Biến động chứng khoán Trung Quốc nguy hiểm đến mức nào?
Từ cuối năm ngoái, giới đầu tư Trung Quốc được khuyến khích tích cực mua vào cổ phiếu. Song gần đây, thị trường lao dốc, ‘giấc mơ’ đổ vỡ. Điều này tác động thế nào lên nhà đầu tư, thị trường chứng khoán nước này và nhiều nước khác?
Biến động từ thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nhiều đối tượng – Ảnh: AFP
Biến động mạnh, tương lai ảm đạm được dự báo
Ngày 16.6, tờ South China Morning Post dẫn báo cáo của hãng tư vấn tài chính BCG cho biết “dân số triệu phú đô la Mỹ” ở Trung Quốc tăng đến 4 triệu người trong năm ngoái. Nhóm tỉ phú hàng đầu Trung Quốc sở hữu đến 565 tỉ USD, tăng 200 tỉ USD so với năm 2014, theo Forbes. Thị trường chứng khoán tăng đến 38% được xem là một trong những nguyên nhân cho kết quả trên.
Tuy nhiên, tính từ mức đỉnh được lập ra hôm 12.6 đến nay, chỉ số Shanghai Composite đã giảm khoảng 32%. Hôm 3.7, Bloomberg đưa tin chỉ số này vừa có mức giảm trong 3 tuần thấp kỷ lục kể từ năm 1992.
Hạ lãi suất cơ bản và tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm số đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), nới lỏng quy định cho vay ký quỹ chứng khoán, cung cấp thanh khoản hỗ trợ thị trường… Liên tiếp 10 ngày, hầu như đêm nào Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cũng công bố các biện pháp phục hồi niềm tin của giới đầu tư ở thị trường mất đến 3.900 tỉ USD trong chưa tròn một tháng.
Dù vậy, hôm 8.7, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin ít nhất 1.430 công ty trong tổng số 2.800 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán đã tạm ngừng giao dịch, khoảng 2.600 tỉ USD đóng băng.
Song kết phiên giao dịch ngày 9.7, tình hình đảo ngược. Bloomberg cho hay Shanghai Composite – chỉ số cơ bản của thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng 5,8%, mức tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 2009.
Theo South China Morning Post hôm 9.7, thị trường chứng khoán Trung Quốc xuống dốc là điều được dự báo trước, phản ứng của chính phủ khó ngăn chặn được đà giảm tiếp theo và một cuộc khủng hoảng tài chính là điều không phải bàn cãi.
CNN dẫn báo cáo của Ngân hàng Merrill Lynch thuộc Bank of America cho biết: “Chúng tôi luôn nhận định Trung Quốc có nguy cơ cao về một cuộc khủng hoảng tài chính. Những gì vừa diễn ra trên thị trường chứng khoán có khả năng làm tăng đáng kể rủi ro”.
Video đang HOT
Hãng quản lý tài sản AXA Investment Managers thì nhận định: “Việc thị trường tiếp tục giảm như chúng ta thấy những tuần qua có thể sẽ nhanh chóng biến thành một cuộc khủng hoảng toàn diện. Một khi đã có thiệt hại, thị trường chứng khoán có thể mất nhiều năm để phục hồi. Đây là khoảng thời gian Trung Quốc không thể chịu được vì các kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế của nước này”.
Nhà đầu tư Trung Quốc ra sao?
Rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc – Ảnh: AFP
Theo Forbes, từ ngày 12.6 đến nay, 195 tỉ USD đã bốc hơi khỏi tài sản của 200 tỉ phú Trung Quốc.
Tỉ phú số một Đại lục, thứ 10 thế giới Wang Jianlin mất 6,5 tỉ USD từ ngày 12.6 vì giá cổ phiếu của 2 công ty ông góp vốn liên tục giảm. Tài sản của Wang Wenyin, tỉ phú là Chủ tịch Công ty Amer International Group, thiệt hại nặng 7,3 tỉ USD trong gần một tháng qua. Jack Ma mất 3,7 tỉ USD còn Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư Tencent Pony Ma thì nhìn 1,2 tỉ USD “ra đi” chỉ trong một ngày.
