Biến động tỷ giá và lãi suất cuối năm khó lường
Thị trường tài chính trong tháng cuối năm biến động khó lường, với hai biến số chính là lãi suất và tỷ giá đang đi ngược lại kỳ vọng của không ít người.
Thị trường tài chính trong tháng cuối năm biến động khó lường. Nguồn: internet
Ngược chiều lãi suất
Sau quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào giữa tháng 11/2019, một loạt ngân hàng (NH) đã giảm lãi suất đầu vào, không chỉ ở những kỳ hạn theo quy định trần lãi suất mà còn cả các kỳ hạn trên 6 tháng. Điều này khiến mặt bằng lãi suất huy động vốn đi xuống đáng kể so với giai đoạn trước, giúp các nhà băng giảm được chi phí vốn đầu vào.
Ngược lại, lãi suất cho vay dường như chưa có dấu hiệu giảm như mong muốn của NHNN, ngoại trừ lãi suất dành cho các lĩnh vực ưu tiên theo quy định từ 6,5%/năm về còn 6%/năm từ ngày 19/11/2019 vừa qua. Rõ ràng về cuối năm, nhu cầu vay vốn tăng cao, trong khi vốn đầu vào tăng chậm khiến cung cầu mất cân bằng, do đó giảm lãi suất cho vay dường như vẫn bất khả thi.
Các NH cũng khó có động lực giảm lãi suất khi đây là cơ hội cuối để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm. Việc giảm lãi suất huy động vừa qua khiến kênh tiền gửi NH trở nên kém hấp dẫn, dẫn đến nhiều khách hàng càng muốn rút tiền ra để tìm kiếm các kênh đầu tư khác, nhất là lạm phát cuối năm đang tăng nhanh.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 vừa qua tăng 0,96% so với đầu năm, đã làm lạm phát tăng 3,78%, gần với mục tiêu 4% đặt ra trong năm nay, thì với mức trần lãi suất ở 5% theo quy định mới, lãi suất thực hiện tại chỉ còn khoảng 1%. Những yếu tố trên đang đe dọa đến thanh khoản các NH.
Trong bối cảnh đó, lãi suất trên thị trường liên NH tăng trở lại là điều có thể thấy trước. Từ mức dưới 1% của tháng 10, lãi suất cho vay qua đêm giữa các NH gần đây đã vượt mốc 4%, trong khi các kỳ hạn khác từ 1 tuần, 2 tuần cho đến 1 tháng, 3 tháng cũng đi lên đáng kể, phản ánh tình trạng thanh khoản đã không còn dồi dào như trước.
Video đang HOT
Lợi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục đi xuống và đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, khi nhu cầu mua của các nhà đầu tư tiếp tục tăng, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài khi nhóm này liên tiếp mua ròng trên thị trường trái phiếu trong nhiều tháng qua, ngược với bán ròng trên thị trường cổ phiếu.
Tỷ giá không còn “bình lặng”
Chịu tác động không nhỏ từ diễn biến lãi suất thời gian qua, cộng thêm những diễn biến mới trên thị trường tiền tệ quốc tế, tỷ giá cũng thôi những ngày “bình lặng”. Sau khi NHNN giảm lãi suất, giá USD trên thị trường tự do bất ngờ đảo chiều, tăng lần lượt 75 đồng và 60 đồng ở chiều mua và bán chỉ tính riêng trong tháng 11.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là hệ quả của việc nhiều người rút tiền gửi NH để tìm kiếm cơ hội lướt sóng tỷ giá cuối năm, do dự báo tiền đồng có thể phá giá nhanh hơn trong thời gian còn lại của năm nay, khi nhu cầu ngoại tệ gia tăng cũng như trước kỳ vọng NHNN có thể rộng tay điều chỉnh khi hạn mức tăng còn khá lớn so với mục tiêu, cũng như để hỗ trợ xuất khẩu.
Xu hướng trên thị trường tự do là cùng chiều với tỷ giá trung tâm USD/VND, khi NHNN không ngừng nâng tỷ giá trung tâm. Diễn biến này được cho là chịu ảnh hưởng bởi đồng USD quốc tế đi lên và đồng nhân dân tệ mất giá khi thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung đối mặt với nguy cơ đổ vỡ, sau khi ông Trump ký thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông.
Dù vậy, tính đến ngày 7/12/2019, tỷ giá trung tâm cũng chỉ tăng chưa đến 1,5% so với đầu năm, cách khá xa so với mục tiêu 2% đặt ra trong năm nay, dù chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là sẽ kết thúc năm 2019. Theo đó, khả năng thị trường ngoại hối tiếp tục chứng kiến những biến động lớn hơn so với các tháng trước trong thời gian còn lại của năm nay là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Ở chiều ngược lại, giá mua bán USD tại các ngân hàng lại không ngừng đi xuống, khi chịu ảnh hưởng bởi bất ngờ từ ngày 29/11/2019 giá mua vào USD của Sở Giao dịch NHNN giảm 25 đồng. Nguồn ngoại tệ tại các NH cũng đang rất dồi dào, ngoài dòng tiền từ các thương vụ M&A gần đây, thì lượng ngoại tệ từ thị trường không ngừng chảy vào NH do nguồn cung tăng mạnh từ việc nền kinh tế xuất siêu, dòng vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối đang bắt đầu đổ về mạnh.
