Bí quyết trường thọ của xóm có gần 100 người trên 90 tuổi
Đó là một thôn với số người cao tuổi lên tới gần 300 người, người trên 90 tuổi đã gần 100 người.
Lão thầy thuốc của làng
Nhiều người bảo số người cao tuổi ở đây nhiều đến thế là vì cuộc sống thanh bình, đầy cây trái ở chốn này và vì con người nơi đây luôn hiền hòa, sống một cuộc sống bình dị, không bon chen vụ lợi cá nhân. Trong đó có một lão lương y đã 73 tuổi vẫn ngày ngày cắp túi thuốc đi khắp làng làm thuốc chữa bệnh cho bà con.
Nghe tôi hỏi thăm, anh Nguyễn Văn Hải ( trú thôn Đại Bình, Nông Sơn, Quảng Nam ) vồn vã giới thiệu về lão thầy thuốc già với vẻ rất ngưỡng mộ, tự hào: “Đó là tấm gương sáng của làng chúng tôi đấy! Ông đã làm được nhiều điều khiến ai cũng phải nể phục!”. Lão thầy thuốc ấy là Nguyễn Lạn, 72 tuổi.
Vào nhà ông, ngôi nhà nhỏ bé nằm ở giữa làng rộn tiếng cười đùa của lũ trẻ xung quanh. Ông ngồi thanh thản bên hiên nhà đợi người nhà nấu nước lá mang lên đãi khách. Ông sinh trưởng trong một gia đình nghèo của làng Đại Bình hiền hòa bên dòng sông Thu Bồn quanh năm xanh biếc. Trong câu chuyện thân tình, ông cởi mở như tính cách của người Đại Bình vốn thế.
Thuở nhỏ, ông đã mang một ước vọng lớn lao đó là được học tập và mang những tri thức về thay đổi cuộc sống người dân nơi này. Dù gia đình nghèo khó nhưng ông học rất giỏi, sau khi tốt nghiệp Trường y dược học ( Cán sự y tế ) tại Sài Gòn năm 1973, ông đã quyết tâm mang cái thuốc về chăm sóc sức khỏe cho bà con mình. Bởi hơn ai hết, ông hiểu được những thiệt thòi của người dân nơi miền núi mình sinh sống.
Sau 1975, ông về quê hương, lúc đó vừa kết thúc chiến tranh nên nhân viên y tế thiếu thốn, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân được chính quyền cách mạng rất quan tâm nhưng vì thiếu nhân lực nên ông phải kiêm công việc của nhiều thôn làng khác nhau. “Ngày ấy, người dân ở đây còn thiếu thốn lắm, tôi cùng các anh em nhân viên y tế phụ trách cả một vùng rộng phải căng sức ra để đến được các thôn cấp phát thuốc, khám chữa bệnh cho người dân!”, ông tâm sự.
Là một thầy thuốc, ông ý thức được trách nhiệm của mình là phải tận tâm chữa bệnh cứu người. Đã có hàng trăm trường hợp bệnh nhân được ông sơ cứu kịp thời rồi chuyển lên tuyến trên mà người bệnh được cứu sống. Trò chuyện với tôi, ông vẫn nhớ như in những ca cấp cứu mà ông đã giành lấy sự sống ngay trong tay thần chết. Điển hình, vào một buổi tối năm 2001, một bệnh nhân tên Huỳnh Khương (72 tuổi) uống rượu say bị cơn tăng huyết áp, người nhà đã tưởng ông tử vong nhưng khi ông đến kiểm tra thì bệnh nhân này đang rơi vào trạng thái bất tỉnh nguy hiểm.
Trong tình huống khẩn cấp ấy, ông cùng người nhà bệnh nhân đã ngay lập tức vượt núi băng rừng ngay giữa đêm khuya đến trung tâm y tế huyện để thực hiện các biện pháp cấp cứu nhằm giành lại sự sống cho bệnh nhân. Đến bây giờ, ông Huỳnh Khương vẫn rất khỏe mạnh và luôn coi người thầy thuốc già này là người bạn tri kỷ của mình.
