Bị Nga ghẻ lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ quay về với bạn cũ
Đổ vỡ trong quan hệ với Moscow sau vụ bắn rơi Su-24 Nga, Ankara quay lại với những người bạn cũ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Thủ tướng Ahmet Davutoglu. Ảnh: beyazgazete
Kể từ khi nhậm chức năm 2002, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng đảng Công lý và Phát triển (AKP) đã tìm cách đưa Thổ Nhĩ Kỳ dịch xa dần khỏi các đồng minh phương Tây truyền thống.
Chính sách mới của nước này, được định hình bởi ông Ahmet Davutoglu, người từng là bộ trưởng ngoại giao, nay là thủ tướng, với quan điểm cho rằng Ankara sẽ không bao giờ có thể trở thành cường quốc khu vực, nếu chỉ có quan hệ tốt với phương Tây. Vậy nhưng, theo nhận xét của Soner Cagaptay, chủ nhiệm chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ ở viện Washington trong một bài viết trênWall Street Journal, quan điểm này đang cho thấy sai lầm nghiêm trọng.
4 bể là thù
Ông Davutoglu tin rằng, với việc hình thành quan hệ tốt hơn với các nước như Iran và Nga, và không ngả theo Liên minh châu Âu (EU), Israel và Mỹ, Ankara có thể giành được ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông và Á – Âu, để nổi lên như một cường quốc khu vực được nể trọng.
Vậy nhưng, điều ngược lại đã xảy ra. Ngày nay, 4 người người bạn chủ chốt ngoài EU của Thổ Nhĩ Kỳ, gồm Nga, Iran, Iraq và Syria, đang đứng về một phía, trong một trục mới hình thành chống lại Ankara. Đồng minh thực sự của Thổ Nhĩ Kỳ giờ còn lại Mỹ.
Ban đầu, chính sách đối ngoại mới của Thổ Nhĩ Kỳ tưởng như đã thành công. Ông Erdogan, trước đây là thủ tướng và giờ là tổng thống, đã nhận được những vòng tay rộng mở khi tới thăm Damascus, Tehran và Moscow trong thập kỷ trước. Ông đã mời Tổng thống Syria Bashar Assad cùng đi nghỉ tại Thổ Nhĩ Kỳ, bảo vệ dự án hạt nhân của Iran và ký thỏa thuận đường ống khi đốt với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Khi mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ – Israel rạn nứt năm 2010, đường phố Arab đã ca ngợi bộ đôi lãnh đạo Erdogan – Davutoglu. Vậy nhưng Mùa xuân Arab là thử thách thực sự với quyền lực khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo tại Ai Cập năm 2013, họ bị cô lập khỏi những cường quốc Arab trong khu vực.
Video đang HOT
Chính quyền mới được quân đội dẫn dắt tại Cairo, cùng những bên hậu thuẫn tại Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) hay các quốc gia Vịnh Ba Tư khác, đều đứng về phía đối lập với Ankara.
Ông Erdogan cũng biến một đồng minh khác thành kẻ thù. Tại Syria, do hậu thuẫn cho phe nổi dậy chống chính quyền, Ankara bị đẩy vào một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga và Iran, cũng như chính quyền Assad.
Khi chiến sự tại Syria bùng phát năm 2011, ông Erdogan đã cử ông Davutoglu tới Damascus để khuyên ông Assad kiềm chế, tiến hành cải tổ. Thế nhưng chỉ vài giờ sau cuộc gặp tại Damascus, Tổng thống Assad đã lần đầu tiên điều xe tăng vào các thành phố. Giấc mộng của AKP về vị thế cường quốc khu vực cũng lung lay.
Và với việc hậu thuẫn về chính trị, quân sự cho các chiến binh người Kurd tại Iraq, chiến binh Arab Hồi giáo dòng Sunni, Ankara đã ở trong thế đối đầu với chính phủ do người Hồi giáo Shiite chiếm ưu thế tại Iraq.
Giờ đây, trục Nga – Iran – Syria – Iraq đang nỗ lực để củng cố mối liên kết. Cuộc khủng hoảng hiện tại giữa Ankara và Moscow liên quan đến vụ máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi là một một ví dụ tiêu biểu.
Moscow kể từ đó đến nay leo thang căng thẳng chống lại Ankara, với các lệnh trừng phạt về thương mại, hủy dự án đường ống khí đốt, và triển khai hệ thống tên lửa S-400 tới Syria. Hệ thống này đủ khả năng bắn vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Armenia đã chấp thuận thống nhất không phận của mình với Nga vì mục đích phòng thủ, đồng nghĩa với việc Ankara phải đối diện với Moscow ở phía đông. Ở phía nam, Nga đã bắt đầu cung cấp vũ khí cho đảng Dân chủ Thống nhất của người Kurd (PYD) tại Syria, vốn là đồng minh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang chiến đấu chống lại chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Với việc chọn lá bài người Kurd, ông Putin muốn cho Ankara thấy mình có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ gặp rắc rối ở mọi phía, cũng như ở chính trong nước.
