ bắt đầu. Trong vòng 3 năm tới, họ sẽ trở thành những người tài trợ chính và chủ nhân của mạng lưới cáp biển quyền lực, kết nối những người giầu nhất, ngốn băng thông nhất ở cả hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, theo công ty phân tích cáp biển TeleGeography.
Đến năm 2024, các công ty này ước tính sở hữu cổ phần trong hơn 30 tuyến cáp quang biển dài, mỗi tuyến lên đến hàng ngàn dặm, kết nối mọi lục địa trên Trái đất. Năm 2010, họ mới chỉ nắm cổ phần trong một tuyến cáp như vậy, đó là tuyến cáp Unity của Google, kết nối Mỹ và Nhật Bản.
Video đang HOT
Cáp dùng trong tuyến cáp Marea.
Không có gì lạ khi các hãng viễn thông truyền thống tỏ ra hoài nghi, thậm chí thù địch với nhu cầu ngày một lớn của các hãng công nghệ. Các nhà phân tích đặt ra câu hỏi liệu chúng ta có muốn những nhà cung cấp dịch vụ Internet và chợ điện tử mạnh nhất thế giới cũng là những ông chủ của hạ tầng truyền dẫn hay không. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, sự tham gia của các hãng công nghệ trong ngành công nghiệp cáp quang đã giảm chi phí truyền dữ liệu cho tất cả mọi người, kể cả đối thủ của họ, và giúp tăng công suất truyền dữ liệu quốc tế thêm 41% chỉ riêng trong năm 2020, theo báo cáo thường niên về hạ tầng cáp quang biển của TeleGeography.
Mỗi tuyến cáp quang biển cần tới hàng trăm triệu USD. Lắp đặt và bảo trì đòi hỏi một đội tàu nhỏ, từ tàu khảo sát đến tàu chuyên dụng để lắp đặt cáp, áp dụng mọi công nghệ tối tân để chôn cáp dưới lòng đại dương. Đôi khi, họ phải lắp những sợi cáp vô cùng mỏng manh xuống độ sâu 6,4km. Theo Howard Kidorf, đối tác quản lý của Pioneer Consulting, công ty giúp các công ty thiết kế và xây dựng hệ thống cáp quang biển, họ làm mọi việc trong khi phải duy trì độ căng của dây cáp và tránh các chướng ngại vật khác nhau như các ngọn núi dưới biển, các đường ống dẫn dầu, các đường dây tải điện cao thế cho các trang trại gió ngoài khơi, thậm chí cả xác tàu đắm và bom chưa nổ.
Trước đây, việc lắp đặt cáp quang dưới biển cần tới nguồn lực của chính phủ và các hãng viễn thông quốc tế. Ngày nay, nó chuyển sang túi tiền của Big Tech. Kết hợp lại, Microsoft, Alphabet, Meta và Amazon đã rót hơn 90 tỷ USD cho cáp quang biển trong năm 2020. Bốn hãng cho biết lắp đặt tất cả cáp quang này để tăng băng thông tại những khu vực phát triển nhất của thế giới, đồng thời mang đến kết nối tốt hơn cho những khu vực chưa được phục vụ tốt như châu Phi và Đông Nam Á.
Ý đồ của Big Tech
Câu chuyện không chỉ có vậy. Họ tham gia ngành công nghiệp cáp quang biển một phần vì chi phí mua dung lượng ngày một cao, trong khi nhu cầu băng thông riêng của họ đang lớn hơn bao giờ hết. Khi xây tuyến cáp quang biển riêng, các ông lớn công nghệ tiết kiệm được số tiền mà họ phải trả cho các công ty cáp.
Thực tế, hầu hết các tuyến cáp biển do Big Tech tài trợ đều có sự tham gia của các đối thủ. Chẳng hạn, tuyến cáp Marea nối Virginia (Mỹ) với Bilbao (Tây Ban Nha) hoàn thành năm 2017 do Microsoft, Meta và Telxius (công ty con của hãng viễn thông Telefonica) đồng sở hữu. Năm 2019, Telxius thông báo Amazon ký thỏa thuận với công ty để sử dụng một trong 8 cặp sợi quang trong tuyến cáp. Về mặt lý thuyết, nó đại diện cho 1/8 của công suất 200 terabit/giây, đủ để phát hàng triệu bộ phim HD cùng lúc.
Chia sẻ băng thông với các đối thủ sẽ đảm bảo mỗi công ty có công suất riêng trên nhiều cáp hơn, giúp Internet hoạt động bình thường khi một tuyến cáp bị hư hỏng. Theo Hội đồng Bảo vệ Cáp quốc tế, cáp biển hỏng khoảng 200 lần/năm. Việc sửa cáp cũng là một nỗ lực lớn không kém việc lắp đặt cáp và mất khoảng vài tuần.
Dự án cáp quang Marea trên bãi biển Arrietara năm 2017.
Theo Frank Rey, Giám đốc cấp cao Hạ tầng mạng Azure của Microsoft, chia sẻ cáp với hãng khác là chìa khóa để bảo đảm dịch vụ đám mây của họ luôn dùng được, điều mà Microsoft và các nhà cung cấp dịch vụ đám mây khác hứa hẹn với khách hàng.
Bên cạnh đó, sự tham gia của một số nhà mạng khi lắp đặt cáp quang biển là một cách để xua tan suy nghĩ của các nhà quản lý rằng các hãng công nghệ Mỹ hoạt động như công ty viễn thông. Họ đã dành hàng chục năm để tranh luận trước báo chí và tòa án rằng họ không phải các nhà mạng.