Ông kể, có lần ông nhiễm bệnh nặng, trong lúc đi khám cho người bệnh về thì khuỵu xuống giữa đường, người làng vội đưa ông đi cấp cứu rồi chuyển xuống Đà Nẵng nằm viện điều trị đúng 21 ngày. Ngày ông từ bệnh viện về, người dân trong làng đón ông ngay từ đầu đường vào làng với những cái bắt tay, những lời hỏi thăm đầy tình cảm. Ông thấy cảm kích vô cùng, lại càng tin tưởng vào việc mình làm nhiều hơn.
Tấm lòng như từ mẫu
Sau thời gian 47 năm công tác, ông nghỉ hưu về lại sống cuộc sống thanh tịnh của xóm làng. Nghỉ việc ở cơ quan, nhưng khi về với bà con, ông lại thêm lần nữa sử dụng chuyên môn của mình vào công tác cứu người chữa bệnh. Dù tuổi cao, đường sá đi lại khó khăn, nhưng ông không quản ngày đêm mưa nắng đi đến các thôn làng xa xôi để khám chữa bệnh cho bà con.
Video đang HOT
Bao nhiêu năm qua, ông đã cứu chữa cho hàng ngàn người đau ốm qua cơn nguy kịch, dù chỉ là một y sĩ nghỉ hưu, nhưng mấy chục năm qua, biết bao nhiêu người dân đau ốm hay rơi vào hoàn cảnh thập tử nhất sinh đã được ông cứu chữa kịp thời, thoát khỏi cái chết. Trưởng thôn Đại Bình – Trần Kim Hùng góp chuyện: “Ông Lạn là người rất tận tình với bệnh nhân. Tháng nào ông cũng ghé thăm người dân trong các thôn mấy lần.
Mỗi khi thấy bóng ông từ đằng xa, lũ trẻ vui vẻ ra đón chào, quây quần bên ông để nhờ ông hướng dẫn cách phòng chống các loại bệnh ở người. Không nề hà, ai hỏi gì ông cũng sẵn sàng trả lời, chuyện trò vui vẻ với mọi người. Chúng tôi gọi ông là “thầy thuốc của làng” bởi dù nhà nào xa và đường đi khó đến mấy, mỗi khi bà con cần ông cũng sẵn sàng tới tận nơi dù có phải băng rừng, vượt suối!”.
Tâm sự với tôi, ông chia sẻ: “Mình cứu họ là trách nhiệm thôi, không có tiền bạc gì đâu. Người dân mình vẫn còn nghèo lắm, không có tiền, phải giúp họ thôi, ‘Lương y như từ mẫu’ mà. Mình phải giúp mọi người cho đến khi mình chết thì thôi!”.
Trong gian nhà nhỏ đơn sơ của ông, tủ thuốc chính là thứ giá trị nhất mà ông có. Ông bảo, dù giờ đã có tuổi nhưng ông vẫn khỏe lắm, ông sẽ cố gắng hết sức mình để tiếp tục phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Bởi phần lớn người dân nơi đây trình độ dân trí còn thấp, việc hiểu biết để phòng các loại bệnh thường gặp còn hạn chế. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế của họ còn khó khăn …
Không chỉ tham gia chữa bệnh cứu người, ông còn tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền bảo vệ sức khỏe cho người dân trong vùng. Đã gần 15 năm nghỉ hưu, gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề y nhưng chưa lúc nào ông thấy mệt mỏi hay chùn bước, bởi ông tin những việc mình làm sẽ đóng góp một phần nhỏ bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, xây dựng quê hương, xóm làng ngày càng văn minh hơn! Cứ thế, ngày ngày ông lại cùng túi thuốc và chiếc xe đạp đã gắn với mình mấy chục năm trời rong ruổi trong những con ngõ ngập màu xanh của chè tàu, của cây trái để đến chăm sóc sức khỏe cho những người bệnh.
