Biden đối mặt thách thức ‘thoát Trump’
Tại kỳ họp LHQ đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, Biden phải tìm cách lấy lại niềm tin của đồng minh và chứng minh ông khác Trump.
Joe Biden, người được phần lớn thế giới trông đợi trở thành một lãnh đạo ổn định có thể khôi phục niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Mỹ và hàn gắn quan hệ với các đồng minh bị rạn nứt dưới thời tổng thống Donald Trump, sẽ đối mặt nhiều thách thức trong lần tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đầu tiên trên cương vị tổng thống Mỹ vào tuần này.
Ông chủ Nhà Trắng phải đương đầu những chỉ trích toàn cầu về chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan và các chính sách Covid-19, như cáo buộc tích trữ vaccine và tiếp nối chính sách của Trump để trục xuất người di cư với lý do sức khỏe cộng đồng. Hy vọng xây mặt trận chung với các đồng minh châu Âu của Biden nhằm ứng phó Trung Quốc cũng đang bị đe dọa, khi Mỹ và Pháp mâu thuẫn ngay trước thềm cuộc họp của LHQ liên quan đến thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân Australia.
Biden muốn tập trung vào kế hoạch chia sẻ vaccine của Mỹ và nỗ lực chống biến đổi khí hậu, sau khi Mỹ thoát khỏi “vũng lầy” Afghanistan.
“Tổng thống cơ bản sẽ đưa ra thông điệp rằng việc chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan đã khép lại một chương tập trung vào chiến tranh và mở ra chương mới về ngoại giao hiệu quả và chuyên sâu của Mỹ, thông qua hợp tác với đồng minh và đối tác để giải quyết các vấn đề không thể can thiệp bằng vũ lực quân sự”, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Khi xuất hiện tại Đại hội đồng LHQ lần này, Tổng thống Mỹ có thể không bị e dè như Trump, nhưng sự chào đón của các lãnh đạo thế giới với ông có thể không còn nồng nhiệt như mong đợi.
Tổng thống Joe Biden trước khi lên trực thăng rời Nhà Trắng tới New York hôm 20/9. Ảnh: Washington Post .
Quan hệ của Mỹ với Pháp sứt mẻ ngay trước thềm cuộc họp . Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cáo buộc Biden hành xử như Trump, sau khi nước này bị “lật kèo” trong thương vụ tàu ngầm với Australia. Australia từng ký thỏa thuận 40 tỷ USD mua tàu ngầm Pháp, song hủy ngang để quay sang Anh và Mỹ, khiến Paris tức giận gọi đây là “cú đâm sau lưng”.
Video đang HOT
Le Drian nói đây là bằng chứng cho thấy châu Âu và Mỹ có thể có những mục tiêu không đồng nhất ở châu Á và có ít điểm chung hơn kỳ vọng.
“Chúng tôi từng nghĩ chủ nghĩa đơn phương, bản chất khó đoán định, sự nghiêm trọng của thông báo, việc thiếu tôn trọng đối tác như này chỉ là chuyện của quá khứ”, ông nói.
Tổng thống Biden đã đề xuất điện đàm hòa giải với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người không tới dự cuộc họp LHQ năm nay. Ngoại trưởng Le Drian nói cuộc điện đàm sẽ diễn ra trong vài ngày tới, nhưng bản thân ông không có kế hoạch gặp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, dù tới New York dự họp LHQ.
Pháp tuần trước triệu hồi đại sứ nước này tại Mỹ, điều chưa từng làm trước đây, nhưng Washington vẫn nỗ lực hạ thấp mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Mỹ luôn coi Pháp là đồng minh lâu đời nhất.
“Chúng tôi không đồng tình với quan điểm của họ về tất cả vụ việc này, nhưng chúng tôi hiểu lập trường của họ và sẽ tiếp tục làm việc về vấn đề này trong những ngày tới”, quan chức Mỹ cho biết.
Căng thẳng Mỹ – Pháp xảy ra giữa lúc một số đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cảm thấy “tổn thương”khi bị gạt ra rìa trong quyết định rút quân đột ngột của Biden khỏi Afghanistan trước ngày 31/8. Khi Mỹ và các đối tác NATO tiến hành chiến dịch sơ tán đầy hỗn loạn trong lúc Taliban tiến vào Kabul, một vụ đánh bom tự sát ngoài sân bay đã khiến 13 lính Mỹ và nhiều người Afghanistan thiệt mạng. Một số nước NATO cho biết họ không thể đưa tất cả rời đi trước thời hạn của Biden.
Những căng thẳng với NATO và Pháp có thể là lý do Mỹ đẩy nhanh quyết định nới hạn chế đi lại với người đến từ châu Âu đã tiêm chủng đầy đủ từ tháng 11, động thái có thể thu hút sự ủng hộ từ các đồng minh châu Âu. Hàng nghìn công dân nước ngoài có gia đình ở Mỹ, trong đó có nhiều người châu Âu, hầu như không thể gặp nhau trong 18 tháng đại dịch.
