Bị siết lại, một phần tín dụng bất động sản phải “náu mình” trong tín dụng tiêu dùng
Bị áp hệ số rủi ro 200% nên các ngân hàng buộc phải đưa một phần các khoản vay liên quan đến bất động sản sang tín dụng tiêu dùng.
Tín dụng bất động sản cao hơn con số thông kê
Các số liệu công bố cũng cho thấy trong năm 2018, tổng quy mô thị trường bất động sản Việt Nam vào khoảng 25 tỷ USD, trong khi đó dòng vốn bất động sản chiếm 80% (trong khi thế giới chỉ ở mức 35%), tương đương gần 20 tỷ USD (450.000 tỷ đồng). Con số này chiếm 6,5% tổng dư nợ nền kinh tế và chiếm khoảng 16% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Với những số liệu này thì cơ cấu vốn chảy vào bất động sản hiện nay đang mất cân bằng và chứa nhiều rủi ro.
Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, thực chất tín dụng bất động sản còn cao hơn thế khi các ngân hàng đều đưa các khoản vay mua nhà vào tín dụng tiêu dùng thay vì tín dụng bất động sản theo như bản chất của nó. Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu tính toán, có tới khoảng 1/3 tín dụng tiêu dùng là cho vay nhà ở, đẩy tổng số các khoản vay liên quan đến bất động sản lên tới khoảng 22,3%, thay vì 16% như tính toán hiện nay.
Chưa có con số chính xác về các khoản vay liên quan đến bất động sản
Lý giải nguyên nhân các khoản vay mua nhà phải “ẩn mình” trong tín dụng tiêu dùng, chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực cho rằng, chủ yếu là do các ngân hàng phải “lách” Thông tư 36, quy định hệ số rủi ro tín dụng bất động sản là 200%.
Video đang HOT
Điều này có nghĩa nếu ngân hàng cho vay bất động sản 1 đồng thì phải bố trí 2 đồng vốn chủ sở hữu, khiến chi phí vốn cao, đẩy lãi suất cho vay bất động sản lên cao. Vì vậy, ngân hàng buộc phải đưa các khoản vay nhà ở vào tín dụng tiêu dùng để giảm chi phí vốn. Vị chuyên gia cũng khẳng định việc các ngân hàng đưa cho vay nhà ở vào tín dụng tiêu dùng là không trái quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 39 và Thông tư 43.
Cần đưa con số tín dụng bất động sản về thực tế
Dù không trái quy định, nhưng theo nhiều chuyên gia, việc đưa các khoản cho vay mua nhà ra ngoài tín dụng bất động sản khiến không đưa ra được một con số chính xác về tín dụng bất động sản. “Anh em trong ngành đều muốn biết tín dụng bất động sản ở mức nào. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước có một con số thống kê chính xác để biết thực sự rủi ro bất động sản ở mức nào” – TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực cũng đồng tình nên tách các khoản vay tiêu dùng liên quan đến bất động sản ra khỏi tín dụng tiêu dùng, tuy nhiên không gắn hệ số rủi ro 200% với các khoản vay này.
Vị chuyên gia đề xuất các Ngân hàng Nhà nước nên chia các khoản vay bất động sản thành 4 nhóm. Theo đó, nhóm cho vay liên quan đến nhà ở ít rủi ro nhất thì hệ số rủi ro là 100%. Nhóm cho vay liên quan đến văn phòng, trung tâm thương mại, mặt bằng bán lẻ là 125%. Nhóm thứ ba là cho vay đất nền, liền kề với hệ số rủi ro 150%. Còn lại cho vay bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn mới áp hệ số rủi ro 200%.
“Như thế ngân hàng thương mại sẵn sàng chuyển cho vay nhà ở sang vay bất động sản để có con số thống kê chính xác” – ông Lực nói.
Cũng theo các chuyên gia, trong năm qua, tình hình kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng tốt, giữ lạm phát chưa đến 4%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng lại thấp hơn các năm trước, điều này cho thấy Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng đã chủ động siết dòng vốn tín dụng, nhất là vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản.
“Với tình hình của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, tín dụng cho thị trường bất động sản cũng sẽ ảnh hưởng. Ngoài ra, việc hạn chế huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 45% xuống còn 40% cũng ảnh hưởng đến thị trường bất động sản” – TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Dù vậy, việc siết tín dụng bất động sản được cho là sẽ giúp thanh lọc các doanh nghiệp tham gia thị trường. Cùng với đó, đòi hỏi các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tìm kiếm các nguồn vốn thay thế, đặc biệt là từ thị trường chứng khoán.
