Biển Đông: Manila quyết một “canh bạc” với Bắc Kinh
Cuộc chiến pháp lý của Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông đang bắt đầu bước vào giai đoạn tăng tốc sau khi Manila tập hợp được một đội ngũ chuyên gia pháp lý cực kỳ xuất sắc để tiến hành vụ kiện chưa từng có trong tiền lệ. Đây là cuộc chiến tranh giành chủ quyền ở Biển Đông và Philippines muốn dựa vào tòa án quốc tế cũng như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển để đấu tranh cho quyền lợi của họ.
Ảnh minh họa
Manila đã quyết liệt theo đuổi vụ kiện về tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc bất chấp sự phản đối và áp lực ngày càng tăng từ phía Bắc Kinh đòi hủy bỏ vụ kiện này.
Theo giới chuyên gia nhận định, bất kỳ phán quyết nào liên quan đến cuộc tranh chấp ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đều khó có thể thực hiện do sự phản đối của Bắc Kinh. Tuy nhiên, phán quyết đó không phải là không có giá trị. Nó có sức nặng thực sự về mặt chính trị và đạo lý. Chính vì lý do đó, Philippines được cho là đã và đang dồn toàn lực vào “canh bạc” này. Manila muốn bảo đảm vụ kiện của họ thành công “bằng bất kỳ giá nào”, học giả an ninh Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, phân tích.
Nếu Philippines được xử thắng trong vụ kiện lần này thì đương nhiên họ có rất nhiều thuận lợi trong việc khẳng định chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ, lãnh hải đang nằm trong tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông bất chấp việc Bắc Kinh được tin là sẽ không chấp nhận phán quyết đó.
Tuy nhiên, “nếu đội ngũ pháp lý của Philippines trình lên tòa án những lập luận thiếu thuyết phục hơn thì điều đó sẽ đẩy họ vào tình thế khó xử và khiến họ phải quay trở lại điểm xuất phát ban đầu trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh sẽ được khích lệ để tiến lên một cách táo bạo hơn, quyết liệt trong việc tranh giành chủ quyền ở Biển Đông với các nước khác”, ông Storey cho biết.
Cuộc chiến pháp lý của Philippines nhằm vào Trung Quốc đang gây sự chú ý rất lớn đối với cộng đồng quốc tế bởi nó có ảnh hưởng rất nhiều đến cục diện tình hình đang “căng như dây đàn” ở khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên. Đặc biệt, các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc sẽ dõi theo từng bước trong vụ kiện của Manila.
Bước đầu Manila đang giành được lợi thế bởi bước đi đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại tòa án quốc tế của nước này nhận được sự ủng hộ của rất nhiều nước.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Trung Quốc đòi chủ quyền một cách thái quá và phi lý đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Điều này đã khiến không chỉ các nước láng giềng bất bình mà cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Video đang HOT
Cuộc tranh chấp nóng bỏng nhất ở Biển Đông hiện nay là giữa Philippines và Trung Quốc. Tàu thuyền Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough – một ngư trường đánh cá truyền thống của người Philippines, sau một cuộc va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với 2 tàu hải giám Trung Quốc hồi đầu năm ngoái. Các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh đã thành công trong chiến lược giành quyền kiểm soát trên thực tế đối với bãi cạn tranh chấp. Hồi đầu năm nay, Philippines đã chính thức đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc ra tòa án quốc tế để xét xử theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Manila sốt ruột, Trung Quốc tức giận
Manila thực sự đang rất sốt ruột trước tiến độ chậm chạp của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc tháo gỡ tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Nước này cũng lo sợ chủ quyền của họ bị đe dọa. Với hai lý do này, giới chức Philippines cho biết, họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc nhờ đến tòa án quốc tế.
Đội ngũ pháp lý của Manila đang chuẩn bị những lý lẽ, lập luận để chứng minh rằng yêu sách chín đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc là phi pháp, vô giá trị theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Philippines cũng muốn làm rõ về những giới hạn lãnh thổ theo luật pháp liên quan đến các bãi đá, bãi cạn như Scarborough . Đây tất cả đều là một phần của nỗ lực của Manila nhằm khẳng định các quyền của Philippines trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Luật sư hàng đầu của Philippines – ông Paul Reichler cho biết, trong đội ngũ gồm 5 thành viên của ông có hai giáo sư luật xuất sắc của Anh là Philippe Sands và Alan Boyle cùng với ông Bernard Oxman đến từ trường luật của Đại học Miami.
