Biến chứng nguy hiểm do virus Zika
Những trường hợp mắc bệnh do virus Zika có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và vô sinh ở nam giới.
Virus Zika gây ra tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Nguồn: Internet
Virus Zika nguy hiểm hơn mọi người nghĩ
Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế về virus Zika, sau khi tham khảo ý kiến từ các chuyên gia hàng đầu về dịch tễ học, y tế công cộng và bệnh truyền nhiễm từ khắp thế giới. Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị hoặc vắc xin phòng bệnh do virus Zika.
Người nhiễm virus Zika thường nhẹ và không phổ biến, tuy nhiên, virus này lại gây ra biến chứng nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), virus Zika thường được biết là loại virus gây tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nếu phụ nữ mang thai nhiễm bệnh. Đây là dị tật bẩm sinh ở một em bé có kích thước đầu nhỏ hơn so với nhiều trẻ em cùng giới tính và tuổi. Căn bệnh này gây chậm phát triển thần kinh, nói năng, vận động và tăng trưởng.
Những em bé bị nhiễm Zika trước khi sinh có thể bị tổn thương mắt và/hoặc phần não chịu trách nhiệm về thị lực, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thị giác.
Một nghiên cứu của Brazil đã chỉ ra rằng các bé cũng bị nhiễm virus Zika bẩm sinh đã trải qua các cơn co giật và các vấn đề về thính giác và thị giác, chẳng hạn như không phản ứng với âm thanh của tiếng kêu và không thể theo dõi một vật thể chuyển động bằng mắt.
Bên cạnh đó, người nhiễm virus Zika có nguy cơ mắc bệnh Guillain-Barré (GSB) cao hơn GSB trong nhóm viêm đa rễ dây thần kinh. Đây là một hội chứng với các biểu hiện tổn thương lan tỏa nơron thần kinh ngoại vi cả vận động và cảm giác; giảm vận động, cảm giác ở ngoại vi, thường biểu hiện cả hai bên, có tính chất đối xứng, ở gốc chi nhiều hơn ngọn chi, tổn thương có tính chất lan, gây yếu cơ, tê liệt thần kinh.
Giáo sư Sujan Shresta, thành viên nhóm nghiên cứu thuộc Viện Dị ứng và Miễn dịch La Jolla ở California (Mỹ) cho biết virus Zika cũng xâm nhập và tàn phá não người, gây tổn thương trí nhớ lâu dài, gây bệnh Alzheimer.
ThS. Bác sĩ nội trú Nguyễn Quốc Thái, Phòng Cấp cứu, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã từng chia sẻ, bệnh do virus Zika có biến chứng nặng, kể cả tử vong. Biến chứng nặng khiến người bệnh tử vong do Zika là hội chứng viêm đa dây rễ thần kinh, biểu hiện liệt từ chân đến bụng đến cơ hô hấp. Mặc dù tỷ lệ gặp hội chứng đó thấp nhưng vẫn có.
Hơn nữa, virus Zika có thể gây ra bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến não, gây sưng não hoặc tủy sống hoặc rối loạn máu có thể dẫn đến chảy máu, bầm tím hoặc làm chậm đông máu.
Các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm thế nào virus Zika ảnh hưởng đến các bà mẹ và con cái của họ để hiểu rõ hơn về đầy đủ các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn mà nhiễm virus Zika khi mang thai có thể gây ra.
Video đang HOT
Không chỉ trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng nặng do virus Zika mà nam giới khi nhiễm virus Zika cũng có khả năng bị vô sinh. Tờ Telegraph cho hay, nghiên cứu của Đại học Y Washington (Mỹ) phát hiện virus Zika có khả năng làm teo tinh hoàn đến 90%, tăng nguy cơ vô sinh. Nghiên cứu này tiến hành thí nghiệm xem xét ảnh hưởng của virus Zika lên loài chuột.
Kết quả nghiên cứu cho thấy virus Zika làm cho tinh hoàn của chuột teo lại, phá hủy cấu trúc nội tế bào, giảm đột ngột mức testosterone và số lượng tinh trùng. Thậm chí, sau 6 tuần tách virus khỏi cơ thể chuột, tình trạng teo tinh hoàn của chúng vẫn không cải thiện. Một số nhà nghiên cứu cho rằng ảnh hưởng này có thể kéo dài và vĩnh viễn không thay đổi.
Triệu chứng nhiễm virus Zika
Bệnh do virus Zika có thời gian ủ bệnh là từ 3 – 12 ngày, có 60-80% không có biểu hiện, chỉ có 20% là có biểu hiện, đây là lý do đáng lo ngại vì có những bệnh nhân nhiễm virus Zika mà không có biểu hiện, họ là những người mang mầm bệnh có thể lây truyền cho người khác. Như vậy, bề chìm của bệnh là ta không phát hiện ra được.