Ông lấy đó làm niềm vui cuộc sống của mình. Bao nhiêu năm làm nghề trị bệnh cứu người, ông chưa có một ngày ngơi nghỉ. Trò chuyện với tôi, lão thầy thuốc già không nhắc gì đến nỗi vất vả của nghề hay những hy sinh để toàn tâm toàn ý cho công việc, ông coi đó là trách nhiệm phải làm, tự nhiên như lẽ sống. Thấy tôi hào hứng đếm những bằng khen, huy chương ghi nhận những đóng góp của ông trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, ông cười hiền hậu: “Phần thưởng ý nghĩa nhất với tôi chính là lòng tin yêu, quý trọng của bà con mình! Tôi chẳng mong gì hơn nữa!”.
Những bí quyết trường thọ
Một điều vô cùng thú vị là ngôi làng này có 1.208 nhân khẩu thì có tới hơn 300 người thuộc hàng lão, trong đó 79 người đã trên 90 tuổi. Theo lý giải của ông Lạn thì đa số cư dân ở đây đều làm nghề nông. Vì vậy, khẩu phần ăn hằng ngày của họ chủ yếu là thực vật. Có lẽ, yếu tố thực phẩm cũng phần nào đóng góp vào tuổi thọ kéo dài của những cụ già cao tuổi. Đặc biệt có nhiều cụ dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng hằng ngày vẫn rèn luyện sức khỏe bằng cách xách nước tưới rau, trồng hoa màu theo vụ mùa.
Một điều đặc biệt là mặc dù chỉ cách một con sông, nhưng phía bên kia là Trung Phước thì bom đạn liên tục nổ ra, bên này làng Đại Bình lại tuyệt nhiên không có một viên đạn nào lạc tới. Cuộc sống của người dân cứ bình yên như khi vừa mới lập làng. Làng Đại Bình lại là chốn cây trái Nam Bộ giữa lòng miền Trung.
Với đặc thù của một làng Nam Bộ với hàng chè tàu làm hàng rào, cây trái lúc lỉu trên cành, chim muôn ca hát líu lo suốt ngày tháng, người dân sống hiền hòa và gắn mình với thiên nhiên không tách rời. Nhìn chung, mỗi cụ ông, cụ bà ở làng sống lâu đều có một cách sinh hoạt khác nhau, nhưng điểm chung giữa họ là đời sống sinh hoạt đơn giản, hoạt động nhiều cũng như chế độ ăn uống hợp lý, đó chính là chiếc chìa khóa dẫn tới bí quyết sống lâu của họ.
Cứ thế, làng Đại Bình và lão thầy thuốc già cứ sống chan hòa cùng những lão nông tri điền khác ở vùng đất yên bình này. Chiều chiều, sau những giờ phút đi quanh làng chăm sóc sức khỏe cho người dân, ông Lạn lại trở về vui thú điền viên cùng những bạn già trong vùng cây cối xanh mát của làng. Cuộc sống bình yên viên mãn đến lạ thường.
Theo Người đưa tin
Bí quyết "trường thọ" của cụ bà 107 tuổi, sống qua 2 thế kỷ
Về làng Đồng Lư hỏi thăm cụ Rêu (tức cụ Chén) 107 tuổi, thì kể cả những đứa trẻ lên 6 lên 7 cũng đều biết.
Cụ Chén sinh năm 1906 như vậy năm 2013 này cụ đã 107 tuổi.
Ở cái tuổi "trời đất xưa nay hiếm" Cụ bà Đinh Thị Chén tên thường gọi là cụ Rêu sinh năm 1906, sống ở thôn Đồng Lư - Tân Thịnh - Nam Trực - Nam Định, tuy đã 107 tuổi nhưng tinh thần còn rất minh mẫn, trò chuyện nói cười tinh anh thậm chí còn đỡ đần con cháu việc nhà.
