Biden sẽ không bắt buộc người Mỹ tiêm vaccine Covid-19
Biden nói rằng ông không tin việc tiêm vaccine Covid-19 là quy định bắt buộc, nhưng sẽ nỗ lực khuyến khích người dân Mỹ “làm điều đúng đắn”.
“Tôi không nghĩ nó nên bắt buộc. Tôi sẽ không yêu cầu tiêm chủng vaccine Covid-19 là điều bắt buộc. Cũng giống như tôi không nghĩ đeo khẩu trang phải trở thành quy định bắt buộc khắp cả nước”, Tổng thống đắc cử Joe Biden nói trong cuộc họp báo ở thành phố Wilmington, bang Delaware hôm 3/12.
Tuy nhiên, Biden thêm rằng “sẽ làm mọi thứ trong thẩm quyền của mình với tư cách là tổng thống Mỹ để khuyến khích người dân làm điều đúng đắn và cho thấy đó là điều quan trọng khi tiêm chủng”.
Joe Biden phát biểu tại Wilmington, bang Delaware hôm 3/12. Ảnh: CNN.
Những bình luận mới nhất của Tổng thống đắc cử Biden cho thấy nỗ lực “làm gương” cho người dân Mỹ trong cuộc chiến chống đại dịch. Biden tuần này cũng nói sẽ yêu cầu người dân Mỹ đeo khẩu trang trong 100 ngày đầu ông nhậm chức.
“Chỉ 100 ngày đeo khẩu trang, không phải là mãi mãi. 100 ngày và tôi nghĩ chúng ta sẽ nhận thấy dịch bệnh giảm mạnh”, ông nói.
Biden thêm rằng ông cũng sẵn sàng công khai tiêm vaccine Covid-19, nếu tiến sĩ Anthony Fauci, người vừa được ông mời làm cố vấn y tế trưởng, nói vaccine an toàn.
Các ứng viên vaccine Covid-19 dự kiến được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt sử dụng khẩn cấp trong tháng này. Quan chức Mỹ cho biết các liều đầu tiên sẽ dành cho nhân viên y tế tuyến đầu và nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Biden cho biết ông và nhóm của mình đã liên lạc với chính quyền Tổng thống Donald Trump để thảo luận về kế hoạch phân phối vaccine, nhưng cũng nêu ra những lo ngại về chiến lược này.
“Họ đã cung cấp cho chúng tôi thông tin về kế hoạch, về cách họ phân phối vaccine tới các bang, nhưng chưa có kế hoạch chi tiết nào mà chúng tôi thấy về cách lấy vaccine ra khỏi nơi bảo quản, cho vào ống tiêm và tiêm cho mọi người ra sao”, ông nói.
Video đang HOT
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã báo cáo hơn 14,7 triệu ca nhiễm và hơn 280.000 ca tử vong vì Covid-19. Theo Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington, số ca tử vong trung bình tháng vì Covid-19 tại Mỹ được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi trong tháng 12, lên hơn 70.000, sau đó tiếp tục tăng lên hơn 76.000 vào tháng 1, trước khi giảm xuống trong tháng 2.
Những lựa chọn 'chưa có tiền lệ' cho nội các của Biden
Một số đề cử hàng đầu cho danh sách nội các tương lai của Biden có thể làm nên lịch sử nếu được Thượng viện Mỹ thông qua.
Kể từ khi được công bố đắc cử, Joe Biden đã có nhiều động thái để thực hiện cam kết khi tranh cử là xây dựng một chính quyền phản ánh sự đa dạng của nước Mỹ. Thượng nghị sĩ Kamala Harris đã phá vỡ rào cản lớn khi trở thành nữ phó tổng thống đắc cử đầu tiên của quốc gia này.
Ngoài bà Harris, chính quyền tương lai của Biden có một số cái tên khác có thể tạo ra "những cái đầu tiên" trong lịch sử Mỹ nếu được Thượng viện xác nhận.
Adewale Adeyemo phát biểu trong buổi giới thiệu đề cử của Joe Biden ở Wilmington, bang Delaware hôm 24/11. Ảnh: NYTimes.
Adewale "Wally" Adeyemo đang đứng trước cơ hội trở thành thứ trưởng tài chính da màu đầu tiên của Mỹ. Ông Adeyemo hiện là chủ tịch Quỹ Obama và từng là cố vấn cấp cao về kinh tế quốc tế cho tổng thống Barack Obama.
Adeyemo cũng từng đảm nhận vai trò phó cố vấn an ninh quốc gia, phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, chánh văn phòng đầu tiên của Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng, cố vấn cấp cao và phó chánh văn phòng tại Bộ Tài chính.
Carlos Elizondo, người được Biden đề cử cho vị trí thư ký phụ trách các vấn đề xã hội của Nhà Trắng. Ảnh: Washington Post.
Carlos Elizondo đã được Biden đề cử cho vị trí thư ký phụ trách các vấn đề xã hội của Nhà Trắng. Ông là người Mỹ gốc Tây Ban Nha đầu tiên được đề cử cho vị trí này.
Elizondo từng là trợ lý đặc biệt cho tổng thống Obama và là thư ký cho gia đình Biden trong suốt 8 năm ông làm phó tổng thống Mỹ. Dưới thời chính quyền tổng thống Bill Clinton, Elizondo từng làm việc ở cả Nhà Trắng và Văn phòng Trưởng Lễ tân Mỹ.
