Biến tướng đồng phục lớp
Đồng phục lớp đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong các lớp học. Mỗi lớp đều có một phong cách riêng, một tiếng nói riêng và đồng phục lớp chính là phương tiện gián tiếp thể hiện điều đó.
Đồng phục càng độc, càng đẹp, càng lạ mắt thì càng thu hút được sự chú ý của những người xung quanh. Chính vì vậy, thay cho ý nghĩa ban đầu là thể hiện phong cách, tiếng nói của lớp thì đồng phục lớp lại đang bị biến tướng thành những sản phẩm hút ánh mắt của mọi người. Hàng loạt những chiếc áo đồng phục ra đời với kiểu dáng vô cùng lạ mắt, độc đáo. Thoạt nhìn thì sẽ đánh giá đó là một tác phẩm nghệ thuật nhưng nếu nhìn kĩ những dòng chữ trên áo, kèm hình vẽ thì không ít người thoáng rùng mình.
Minh Phương (ĐH HN) nói: “Hôm trước đứa em trai mình mang áo đồng phục lớp về mà cả nhà suýt ngất. Không hiểu ai thêu dệt ý tưởng mà lại gắn kèm hình ảnh lớp với dòng chữ “Sleep with me, free money”, còn cái hình ảnh bên cạnh, mình tưởng là bong bóng, nhìn kĩ thì té ra là BSC đội mũ, rồi còn màu mè tùm lum nữa…”.
Ngày càng nhiều các cơ sở làm áo đồng phục ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu làm đồng phục lớp của học sinh, sinh viên hiện nay. Sự ra đời hàng loạt đó bao gồm cả những cơ sở nhỏ lẻ đã hiện thực hóa những sản phẩm sáng tạo còn trên giấy thành những bộ đồng phục đẹp mắt, không kém phần “độc và lạ”. Những ý tưởng thiết kế cũng trở nên đa dạng hơn, táo bạo hơn.
Đồng phục lớp đang mất dần ý nghĩa dễ thương ban đầu. (Ảnh minh họa)
Lớp 10A3 (trường X) vì hiềm khích đầu năm đã không tiếc công thiết kế mẫu áo đồng phục công kích, thậm chí là “chửi” lớp 10A6. Không quá lộ liễu với những câu chửi dung tục, nhưng những chiếc áo đó cũng không kém phần thâm thúy khi sử dụng hàng loạt các câu chửi bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hàn, thậm chí cả tiếng Lào… khiến đối phương tức nổ đom đóm mắt. Và đương nhiên, cuộc chiến chưa dừng lại khi lớp 10A6 tiếp tục trả đũa bằng những mẫu áo đồng phục khác còn “đáng sợ” hơn rất nhiều.
Video đang HOT
Xu hướng thần tượng các ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc vẫn không hề hạ nhiệt. Nhiều bạn vì quá hâm mộ dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Như nhóm bạn H, M, L đều là cán bộ lớp và được giao nhiệm vụ thiết kế áo đồng phục. Không thấy các bạn trình bày ý tưởng thiết kế, nhiều người cứ đinh ninh tin tưởng rằng đó là một mẫu áo đẹp. Chỉ đến khi nhận áo mới té ngửa. Đồng phục lớp gì mà toàn hình của Super Junior, Bi rain, DBSK, SNSD,… với slogan “We always beside U 4ever”. Báo hại cả lớp mất tiền oan.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều lớp vì sự ganh đua với nhau trong trường mà biến đồng phục trở thành phương tiện thể hiện đẳng cấp. Ở các trường THCS hay THPT, không thường xuyên được mặc áo đồng phục lớp tới trường, nhưng vẫn được mặc trong các dịp sự kiện như tham quan, hội trại… nên nhiều lớp đã nảy ra những ý tưởng vô cùng táo bạo, có phần phản cảm khi xuất hiện với những chiếc áo đồng phục lớp “siêu khủng”.
Lớp 12C (trường P) được cả trường gọi là “show hàng khủng” bởi áo đồng phục của lớp là sơmi. Không bàn tới sơmi nam, chỉ cần nhìn những chiếc áo sơmi nữ thôi cũng đủ hút mắt những kẻ háo sắc. Cả cái áo mà chỉ có 3 khuy dọc, dẫn đến cổ áo trễ không thể trễ hơn được nữa, áo lại ngắn, chỉ cần vươn nhẹ vai là hở cả rốn… Không những không cảm thấy bất tiện vì chúng mà nhiều bạn trong lớp còn thấy thích thú khi đi tới đâu mọi người cũng nhìn. Sự thật là, đằng sau mỗi cái nhìn thì muôn hình muôn vẻ, kẻ trầm trồ, người chê phản cảm…
Đồng phục đẹp, thể hiện được cá tính là một thành công của lớp. Đừng chỉ vì sự hiếu thắng hay ý thích cá nhân mà biến tướng chúng trở thành những sản phẩm không ai mong đợi.
Theo PLXH
Ngôn ngữ @ đã tràn lan vào vở học của teen
Một bộ phận giới trẻ đang say sưa chế biến và sử dụng "ngôn ngữ @" bằng cách lai ghép, thay thế vô lối từ ngữ tiếng Việt, làm giảm đi sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ.