107 tuổi vẫn minh mẫn, làm được việc nhà
Về làng Đồng Lư hỏi thăm cụ Rêu (tức cụ Chén) 107 tuổi, thì kể cả những đứa trẻ lên 6 lên 7 cũng đều biết. Ai đến nhà thăm cũng đều trầm trồ khen về sức khỏe và sự minh mẫn của cụ, con cháu ở xa về thăm, hỏi han sức khỏe, cụ đều trả lời: "Nhờ giời, bà vẫn khỏe", rồi cầm tay từng người, hỏi thăm, căn dặn đủ điều, mặc dù ánh mắt cụ đã chuyển màu, chỉ nhìn thấy mờ mờ nhưng giọng nói còn trong và rõ ràng, lưng còng phải chống gậy nhưng đôi chân cụ vẫn cứng cáp, bước đi nhanh nhẹn.
Anh Đinh Viết Thành cháu trai ở thành phố Nam Định về thăm cụ cho biết: "Năm nào về tết cụ vẫn nhận ra được, cụ còn nhớ từng đứa cháu để hỏi han xem học hành có giỏi không, phải nói là phúc đức lắm cụ mới được khỏe mạnh và minh mẫn như vậy. Phận làm con cháu tôi thấy tự hào lắm".
Xem chứng minh nhân dân thì cụ Chén sinh năm 1906 như vậy năm 2013 này cụ đã 107 tuổi, tính đến thời điểm hiện nay thì trong xã chưa có ai nhiều tuổi như cụ.
Ông Đinh Viết Trưởng (54 tuổi) là cháu trai đang phụng dưỡng cụ Chén cho biết, cụ Chén sinh được ba người con, hai người con trai cả vì chiến tranh, nghèo đói nên đã chết từ khi còn nhỏ.
Ông Trưởng chia sẻ: "Mỗi bữa cụ ăn được 2 lưng cơm mà chỉ ăn với thịt không ăn canh, cụ có thói quen uống nước chè xanh, nên mỗi lần con cháu đi chợ là không quên mua 2 nghìn chè tươi về hãm nước cho cụ. Mặc dù răng rụng hết nhưng ngô luộc hay lạc rang cụ vẫn ăn tốt, mọi sinh hoạt cá nhân cụ đều tự làm được. Mà cụ sạch sẽ lắm! Ngày nào cũng tự tắm gội giặt giũ".
Với tính cách hay lam hay làm cụ không lúc nào chịu ngồi yên 1 chỗ, khi thì quét nhà khi thì ra vườn nhặt cỏ. Hỏi cụ sao không ngồi nghỉ ngơi cho khỏe thì cụ lại bảo: "Bà đi lại cho cứng chân, chứ ngồi một chỗ khó chịu lắm, chân tay phù ngay".
Uống chè xanh - Bí quyết sống thọ
Theo như lời kể của các cụ cao tuổi trong làng thì thời trẻ cụ Chén là người khỏe mạnh, chăm chỉ lại sống hiền lành nhất làng, chòm xóm xung quanh nơi cụ Chén ở ai cũng kính trọng.
Trò chuyện với cụ về bí quyết sống thọ, cụ Chén móm mém cười nắm lấy tay tôi rồi nói: "Bà hay uống chè xanh, mỗi lần bà uống chè là thấy người tỉnh táo hẳn, bà ăn uống điều độ, nếu thấy sức còn khỏe còn đỡ đần cho con cháu việc gì thì bà làm, sáng dậy bà cũng tập thể dục bằng cách duỗi chân, duỗi tay để giãn gân cốt. Ấy thế nhưng đêm thỉnh thoảng bà vẫn đau lưng đấy, chỉ nằm nghiêng được thôi.
Cụ Chén vẫn rất minh mẫn và làm được việc nhà.
Nhìn thấy con cháu chúng nó trưởng thành lại càng vui, muốn sống lâu hơn, nhưng chúng nó lớn đi học, đi làm ở xa, mỗi lần về được có 2 ngày rồi lại đi bà nhớ lắm! bà vẫn giục chúng nó lập gia đình sớm để bà còn được bế chắt, có an cư mới lạc nghiệp các cháu ạ! "
Cụ Tuy có những đốm đồi mồi nhưng sắc mặt cụ hồng hào, khỏe mạnh, đã ở tuổi 107 nhưng giọng nói vẫn rõ ràng đến lạ thường. Có lẽ nhờ chăm chỉ vận động, sống trong môi trường trong lành, con cháu hiếu thảo, đời sống tinh thần thoải mái và do thói quen uống chè thường xuyên mà cụ mới có sức khỏe như vậy.
