Biển Đông: Việt Nam, Malaysia và Philippines phối hợp hành động tại Myanmar
Trong một động thái chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc tức tối, vào tối qua, 07/08/2014, Ngoại trưởng ba nước Việt Nam, Philippines và Malaysia đã hội ý với nhau tại thủ đô Myanmar, một hôm trước ngày Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN chính thức khai mạc.
Nội dung cuộc gặp hiển nhiên là đối sách chống Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Theo hãng tin Pháp AFP, các Ngoại trưởng Malaysia, Philippines và Việt Nam đã họp riêng để thống nhất lập trường về Biển Đông. Đây là ba nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhưng đang bị Trung Quốc tranh chấp, và chèn ép dữ dội như trong trường hợp của Việt Nam và Philippines.
Không thấy AFP nhắc đến Brunei, nước Đông Nam Á thứ tư có tranh chấp chủ quyền trong khu vực quần đảo Trường Sa.
Khi được hỏi về cuộc hội ý không chính thức này, một nhà ngoại giao Đông Nam Á vào hôm nay nhận định : Khi chúng tôi phối hợp với nhau, lập trường của chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn .
Tổng thống Myanmar Thein Sein, thứ năm từ trái chào đón các Bộ trưởng ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tại Naypyitaw, Myanmar, Thứ 6, ngày 8/8/2014. Ảnh: Gemunu Amarasinghe, AP
Việc ba nước Đông Nam Á hội ý trước rất quan trọng trong bối cảnh toàn khối sẽ duyệt xét vào hôm nay nội dung bản Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, trong đó sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông.
Video đang HOT
Theo AFP, bản dự thảo tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN – đang được đúc kết – nêu rõ: Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, đã gây căng thẳng trong khu vực .
Bản dự thảo này có một đoạn được cho là sẽ gây tranh cãi dữ dội trong nội bộ ASEAN khi kêu gọi đình chỉ mọi hành động gây mất ổn định trong vùng biển tranh chấp.
Lời kêu gọi này được cho là có nguy cơ gặp chống đối từ các nước ASEAN thân Trung Quốc – đứng đầu là Cam Bốt – hay các nước không muốn làm mất lòng Bắc Kinh vì lợi ích kinh tế như Lào, thậm chí Myanmar.
Ngược lại khối ủng hộ lời kêu gọi này là nhóm nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đang bị Trung Quốc chèn ép, đứng đầu danh sách là Việt Nam và Philippines.
Tuy nhiên vấn đề muôn thuở của ASEAN là khối nước này vận hành theo nguyên tắc đồng thuận. Vì vậy, cuộc họp hôm nay của các Ngoại trưởng sẽ cho thấy là phe thân hay sợ Trung Quốc trong khối ASEAN có thành công trong việc ngăn chặn các lời lẽ cứng rắn đối với Bắc Kinh hay không, điều mà Cam Bốt đã từng làm vào năm 2012 khi nhận chìm một tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN có lời lẽ không hợp với Trung Quốc.
Theo Trọng Nghĩa (Theo RFI)
Hãng tin Nhật hé lộ bản thảo tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN
Các ngoại trưởng ASEAN hôm qua 8/8 đã nhất trí cần phải có một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc về pháp lý trên Biển Đông, vào thời điểm Trung Quốc đang ngày càng có thái độ quyết liệt hơn trong tuyên bố chủ quyền của mình ở khu vực.
Ngoại trưởng các nước ASEAN chụp ảnh trước phiên họp toàn thể vào ngày hôm nay 8/8 tại Nay Pyi Taw, Myanmar.
Thông tin được hãng tin Nhật Kyodo cho hay.
Cũng theo hãng tin này, phát biểu tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar sau cuộc họp kéo của các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam cho rằng, để tránh được sự nghi kỵ và giảm nguy cơ xung đột bất ngờ ở Biển Đông, cần phải có tiến bộ "đáng kể" trong việc soạn thảo bộ quy tắc ứng xử. Và bộ quy tắc sẽ được xây dựng thông qua đàm phán với Trung Quốc.
Hội nghị hàng năm được diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông vẫn tiếp diễn và gần đây nhất là việc Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc, dự kiến sẽ tham dự các hội nghị về an ninh trong đó có cả các cường quốc thế giới vào hai ngày cuối tuần này tại Nay Pyi Taw, đã rút giàn khoan ra khỏi Hoàng Sa và trung tuần tháng 7 vừa qua.
"Thật là kỳ diệu khi không có những vụ va chạm nghiêm trọng hơn và giờ đây quyền lợi của tất cả mọi người là cố gắng đảm bảo rằng chúng ta có thể kiểm soát được chúng và đưa chúng theo cách có thể chấp nhận được với mọi người", Ngoại trưởng Singapore cho hay.
Trong khi đó, Philippines đã đưa ra một "kế hoạch 3 hành động" mới, kêu gọi ngưng ngay các hành động khiêu khích có thể thay đổi hiện trạng trên biển và thực hiện cả các bước trung hạn và dài hạn để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Theo hãng tin Nhật Kyodo, không có phản đối rõ rệt đối với đề xuất của Philippines, nhưng một số người cho rằng việc cần thiết hơn là phải áp dụng hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông mà Trung Quốc đã ký với ASEAN vào năm 2002, nêu rõ tranh chấp phải được giải quyết qua con đường hòa bình.
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 47 vào ngày 8/8, đúng ngày thành lập ASEAN, Tổng thống Myanmar Thein Sein cho rằng "những diễn tiến hiện nay trên thế giới đang gây lo ngại nghiêm trọng cho chúng ta". Ông cho rằng hiệp hội 10 quốc gia phải củng cố kiến trúc của mình và thực thi chính sách "giải quyết hòa bình".
Tuy nhiên, Kyodo cho biết ông không nêu cụ thể về các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Kyodo cũng cho biết trong bản thảo tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN dự kiến đưa ra sau cuộc họp, các ngoại trưởng đã bày tỏ lo ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông cũng như Hoa Đông, nơi Nhật đang có tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với Trung Quốc.
"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do hàng hải và bay quá cảnh trong khu vực và kêu gọi các bên kiềm chế có hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng và thay đổi hiện trạng", bản thảo tuyên bố chung được Kyodo trích dẫn có đoạn.
Bản thảo cũng nhấn mạnh bất kỳ hành động nào được thực hiện ở khu vực cần phải phù hợp với "những quy tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận toàn cầu".
Trung Anh
Tổng hợp
Theo Dantri
Trung Quốc hốt hoảng trước nguy cơ "mất" Myanmar Hàng chục tỷ USD đổ vào Myanmar với rất nhiều dự án liên quan tới an ninh kinh tế và năng lượng của của Trung Quốc trong tình cảnh "nằm chờ chết". Điều này khiến Bắc Kinh vô cùng lo sợ. Người dân Myanmar biểu tình phản đối dự án xây dựng nhà máy thủy điện Myitsone do Trung Quốc đầu tư xây...