Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên: ‘Chúng ta thèm một ngày không có Covid-19′
Hơn 2 tháng rồi, chúng ta thèm một ngày không có Covid-19 nên phải ráng vượt qua bằng sức của mình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói và cho biết mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trong 1 tháng tới là thử thách lớn.
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM. ẢNH: SỸ ĐÔNG
Chiều 16.8, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM họp trực tuyến với các quận, huyện và TP.Thủ Đức để triển khai kế hoạch thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Cuộc họp kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ. Tham dự tại điểm cầu Thành ủy TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhận định công việc trong một tháng tới rất cấp bách, nghiêm trọng và là sứ mệnh nặng nề.
Ông Nên cho biết cứ 24 giờ trôi qua, thành phố trung bình có 240 người tử vong do Covid-19, có hàng trăm người bệnh nặng phải thở ô xy, hàng ngàn ca nặng phải hồi sức và hàng ngàn người đang muốn rời thành phố vì nhiều lý do, như sức chịu đựng có hạn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai ra sao.
Vận động hàng ngàn người quay lại, không rời TP.HCM giữa dịch Covid-19
Do vậy, TP.HCM phải tổ chức, phối hợp, hỗ trợ bà con yên tâm trở về quê với điều kiện đã chuẩn bị như tiêm vắc xin, xe đưa đón, phối hợp với địa phương về quê an toàn, không đưa người nhiễm về rồi gây thêm khó khăn cho địa phương. Tình hình đó đặt ra yêu cầu phải có biện pháp ngăn chặn, không để tình hình này kéo dài.
Tổng bí thư động viên, chia sẻ với TP.HCM
Ông Nên cho biết ngày hôm kia (14.8), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gọi điện chia sẻ mối quan tâm của mình đối với tình hình dịch bệnh hằng ngày tại thành phố. Tổng bí thư gửi lời thăm hỏi, động viên, chia sẻ, hoan nghênh đồng bào và Đảng bộ TP.HCM hơn 2 tháng qua đã kiên cường ứng phó với dịch bệnh.
Tổng bí thư đánh giá rất cao, trân trọng biểu dương những tấm gương tiêu biểu ngày càng nhiều trong lực lượng tuyến đầu đã xung phong nhận nhiệm vụ, không ngại hy sinh, gian khổ, sẵn sàng lao vào cuộc chiến bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân. Tổng bí thư cũng thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các tầng lớp, tôn giáo, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà thiện nguyện đã chia sẻ cùng thành phố vượt qua khó khăn.
“Tuy chưa đạt như mong muốn như kế hoạch đưa ra nhưng có thể nói rằng từng bước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã hạn chế được lây lan, mở rộng vùng xanh, thu hẹp điểm phong tỏa, chữa bệnh hàng chục ngàn người và cứu hàng ngàn người”, Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ lại đánh giá của Tổng bí thư về những nỗ lực của TP.HCM.
TP.HCM giãn cách xã hội thêm 1 tháng để tập trung nguồn lực kiểm soát dịch bệnh Covid-19. ẢNH: ĐỘC LẬP
Tuy nhiên, trước sự phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ của chủng biến thể Delta, thành phố có dân số lớn, mật độ dân cư cao… nên công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn. Do dịch bệnh còn phức tạp, khó lường nên cần quyết sách lớn, hành động quyết liệt. Trong đó, Nghị quyết 86 của Chính phủ quy định 30 ngày mang tính quyết định để vượt qua. Đó là mệnh lệnh hành động, cũng là mong muốn của toàn dân, và là thử thách lớn đối với Đảng bộ TP.HCM.
Để kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15.9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn TP.HCM “đã cố gắng thì cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết thì đoàn kết hơn nữa và đã quyết tâm thì quyết tâm hơn nữa”; tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, nghĩa tình…
Đề nghị mỗi cán bộ, đảng viên, công viên chức, mà trước hết là cấp ủy đảng, người đứng đầu phải là chiến sĩ kiên cường trong công tác chống dịch; mọi biểu hiện tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu quyết tâm đều không xứng đáng.
Bên cạnh đó, Tổng bí thư đề nghị huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp, nhất là nguồn lực y tế nổi tiếng miền Nam, cả nước và nhiều nước trong khu vực, không phân biệt nhà nước hay tư nhân, huy động mọi nguồn lực có cơ hội đóng góp, chung tay góp sức vượt qua khó khăn. Cần tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện nhân tố tích cực, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và làm có hiệu quả; đồng thời kiểm tra, phát hiện cán bộ yếu kém, tiêu cực để xử lý nghiêm ở bất cứ cương vị nào.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn quan tâm sát sao tình hình và kịp thời chỉ đạo sâu sát, toàn diện để thành phố yên tâm “chiến đấu”; dứt khoát phải vượt qua khó khăn để đưa thành phố phát triển, cùng cả nước đạt các mục tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đề ra.