Biểu hiện bệnh thường chỉ có sốt nhẹ, phát ban thường ở phần thân mình, không lộ ra ở trên mặt hay ở bàn tay, bàn chân. Tuy nhiên, có biểu hiện là mắt đỏ, giống như viêm kết mạc nhưng không có gỉ, kèm theo người bệnh bị đau mỏi khớp từ 2 – 7 ngày.
Nhiều trường hợp bệnh nhẹ đến mức người bệnh không để ý. Bệnh có thể gây tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là đối với phụ nữ mang thai, đặc biệt, virus Zika chủ yếu ảnh hưởng tới thai nhi ở 3 tháng đầu mang thai.
Tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Nam chỉ số muỗi Aedes luôn cao, nên nguy cơ bệnh lây trong cộng đồng là rất cao. Ngoài ra, bệnh do virus Zika còn có khả năng lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn và truyền máu không an toàn.
Khuyến cáo phòng tránh lây nhiễm virus Zika
Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam mới đây đã ghi nhận một trường hợp mắc bệnh do virus Zika. Đó là trường hợp nam bệnh nhân, 25 tuổi (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Bệnh do virus Zika là bệnh có chung véc-tơ (trung gian truyền bệnh) với sốt xuất huyết hiện vẫn ghi nhận rải rác tại một số tỉnh, thành phố phía Nam trong những năm gần đây.
Ngay sau khi phát hiện ca bệnh virus Zika ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương sớm triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát và lan rộng, chủ động truyền thông phòng dịch Zika và sốt xuất huyết từ trước khi dịch gia tăng mạnh do vào mùa.
Triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), huy động các ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội tích cực tham gia triển khai chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải… là nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức loại bỏ và tiêu diệt bọ gậy.
Tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng. Tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện. Thực hiện lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực để tiến hành xét nghiệm khẳng định nhằm đánh giá sự lưu hành của virus Zika để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.
Để phòng bệnh do virus Zika, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, cách tốt nhất là giảm sự tiếp xúc giữa muỗi và người. Các hoạt động có thể thực hiện bằng sử dụng thuốc chống côn trùng, mặc quần áo (tốt nhất là sáng màu) che các phần của cơ thể càng nhiều càng tốt và thường xuyên nằm ngủ có mắc màn.
Người du lịch khi đi đến vùng lưu hành virus Zika tự bảo vệ bản thân khỏi muỗi đốt, phụ nữ mang thai nên tư vấn cán bộ y tế trước và sau khi trở về.
Những phụ nữ đang và sẽ mang thai có khả năng phơi nhiễm cao, cần có biện pháp để tránh muỗi đốt, đặc biệt là không nên đến những vùng có muỗi, vùng có dịch Zika; nên được tư vấn bởi nhân viên y tế để theo dõi thai và dự phòng.
Ngoài ra, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm/nghi nhiễm virus Zika để phòng lây truyền virus Zika qua đường tình dục.
Bệnh do virus Zika là bệnh có chung véc tơ truyền với sốt xuất huyết, đều do cùng loài muỗi Aedes, chủ yếu là Aedes Aegypti ở vùng nhiệt đới. Đây cũng là loại muỗi trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, Chikungunya và sốt vàng… Muỗi truyền bệnh bằng cách hút virus từ người nhiễm bệnh và sau đó chuyển vào người bình thường.
Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC), virus Zika phát hiện đầu tiên ở khỉ vào năm 1947, tại Uganda, thông qua mạng lưới giám sát bệnh sốt vàng Sylvatic. Năm 1954, virus này lần đầu tiên được phân lập trên người từ 3 cư dân ở Nigeria. Đến năm 1959-1960, bệnh được xác định và lan truyền sang người.
Năm 2016, bệnh do virus này xuất hiện nhiều trên thế giới, đặc biệt là ở Brazil, Tại Brazil, nơi có nhiều ca bệnh được thông báo nhất, có 4.000 trường hợp đầu nhỏ được sinh từ các bà mẹ nhiễm Zika. Tại Việt Nam, cũng xuất hiện trường hợp đầu tiên nhiễm virus này vào năm 2016 và đến nay đã ghi nhận 265 ca mắc, chủ yếu là ở miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam.
Sốt xuất huyết sẽ bùng phát vào cuối tháng 6
Chiều nay (28/5), TS. BS. Nguyễn Kim Thư - Trưởng Khoa Virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ rơi vào cuối tháng 6.