Hơn 80 tổng thống và Thủ tướng các nước dự kiến tham dự trực tiếp Đại hội đồng LHQ tại New York năm nay, sau một năm phải họp trực tuyến vì Covid-19. Đây được xem là cơ hội quan trọng nhất cho bất kỳ tổng thống nào để trình bày về chương trình nghị sự đối ngoại của họ.
“Mỹ đã trở lại”, Biden nói ngày 20/9 trước cuộc họp với Tổng thư ký LHQ António Guterres. “Chúng tôi tin tưởng Liên Hợp Quốc và các giá trị của cơ quan này”.
Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của Guterres, cho biết các cuộc họp, sự kiện bên lề Đại hội đồng mang lại nhiều lợi ích và có thể mang đến những tác động quan trọng để giải quyết các vấn đề song phương và đa phương.
Tuy nhiên, lịch trình của Biden tại New York khá ngắn. Ông chỉ có một cuộc họp với Thủ tướng Australia Scott Morrison, sau bài phát biểu tại Đại hội đồng, chứ không tham dự nhiều phiên họp bên lề. Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ gặp Biden vào cuối ngày 21/9, sau khi ông trở về Nhà Trắng. Biden cũng sẽ chủ trì một cuộc họp trực tuyến của LHQ về đại dịch từ Washington vào ngày 22/9.
Sau khi Tổng thống Biden rời New York, chương trình ngoại giao của Mỹ sẽ chủ yếu do Ngoại trưởng Blinken điều phối, người đã bị những người đồng cấp Hà Lan và Anh chỉ trích vì cách xử lý việc rút quân NATO khỏi Afghanistan.
Các diễn biến gần đây có thể khiến cộng đồng quốc tế giảm bớt thiện cảm với Biden, nhưng so với người tiền nhiệm, ông vẫn là vị khách được chào đón, theo các nhà quan sát của LHQ.
“Tôi nghĩ Biden vẫn sẽ nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt, vì ông ấy không phải là Trump”, Richard Gowan, chuyên gia LHQ tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nói.
Ít nhất 170 người chết vì vụ đánh bom sân bay Kabul
Ít nhất 170 người Afghanistan thiệt mạng và khoảng 200 người bị thương sau vụ đánh bom tự sát tại sân bay Kabul.
Thông tin về số thương vong được một quan chức giấu tên thuộc Bộ Y tế Công cộng Afghanistan cung cấp hôm nay. Quan chức này cho biết trong số 170 người chết, xác định được 34 người là nam và 4 người nữ, trong khi danh tính của 132 người còn lại chưa rõ.
Trụ sở khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Cairo trước đó nói rằng ít nhất 161 dân thường Afghanistan đã thiệt mạng trong vụ tấn công ở Kabul hôm 26/8. Bệnh viện Wazir Akbar Khan ở Kabul thông báo với WHO rằng 145 thi thể được đưa vào, trong khi Bệnh viện Cấp cứu báo cáo 16 trường hợp đã tử vong khi tới nơi.
Nạn nhân vụ đánh bom ở sân bay Kabul trong một bệnh viện tại Afghanistan hôm 27/8. Ảnh: AP.
Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) thông báo 13 lính Mỹ thiệt mạng trong cuộc tấn công này, trong khi Taliban ghi nhận ít nhất 28 thành viên thiệt mạng.
Các quan chức và truyền thông trước đó đưa tin vụ tấn công ngày 26/8 được thực hiện bởi hai kẻ đánh bom liều chết. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc hôm nay, tướng William "Hank" Taylor xác nhận chỉ xảy ra một vụ nổ ở cổng vào sân bay Abbey, không có vụ nào ở gần khách sạn Baron.
"Tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi không tin đã xảy ra vụ nổ thứ hai gần khách sạn Baron. Chúng tôi không rõ các thông tin đã bị cung cấp không chính xác ra sao, nhưng cũng không ngạc nhiên khi xảy ra sự nhầm lẫn giữa các sự việc như này", ông Taylor khẳng định.
Vị trí vụ đánh bom ở thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 26/8. Đồ họa: Business Insider.
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), nhánh hoạt động tại Afghanistan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, thừa nhận đã tiến hành vụ đánh bom.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ truy lùng và buộc những kẻ thực hiện hai vụ đánh bom phải trả giá. Biden cũng ra lệnh cho các chỉ huy quân sự Mỹ lên kế hoạch tấn công những cơ sở và lãnh đạo IS-K, song chưa công bố chi tiết về thời gian và cách thức thực hiện.
Biden cam kết không gây 'Chiến tranh Lạnh mới' Biden tuyên bố Mỹ không tìm kiếm cuộc Chiến tranh Lạnh mới trong bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc, giữa lúc quan hệ với Trung Quốc căng thẳng. "Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, hay một thế giới bị chia thành những phe cố định. Mỹ sẵn sàng làm việc với bất kỳ quốc gia nào ủng...