Bị Mỹ dồn vào đường cùng, Huawei buộc phải hợp tác với đối thủ
Bị Mỹ dồn vào thế khó, Huawei đã buộc phải chuyển sang hợp tác với một số hãng chip di động mà trước kia từng là đối thủ của hãng.
Huawei đang kích hoạt kế hoạch dự phòng nguồn chip với việc chuyển sang hợp với các đối thủ MediaTek và UNISOC.
Theo Nikkei Asian Review, Huawei đang phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà sản xuất chip đối thủ nhằm đối phó với sự đàn áp từ phía chính phủ Hoa Kỳ.
Huawei được cho là đang đàm phán với MediaTek, nhà sản xuất chip di động lớn thứ hai thế giới, sau Qualcomm của Mỹ và UNISOC, hãng chip di động lớn thứ hai của Trung Quốc chỉ sau HiSilicon (thuộc Huawei). Động thái của hãng nhằm mua thêm chip để duy trì hoạt động kinh doanh điện tử tiêu dùng như một sự thay thế cho các đơn hàng bị Mỹ kìm hãm, một nguồn tin quen thuộc với vấn đề nói với Nikkei.
Việc phát triển chip hàng đầu của riêng mình luôn nằm trong chiến lược quan trọng của Huawei, điều này giúp công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc duy trì vị thế hàng đầu tại thị trường smartphone và các thiết bị phần cứng khác. Các nhà phân tích và giám đốc công nghệ nói rằng việc sử dụng các sản phẩm chip của đối thủ có nguy cơ làm giảm khả năng cạnh tranh của Huawei.
MediaTek là nhà cung cấp chip di động quan trọng của Samsung và nhiều nhà sản xuất smartphone Trung Quốc như Oppo, Vivo và Xiaomi. Nhà sản xuất chip Đài Loan thường cung cấp chip cho điện thoại tầm trung và giá rẻ hỗ trợ 4G của Huawei.
Tuy nhiên, nguồn tin nói với Nikkei rằng Huawei đang muốn ký hợp đồng mua chip 5G để tích hợp trong smartphone tầm trung và cao cấp. Hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc trước đây chỉ sử dụng chip Kirin do chính họ sản xuất cho các dòng điện thoại cao cấp.
“Huawei đã dự đoán trước được ngày này. Hãng đã bắt đầu dùng chip của MediaTek cho dòng sản phẩm tầm trung trở xuống từ năm ngoái nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Năm nay, họ cũng sẽ trở thành một trong những khách hàng lớn cho dòng chip 5G của MediaTek”, nguồn tin cho biết.
Video đang HOT
Trong khi MediaTek đang đánh giá xem liệu họ có đủ nguồn nhân lực để đáp ứng được đơn hàng đầy tham vọng của Huawei hay không bởi hãng Trung Quốc đặt mua số lượng chip cao hơn 300% so với những năm trước.
Ngoài Media Tek, Huawei cũng bắt đầu thắt chặt hợp tác với UNISOC, công ty phát triển chip ở Bắc Kinh. Hãng trước đây sử dụng một lượng nhỏ chip của công ty này trong các điện thoại và máy tính bảng giá rẻ.
“Các thỏa thuận mua bán có thể trở thành động lực giúp UNISOC nâng cấp khả năng thiết kế chip của hãng trong tương lai”, một giám đốc công nghiệp chip cho biết. “Trong quá khứ, UNISOC đã phải chật vật khá nhiều vì hãng không đủ khả năng thực hiện các hợp đồng lớn với các nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới bởi họ có thể tìm kiếm được những sự lựa chọn thay thế tốt hơn. Đây có thể là cơ hội để hãng chip Trung Quốc đạt được tiêu chuẩn quốc tế”.
UNISOC đã đẩy mạnh việc phát triển chip 5G từ năm ngoái nhằm bắt kịp Qualcomm và MediaTek, Nikkei báo cáo. Mới đây, công ty đã nhận được 4,5 tỷ NDT (630 triệu USD) từ quỹ tổng hợp quốc gia của Trung Quốc, còn được gọi là Quỹ Lớn (Big Fund).