Bà Lịch cháu dâu của cụ niềm nở chia sẻ thêm: "Cụ hiền lành, nhân đức thương con thương cháu lắm! Từ hồi tôi về làm dâu chưa thấy cụ to tiếng với ai bao giờ. Cụ sống được đến bây giờ cũng là niềm hạnh phúc rất lớn của gia đình và là niềm tự hào của cả dòng họ".
Chúc thọ các cụ cao niên - một việc nên làm
Là người chứng kiến những đổi thay của đất nước, từ những năm tháng khó khăn cho đến bây giờ, cụ hớp chén nước chè xanh rồi kể cho chúng tôi nghe chuyện thời xưa, chuyện của những năm đói 1945: "Bà là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh em, giờ còn mỗi mình bà sống thôi. Bà lấy chồng từ năm bà lên 16, 17 mà hơn ông nhà bà 6 tuổi cơ.
Giấy chứng minh nhân dân của cụ Chén.
Ngày xưa đói lắm làm gì được ăn cơm gạo trắng như bây giờ, có khi đói quá phải độn thêm khoai hoặc sắn ăn rồi đi làm đồng, đi trục lúa từ sáng sớm đến 11 giờ đêm mới về, trời tối mà cũng đâu có dám thắp đèn. Khổ nhất là cái năm 45 ở vùng này ai cũng thiếu thốn, trẻ con, người già thì bệnh tật, bà lên mãi tỉnh đi buôn nhưng rồi cũng bị chúng nó cướp hết".
Lần giở lại những giấy tờ cũ, ông Đinh Viết Trưởng mang ra cho chúng tôi xem một tờ giấy mừng thọ do phó chủ tịch nước trao tặng (năm 2012) và tờ giấy khen tặng của Hội người cao tuổi. Vừa qua nhân dịp tết nguyên đán Quý Tỵ 2013 Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Thường trực Ban công tác Người cao tuổi tỉnh Nam Định, đã phối hợp với UBND xã Tân Thịnh tổ chức chúc thọ cho các cụ cao tuổi trong xã và trao cho cụ là 500.000 đồng nhằm động viên cụ sống lâu, vui vẻ bên con cháu, phát huy trí tuệ và kinh nghiệm cho công cuộc phát triển đất nước.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn có chính sách quan tâm, hỗ trợ người cao tuổi. Chỉ thị 59 ngày 27/9/1995 của Ban Bí thư "Về chăm sóc người cao tuổi" đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về người cao tuổi, khơi dậy tiềm năng, sức mạnh, trách nhiệm của mỗi gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội và nhà nước đối với người cao tuổi. Nhưng vì lý do nào đó chưa đăng ký kỷ lục nên cụ Chén vẫn chưa được vinh danh.
Ông Trần Công Tiếm chủ tịch hội người cao tuổi xã Tân Thịnh cho biết hiện nay trong xã có 106 cụ thọ từ 90 - 95 tuổi và 6 cụ trên 100 tuổi trong đó có cụ Phạm Văn Bá, cụ Phạm Thị Râng là 103 tuổi còn cụ Đinh Thị Chén là 107, cao tuổi nhất trong xã. Ông Tiếm cho biết hàng năm hội cao tuổi xã lại tổ chức đi thăm và chúc tết, động viên các cụ. Để nâng cao tinh thần sống vui sống khỏe hội đã thành lập những câu lạc bộ dưỡng sinh cho ở các thôn như Đồng Lư, Nam Hà, Ngọc Thỏ.
Theo Xahoi
Cần Thơ chấn chỉnh y đức sau hàng loạt sự cố chữa bệnh Mong muốn đội ngũ thầy thuốc nâng cao chuyên môn để phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn, chính quyền thành phố Cần Thơ chỉ đạo ngành y tế chấn chỉnh y đức. Ảnh minh họa Chiều 11/9, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng triệu tập cuộc họp với sự tham dự của lãnh đạo Sở Y tế...