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ, những ông bà cụ đã dốc hết tiền tiết kiệm vào chứng khoán từng hưởng lợi cao khi cổ phiếu Trung Quốc tăng giá, nay sẽ là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất khi thị trường lao dốc, theo CNN.
Bloomberg dẫn lời Zhang Minmin, một người chơi cổ phiếu 32 tuổi tại Trung Quốc: “Khi thị trường đi lên, tôi có thể kiếm đủ tiền để mua một chiếc Audi trong một hoặc hai tuần. Song khi thị trường tuột dốc, một nửa chiếc Audi cũng có thể ra đi trong phút chốc”.
Zhang chỉ là một trong hàng chục nghìn người chơi cổ phiếu Trung Quốc bằng cách vay tiền với lãi suất cao thông qua các nhà băng trực tuyến.
Ảnh hưởng thế nào lên thị trường thế giới?
Việc giá cổ phiếu của công ty Trung Quốc niêm yết ở Đại lục sụt giảm cũng ảnh hưởng các cổ phiếu của công ty Trung Quốc niêm yết trên các thị trường chứng khoán ở Mỹ và Hồng Kông (Trung Quốc). Sáng 7.7, giá cổ phiếu của hãng Alibaba Group hạ xuống mức thấp nhất kể từ ngày IPO, theo Bloomberg.
Hôm 8.7, cổ phiếu ở các nước và vùng trong khu vực bị ảnh hưởng rộng khắp. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông giảm 5,8%, Nikkei của Nhật Bản mất 3%, theo ABC News.
Một thị trường chứng khoán sụt giảm chóng vánh là dấu hiệu cho nền kinh tế trong tình trạng hỗn loạn, theo CNN. Các nước châu Á – Thái Bình Dương như Việt Nam, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc lo lắng về nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới hơn là cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp – đất nước có nền kinh tế chỉ lớn hơn Algeria, Qatar và chiếm 2% GDP châu Âu.
Ngoài ra, Trung Quốc còn là đối tác thương mại lớn thứ hai của cả châu Âu và Mỹ. Hẳn nhiên, một Trung Quốc có nền kinh tế khỏe mạnh sẽ là tin tốt đối với các nước phát triển, CNN nhận định.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
"Sóng thần" chứng khoán Trung Quốc giống hệt Việt Nam 10 năm trước
Theo Ts Nguyễn Trí Hiếu, ảnh hưởng của sự lao dốc không phanh của chứng khoán Trung Quốc đối với Việt Nam chỉ là tâm lý. Việt Nam có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng chứng khoán.
Khoảng 1.300 công ty ngừng giao dịch cùng với hơn 3.500 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng. Chứng khoán Trung Quốc đang được ví như "cơn ác mộng" khiến giới đầu tư e ngại, sợ hãi.
Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, Ts Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khủng hoảng thị trường chứng khoán Trung Quốc có lẽ được giảm nhẹ hơn nếu Trung Quốc học được từ bài học xương máu từ cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán của Việt Nam năm 2008.
"Xu hướng nhà nhà chơi chứng khoán, người người lên sàn như của Trung Quốc thời gian qua chẳng khác gì thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2006 và hệ quả là không lâu sau, năm 2008 chúng ta cũng đã chịu hậu quả tương tự, với nhiều thiệt hại", TS. Hiếu cho biết.
Phân tích nguyên nhân khiến bong bóng chứng khoán Trung Quốc bị vỡ, ông Hiếu cho rằng, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tồn tại tình trạng bong bóng lâu rồi và vỡ là điều tất yếu dù cho Chính phủ Trung Quốc tìm mọi cách can thiệp ngăn chặn để đưa quy mô thị trường này về giá trị thực cũng như biện pháp giảm thiểu tác hại.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu kết luận: Nguyên nhân chính là do Trung Quốc không quyết liệt ngăn chặn bong bóng ngay từ đầu và một lượng lớn nhà đầu tư vẫn còn đầu tư theo tâm lý.