Vào ngày 15/5, Washington đã thông báo các quy định hạn chế xuất khẩu mới nhằm ngăn chặn các nỗ lực phát triển chip của Huawei thông qua HiSilicon và sự hợp tác của công ty với TSMC của Đài Loan, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới và cũng là nhà cung cấp bộ xử lý iPhone duy nhất.
Dưới những thắt chặt hạn chế mới, các công ty ngoài Mỹ phải xin giấy phép để sử dụng công nghệ và phần mềm Mỹ bán chip cho Huawei.
Hạn chế mới nhắm thẳng vào chiến lược cạnh tranh với Apple và Samsung của Huawei – phát triển các chip tiên tiến của riêng mình và hợp tác với các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới.
Huawei đã phát triển các thiết kế chip riêng thông qua đơn vị HiSilicon, công ty con hiện đang sử dụng 10 000 kỹ sư trong suốt hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, TSMC đóng vai trò sản xuất tất cả các bộ xử lý di động cao cấp của HiSilicon – chip Kirin, dòng chip được sử dụng cho hầu hết các loại điện thoại thông minh hàng đầu của Huawei, cũng như bộ xử lý mạng trong các trạm gốc 5G, chip trí tuệ nhân tạo và chip máy chủ.
Nhờ sự hợp tác này, Huawei đã giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng Mỹ như Qualcomm hay Broadcom. Tuy nhiên, quy định mới khiến việc hợp tác với TSMC có nguy cơ tan vỡ, khi mà hãng Đài Loan bắt đầu dừng nhận đơn hàng mới của Huawei. Trước áp lực từ Mỹ, TSMC đã tạm dừng các đơn đặt hàng mới từ Huawei.
MediaTek và UNISOC từ chối bình luận về vấn đề này.
Các nhà phát triển chip châu Á cần cảnh giác với khả năng bị cuốn vào căng thẳng Mỹ – Trung, đặc biệt là sau khi ông Christopher Ashley Ford, một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gửi đi cảnh báo vào hôm thứ Năm rằng chính phủ Mỹ vẫn đang xem xét có nên tiếp tục thay đổi các quy tắc xuất khẩu nữa hay không.
Vào cuối tháng 3, Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei cho biết công ty vẫn có thể mua chip từ MediaTek và UNISOC nếu Mỹ chặn các đối tác sản xuất chip hợp đồng của hãng. Tuy nhiên, các nhà phần tích cho rằng việc phải sử dụng các loại chip có sẵn giống nhau mà các đối thủ nhỏ hơn như Oppo và Xiaomi sử dụng thay vì sử dụng chip tùy chỉnh của riêng mình có thể làm suy yếu các sản phẩm điện tử tiêu dùng của hãng.
“Theo sự kiểm tra của chúng tôi, Huawei vẫn có đủ chip để duy trì đến cuối năm nay. Do đó, tác động của lệnh cấm sẽ thể hiện rõ từ quý IV/2020 nếu vấn đề cung cấp chip không được giải quyết”, Jeff Pu, chuyên phân tích của GF Securities nói với Nikkei. “Nếu nguồn cung cấp chip do HiSilicon của Huawei thiết kế bị hết vào năm tới, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hai dòng smartphone M và P của hãng, chủ yếu nhắm vào thị trường cao cấp.
Mặc dù Huawei có thể đảm bảo nguồn cung chip từ MediaTek và UNISOC, “hãng vẫn sẽ gặp thách thức lớn khi trình làng những sản phẩm cao cấp trong một thị trường đầy cạnh tranh như smartphone”, ông Pu nói thêm.
China Unicom, ZTE hợp tác phát triển mạng 6G giúp nâng cao tiếng nói DN
Mạng 6G sẽ trở thành 'chiến trường cạnh tranh' của thập kỷ tới, trong bối cảnh các nước muốn chiếm vị trí dẫn đầu trong thị trường viễn thông tương lai.