Theo anninhthudo.vn
Thị trường bất động sản gặp khó về tín dụng
Tại hội thảo Xu hướng và cơ hội Đầu tư của thị trường bất động sản do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức tại TPHCM ngày 11/12, các diễn giả cho biết, một trong những khó khăn lớn của thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay là về tín dụng.
Nguồn cung căn hộ cao cấp đang dư thừa. Ảnh: Nguyễn Huế
Theo đánh giá của ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng, Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, thị trường BĐS năm 2018 tiếp tục phát triển ổn đinh, không có nhiều biến động, thể hiện qua sự ổn định về số lượng giao dịch và giá cả, lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm. Tính đến hết tháng 11, tổng giá trị tồn kho của thị trường BĐS còn khoảng gần 23.000 tỷ đồng. Cơ cấu hàng hóa của thị trường BĐS cũng được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, thị trường BĐS trong năm 2018 vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý trong đó nổi bật là tình trạng lệch pha cung cầu. Nguồn cung nhà ở trung cao cấp hiện nay đang dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp (hiện đang chiếm từ 70-80% nhu cầu thị trường). Riêng đối với phân khúc nhà ở xã hội tại khu vực đô thị đến nay mới chỉ hoàn thành được trên 3,9 triệu m2, mới chỉ đạt được khoảng 31% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 (12,5 triệu m2).
Nguyên nhân, theo ông Phấn là do việc phát triển nhà ở xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn tín dụng cho vay ưu đãi. Hiện nay, ngân sách mới chỉ bố trí cho ngân hàng chính sách xã hội 500 tỷ đồng. Số tiền này cũng chỉ để cho hộ gia đình cá nhân vay để mua thuê mua nhà ở xã hội, cải tạo sửa chữa nhà ở. Còn các chủ đầu tư không có nguồn tài chính ưu đãi.
"Chính vì khó khăn này mà nguồn cung nhà ở xã hội còn rất hạn chế. Cũng do không có vốn cho vay mà theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện đang có 205 dự án nhà ở xã hội đang bị chậm tiến độ trong đó có nhiều dự án nhà ở xã hội đang đươc vay gói 30.000 tỷ đồng nay không được vay tiếp dẫn đến đình trệ việc đầu tư xây dựng", ông Phấn cho biết.
Tín dụng đang là 1 trong 7 điểm nghẽn của thị trường BĐS- theo nhận định của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA). Trong đó, đối với đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội, sau khi kết thúc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, đến nay gần như vẫn chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách làm vốn mồi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014. Các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank được chỉ định thực hiện chính sách nhà ở xã hội cũng chưa được cấp bù chênh lệch lãi suất theo Quyết định 18/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nên trên thực tế các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội chưa tiếp cận được nguồn vốn cho vay ưu đãi này.
Đối với DN BĐS, theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA, hoạt động kinh doanh BĐS cần nguồn vốn trung hạn, dài hạn. Trong thời gian qua, các DN BĐS phụ thuộc rất lớn vào nguồn vay tín dụng ngân hàng. Nhưng do nguồn vốn huy động tiết kiệm ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nên các ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của thị trường BĐS.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, năm 2018, ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, trong đó có BĐS. Mức trần này sẽ giảm còn 40% kể từ 1/1/2019. Ngoài ra, từ đầu tháng 12/2018 lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên của tất cả 31 ngân hàng thương mại đều tăng để cơ cấu lại nguồn vốn và để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn tín dụng. Trong đó, có đến 11 ngân hàng có mức lãi suất huy động tiết kiệm từ 8 - 8,6%/năm tác động làm tăng mặt bằng lãi suất cho vay đối với DN, nhà đầu tư và cả người mua nhà.
Từ góc độ DN, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cũng rằng, khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS năm 2019 sẽ là về tín dụng BĐS. Hiện các ngân hàng đang thu hồi các khoản cho vay BĐS. Đây không chỉ là khó khăn của DN mà còn là khó khăn của người mua nhà. Hiện lãi suất cho vay đã tăng 0,5%/năm và dự kiến sang năm 2019 sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, việc hạn chế tín dụng vào thị trường BĐS cũng là việc làm cần thiết để thị trường BĐS phát triển ổn định vì thị trường BĐS nóng trong vài năm gần đây, nếu tiếp tục phát triển nóng thì sẽ nguy hiểm cho nền kinh tế...
Nguyễn Huế
Theo baohaiquan.vn
Doanh nghiệp bất động sản loay hoay tìm nguồn vốn ra sao khi giờ "G" siết tín dụng đang đến gần? Trên thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam, hơn 80% doanh nghiệp (DN) phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và huy động vốn từ khách hàng. Hoạt động kinh doanh BĐS cần nguồn vốn trung và dài hạn. Tuy nhiên, theo Thông tư 19/2017 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm 2019, các ngân hàng thương mại...