"Khởi đầu của cơn ác mộng này, bắt nguồn từ chính sách hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hồi tháng 11/2014, khiến lượng tiền đổ vào cổ phiếu nhiều hơn, ồ ạt các công ty huy động vốn qua kênh này. Tiếp đó là chủ trương kết nối hai thị trường chứng khoán Thượng Hải - Hồng Kông dẫn đến kỳ vọng nhà đầu tư và đặc biệt biện pháp kỹ thuật là bắt buộc ký quỹ ít, lợi nhuận nhà đầu tư tăng... khiến từ bà nội trợ đến ông lái taxi lên sàn kiếm lời.
Theo giới chuyên môn, có đến 90% người chơi chứng khoán tại Trung Quốc à những bà nội trợ, những người lái xe taxi và những người chơi không chuyên nên tâm lý đám đông ảnh hưởng lớn đến chiến lược đầu tư. Chính vì những biện pháp nới lỏng thị trường mà giá trị cổ phiếu của nước này đến 12/6 lên tăng 150% so với 1 năm trước đó.
Sau khi phát hiện bất thường, chính phủ Trung Quốc đã dùng nhiều biện pháp thắt chặt hơn: yêu cầu các công ty nhà nước chỉ được mua vào, không được bán ra; UBCK Trung Quốc tạm dừng phát hành cổ phiếu, nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài; còn các nhà đầu tư trong nước đẩy mạnh mua vào sau đó ồ ạt bán tháo kiếm lời.
Phân tích thêm về hệ quả của cơn ác mộng chứng khoán Trung Quốc, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia Kinh tế cho biết: "Việc thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ, hậu quả có thể kéo dài và tác động của nó là rất mạnh đối với nền kinh tế. Bán tháo, ngừng đổ vốn và rút vốn sẽ được diễn ra trong lúc này và nay mai khỏi Trung Quốc. Ảnh hưởng tâm lý sẽ tăng cao đối với các nền kinh tế khác nếu Trung Quốc là nhà đầu tư. Riêng với Việt Nam, chưa có thống kê nào về doanh nghiệp Việt Nam niêm yết tại Thượng Hải, Hồng Kông nên tác động chỉ là ảnh hưởng tâm lý".
Ông Phong nói thêm: Với giá trị vốn hóa thị trường Trung Quốc lên tới hơn 7.000 tỷ USD, sự suy giảm 45% doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ tác động rất mạnh vào nền kinh tế nước này cũng như tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu.
Theo Ts Nguyễn Trí Hiếu, ảnh hưởng của sự lao dốc không phanh của chứng khoán Trung Quốc đối với Việt Nam chỉ là tâm lý. Và nói cho cùng Việt Nam có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng chứng khoán làm đồng vốn dắt lưng.
Ông Hiếu nói thêm, bài học lớn nhất rút ra sau cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 2006 - 2008 là việc chúng ta thắt chặt bán khống, tỷ lệ cho vay từ ngân hàng để đổ tiền vào chứng khoán và mới đây nhất Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN, theo đó quy định, các NHTM chỉ được cấp tín dụng dưới hình thức cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá đối với khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu khi đáp ứng điều kiện đảm bảo các giới hạn về tỷ lệ đảm bảo an toàn, có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng trong lĩnh vực kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ. Đây là một trong những cách mà Việt Nam ổn định thị trường chứng khoán, tránh đổ vỡ.
Nguyễn Tuyền
Theo Dantri
Cơn ác mộng mang tên "chứng khoán Trung Quốc" Ở Trung Quốc, bàn tay vô hình của thị trường đôi khi cũng cần sự trợ giúp từ những bàn tay sắt của Nhà nước. Điều đó đặc biệt đúng trong cơn "khủng hoảng" khi giá trị cổ phiếu trên sàn giao dịch Trung Quốc "bốc hơi" hơn 3.500 tỷ USD trong vòng chưa đầy 1 tháng. Chính phủ Trung Quốc không hề...