Bên cạnh đó, các NH không phải cho vay USD nhiều như trước do đối tượng vay đã bị thu hẹp từ đầu quý IV vừa qua. Tuy nhiên, với việc các ngân hàng thương mại có thể tiếp tục phải bán ngoại tệ cho NHNN để gia tăng dự trữ ngoại hối như những tháng qua có thể sẽ làm ngoại tệ lưu thông mạnh trên thị trường và cũng sẽ có những tác động lên tỷ giá.
Theo Khả Hân/doanhnhansaigon.vn
Tỷ giá ngoại tệ ngày 11/12, USD chờ một cú bứt phá
Tỷ giá ngoại tệ ngày 11/12 diễn biến theo xu hướng đồng USD đi ngang chờ một cú bứt phá với một báo cáo cho rằng các nhà đàm phán Mỹ và Trung đang chuẩn bị cho một quyết định trì hoãn vòng đánh thuế mới.
Đầu phiên giao dịch ngày 11/12 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 97,54 điểm.
USD đứng ở mức: 1 euro đổi 1,1093 USD; 108,82 yen đổi 1 USD và 1,3134 USD đổi 1 bảng Anh.
Đầu giờ sáng, đồng USD trên thị trường thế giới đi ngang chờ một cú bứt phá với một báo cáo cho rằng các nhà đàm phán Mỹ và Trung đang chuẩn bị cho một quyết định trì hoãn vòng đánh thuế mới.
Thông tin từ The Wall Street Journal cho biết, các nhà đàm phán Mỹ và Trung đang chuẩn bị hoãn vòng áp thuế theo như kế hoạch là vào ngày 15/12 tới. Các quan chức giấu tên từ cả 2 phía cho biết, 2 nước đang tìm kiếm giải pháp để đảm bảo Trung Quốc thực hiện việc mua một lượng lớn nông sản Mỹ.
Mặc dù vậy, sự thận trọng vẫn còn khá lớn bởi giới đầu tư biết rằng mọi quyết định nằm trong tay tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump có thể sẽ thay đổi nếu không đạt được những kỳ vọng đã đặt ra đối với Bắc Kinh trong hơn một năm qua.
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay: USD đi ngang.
Thị trường vẫn chưa đón nhận một sự tiến bộ cụ thể nào trong đàm phán, ngoài những lời tuyên bố tích cực từ 2 phía.
Nếu không đạt được thỏa thuận sơm, tới ngày 15/12 Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đánh thuế cao hơn đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Và khi đó, cuộc chiến thương mại có thể kéo dài.
Giới đầu tư cũng chờ đợi tín hiệu chính sách từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong phiên họp cuối cùng trong năm vào ngày 10-11/12.
Nếu Fed phát ra tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ và cân nhắc về việc tăng lãi suất thì giá đồng USD có thể sẽ tăng và ngược lại.
Trong cuộc họp tuần này, Fed được kỳ vọng sẽ giữ lãi suất ở mức từ 1,50 - 1,75%. Các đại diện của ngân hàng trung ương Mỹ đã nhấn mạnh vào việc giữ lãi suất ổn định trừ khi triển vọng kinh tế xấu đi.
Trên thị trường trong nước phiên ngày 10/12, tỷ giá USD/VND ở một số ngân hàng phổ biến ở quanh mức: 23.120 đồng/USD và 23.240 đồng/USD.
Tới cuối phiên 10/12, Vietcombank và BIDV niêm yết tỷ giá ở mức: 23.120 đồng/USD và 23.240 đồng/USD. Vietinbank: 23.101 đồng/USD và 24.221 đồng/USD. ACB: 23.120 đồng/USD và 23.220 đồng/USD.
Tính từ đầu năm 2019, đồng đô la Mỹ trong hệ thống ngân hàng tăng 15 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Chốt phiên giao dịch 10/12, tỷ giá Euro đứng ở mức: 25.497 đồng (mua) và 26.288 (bán). Tỷ giá Bảng Anh: 30.339 đồng (mua) và 30.634 (bán). Tỷ giá yên Nhật ở mức 210,0 đồng và bán ra ở mức 216,6 đồng.
V. Minh
Theo vietnamnet.vn
Xu hướng giảm lãi suất ở Việt Nam ngày càng rõ nét Làn sóng nới lỏng tiền tệ trên thế giới có vẻ chững lại nhưng xu hướng hạ lãi suất ở Việt Nam lại rõ nét hơn... Ảnh minh họa Các nhà phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, sau tín hiệu dừng hạ lãi suất của FED, làn sóng nới lỏng...