Biển Đông lại dậy sóng vì đảo nhân tạo Trung Quốc
Việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo với sân bay tại quần đảo Trường Sa khiến sóng gió lại nổi lên ở Biển Đông, nhất là kể từ khi Bộ Quốc phòng Mỹ lên tiếng về hành động này của Bắc Kinh, theo RFI.
Đảo Đá Chữ Thập mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiều ( Yongshu Reef ) là đảo đầu tiên có đường băng cho máy bay cất cánh và hạ cánh/DR
Theo một báo cáo do tuần báo quốc phòng của Mỹ IHS Jane’s Defence công bố ngày 21/11/2014, với các hình ảnh chụp từ vệ tinh, công trình xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đã bắt đầu từ cách đây ba tháng trên Đá Chữ Thập, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử ( Yongshu Reef ).
Đảo nhân tạo này có chiều dài 3 km và chiều ngang từ 200 đến 300 mét. Đây là đảo nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc có một sân bay nhỏ ở Trường Sa và đảo này cũng có một hải cảng có thể tiếp nhận các chiến hạm.
Theo đánh giá của tạp chí IHS Jane’s Defence, dự án mới trên Đá Chữ Thập “dường như là được thiết kế để buộc các bên khác phải từ bỏ những đòi hỏi chủ quyền của họ, hay ít ra giúp cho Trung Quốc có một vị thế mạnh hơn nếu sau này có đàm phán về những tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa”.
Thật ra thì ngay từ ngày 06/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã phản đối “các hoạt động cải tạo phi pháp” của Trung Quốc trên bãi Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa mà Hà Nội khẳng định là của Việt Nam.
Video đang HOT
Ông Lê Hải Bình cho biết đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối về công trình này.
Về phía Philippines, ngày 25/11/2014, Ngoại truởng Albert Del Rosario thông báo là bộ Ngoại giao nước này từ ngày 10/10 cũng đã gởi một công hàm đến Trung Quốc để phản đối việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo trên Đá Chữ Thập, mà Philippines gọi là Kagitingan Reef.
Ngay cả Đài Loan lên tiếng phản đối công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền “lịch sử” của Đài Bắc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phát ngôn của bộ Ngoại giao Đài Loan Cao An kêu gọi các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông không nên có bất cứ hành động đơn phương nào có thể gây phương hại đến hòa bình và ổn định trong vùng.
Công trình xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa cũng đã khiến sóng gió lại nổi lên trong quan hệ Mỹ – Trung.
Vào cuối tuần trước, phát ngôn viên Lầu Năm Góc đã yêu cầu Bắc Kinh đình chỉ dự án xây đảo nhân tạo nói trên.
Hôm 24/11/2014 phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã nhắc lại lập trường của Washington rằng các công trình xây dựng quy mô như vậy có thể “khiến tình hình thêm phức tạp hoặc leo thang”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức lên án những chỉ trích nói trên của Mỹ là “vô trách nhiệm”. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao nước này, bà Hoa Xuân Oánh khẳng định rẳng các hoạt động xây dựng chỉ là nhằm “cải thiện điều kiện sống và làm việc của nhân viên trên đảo, để họ có thể thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế về tìm kiếm, cứu hộ”.
Giới quân sự Trung Quốc cũng đã lên tiếng bảo vệ dự án đảo nhân tạo ở Trường Sa. Trên tờ Hoàn cầu Thời báo số ra ngày 24/11/2014 tướng La Viên ( Lou Yuan ) cho rằng đây là một dự án “hoàn toàn chính đáng và xác đáng”.
Theo viên tướng này, “Hoa Kỳ đã tỏ rõ sự thiên vị, bởi vì Philippines, Malaysia, Việt Nam đã xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự” trong vùng quần đảo Trường Sa.
Tướng La Viên còn lớn tiếng tuyên bố rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ chống lại mọi áp lực quốc tế để tiếp tục dự án này.
Theo NTD/Bizlive
Trung Quốc có thể mở rộng bãi đá ở Trường Sa tới 30km2
Những hình ảnh vệ tinh do hãng chuyên nghiên cứu quốc phòng Anh IHS Jane's chụp đá Chữ Thập từ ngày 8/8 đến 14/11 cho thấy Trung Quốc đã bồi lấp bãi đá này thành nơi có thể xây dựng sân bay dài khoảng 3 km, rộng 200 - 300m.
Trung Quốc có thể mở rộng bãi đá ở Trường Sa tới 30km2.
Sân bay này đủ khả năng cho máy bay ném bom chiến lược H-6 và máy bay vận tải quân sự Y-20 cất hạ cánh. Trung Quốc còn xây dựng một cảng mới đủ sức chứa tàu tiếp vận. Các chuyên gia quân sự tin rằng, Bắc Kinh đang nhắm mục tiêu xây dựng một căn cứ chiến lược tại đá Chữ Thập.
Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng một căn cứ chiến lược tại Chữ Thập có thể làm đảo lộn thế cân bằng quyền lực tại khu vực tranh chấp ở biển Đông theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Đặc biệt, đá Chữ Thập chỉ nằm cách cảng Cam Ranh của Việt Nam 460 km. Nếu Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh cải tạo, có thể mở rộng diện tích đá Chữ Thập rộng tới 30 km2.
Mỹ vừa kêu gọi Trung Quốc "đóng băng" hoạt động cải tạo đảo mang tính khiêu khích ở biển Đông. Bắc Kinh từ chối xác nhận việc xây đảo lớn nhất tại Trường Sa, nhưng lại ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc cần xây dựng các cơ sở tại biển Đông vì lý do chiến lược.
Giáo sư Ni Lexiong thuộc Đại học Thượng Hải nói rằng, các hoạt động cải tạo, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm phá vỡ thế cân bằng ở Trường Sa và mở rộng ảnh hưởng xuống biển Đông.
Một khi Trung Quốc thiết lập căn cứ thường trực vững chắc tại khu vực, các chiến lược của nước này sẽ trở lên khó lường hơn. Thậm chí, sẽ cho phép Bắc Kinh dùng sức mạnh chiếm giữ các đảo, đá do các nước khác kiểm soát. Xây đảo ở biển Đông còn có thể giúp Trung Quốc đáp trả mạnh mẽ chiến lược "xoay trục" châu Á của Mỹ.
Theo Tiền Phong
'Trung Quốc đang lập mưu đánh lạc hướng các nước' Trung Quốc đang chìa một "cánh tay hòa bình" nhằm kéo sự chú ý của các nước trong khu vực khỏi hoạt động mà cánh tay còn lại đang làm - đó là tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự tại biển Đông, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á nhận xét. Tàu tuần duyên Trung Quốc...