BIDV chính thức có Chủ tịch HĐQT thay ông Trần Bắc Hà
Tổng Giám đốc BIDV chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Ngân hàng này sau hơn 2 năm để trống ghế.
Ngày 15/11, trang điện tử của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đăng tải lễ Công bố Quyết định nhân sự cấp cao của ngân hàng này.
Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ông Lê Minh Hưng đã trao quyết định bổ nhiệm ông Phan Đức Tú, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc BIDV giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2022.
Ông Phan Đức Tú giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV.
Hiện BIDV cũng đang xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi quy định Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật thành Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật.
Việc thay đổi này gần như chắc chắn sẽ được thông qua bởi Ngân hàng Nhà nước hiện đang nắm tới hơn 95% cổ phần BIDV. Như vậy, ông Phan Đức Tú vẫn sẽ là người đại diện theo pháp luật của BIDV.
Từ tháng 9/2016 khi ông Trần Bắc Hà về hưu tới nay, ngân hàng BIDV chỉ có người phụ trách HĐQT, đầu tiên là ông Trần Anh Tuấn và sau đó là ông Bùi Quang Tiên.
Phát biểu tại buổi lễ, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: “Việc bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo cấp cao tại BIDV giúp BIDV tăng cường năng lực quản trị điều hành, thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016 – 2020 đã được phê duyệt; thể hiện tốt hơn vai trò chủ lực, chủ đạo của Ngân hàng thương mại Nhà nước trong thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ phát triển kinh tế đất nước”.
Video đang HOT
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trao Quyết định cho ông Phan Đức Tú
Ông Phan Đức Tú sinh năm 1964, quê gốc tại Huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1987, ông bắt đầu làm việc tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi.
Từ tháng 1/1998, ông là Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh Quảng Ngãi. Từ tháng 3/2005, ông là Giám đốc Ban Tổ chức cán bộ BIDV.
Tháng 6/2007, ông được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Từ ngày 1/5/2012, ông được bổ nhiệm Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Từ 15/11/2018, ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Đến nay, ông Phan Đức Tú đã có 30 năm gắn bó với Ngân hàng BIDV.
Cùng ngày 15/11, BIDV cũng công bố quyết định của HĐQT về việc giao ông Lê Ngọc Lâm – Phó Tổng Giám đốc BIDV – giữ nhiệm vụ Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành.
Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành BIDV – sinh năm 1975, có trình độ Thạc sỹ kinh tế. Cũng giống như các thành viên khác trong ban lãnh đạo, ông Lâm cũng đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại BIDV.
Cúc Phương
Theo baodatviet.vn
Lợi nhuận BIDV tăng 34%, nợ có khả năng mất vốn tăng 47%
9 tháng đầu năm, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán BID) đạt lợi nhuận sau thuế hơn 5.643 tỷ đồng, tăng 34% so cùng kỳ, tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng 1,76%, riêng nợ có khả năng mất vốn tăng 47%.
BIDV vừa công bố báo cáo tài chính quý 3 và 9 tháng đầu năm 2018 với kết quả kinh doanh khá ấn tượng.
Trong khoảng thời gian từ tháng 7 - 9/2018, lợi nhuận sau thuế ngân hàng này đạt 1.753 tỷ đồng, tăng 16%.
Cộng dồn 9 tháng, lợi nhuận sau thuế BIDV đạt hơn 5.643 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập lãi thuần của BIDV trong 9 tháng đạt hơn 25.615 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 19%, đạt 2.541 tỷ đồng và lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 55%, đạt hơn 797 tỷ đồng.
Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng vọt gấp đôi cùng kỳ, đạt hơn 681 tỷ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động khác cũng tăng 91% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.866 tỷ đồng trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ 9%, đạt gần 11.247 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 21% so với cùng kỳ, hơn 14.365 tỷ đồng.
Nợ có khả năng mất vốn của BIDV tăng 47%. (Ảnh: Vneconomy)
Trong 9 tháng đầu năm, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 10.742 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương gần 15.281 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm hơn 549 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương hơn 463 tỷ đồng.
Tính đến 30/9, tổng tài sản của BIDV đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với hồi đầu năm.
Tiền gửi khách hàng và cho vay khách hàng cũng tăng 11% và 12% so với đầu năm, đạt lần lượt 953.513 tỷ đồng và 968.752 tỷ đồng.
Vẫn theo báo cáo, nợ xấu của BIDV 9 tháng tăng 21% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 22%, nợ có khả năng mất vốn tăng 47%.
Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng nhích lên mức 1,76% so với 1,62% hồi đầu năm.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu BID của BIDV đang giao dịch mức 32.200 đồng, giảm 600 đồng so chốt phiên giao dịch hôm qua, 5/11.
Hoàng Hưng
Theo vtc.vn
Hai thương hiệu vàng trong nước tăng nhẹ phiên đầu tuần Mở cửa phiên đầu tuần sáng nay (5/11) cả hai thương hiệu vàng trong nước là SJC và vàng Rồng Thăng Long tăng nhẹ, trong khi đó trên thế giới lại không có biến động. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) Tại thời điểm 9 giờ 20 phút, giá vàng SJC tại hệ thống của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn tăng...