Hiện nay, kiểu sử dụng ngôn ngữ này xuất hiện tràn lan ở hầu hết các diễn đàn, nhật ký trực tuyến, nhất là khi tán gẫu qua mạng, tin nhắn điện thoại. Đối tượng sử dụng chủ yếu là giới trẻ, thuộc nhóm tuổi teen, trong đó phần lớn là học sinh phổ thông. Mối nguy hại lớn chính là ngôn ngữ này lan vào nhà trường một cách âm thầm.
Kiểu ngôn ngữ khó hiểu như vậy hiện đang được giới trẻ sử dụng ngày càng rầm rộ trong việc giao tiếp, nó xa lạ với tiếng phổ thông và cũng chẳng giống với một ngôn ngữ nào trên thế giới. Nó bao gồm những ký hiệu phức tạp, tiếng lóng, xen lẫn ngoại ngữ và đặc biệt là nhiều từ được viết theo âm đọc, nhưng lại bị biến tướng một cách cực kỳ sai chính tả.
Ảnh minh họa
Một sinh viên cho rằng, gần như tất cả lứa tuổi teen điều hiểu được thứ ngôn ngữ mà mình đang viết. Nhìn có vẻ khó đoán, nhưng lại là một kiểu giao tiếp thịnh hành. "Nếu em viết đúng chính tả quá, bạn bè chê lạc hậu. Thường viết vậy cho thấy nó xì tin một chút". Đinh Trúc Ly, Sinh viên nói.
Người ta tạm gọi nó là ngôn ngữ tuổi teen hay ngôn ngữ @, nó xuất hiện với mật độ ngày càng dày đặc trên các mạng xã hội, các diễn đàn dành cho giới trẻ. Ở đây, tiếng Việt đã được viết lại với một kiểu khác mà chỉ có những thế hệ tuổi 8X hay 9X mới có thể hiểu.
Công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì theo đó, một bộ phận trong giới trẻ cũng ngầm phát triển ngôn ngữ teen. Đem vấn đề này trao đổi với các nhà ngôn ngữ, chúng tôi nhận được những ý kiến thú vị.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyên Trưởng phòng ngôn ngữ học xã hội, Viện Ngôn ngữ học cho rằng: "Chúng ta hãy bình tĩnh trước hiện tượng xã hội mới mẻ này. Chúng ta cần lưu tâm đến nó, hướng dẫn cho các em khi nào cần sử dụng nó vì nó cũng có chức năng nhất định, sử dụng đúng sẽ phát huy tác dụng. Nếu sử dụng ra ngoài thì gây phản cảm".
Những giáo viên phổ thông là người hàng ngày tiếp xúc với các em lại có cách nghĩ hoàn toàn khác. Họ có cơ sở để lo lắng rằng, ngôn ngữ này đã vượt ra khỏi phạm vi những diễn đàn dành cho giới trẻ. Và thực tế nó bắt đầu xuất hiện trong tập vở của học sinh, sinh viên. Có thể chưa đến mức báo động, nhưng với ngôn ngữ cần có một cái nhìn xa hơn hiện tại.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Phong, Giáo viên Trường THPT Phú Thịnh, Tam Bình (Vĩnh Long) cho biết: "Tôi thấy các em sử dụng ngôn ngữ tuổi teen trong các bài viết tập ghi chép rất nhiều, thậm chí các em viết quên bỏ dấu và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là nhiệm vụ chung của người Việt Nam, quan trọng nhất là học sinh, sinh viên, bởi vì đối tượng này giao tiếp rất nhiều trong xã hội".
Ngôn ngữ teen còn có một tác dụng khác là tránh sự kiểm soát của người lớn, bởi yếu tố phức tạp của ký hiệu. Thử hỏi một ngôn ngữ ra đời với mục đích thiếu trong sáng như vậy sẽ có ích gì cho giới trẻ? Những bạn trẻ thừa nhận, rất khó từ bỏ ngôn ngữ teen, bởi nó đã trở thành một thói quen. Người xưa đã nói, thói quen hình thành nên nhân cách.
PGS.TS Phạm Văn Tình, Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam đánh giá: "Vấn đề sử dụng ngôn ngữ tuổi teen nếu không khéo sẽ ảnh hưởng rất lớn, nó giống như hiệu ứng domino vậy. Giới trẻ xem nó là một trò chơi sành điệu".
Từ câu chuyện ngôn ngữ teen có một chân lý cần phải được lật lại. Tất cả mọi thứ trong thế giới hội nhập điều có thể giống nhau, riêng ngôn ngữ thì không. Tiếng Việt của chúng ta, bản thân nó đã bao hàm tất cả những gì chắt lọc và súc tích. Sử dụng Quốc ngữ là thể hiện lòng tự hào của một đất nước, nhìn chữ viết là nhìn thấy cả dân tộc.
Sẽ ra sao khi có một lớp trẻ đang cố tình viết sai chính tả để khẳng định mình. Và sẽ ra sao khi mai này có một thế hệ thích làm điều sai trái cũng chỉ để khẳng định mình?
Theo VTC
Giới trẻ tuyển tình dịp Noel Trào lưu tuyển tình đi chơi mỗi dịp lễ lớn luôn thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ... (Ảnh minh họa) Dù đã xuất hiện cách đây khá lâu, nhưng vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm độ "hot", trào lưu tuyển tình đi chơi mỗi dịp lễ lớn liên tục thu hút sự chú ý và tham gia "không mệt...