4 phương án sản xuất cho doanh nghiệp khi giãn cách chống dịch Covid-19
Tự tin bước vào tháng cao điểm
Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá các quận huyện và TP.Thủ Đức đều có sự tự tin để triển khai kế hoạch cao điểm 30 ngày kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Nguyên nhân vì hơn 2 tháng chống dịch có kinh nghiệm, trưởng thành hơn, công việc làm ngày chắc chắn. Bên cạnh đó, bây giờ ngành y tế có thuốc, có vắc xin, có túi an sinh nên tự tin hơn, bởi trước đây từng có thời điểm lúng túng vì không có thuốc trị.
Bên cạnh đó, TP.HCM đã chuẩn bị hệ thống điều trị, dù chưa đáp ứng được mong muốn nhưng cũng đỡ hơn trước; cần có trung tâm điều phối để các địa phương không phải gọi điện cho bí thư, chủ tịch gửi bệnh.
TP.HCM có sự ủng hộ của toàn xã hội; người dân ủng hộ, các lực lượng trong ngoài nước hỗ trợ từ cái nhỏ đến cái lớn, từ khẩu trang, đồ bảo hộ, test, ô xy. Đây là chỗ dựa quan trọng để thành phố vượt qua. Một điểm được Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá cao là các lực lượng tham gia chống dịch không còn e ngại bị nhiễm nữa, nhiều nơi chuẩn bị nơi cho F0, F1 ở. Công tác lãnh đạo, điều hành thông suốt, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm nhuần nhuyễn hơn.
Trước các ý kiến của địa phương nêu khó khăn về lực lượng, Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ đây là khó khăn chung, các địa phương phải huy động để đảm bảo lực lượng “chiến đấu”. “Chúng ta đang đi trong một cơn bão, muốn vượt qua nó thì phải vượt qua bằng sức của mình chứ không còn cách nào khác. Hơn 2 tháng rồi, chúng ta thèm một ngày không có Covid-19 nên phải ráng vượt qua bằng sức của mình”, ông Nên nói và cho biết đây là thử thách lớn.
TP.HCM đang tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin với mục tiêu hơn 70% dân số trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 vào giữa tháng 9. ẢNH: ĐỘC LẬP
Hiện nay, giãn cách xã hội một số nơi chưa triệt để nên Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị cần phải phát huy mô hình người dân tự quản, trong đó lực lượng chính trị cơ sở là nòng cốt, kết hợp với nâng cao ý thức tự giác của từng khu phố, con hẻm.
Dư luận phản ánh người dân ra đường nhiều quá thì cần kiểm tra chặt chẽ, phải có ký hiệu nhận diện được phép ra đường. Nơi nào chủ quan thì cần ngăn chặn kịp thời, nhắc nhở người dân tuân thủ 5K thì mới ngăn lây lan cộng đồng.
Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu tiếp tục nâng cao công tác xét nghiệm, sẵn sàng các biện pháp ứng phó, quản lý khi ghi nhận ca F0 trong cộng đồng; đồng thời nâng cao chất lượng điều trị, có trung tâm điều phối, không để xảy ra tình huống người dân “có bệnh mà không có nơi đến, không được cứu chữa”.
Về vắc xin Covid-19, hiện thành phố đã chủ động tìm kiếm nhiều nguồn, hiện nay có nguồn nào dùng nguồn đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị chủ động báo với bà con các loại vắc xin đủ điều kiện sử dụng thì tiêm chứ không nên chờ đợi, tập trung đẩy nhanh tiến độ “càng nhanh càng tốt”.
TP.HCM lập thêm một bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng
Sáng 17-7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc trực tuyến với TP.HCM về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự hội nghị có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong - Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết TP đang điều trị 20.800 trường hợp dương tính, trong đó 306 ca đang thở máy, 8 trường hợp cần can thiệp ECMO.
Theo ông Phong, quan tâm lớn nhất của TP hiện nay là tập trung điều trị F0 nặng và ngăn chặn tử vong. TP đã làm việc với Sở Y tế chỉ đạo rà soát và hoàn thiện tiếp nhận F0 và chuyển bệnh nhân về bệnh viện điều trị COVID-19.
Theo ông Phong, do số F0 tăng nhanh gây áp lực cho ngành y tế, TP đã thiết lập bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng với 1.000 giường tại TP Thủ Đức. Hiện TP cũng đang có cơ sở điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới với 300 giường và Bệnh viện Chợ Rẫy với 300 giường.
