Biểu tình ủng hộ Trump ngày quốc hội định đoạt bầu cử
Hàng nghìn người ủng hộ Trump từ khắp nước Mỹ dự kiến tập trung ở Washington vào ngày 6/1 để biểu tình, khi quốc hội xác nhận kết quả bầu cử.
Những thành viên của các tổ chức ủng hộ Tổng thống Donald Trump như Women for America First, StoptheSteal, Proud Boys, dự kiến đổ về thủ đô Washington để thúc đẩy cáo buộc gian lận bầu cử mà Tổng thống đưa ra.
“Người dân chúng ta phải chiếm lấy bãi cỏ và bậc thềm của Đồi Capitol, nói với quốc hội rằng không được xác nhận kết quả bầu cử”, nhóm StopTheSteal tuyên bố trên mạng. “Quốc hội không thể xác nhận phiếu của đại cử tri đoàn gian lận này”.
Trump hồi cuối tuần trước cũng đã hai lần kêu gọi người ủng hộ tập trung ở Washington ngày 6/1 trong nỗ lực cuối cùng nhằm gây sức ép quốc hội không xác nhận chiến thắng thuộc về Joe Biden.
“Hẹn gặp các bạn ở Washingon, ngày 6/1. Đừng bỏ lỡ”, ông viết hôm 28/12 trên Twitter.
Cuộc biểu tình gây lo ngại sẽ dẫn tới tình trạng bạo lực, sau khi sự kiện tương tự hôm 12/12 với sự tham dự của nhóm cực hữu Proud Boys đã khiến một số người bị đâm và hàng chục người bị bắt.
Video đang HOT
Người ủng hộ Trump tuần hành ở Đại lộ Pennsylvania, Washington, hôm 12/12. Ảnh: AFP .
Kết quả kiểm phiếu đại cử tri ở các bang cho thấy Biden đã giành được 306 phiếu, cao hơn ngưỡng 270 phiếu cần thiết để chiến thắng, còn Trump giành được 232 phiếu.
Tại phiên họp quốc hội mang tính thủ tục ngày 6/1, Phó tổng thống Mike Pence, người giữ chức Chủ tịch Thượng viện, sẽ mở kết quả phiếu đại cử tri của từng bang để các thành viên quốc hội xác nhận, sau đó tuyên bố người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Trump và các đồng minh đang lên kế hoạch “lật kèo” kết quả bầu cử bằng cách để các nghị sĩ Cộng hòa nộp văn bản kiến nghị phản đối phiếu đại cử tri ở các bang chiến trường bị cáo buộc gian lận. Các đồng minh của Trump tại quốc hội dự định nộp danh sách đại cử tri thay thế, qua đó tuyên bố Trump là người chiến thắng.
Tuy nhiên, kiến nghị này phải có sự nhất trí của lưỡng viện quốc hội mới có hiệu lực, điều được cho là bất khả thi vì đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện, trong khi lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện cũng phản đối kế hoạch “lật kèo” này.
Mo Brooks, hạ nghị sĩ bang Alabama, hôm 28/12 cho biết trên Fox News rằng ông đã nhận được sự ủng hộ từ “hàng chục” nghị sĩ để thách thức kết quả kiểm phiếu đại cử tri.
Trong khi đó, Trump và người ủng hộ tiếp tục gây sức ép để Pence đơn phương từ chối một số giấy chứng nhận phiếu đại cử tri ở các bang nghiêng về Biden, dù Phó tổng thống không có quyền này.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa Adam Kinzinger chỉ trích đây hoàn toàn là một nỗ lực của “Tổng thống và một số thành viên quốc hội nhất định” nhằm quyên tiền. “Đây là một vụ lừa đảo và sẽ gây thất vọng cho những người tin rằng cuộc bầu cử này bị đánh cắp”, ông nói.
Một nhóm nghị sĩ Cộng hòa hôm qua cũng nộp đơn kiện ở Texas, yêu cầu thẩm phán liên bang tuyên bố Phó tổng thống Pence là người duy nhất có quyền xác nhận hoặc từ chối phiếu đại cử tri của từng bang. Tuy nhiên, các chuyên gia luật bầu cử cho rằng đơn kiện này sẽ “không đi đến đâu” và là một nỗ lực trong vô vọng của phe Cộng hòa để đảo ngược kết quả bầu cử.
Luật sư Trump dọa 'bắn chết' cựu lãnh đạo an ninh bầu cử
Joe diGenova, luật sư của chiến dịch Trump, cho rằng cựu lãnh đạo an ninh bầu cử Chris Krebs nên bị "lôi ra bắn" vì nói bầu cử an toàn.
"Bất cứ ai nghĩ cuộc bầu cử đã diễn ra tốt đẹp đều giống như gã ngốc Krebs, từng là người đứng đầu bộ phận an ninh mạng. Đó là gã đần hạng A. Y nên bị phanh thây, bị lôi ra ngoài lúc bình minh và bắn chết", Joe diGenova, luật sư trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 30/11.
Các nguồn thạo tin cho hay diGenova vẫn hỗ trợ cho Rudy Giuliani, luật sư riêng của Trump và là người đang dẫn dắt các nỗ lực pháp lý nhằm thách thức kết quả bầu cử. Chiến dịch của Trump, Nhà Trắng và diGenova đều chưa bình luận về thông tin.
Joe diGenova trong một cuộc phỏng vấn với Fox News năm 2018. Ảnh: Fox News.
Nhiều người đã chỉ trích phát ngôn của diGenova, cho rằng những lời đe dọa bạo lực như vậy có thể tác động tiêu cực tới các quan chức đang tìm cách vạch trần hành vi sai trái.
Krebs bị Trump đột ngột sa thải chức giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA) cách đây hai tuần, sau khi ông lên tiếng bác cáo buộc gian lận bầu cử của Tổng thống.
"Tuyên bố gần đây của Chris Krebs về an ninh bầu cử năm 2020 rất không chính xác, trong đó có rất nhiều sự sai lệch và gian lận", Tổng thống Mỹ đăng lên Twitter hôm 17/11, khi thông báo loại Krebs khỏi CISA.
Sau khi bị sa thải, Krebs tiếp tục khẳng định ông không nghi ngờ gì về tính bảo mật của hệ thống, quy trình bỏ phiếu, thêm rằng Trump đã giúp cuộc bầu cử năm 2020 an toàn nhất lịch sử.
Trump và các đồng minh đã thực hiện hàng chục vụ kiện tại các bang chiến trường, song chưa có bang nào chấp nhận những thách thức pháp lý từ phía Tổng thống. Ông cũng thừa nhận rằng khả năng Tòa án Tối cao xem xét đơn kiện của ông để lật ngược tình thế là rất khó xảy ra.
Cuộc phỏng vấn giúp Trump trút bức xúc Trong hơn 45 phút phỏng vấn, Maria Bartiromo của Fox News tỏ ra đồng cảm với những cáo buộc gian lận bầu cử của Trump mà không ép ông trưng bằng chứng. Gần 4 tuần trước, Fox News khiến Tổng thống Donald Trump phẫn nộ vì là hãng truyền thông đầu tiên xướng tên Biden chiến thắng ở Arizona. Nhưng giờ đây, Trump...