Giới chuyên gia luật pháp độc lập miêu tả, nhóm luật sư trên là một lực lượng “cực kỳ đáng sợ” với những kiến thức uyên thâm và kinh nghiệm sâu rộng về Luật Biển. Nhóm này sẽ được dẫn dắt bởi Tổng biện lý Francis Jardeleza của Philippines .
Trong khi Philippines nóng lòng muốn đẩy nhanh tiến trình đưa vụ kiện ra tòa án quốc tế thì Trung Quốc liên tục từ chối tham gia, nói rằng vụ kiện đó không có “cơ sở pháp lý”. Bắc Kinh được cho là sẽ bác bỏ bất kỳ phán quyết nào mà họ không đồng ý.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Hồng Lỗi từng miêu tả động thái của Manila là một sự vi phạm Tuyên bố về Cách Ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc và ASEAN ký kết năm 2002.
Theo_VnMedia
Tập trận bất thường, Nhật, Mỹ khiến Trung Quốc "giật mình"
3 tàu chiến Nhật Bản chở 1.000 binh lính sẽ ồ ạt đổ về vùng bờ biển phía nam California trong hai tuần tới để tham gia vào một cuộc tập trận "chưa từng có trong tiền lệ" với Mỹ. Mục đích của cuộc tập trận này là nhằm nâng cao năng lực tấn công đổ bộ của Nhật Bản trong bối cảnh nước này đang có cuộc tranh chấp căng thẳng với Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc biển Hoa Đông
Nhật Bản là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương
Cuộc tập trận bất thường
Sở dĩ nói cuộc tập trận trên "chưa có trong tiền lệ" là vì nó đánh dấu lần đầu tiên quân đội Nhật Bản kéo ra nước ngoài xa như vậy để tham gia tập trận và lại đi bằng tàu chiến.
Ngoài ra, cuộc tập trận ở Mỹ cũng đánh dấu bước ngoặt về mức độ tham gia của phía Nhật Bản. Trong những cuộc diễn tập quân sự trước đây, Nhật Bản thường chỉ cử bộ binh đến tham gia cùng lính thủy đánh bộ Mỹ. Lần này, Nhật Bản "tung" cả lục quân, hải quân và không quân ra phối hợp diễn tập với quân đội Mỹ, ông Takashi Inoue - phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, cho biết.
Theo các nguồn tin quân sự, Tokyo sẽ phái 3 tàu chiến, 730 lính thuộc Lực lượng Phòng vệ Hàng hải, 250 lính bộ binh, 5 lính không quân và 4 trực thăng chiến đấu đến diễn tập tấn công đổ bộ với Thủy quân lục chiến Mỹ.
Cuộc tập trận mang tên Dawn Blitz 2013 còn có sự tham gia của các lực lượng đến từ New Zealand và Canada.
Trong cuộc tập trận dự kiến kết thúc vào ngày 28/6 này, binh lính Nhật Bản sẽ được đào tạo những kỹ năng "thực sự cần thiết" để giúp họ triển khai một cách nhanh chóng cho nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ hoặc tham gia công tác cứu trợ thảm hoạ, ông Inoue cho biết. Với khả năng đổ bộ hạn chế, Nhật Bản cần sự giúp đỡ từ phía Thuỷ quân lục chiến Mỹ để giải cứu người dân trong thảm hoạ kép động đất-sóng thần năm 2011.
Lực lượng Nhật Bản sẽ tiến hành một bài diễn tập tấn công đổ bộ vào quần đảo San Clemente Island - một bãi tập hải quân ở ngoài khơi bờ biển San Diego, và một cuộc xâm nhập giả định vào Căn cứ Hải quân Pendleton.
Giới chức quân sự Mỹ và Nhật Bản cho biết, cuộc tập trận chưa từng có trong lệ với phía Nhật Bản sẽ do lực lượng lính thuỷ đánh bộ và thuỷ thủ Mỹ chỉ huy. Cuộc tập trận này sẽ giúp Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phối hợp chặt chẽ hơn với đồng minh Mỹ và phản ứng tốt hơn với các cuộc khủng hoảng như thảm hoạ thiên nhiên.