(Nguồn: globaltimes.cn)
Các doanh nghiệp và viện nghiên cứu tại Trung Quốc đang hướng tới mạng 6G - mạng không dây di động thế hệ thứ 6 trong bối cảnh Mỹ giám sát chặt chẽ thiết bị viễn thông 5G do Tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc) cung cấp.
Theo trang tin công nghiệp c114.com.cn của Trung Quốc, ngày 17/5, nhà mạng China Unicom và nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE đã nhất trí về việc nghiên cứu và phát triển mạng 6G theo một thỏa thuận hợp tác.
Hai bên sẽ thảo luận về triển vọng, xu hướng công nghệ, nghiên cứu các công nghệ 6G chủ chốt và hợp tác về các tiêu chuẩn.
Theo hãng ZTE, kỷ nguyên 6G có thể bắt đầu vào năm 2030. ZTE sẽ nỗ lực hết sức hợp tác với China Unicom trong công nghệ chủ chốt 6G, trong đó có công nghệ không gian, liên lạc ánh sáng hữu hình...
Trong khi đó, nhà mạng China Unicom cam kết thúc đẩy tính năng đặc biệt Deep Fusion trong mạng G6, mạng lưới vệ tinh, Internet vạn vật, Internet kết nối các phương tiện và Internet công nghiệp.
Theo nhận định của Ma Jihua, nhà phân tích công nghiệp kỳ cựu, mạng 6G sẽ trở thành "chiến trường cạnh tranh" của thập kỷ tới, trong bối cảnh các nước muốn chiếm vị trí dẫn đầu trong thị trường viễn thông tương lai.
Hồi năm ngoái, Mỹ đã cấm Huawei, nhà cũng cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới và tiên phong trong lĩnh vực công nghệ 5G, cung cấp dịch vụ cho các hệ thống của Chính phủ Mỹ đồng thời khuyến cáo các lĩnh vực tư nhân không sử dụng thiết bị của Huawei.
Washington lâu nay cho rằng hai tập đoàn Huawei và ZTE của Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với chính phủ và các thiết bị từ các nhà sản xuất này có thể được sử dụng để do thám các quốc gia và công ty khác. Hai công ty này luôn bác bỏ cáo buộc trên của Mỹ.
Trước đó, vào cuối năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã ra tuyên bố về việc sẽ thành lập hai nhóm làm việc để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu-phát triển mạng 6G.
Một nhóm sẽ bao gồm các cơ quan chính phủ có liên quan chịu trách nhiệm thúc đẩy cách thức nghiên cứu và phát triển 6G.
Nhóm khác gồm 37 trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, sẽ đặt ra khía cạnh kỹ thuật của 6G và đưa ra lời khuyên.
Thứ trưởng Wang Xi của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết 6G đang ở giai đoạn ban đầu, lộ trình kỹ thuật vẫn chưa rõ ràng và các chỉ số chính cũng như kịch bản ứng dụng chưa được chuẩn hóa, xác định.
Cho dù cần một chặng đường dài để tiến tới mạng 6G nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc nhấn mạnh về tầm quan trọng lớn trong tương lai từ 6G.
"Trong giai đoạn quan trọng này của sự phát triển quốc gia, chúng ta phải rất coi trọng sự phát triển của 6G, điều phối kế hoạch, thúc đẩy nó một cách hiệu quả và mở ra sự đổi mới trong lĩnh vực này," ông Wang nói./.
Đến lúc Huawei hưởng lợi vì cấm vận Mỹ? Washington đã luôn ngăn cản Huawei nhân rộng công nghệ 5G của họ ra thế giới nhưng đến nay, chính Mỹ lại coi trọng gã khổng lồ Trung Quốc. Reuters mới đây dẫn thông tin độc quyền tiết lộ rằng theo một dự thảo luật sắp được thông qua, Mỹ dự kiến cho phép các công ty nước này hợp tác với Huawei...