Cũng nằm về phía nam tại Iraq, Nga đang cùng với Iran khuyến khích Baghdad có lập trường mạnh mẽ trước Ankara. Chính phủ Iraq đã gây sức ép để Thổ Nhĩ Kỳ rời bỏ Bashiqa, một căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ lập ra đầu năm 2015 để huấn luyện các chiến binh người Kurd ở Iraq, và chiến binh Arab Sunni. Iraq đã dọa sẽ nhờ cậy Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc can thiệp.
Từ tháng 9, Nga, Iran, Syria và Iraq đã đạt được một thỏa thuận về chia sẻ thông tin tình báo, cho thấy một liên minh không chính thức đã hình thành, với Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những mục tiêu chính. Bị liên minh mới này dồn vào thế bí, ông Erdogan và Davutoglu đã bắt đầu nhìn nhận lại những điểm chính trong chính sách đối ngoại của mình.
Bạn cũ
Khi chính sách đối ngoại mới đổ vỡ, Ankara giờ phải quay lại với chính sách cũ. Quan hệ của nước này với EU đang có dấu hiệu hồi sinh. Trong ngắn hạn, đây là điều có lợi cho cả hai phía: EU cần Thổ Nhĩ Kỳ giúp kiểm soát dòng người di cư vào EU. Sự hồi sinh này cũng có nghĩa là tiến trình kết nạp Ankara, vốn từng có thời gian bị đóng băng, nay được tái khởi động.
Hôm 15/12, Ankara và EU đã chấp thuận mở ra một chương mới trong tiến trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, họ đang phối hợp để đạt được thống nhất về các chính sách kinh tế và tiền tệ.
Ngoài ra, cũng xuất hiện dấu hiệu tích cực trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ – Israel. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao với Nga đang tiếp diễn, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt, và Israel là một lựa chọn. Hai nước được tin là đã chấp thuận bình thường hóa quan hệ, cùng tin tưởng rằng họ có những mối quan ngại tương đồng tại Syria. Với Israel, đó là lực lượng Hezbollah, còn với Thổ Nhĩ Kỳ là PYD. Cả hai nhóm này đều được Nga hậu thuẫn. Bên cạnh đó, mối đe dọa từ nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng là một thách thức chung khác của hai nước.
Tuy vậy, có lẽ diễn biến có ý nghĩa quan trọng nhất là mối quan hệ được củng cố với Washington. Hai ông Erdogan và Davutoglu hiểu rằng sau vụ bắn rơi máy bay Nga hôm 24/11, ông Putin đã không và không thể đáp trả tương ứng ngay lập tức vì Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO. Trước sự trỗi dậy của Nga, đối thủ lịch sử mà người Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần giao chiến và bại trận, Ankara hiểu rằng họ cần NATO và Washington hơn bao giờ hết.
Điều trớ trêu cho chính quyền Erdogan là sau một thập kỷ tìm cách đưa Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần với Nga và Trung Đông, mối quan hệ giờ lại trở về với thời điểm gần 20 năm trước.
Nếu quan hệ với Israel được bình thường hóa, chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ gần như giống hệt năm 1995, khi ông Suleyman Demirel là tổng thống: thân thiết với Mỹ, có nhiều trục trặc với Iran, Iraq, Nga và Syria.
“Đây là thời cơ để Thổ Nhĩ Kỳ để nắm bắt”, ông Cagaptay bình luận. “Ankara an toàn hơn khi quay lại với những người bạn cũ”.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận ra lệnh bắn hạ Su-24 Nga
Thủ tướng Ahmet Davutoglu, quan chức Thổ Nhĩ Kỳ duy nhất từng nhận trách nhiệm trong việc bắn rơi cường kích Su-24 Nga, nay rút lại tuyên bố đưa ra trước đó của mình.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu. Ảnh: AFP
"Tôi không trực tiếp ra lệnh bắn máy bay Nga", RT hôm nay dẫn lời Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình NTV. Ông khẳng định mình không thể kịp ra lệnh nếu cường kích Su-24 của Nga chỉ đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong 17 giây.
"Thủ tướng phải ban hành sẵn hướng dẫn về cách phản ứng trước các mối đe dọa. Những hướng dẫn này không hề mới và chúng sẽ được áp dụng mà không cần mệnh lệnh từ tôi", ông cho biết.
Thay vào đó, ông Davutoglu dường như quay sang đổ lỗi cho không quân Thổ Nhĩ Kỳ khi nói rằng vài ngày trước khi xảy ra sự việc, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nước này đã cho phép không quân được quyền bắn hạ các máy bay xâm phạm không phận.
Một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 Nga ở khu vực gần biên giới Syria, trong cuộc họp của đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP), ông Davutoglu khi đó lại tuyên bố việc bắn hạ máy bay "là quyết định được đưa ra khi không phận của chúng ta bị xâm phạm. Mọi biện pháp cần thiết được thực thi, mọi mệnh lệnh liên quan chuyển tới các lực lượng vũ trang đều xuất phát từ chính cá nhân tôi".
Vũ Hoàng
Theo VNE
Nga tăng thêm lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được thực hiện một số hoạt động kinh doanh tại Nga kể từ ngày 1/1 năm tới. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ bị cấm hoạt động trong một số lĩnh vực ở Nga. Ảnh minh họa: Comansa Theo danh sách mà chính phủ Nga công bố hôm qua, doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ bị...