Bí quyết sống khỏe của các hãng dầu khí khi giá giảm
Saint Lucia, đảo quốc nhỏ bé nằm tại vùng biển Caribbe, là lời giải cho bài toán lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh dầu khí giữa đợt dư cung dầu thô kéo dài nhất trong 3 thập niên qua.
Tình trạng “bù hoãn mua” sẽ cứu sống nhiều hãng kinh doanh dầu mỏ – Ảnh: AFP
Theo Bloomberg hôm nay 16.9, hãng năng lượng Glencore và Vitol Group vừa thuê bồn chứa dầu cực lớn tại kho cảng xăng dầu duy nhất của hòn đảo Saint Lucia để trữ dầu thô. Đây là cách mà các doanh nghiệp năng lượng đối phó với thực trạng bù hoãn mua ngày càng trầm trọng của thị trường.
Bù hoãn mua (contango) là tình trạng thị trường khi giá của một hợp đồng kỳ hạn, hay một hợp đồng tương lai, được giao dịch cao hơn giá giao ngay được dự kiến khi hợp đồng đáo hạn. Đơn giản hơn, đó là tình trạng giá dầu hôm nay thấp hơn giá dầu vài tháng tới. Điều này giúp các hãng dầu mỏ có khả năng lưu trữ dầu kiếm “núi tiền” trong tương lai.
“Cơ hội bù hoãn mua đang tăng cao”, Ian Taylor, CEO Vitol, nhà kinh doanh dầu độc lập lớn nhất thế giới, nhận định trong một buổi phỏng vấn đầu tháng này. Từ đảo Saint Lucia đến Nam Phi, tới tận Rotterdam (Hà Lan), các công ty dầu mỏ đang nắm bắt cơ hội trên.
Thị trường dầu mỏ bước vào trạng thái bù hoãn mua từ tháng 8.2014. Tháng trước, diễn biến giá dầu đã khiến các nhà kinh doanh dầu thô hưởng lợi nhiều hơn.
Sự chênh lệch giá bán giữa dầu Brent giao ngay, giá chuẩn toàn cầu, và dầu Brent giao trong 1 năm tới là 7,82 USD/thùng. 7,82 USD/thùng là con số chênh lệch đã tăng lên gấp đôi từ giữa tháng 7.
Các hãng dầu ngày càng tích trữ nhiều “vàng đen”, khi mà các nhà máy lọc dầu đang rục rịch vào đợt bảo trì trước mùa đông bán cầu bắc, còn nguồn cung từ khu vực Biển Bắc và Tây Phi thì vọt lên cao nhất trong vòng 3 năm qua. Hàng triệu thùng dầu thô đang tìm nơi trú ẩn.
Hãng Glencore gửi các bồn kích thước vừa Everglades, chứa đầy đầu thô Biển Bắc đến đảo Saint Lucia vào ngày 9.9. Hãng đối thủ của họ là Vitol thì gửi tàu chở dầu cực lớn Front Ariake, cũng chứa đầy “vàng đen” Nigeria đến một cơ sở lưu trữ trên bờ tại Saldanha Bay ở Nam Phi ngày 25.8.
Video đang HOT
Ngân hàng Goldman Sachs ước tính lượng cung dầu mỏ đang vượt nhu cầu đến 2 triệu thùng/ngày, gia tăng áp lực lên lượng lưu trữ dầu thô của thế giới.
Với mức giá hiện nay, các hãng dầu có thể trữ dầu tại các địa điểm trên cạn như thế để kiếm tiền. Bù hoãn mua chưa đủ mạnh đến mức để họ có thể trữ dầu thô trong những con tàu cực lớn trên biển. Dù vậy, vài dấu hiệu cho thấy sử dụng kho trữ dầu lênh đênh trên biển có thể khả thi vừa xuất hiện.
Paddy Rodgers, CEO của Euronav, một trong những người sở hữu nhiều tàu chở dầu nhất thế giới, cho hay “vàng đen” có thể bắt đầu được trữ trên biển từ 4 đến 5 tháng tới. Công ty vận tải biển E.A. Gibson Shipbrokers dự báo mức bù hoãn mua đang tiến gần hơn đến việc cho phép một số nước sản xuất dầu Trung Đông, chẳng hạn như Oman, trữ dầu trên biển.
Trở ngại chính trong thanh toán bù hoãn mua là chi phí lưu trữ, dù là trên đất liền hay ngoài khơi. Năm 2008 và 2009, lần gần nhất mà thị trường dầu thô dư cung như hiện nay, các công ty vận tải đã tăng giá chậm chạp, giúp các hãng kinh doanh dầu thô kiếm bộn tiền lợi nhuận từ bù hoãn mua.
Các dấu hiệu của tình trạng bù hoãn mua càng mạnh thì các bên kinh doanh dầu càng có lợi. Hãng Vitol đã thu được kỷ lục 2,28 tỉ USD trong năm 2009, đại gia dầu khí BP thì cho hay họ kiếm thêm được 350 triệu USD từ kinh doanh dầu thô trong quý 1/2015. Tất cả là nhờ tình trạng bù hoãn mua mạnh lên trong thị trường.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Kinh tế Trung Quốc suy yếu, Nga quay sang bán dầu cho Ấn Độ
Trước lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã quay sang bắt tay cùng Trung Quốc. Song hiện tại, khi nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng yếu đi, Nga cố gắng bán dầu khí của họ cho nền kinh tế đứng thứ 8 toàn cầu: Ấn Độ.