Tuy nhiên, Sở Y tế cũng ý kiến với TP.HCM đề nghị Bộ Quốc phòng và báo cáo Chính phủ xin phép thiết lập thêm bệnh viện chữa trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại Bệnh viện 175. Đến sáng 17-7, Bộ Quốc phòng đã chấp thuận việc này.
Ông Phong cho biết hiện nay có tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly, người dân vẫn còn giao lưu với nhau. TP đã kiên quyết yêu cầu các địa phương giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời phải tăng cường năng lực của tổ COVID-19 cộng đồng để kiểm tra, giám sát tại khu vực này.
TP cũng đã tiếp nhận chi viện từ các tỉnh thành với 172 y, bác sĩ từ Hà Nam, Thái Bình...
Đến nay, TP đã lấy 1,9 triệu mẫu xét nghiệm PCR tại khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp, có 250.000 mẫu đang chờ kết quả. Test nhanh đã thực hiện khoảng 1,2 triệu test.
Về cung ứng hàng hóa, sức mua tại chợ truyền thống ngày 16-7 giảm 10%, do người dân ít ra ngoài, giá chợ cao hơn so với siêu thị. Mãi lực tại các siêu thị cũng giảm 5-10%, không còn tình trạng xếp hàng ùn ứ như các ngày trước.
Hiện nay Sở Công thương đang kết hợp các quận huyện tổ chức lại chợ với hình thức phân ô kẻ vạch.
Đến ngày 16-7, TP đã chi hỗ trợ cho 220.000/232.000 người với 330 tỉ đồng cho người lao động gặp khó khăn, lao động tự do. Các quận huyện cũng chủ động vận động nguồn lực xã hội với hơn 100 tỉ đồng để chăm lo kịp thời cho người dân.
Về đảm bảo an toàn trong sản xuất, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện quy định "3 tại chỗ" và "2 địa điểm 1 cung đường". Hiện nay TP chỉ còn 586/440.000 doanh nghiệp hoạt động với 70.000 công nhân. Riêng tại khu chế xuất, khu công nghiệp có 680 doanh nghiệp hoạt động với khoảng 85.000 công nhân.
Cách chức hoặc đề nghị cách chức người không thực hiện nghiêm chỉ đạo
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM - cho biết tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp. Số ca F1, F0 ngày càng tăng, không chỉ ở nơi phong tỏa mà còn ở ngoài cộng đồng, khu công nghiệp có đông công nhân.
Hệ thống y tế nhiều nơi đã quá tải, thiếu nhân lực, trang bị y tế. TP cũng đã nhận được sự ủng hộ tích cực của Bộ Y tế để tăng cường nguồn nhân lực, chuẩn bị bệnh viện dã chiến và trang thiết bị.
Ông Nên cũng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia có cơ chế mua và nhập nhanh nhất các trang thiết bị vì một số thiết bị trong nước không đủ cung ứng, nhất là khâu hồi sức cấp cứu.
Bí thư Thành ủy TP cũng yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP phân công cụ thể cho hệ thống chính trị, giao cho các cấp ủy tăng cường xuống các cơ sở để giám sát, cùng lực lượng thực hiện phòng, chống dịch.
Hiện tại, nhiều nơi còn xuất hiện người dân tụ tập bất chợt như người dân tụ lại phân phối thực phẩm. Việc chia sẻ, phân phối này sẽ tạo điều kiện cho việc lây lan dịch.
"Chúng ta rà soát, truy vết, xét nghiệm để tìm F0 nhưng những nơi khác lại lây nhiễm thì công tác chống dịch sẽ khó kết thúc như thời gian đề ra", ông Nên nói.
Việc này dù khó quản lý nhưng phải phân công nhân lực tự quản, giảm sát từng địa bàn để kịp thời ngăn chặn việc tụ tập, nhất là những nơi có nguy cơ cao.
Nếu nơi nào không thực hiện nghiêm thì xử lý nghiêm khắc. Thậm chí là cách chức, đề nghị cách chức người không chấp hành, thực hiện đúng quy định, chỉ đạo phòng, chống dịch.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên gặp gỡ, 'trưng cầu' ý kiến chuyên gia dịch tễ Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết các ý kiến của chuyên gia dịch tễ sẽ giúp TP.HCM có những thay đổi, bổ sung kịp thời trong phương án phòng chống dịch để sớm kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM trao đổi với các chuyên gia tại buổi gặp gỡ. ẢNH: SỸ...