TS. BS. Nguyễn Kim Thư - Trưởng Khoa Virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Thúy
Trao đổi với PV VietTimes, BS. Thư cho rằng đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ rơi vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 và dịch sẽ bùng phát cao nhất vào cuối tháng 8 đầu tháng 9.
Không có nguy cơ dịch chồng dịch
Theo BS. Thư, sốt xuất huyết và bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (COVID-19) lây truyền theo 2 con đường khác nhau. Dịch COVID-19 chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp còn sốt xuất huyết dengue lây truyền qua đường muỗi đốt.
Đến nay, dịch COVID-19 đã được khống chế khá tốt nên sẽ không có nguy cơ dịch chồng dịch.
Hiện, chưa có vaccine để phòng, chống sốt xuất huyết dengue. Tuy nhiên, do bệnh lây truyền qua đường muỗi đốt nên người dân hoàn oàn có thể phòng, chống bệnh thông qua việc giảm số lượng muỗi, khơi thông cống rãnh,...
TS. BS. Nguyễn Kim Thư thông tin về sốt xuất huyết. Ảnh: Minh Thúy
Chu kỳ của sốt xuất huyết dengue là từ 2-4 năm thì có 1 đợt dịch bệnh. Tại Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội trong năm 2019 đã ghi nhận một số lượng lớn bệnh nhân mắc sốt xuất huyết do thời tiết nóng ẩm mưa nhiều - tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận một vài trường hợp nhập viện để điều trị sốt xuất huyết degune, trong đó có một thanh niên 20 tuổi, bị sốt vào ngày thứ 5, da mắt xung huyết, tiểu cầu giảm. Khi vào viện, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc hạ sốt, bù nước, điện giải. Đến ngày thứ 7 bệnh nhân hết sốt, tiểu cầu tăng và được cho ra viện.
Cảnh giác khi tái mắc sốt xuất huyết
BS. Thư nhấn mạnh: Sốt xuất huyết có thể mắc lại. Khi bị nhiễm lại lần thứ 2, cơ thể đã quen với virus nên sản sinh ra kháng thể, tạo ra phản ứng miễn dịch nên có thể xuất hiện biểu hiện lâm sàng nặng.
Sốt xuất huyết dengue có nhiều mức độ khác nhau gồm: sốt xuất huyết dengue bình thường không có dấu hiệu cảnh báo, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết nặng.
Thời gian ủ bệnh từ 1 - 2 tuần, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, nhức hốc mắt. Ngày thứ 5 mắc bệnh, bệnh nhân có thể bị xuất huyết, cô đặc máu, tụt huyết áp có thể dẫn tới tử vong.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Thúy
Những ngày đầu mắc bệnh, bệnh nhân có biểu hiện, triệu chứng giống sốt virus nên các bác sĩ phải sàng lọc kỹ để phát hiện sốt xuất huyết, theo dõi tình hình sức khỏe của bệnh nhân.
Để điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, các bác sĩ sẽ tiến hành truyền dịch để phòng tránh nguy cơ cô đặc máu và tụt huyết áp.
BS. Thư khuyến cáo do sốt xuất huyết chủ yếu lây truyền qua đường muỗi đốt nên người dân cần giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, hạn chế số lượng muỗi, không tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, phát triển.
Nếu phát hiện có biểu hiện sốt virus, bệnh nhân phải vào viện để thăm khám, thực hiện các xét nghiệm để phát hiện sớm, điều trị bệnh kịp thời, nhất là đối với phụ nữ mang thai và người cao tuổi mắc các bệnh lý nền.
Thông tin thêm về virus Zika sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm virus ở Đà Nẵng, BS. Thư chia sẻ: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chưa từng ghi nhận trường hợp bệnh nhân nhiễm virus Zika. Đường lây truyền của virus này giống với đường lây truyền của sốt xuất huyết - thông qua đường muỗi đốt và cũng có các biểu hiện ban đầu là sốt virus. Thời gian đầu nhiễm virus, bệnh nhân có diễn biến khá lành tính. Tuy nhiên, virus này đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu bởi nếu nhiễm virus, trẻ sinh ra có thể bị dị tật đầu nhỏ.
Chính vì thế, mỗi người nên chủ động phòng bệnh, khi có các biểu hiện bất thường cần đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm sàng lọc.
Bị nhiễm trùng nặng cả 2 đùi vì xóa xăm theo lời quảng cáo trên mạng Một nam thanh niên 24 tuổi vừa nhập viện do bị nhiễm trùng với những vết thương lớn bị trợt ướt, chảy dịch, đóng vảy tiết toàn bộ 2 bên đùi non - hậu quả của việc xóa xăm ở một spa không đảm bảo theo quảng cáo trên mạng. Xóa xăm ở cơ sở không an toàn dẫn đến nhiễm trùng nặng...