Trong số các hãng công nghệ kể trên, Google khá lẻ loi khi một mình “ông lớn” này độc quyền sở hữu tới 3 tuyến cáp biển khác nhau và sẽ tăng lên 6 vào năm 2023. Google từ chối tiết lộ có ý định chia sẻ với doanh nghiệp nào khác hay không. Vijay Vusirikala, Giám đốc cấp cao Google phụ trách hạ tầng cáp quang biển và cáp mặt đất, giải thích, họ xây dựng các tuyến cáp độc quyền vì hai lý do. Một là, Google cần chúng để các dịch vụ như tìm kiếm, YouTube phản hồi nhanh hơn, tốt hơn. Hai là, giành lợi thế trong cuộc chiến dịch vụ đám mây.
Theo Joshua Meltzer, chuyên gia về thương mại điện tử và luồng dữ liệu, sự chuyển dịch quyền sở hữu hạ tầng Internet phản ánh thứ mà chúng ta đã biết về sự thống trị của Big Tech đối với các nền tảng Internet. “Bạn phải hình dung rằng các khoản đầu tư này cuối cùng sẽ khiến họ thống trị hơn trong các ngành công nghiệp mà họ hoạt động, vì họ có thể cung cấp dịch vụ với mức giá còn thấp hơn nữa”, ông Meltzer nhận định.
Trong khi các Big Tech đổ xô vào metaverse, CEO Google coi lĩnh vực cũ kỹ này mới là 'mỏ vàng' sẽ tạo ra 1.000 tỷ USD tiếp theo
Vị CEO gốc Ấn dự định sẽ có nhiều sản phẩm của Google được phát triển và thử nghiệm ở châu Á trước khi tung ra trên toàn cầu.
Trong khi rất nhiều ông lớn công nghệ coi "vũ trụ ảo" metaverse chính là mảnh đất màu mỡ tiếp theo để tạo ra tăng trưởng, CEO Sundar Pichai lại nhìn thấy tương lai của Google ở lĩnh vực cũ kỹ nhất: tìm kiếm trên Internet.
"Thật may mắn là sứ mệnh của chúng tôi dường như vĩnh cửu", Pichai nói với phóng viên Emily Chang của Bloomberg Television. "Hiện nhu cầu tổ chức lại thông tin đang lớn hơn bao giờ hết".
Đầu tháng 11, giá trị vốn hóa của Alphabet (công ty mẹ Google) đã vượt mốc 2.000 tỷ USD nhờ báo cáo doanh thu và lợi nhuận tăng vọt trong đại dịch. Khi được hỏi 1.000 tỷ USD vốn hóa tiếp theo sẽ đến từ đâu, Pichai nhắc ngay đến mảng kinh doanh cốt lõi của công ty. Theo dự đoán của ông, người tiêu dùng sẽ sử dụng nhiều cách mới để tìm kiếm thông tin, ví dụ như tìm kiếm bằng giọng nói. "Có thể thích nghi với những thay đổi đó và cải tiến cỗ máy tìm kiếm sẽ mang đến cơ hội lớn nhất cho chúng tôi".
Kể từ khi tiếp quản Google năm 2015, Pichai đã hướng công ty tiến sâu hơn vào mảng điện toán đám mây và trí thông minh nhân tạo nhưng cũng phải đối mặt với sự quản lý ngày càng chặt chẽ của các cơ quan quản lý. Trong buổi phỏng vấn, Pichai liệt kê đám mây, YouTube và app store hiện đang là những cỗ máy tăng trưởng chính của Google. Hiện Google đang đầu tư công nghệ AI cho các mảng này.
Vị CEO gốc Ấn dự định sẽ có nhiều sản phẩm của Google được phát triển và thử nghiệm ở châu Á trước khi tung ra trên toàn cầu nhưng không phải là ở Trung Quốc. Sau khi "đóng băng" kế hoạch mang Google search vào đại lục năm 2018, phần lớn các dịch vụ mà Google cung cấp hiện vẫn không có mặt ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Pichai cho biết điều đó sẽ không thay đổi trong tương lai gần. Tuy nhiên ông không đồng tình với các CEO khác ở thung lũng Silicon khi nhận xét về các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc. Ông thừa nhận Google đang cạnh tranh khốc liệt với các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực AI và máy tính lượng tử nhưng khẳng định Mỹ và Trung Quốc hoàn toàn có thể hợp tác trong những lĩnh vực như biến đổi khí hậu và ứng dụng AI trong giám sát an ninh.
Về lĩnh vực vũ trụ ảo, Google cũng đã có một vài thử nghiệm tiếp cận với các sản phẩm ảo và công nghệ thực tế ảo nhưng không đạt được nhiều thành tựu. Thiết bị đeo Google Glass là 1 ví dụ điển hình.
Công ty mẹ của Google đạt định giá 2.000 tỉ USD Công ty mẹ của Google - Alphabet, đã đạt mức vốn hóa thị trường 2.000 tỉ USD trong thời gian ngắn sau khi giá trị mỗi cổ phiếu lên 2.987,03 USD vào đầu tuần. Theo Theverge, giá trị của Alphabet đã tăng gấp đôi từ 1.000 tỉ USD mà công ty đạt được từ tháng 1.2020. Điều này một phần nhờ doanh thu...