Avril Haines phát biểu tại buổi giới thiệu đề cử của Biden ở Wilmington, bang Delaware hôm 24/11. Ảnh: AFP.
Avril Haines sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhận vị trí giám đốc tình báo quốc gia (DNI). Haines từng là trợ lý và phó cố vấn an ninh quốc gia chính cho cựu tổng thống Obama. Bà cũng từng là chủ trì Ủy ban Đại diện của Hội đồng An ninh Quốc gia, chịu trách nhiệm hoạch định các chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia cho chính quyền.
Haines đã từng là cố vấn pháp lý cho Hội đồng an ninh Quốc gia, là phó cố vấn của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện khi Biden đang là chủ tịch.
Alejandro Mayorkas phát biểu tại buổi giới thiệu đề cử của Biden ở Wilmington, bang Delaware hôm 24/11. Ảnh: AFP.
Với việc Biden lựa chọn Alejandro Mayorkas cho vị trí Bộ trưởng An ninh Nội địa, người Mỹ có thể lần đầu tiên có một người nhập cư gốc Latinh trở thành lãnh đạo cho cơ quan quan trọng này. Mayorkas từng là thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa (DHS) dưới thời chính quyền Obama và từng là giám đốc Sở Nhập tịch và Di trú Mỹ (USCIS) thuộc DHS.
Khi làm việc tại USCIS, Mayorkas phụ trách giám sát việc thực hiện chương trình DACA dưới thời tổng thống Obama, nhằm bảo vệ những đứa trẻ nhập cư trái phép vào Mỹ trước nguy cơ bị trục xuất. Tổng thống Donald Trump đã đề nghị chấm dứt chương trình DACA vào năm 2017, nhưng không được Tòa án Tối cao thông qua.
Cecilia Rouse tại buổi giới thiệu đề cử của Biden ở Wilmington, bang Delaware hôm 24/11. Ảnh: NYTimes.
Biden cũng khiến nhiều người bất ngờ khi lựa chọn một phụ nữ da màu làm chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế. Nếu được Thượng viện xác nhận, Cecilia Rouse sẽ trở thành nữ chủ tịch da màu đầu tiên của hội đồng này.
Rouse từng là trưởng Khoa Công vụ và Công tác quốc tế của Đại học Princeton, đồng thời là giáo sư về kinh tế và công vụ tại đại học này. Rouse trước đây là thành viên của Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời tổng thống Barack Obama. Bà cũng từng làm việc trong Hội đồng Kinh tế Quốc gia của chính quyền Bill Clinton, với vai trò trợ lý đặc biệt cho tổng thống.
Neera Tanden, người được đề cử vị trí giám đốc Văn phòng Quản lý Ngân sách của Mỹ. Ảnh: AP.
Neera Tanden có thể trở thành người phụ nữ da màu, gốc Nam Á đầu tiên trở thành giám đốc Văn phòng Quản lý Ngân sách của Mỹ. Tanden từng là CEO và chủ tịch Trung tâm Tiến bộ Mỹ, đồng thời là CEO của Trung tâm Quỹ Hành động vì Tiến bộ Mỹ.
Tanden trước đây làm việc trong chính quyền Bill Clinton và Barack Obama. Bà từng là cố vấn cấp cao về cải cách y tế tại Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, từng là giám đốc về chính sách đối nội cho chiến dịch của tổng thống Obama. Bà cũng từng đảm nhận vị trí giám đốc chính sách cho chiến dịch tranh cử đầu tiên của Hillary Clinton và làm việc tại văn phòng của thượng nghị sĩ Hillary.
Janet Yellen khi còn là chủ tịch FED hồi năm 2017. Ảnh: AFP .
Đề cử "chưa có tiền lệ" cuối cùng trong nội các của Biden là Janet Yellen. Nếu được Thượng viện thông qua, bà Yellen sẽ làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức Bộ trưởng Tài chính Mỹ.
Yellen, 74 tuổi, từng là nữ chủ tịch đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) từ năm 2014 tới 2018. Trước đó, bà có 4 năm giữ chức phó chủ tịch hội đồng quản trị, sau đó là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco. Yellen cũng từng là chủ tịch của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng từ năm 1997 tới 1999.
Lựa chọn nữ giới cho các vị trí lãnh đạo cấp cao dường như là một phần trong cam kết của Biden về "nội các đa dạng". Ông đã công bố nhóm truyền thông Nhà Trắng gồm toàn bộ thành viên nữ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ hôm 29/11, đồng thời đang cân nhắc chọn cựu thứ trưởng quốc phòng Michele Flournoy làm nữ lãnh đạo đầu tiên của Lầu Năm Góc.
Trump chúc Biden chóng bình phục Trump gửi lời chúc sức khỏe đến Biden trên Twitter, sau khi Tổng thống đắc cử bị ngã rạn xương bàn chân trong lúc chơi với chó cưng. "Nhanh bình phục nhé!", Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng Twitter hôm 29/11, chia sẻ bài viết và video của phóng viên Nhà Trắng Kelly O'Donnell cho thấy Tổng thống đắc cử Joe Biden đang...