Biến đổi khí hậu – Thủ phạm làm gia tăng nguy cơ lũ lụt ở Trung Âu
Trong báo cáo công bố ngày 25/9, một nhóm nhà khoa học quốc tế cho biết biến đổi khí hậu đã làm tăng gấp đôi nguy cơ xảy ra mưa lớn gây lũ lụt, như trận lụt nghiêm trọng ở Trung Âu trong tháng này, đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách hành động để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.
Người dân di chuyển tại vùng ngập lụt ở Osiecznica, miền Tây Ba Lan, ngày 24/9/2024. Ảnh: PAP/TTXVN
Trận lũ lụt tồi tệ nhất tấn công Trung Âu trong ít nhất 2 thập kỷ qua đã khiến 24 người thiệt mạng, gây ngập úng tại nhiều thị trấn, làm hư hại nhiều tòa nhà và cầu đường, buộc các chính phủ phải chi hàng tỷ USD cho công tác sửa chữa và khắc phục hậu quả.
Báo cáo của World Weather Attribution cho thấy bão Boris hoành hành trong 4 ngày với lượng mưa kỷ lục cho khu vực. Các chuyên gia nhận định tình trạng biến đổi khí hậu đã làm tăng gấp đôi nguy cơ xảy ra những trận mưa lớn và mức độ nghiêm trọng tăng hơn 7%.
Video đang HOT
Joyce Kimutai, nhà nghiên cứu tại Viện Grantham thuộc trường Imperial College London (Anh) và là đồng tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh: “Một lần nữa, những trận lũ này làm nổi bật hậu quả tàn khốc của hiện tượng nóng lên toàn cầu do sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Cho đến khi dầu mỏ, khí đốt và than đá được thay thế bằng năng lượng tái tạo, những cơn bão như Boris dự báo sẽ gây ra lượng mưa lớn hơn, dẫn đến lũ lụt có nguy cơ làm tê liệt nền kinh tế”.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, mặc dù các yếu tố thời tiết gây ra cơn bão – bao gồm không khí lạnh từ dãy Alps và không khí ấm từ Địa Trung Hải và Biển Đen – là bất thường, nhưng biến đổi khí hậu đã làm cho những cơn bão này trở nên dữ dội hơn và có khả năng xảy ra thường xuyên hơn.
Theo dự báo, với nhiệt độ tăng thêm 1,3 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp, một cơn bão tương tự bão Boris có thể xảy ra trung bình khoảng 100 – 300 năm một lần. Tuy nhiên, nếu mức tăng 2 độ C, điều này có thể dẫn đến lượng mưa tăng ít nhất 5% và tần suất xảy ra cao hơn khoảng 50% so với hiện tại, dự kiến sẽ xảy ra vào những năm 2050.
Ít nhất 22 người thiệt mạng do bão Boris hoành hành tại Trung Âu
Ngày 17/9, các nhà chức trách cho biết số người thiệt mạng do thời tiết khắc nghiệt và lũ lụt từ bão Boris gây ra ở Trung Âu đã tăng lên 22 nạn nhân.
Ngập lụt tại Klodzko, Tây Nam Ba Lan, ngày 15/9/2024. Ảnh: PAP/TTXVN
Tuần trước, gió mạnh và lượng mưa lớn bất thường đã tấn công các vùng rộng lớn tại Áo, CH Séc, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia. Mặc dù thời tiết có vẻ đã ổn định hơn ở một số nơi, song chính quyền yêu cầu người dân vẫn phải thận trọng do độ ẩm trong đất vẫn lớn và nước tại các con sông đang có dấu hiệu tràn bờ.
Hai thành phố lớn Opole ở phía Nam và thành phố Wroclaw ở phía Tây Ba Lan, vẫn đang chuẩn bị cho đợt lũ sắp tới, với nguy cơ các con đê trong khu vực có thể bị vỡ.
Lực lượng cảnh sát Ba Lan ngày 17/9 thông báo có thêm 3 người thiệt mạng do bão Boris, nâng tổng số nạn nhân thiệt mạng ở nước này lên 7 người. Cùng ngày, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk thông báo sẽ cung cấp thêm viện trợ cho người dân ở Ba Lan bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Tổng số tiền viện trợ đã lên 2 tỷ zloty (520 triệu USD).
Áo cũng ghi nhận thêm một trường hợp thiệt mạng do bão Boris, nâng tổng số nạn nhân tại nước này lên 5 người. Đội cứu hỏa đã tìm thấy thi thể của nạn nhân xấu số tại bang Hạ Áo - bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở quốc gia vùng núi cao này.
Tại CH Séc, bể chứa nước lớn nhất Rozmberk ở phía Nam, đã tràn bờ. Ngoài ra, hơn 60.000 ngôi nhà vẫn đang phải vật lộn trong cảnh thiếu điện, chủ yếu ở phía Đông Bắc của đất nước. Tối hôm 16/9, khoảng 500 người đã được đưa đi sơ tán, trong đó có cả trẻ em. Nước này cũng ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bão lũ.
Các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra đang làm tăng tần suất và cường độ của các sự kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa xối xả và lũ lụt.
Ông Andreas von Weissenberg thuộc Liên đoàn Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (IFRC) cho biết, các đội Chữ thập đỏ ở mỗi địa phương đang nỗ lực hỗ trợ công tác cứu hộ và sơ tán những người dân gặp nạn.
Ông von Weissenberg cũng cho biết, các nghiên cứu nhằm xác định sự liên kết giữa biến đổi khí hậu và những sự kiện thời tiết khắc nghiệt dự kiến sẽ được tiến hành trong những tháng tới.
Mực nước sông Danube của Hungary dâng cao kỷ lục sau bão Boris Ngày 21/9, mực nước sông Danube đoạn qua thủ đô Budapest của Hungary đã đạt mức cao nhất trong 10 năm qua, sau khi cơn bão Boris hoành hành ở châu Âu. Mưa lớn do bão Boris khiến mực nước tại nhiều con sông ở Trung Âu tràn bờ, gây lũ lụt trên diện rộng và khiến ít nhất 22 người thiệt mạng....