Biden nói Lầu Năm Góc trì trệ quá trình chuyển giao
Tổng thống đắc cử Biden nói rằng Lầu Năm Góc đang gây trì trệ quá trình chuyển giao, cảnh báo Mỹ đối mặt rủi ro an ninh vì điều này.
“Chúng tôi đã gặp phải rào cản từ giới lãnh đạo chính trị tại Bộ Quốc phòng và Văn phòng Quản lý và Ngân sách”, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden nói hôm 28/12, sau khi ông và Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris được nhóm chuyển giao của họ báo cáo về tình hình an ninh quốc gia.
“Hiện tại chúng tôi không nhận được tất cả thông tin cần thiết từ chính quyền sắp mãn nhiệm ở các lĩnh vực an ninh quốc gia trọng yếu. Theo quan điểm của tôi, điều này chẳng khác nào thiếu trách nhiệm”, Biden nói thêm.
Biden phát biểu tại Nhà hát Queen ở Wilmington, bang Delaware hôm 28/12. Ảnh: AFP .
Video đang HOT
Đầu tháng này, nhóm của Biden cho biết họ bị một số quan chức Lầu Năm Góc phản đối khi yêu cầu cung cấp thông tin. Bộ Quốc phòng Mỹ đã phản bác điều này. Một quan chức quốc phòng cấp cao tuần trước cho biết Lầu Năm Góc đã thực hiện 163 cuộc gặp riêng, đáp ứng 181 yêu cầu cung cấp thông tin và khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động này.
Theo Biden, ông đang tìm kiếm “bức tranh rõ ràng” từ chính quyền sắp mãn nhiệm về thế trận lực lượng của quân đội Mỹ trên khắp thế giới.
“Chúng tôi cần có tầm nhìn đầy đủ về việc lập kế hoạch ngân sách đang được thực hiện tại Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác, để tránh sự mơ hồ hoặc khoảng trống mà các đối thủ của chúng ta có thể khai thác”, Biden cho hay.
Tổng thống Trump đến nay vẫn từ chối công nhận chiến thắng của Biden, dù Tổng thống đắc cử giành được 306 phiếu đại cử tri và nhiều hơn Trump hơn 7 triệu phiếu phổ thông. Trump nhiều lần khẳng định xảy ra gian lận cử tri diện rộng trong cuộc bầu cử năm nay, song không đưa ra bằng chứng.
Chính quyền Trump đã gây lo ngại khi làm xáo trộn bộ máy lãnh đạo của Lầu Năm Góc sau cuộc bầu cử, gồm sa thải bộ trưởng quốc phòng Mark Esper. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller nói rằng chính quyền sắp mãn nhiệm đã thống nhất với nhóm của Biden để tạm dừng các cuộc họp giao ban trong kỳ nghỉ lễ, song nhóm của Biden phủ nhận điều này.
Việc Trump bố trí những người trung thành vào phút chót tại Lầu Năm Góc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng với Iran tăng cao. Trump cáo buộc Iran tập kích tên lửa vào đại sứ quán Mỹ ở Iraq, dù Tehran bác bỏ.
Khi nhậm chức, Biden sẽ thừa hưởng một loạt chính sách đối ngoại và thách thức an ninh quốc gia, gồm Trung Quốc, Iran và Triều Tiên, cũng như đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu. Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của ông sẽ là xây dựng lại các liên minh của Mỹ đã rạn nứt sau 4 năm Trump thực hiện chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết”.
Biden tuyên bố thúc đẩy gói cứu trợ Covid-19 khác
Biden cho biết ông sẽ yêu cầu quốc hội đàm phán dự luật cứu trợ Covid-19 khác, sau khi các bên thống nhất về gói ngân sách 900 tỷ USD.
"Có một nhận thức rõ ràng rằng những vấn đề này lớn hơn bất cứ hệ tư tưởng nào. Người dân đang bị tổn thương sâu sắc, phía Cộng hòa cũng thiệt hại nặng nề như bên Dân chủ. Quốc hội tuần này đã hoàn thành việc của họ. Tôi có thể, và sẽ phải yêu cầu họ làm lại điều này vào năm sau", Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden phát biểu tại Wilmington, bang Delaware, hôm 22/12.
"Dự luật này chỉ là bước đầu tiên, một khoản trả trước, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang gặp phải. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm", Biden nói thêm, đề cập đến gói cứu trợ Covid-19 thứ hai trị giá 900 tỷ USD, được quốc hội Mỹ thông qua hôm 21/12 sau nhiều tháng bế tắc.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden tại thành phố Wilmington, bang Delaware, hôm 22/12. Ảnh: AFP .
Theo bản tóm tắt dự luật, gói ngân sách này sẽ bao gồm các khoản thanh toán trực tiếp lên tới 600 USD mỗi người lớn, tăng trợ cấp thất nghiệp lên 300 USD/tuần và khoảng 284 tỷ USD cho Chương trình Bảo vệ Tiền lương. Dự luật sẽ được chuyển đến Nhà Trắng và Tổng thống Donald Trump được cho là sẽ ký thông qua.
Khi được hỏi về kế hoạch kết nối lưỡng đảng trong thời kỳ hậu Trump, Biden cho biết các nghị sĩ sẽ hoan nghênh lời đề nghị lãnh đạo của ông. "Tôi sẽ không xúc phạm phe đối lập. Tôi sẽ đứng lên và nói rằng 'đây là những việc chúng ta phải làm', bởi họ biết điều đó. Đây là chuyện của sự sống và cái chết. Vì vậy, tôi tin chúng tôi sẽ hoàn thành công việc", Biden cho hay, nói thêm rằng hợp tác lưỡng đảng là "cách duy nhất" để vượt qua thử thách.
"Tôi hứa với các bạn một điều về sự lãnh đạo của tôi trong cuộc khủng hoảng này. Đó là tôi sẽ nói thẳng với mọi người. Tôi sẽ nói sự thật. Và sự thật đơn giản là những ngày đen tối nhất của chúng ta trong cuộc chiến chống Covid-19 đang ở phía trước, không phải đằng sau", Tổng thống đắc cử phát biểu.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 18,6 triệu ca nhiễm và hơn 330.000 người chết. Biden hôm 21/12 tiêm vaccine Covid-19 trên truyền hình trực tiếp để trấn an người dân về độ an toàn của vaccine. Giới chức y tế Mỹ cho biết họ dự kiến cung cấp đủ liều vaccine đầu tiên cho 20 triệu người vào cuối năm nay, nhưng sẽ còn lâu nữa vaccine mới được phổ biến.
Quan chức Lầu Năm Góc ngừng hợp tác với nhóm của Biden Nhóm chuyển giao quyền lực của Joe Biden tỏ ra lo ngại khi nhiều quan chức Lầu Năm Góc ngừng họp và từ chối chuyển thông tin cho họ. Yohannes Abraham, phó giám đốc nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Joe Biden, hôm 19/12 cho biết đang gặp nhiều khó khăn khi yêu cầu được cung cấp thông tin...