Ba lãnh đạo các nước Nga, Trung Quốc và Ấn Độ (từ trái sang) - Ảnh: Reuters
Theo trang Business Insider hôm nay 14.9, trong cuộc gặp của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 3.9 vừa qua, hãng dầu khí CNPC (Trung Quốc) và ông lớn năng lượng Nga Gazprom ký một bản ghi nhớ về dự án thứ ba mà hai nước này hợp tác trong 5 năm tới.
Mặc dù bản ghi nhớ mới nhất được coi là có lợi cho cả đôi bên, nhiều người vẫn đang e ngại về tình trạng trì hoãn trong các thỏa thuận Nga - Trung trước đó.
Tháng 5.2014, Nga và Trung Quốc cùng ký một thỏa thuận khí đốt, đồng ý xây dựng hai đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga sang quốc gia châu Á. Thế nhưng, dự án đường ống thứ hai đã bị đình chỉ vào tháng 6 vừa rồi.
Thêm vào đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và thị trường chứng khoán nước này cũng trải qua những đợt "rung lắc" mạnh. Nga hiện rất thận trọng với các kế hoạch đầu tư của Trung Quốc.
Thống kê từ InvestorIntel thậm chí cho biết xuất khẩu từ Nga vào Đại lục đã giảm 20% so với năm ngoái. Trung Quốc chỉ đầu tư chưa đến 1,6 tỉ USD vào Nga trong năm qua, trong khi đó nước Nga lại đổ vào kinh tế Trung Quốc đến 151,5 tỉ USD.
Vì những yếu tố trên, Nga đang tăng cường sự hiện diện của nước này trong nền kinh tế Ấn Độ. Với lượng cầu năng lượng lớn và nền kinh tế sôi nổi, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ được cho là sẽ vượt Trung Quốc trong năm 2015, 2016, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Sau Đại lục, Ấn Độ là sự lựa chọn tốt tiếp theo cho Nga trong việc tăng cường quan hệ với châu Á và giải thoát nước nhà khỏi lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - Ảnh: Reuters
Trước Hội nghị thường niên Ấn Độ - Nga tổ chức ở New Dehli hồi tháng 12.2014, dầu nhập khẩu từ Nga vào Ấn Độ chỉ ở mức dưới 1%. Tại hội nghị, ông Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký nhiều hiệp định song phương quan trọng, trong đó có việc hợp tác ở lĩnh vực năng lượng như cùng thăm dò, sản xuất dầu khí.
Hãng năng lượng Nga Rosneft và công ty dầu khí Ấn Độ Essar Oil cũng bắt tay nhau trong một thỏa thuận hợp tác trị giá nhiều triệu USD vào ngày 8.7. Trước đó, tại hội nghị Ấn - Nga vào năm ngoái, Rosneft đã có thỏa thuận cung cấp gần 10 triệu tấn dầu thô/năm cho Essar Oil trong vòng 10 năm. Hai hãng này có kế hoạch tăng gấp 3 lần số lượng trạm xăng dầu tại Ấn Độ trong 2 năm tới.
Việc Nga đầu tư vào Ấn Độ là một trong những chiến lược được coi trọng. Ngoài thỏa thuận với Essar, đại gia dầu khí Rosneft còn bán 15% cổ phần trong công ty con Vankorneft của mình cho công ty quốc doanh Oil and Natural Gas Corporation Limited của Ấn Độ với giá 1,25 tỉ USD.
Năm 2007, Tổng thống Nga từng dự báo rằng đến năm 2025, lần lượt 35% dầu thô và 25% khí đốt xuất khẩu của nước này sẽ tiến đến Đại lục. Ông Putin thậm chí còn nói rằng Tung quốc sẽ trở thành đối tác thương mại chính của Nga, vượt qua châu Âu vào năm 2030.
Song với tình hình kinh tế của nước bạn và chuyện các dự án "treo", dự báo này đã trở thành kỳ vọng quá lạc quan.
Mặt khác, Nga vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ thị trường châu Âu. Hãng Gazprom mới đây công bố một thỏa thuận "hoán đổi tài sản" với các đối tác châu Âu gồm hãng BASF, Royal Dutch Shell, E.ON và OMV.
Động thái này sẽ tăng cường quan hệ hợp tác Nga - EU trong thời gian tới, có thể gia tăng sự hiện diện của Nga ở châu Âu. Đổi lại, EU sẽ mua nhiều khí đốt của Nga hơn.
Dù vậy, thực tế châu Âu đã không còn là một thị trường đầy tiềm năng còn Trung Quốc thì đang tăng trưởng chững lại, rất có thể thời gian tới, sự ưu ái sẽ thuộc về Ấn Độ. Nước Nga hoàn toàn có lý do để làm điều đó, khi Trung Quốc là cỗ máy tăng trưởng toàn cầu nhưng trong tương lai, rất có thể Ấn Độ mới là quốc gia nhận danh hiệu trên.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
5 thông điệp của Nga từ các động thái của nước này ở Syria Một bài viết đăng trên tạp chí của Mỹ vừa giải mã 5 thông điệp mà Tổng thống Nga Putin muốn gửi cho thế giới từ động thái của Nga ở Syria. Tạp chí National Interest (Mỹ) mới đây đăng nhận định của cây bút Nikolas Gvosdev về thế chủ động của người Nga trong ván cờ quốc tế hiện nay và các...