Trung Quốc bất an trước cuộc tập trận Mỹ-Nhật
Tuy nhiên, Trung Quốc lại nhìn cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật theo hướng khác trong bối cảnh Tokyo và Bắc Kinh đang có cuộc tranh chấp kéo dài liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
"Đây sẽ là một điểm khác nữa mà Trung Quốc tin rằng, đó là hành động thể hiện sự tăng cường hợp tác quân sự" giữa Mỹ và Nhật Bản, ông Tai Ming Cheung - một nhà phân tích về các vấn đề an ninh Đông Á và Trung Quốc thuộc Viện Hợp tác và Xung đột Toàn cầu ở trường Đại học California, San Diego, cho hay.
Bắc Kinh đã đề nghị Washington và Tokyo huỷ bỏ cuộc tập trận nói trên, hãng tin Kyodo dẫn lời các nguồn tin giấu tên trong chính phủ Nhật Bản cho biết. Mặc dù Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nhật Bản không xác nhận có hay không việc Trung Quốc đưa ra yêu cầu nói trên nhưng hai cơ quan này khẳng định họ sẽ tiếp tục tiến hành cuộc tập trận như kế hoạch.
Các quan chức quân sự Mỹ cho biết, củng cố năng lực tấn công đổ bộ của Nhật Bản là điều vô cùng quan trọng trong bối cảnh Mỹ đang tập trung chú ý vào việc phát triển chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương. Khu vực này đang chìm trong căng thẳng vì những vụ thử hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên cũng như các cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng giữa Trung Quốc với một loạt nước láng giềng.
"Nếu thế kỷ 20 dạy chúng ta bất kỳ điều gì thì đó chính là, khi các nền dân chủ có thể và sẵn sàng bảo vệ họ thì điều đó cũng bảo vệ hoà bình và sự ổn định. Hầu hết các nước Châu Á đều hoan nghênh một lực lượng Nhật Bản có năng lực hơn và thân thiết với lực lượng của Mỹ", Đại tá Grant Newsham, người phụ trách liên lạc giữa hải quân Mỹ với quân đội Nhật Bản, cho biết.
Cuộc tập trận Mỹ-Nhật diễn ra chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama tại một khu nghỉ ở California. Hai nhà lãnh đạo được cho là đã bàn một loạt chủ đề, trong đó có vấn đề căng thẳng leo thang ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Trung Quốc gần đây đang tranh giành quyết liệt chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông với Nhật Bản.
Hải quân Nhật Bản là một trong những lực lượng được đào tạo tốt nhất và được trang bị tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, kỹ năng tấn công vào các bờ biển cũng như các năng lực đổ bộ khác của Nhật Bản còn yếu kể từ khi lực lượng quốc phòng của họ được thành lập những năm 1950.
Để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc - trong đó có việc nước này có tàu sân bay đầu tiên hồi năm ngoái, Nhật Bản đang mua tàu đổ bộ và tăng cường huấn luyện lực lượng để chuẩn bị cho khả năng có thể xảy ra các cuộc xung đột ở quần đảo tranh chấp
Việc Tokyo tập trận để nâng cao năng lực tấn công đổ bộ "rất có ý nghĩa" bởi Mỹ có nghĩa vụ phải bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản theo hiệp ước an ninh thời hậu thế chiến II, một nhà phân tích Mỹ nhận định. Theo ông này, "chúng ta không thể yêu cầu những lính thuỷ đánh bộ trẻ của Mỹ chiến đấu và hy sinh vì thực hiện một nhiệm vụ mà lực lượng Nhật Bản không thể hoặc sẽ không làm. Thuỷ quân lục chiến Mỹ sẽ giúp nhưng họ cũng phải là một lực lượng có năng lực".
Theo vietbao
Biển Đông: Mỹ đóng vai trò gì? Trong lúc Trung Quốc và ASEAN đang có cuộc họp bàn về một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), Thượng nghị sĩ Robert Menendez - một chính khách của Đảng Dân chủ đến từ New Jersey và là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đã có bài viết nói về vai trò của Mỹ trong các cuộc...