Bí kíp chọn “áo giáp” cho máy tính (Phần cuối)
Với sở thích và thu nhập khác nhau, GenK.vn vẫn khuyên bạn đặt tiêu chí tiện dụng và tính năng lên hàng đầu.
Chọn “mặt tiền”
Đối với case máy tính, tấm ốp mặt trước không chỉ có tính trang trí mà từ lâu đã trở thành nơi “cài cắm” vô số thiết bị: Từ các loại ổ đĩa cứng, đĩa mềm cho tới các thiết bị ngoại vi như camera, điện thoại di động. Mặt tiền được tận dụng để thiết kế các cổng giao tiếp USB, giắc cắm tai nghe và mic. Vài năm gần đây, nhà sản xuất còn bổ sung thêm hình thức giao tiếp cao cấp như FireWire và eSATA, hay đặc biệt là USB 3.0 – giao thức được quảng cáo nhanh gấp 10 lần USB 2.0.
Tuy vậy, hiện đại đồng nghĩa với hại điện. Sự mới mẻ của USB 3.0 có thể gây ra nhiều khó khăn trong lắp đặt, chủ yếu đến từ việc mainboard không tương thích. Chắc chắn khi chuẩn USB 3.0 trở nên phổ biến thì chúng ta sẽ có nhiều giải pháp thuận tiện hơn. Còn hiện tại, bạn nên hài lòng với những chiếc case máy tính đơn giản, cung cấp đủ những giao thức thông dụng.
Case “khép kín” – giã từ ốc vít!
Chắc bạn đã quen thuộc với hình ảnh chiếc tua vít – người trợ thủ đắc lực của nhân viên lắp ráp máy tính. Ngày nay, công việc này đã trở nên đơn giản hơn với những bộ máy tính “khép kín”. Các tấm panel ôm khít lấy nhau, không cần tới ốc vít cố định (dĩ nhiên ở các bộ phận quan trọng như đĩa cứng hay mainboard vẫn cần tới một vài con ốc).
Các loại case khép kín có ưu điểm dễ tháo lắp, thuận tiện cho lắp đặt, kiểm tra thiết bị. Tuy nhiên, nhược điểm của loại case này là đôi khi các tấm panel được lắp quá khít và khi đó, nếu không có đủ sức mạnh bạn chỉ còn biết kêu trời. Một chiếc case lỉnh kỉnh đinh ốc, mất thời gian tháo lắp hay một chiếc case “khép kín” đắt tiền – lựa chọn nằm trong tay bạn!
Vấn đề nguồn điện
Nguồn điện là vấn đề rất quan trọng với máy tính. Tuỳ nhu cầu công việc, số lượng thiết bị ngoại vi đi kèm, người tiêu dùng sẽ được tư vấn loại nguồn điện thích hợp nhất. Vấn đề còn lại chỉ là bạn lựa chọn bộ nguồn tích hợp sẵn hay bộ nguồn rời.
Video đang HOT
Mỗi lựa chọn có một ưu điểm riêng. Bộ nguồn đi kèm với case thường có giá thành “mềm” hơn nhưng đồng thời cũng “khuyến mại” thêm một số trục trặc không mong muốn (độ bền thấp, hoạt động chập chờn).GenK.vn khuyên bạn hãy lựa chọn sản phẩm của những nhà sản xuất danh tiếng như Antec, Cooler Master, Thermaltake… Chi phí ban đầu có thể cao nhưng bù lại bạn có được sự yên tâm tuyệt đối.
Tính thẩm mỹ
Hầu hết người quan tâm đến case máy tính đều có ít nhiều đam mê công nghệ. Và đã là tín đồ hitech thì ai chẳng muốn “khoe” tác phẩm của mình. Nắm bắt được thị hiếu đó, các nhà sản xuất đã tung ra hàng trăm mẫu case đa dạng.
Một trong những thứ được khoe nhiều nhất là quạt tản nhiệt. Tâm lý chung của dân IT là khoe thật nhiều quạt tản nhiệt. Họ quan niệm càng nhiều quạt thì tản nhiệt càng tốt, càng tăng thêm độ “hoành tráng” cho cỗ máy. Không chỉ có vậy, người dùng còn sáng tạo thêm nhiều hiệu ứng như đèn LED, âm thanh kì lạ…
Lời khuyên của GenK.vn là trước hết hãy quan tâm tới công dụng và vị trí đặt quạt. Trong mỗi máy tính nên bố trí một quạt hút khí nóng và một quạt thổi không khí. Nếu có điều kiện thì lắp thêm những quạt làm mát khác.
Sau vấn đề nhiệt độ là âm thanh. Lựa chọn quạt có kích thước lớn sẽ tốt hơn rất nhiều quạt nhỏ. Quạt tản nhiệt lớn có khả năng dịch chuyển nhiều không khí hơn, quay chậm hơn nên gây ra ít tiếng ồn hơn. Nếu máy tính của bạn không được làm từ vật liệu cách âm thì đây là giải pháp giảm tiếng ồn tốt nhất.
Bài toán muôn thưở: Chức năng hay kiểu dáng?
Nằm ở vị trí cuối cùng song đây lại là câu hỏi thường trực của bất kỳ người tiêu dùng nào. Chức năng hay kiểu dáng – câu trả lời phụ thuộc vào thị hiếu của bạn. Bạn thích một khối hộp vuông vắn hay những cỗ máy cao, mềm mại, bóng bẩy hơn? Bạn thuộc tuýp người truyền thống hay yêu thích những sáng tạo theo kiểu viễn tưởng? Bạn muốn tự tay thiết kế case của riêng mình hay dựa theo trật tự hợp lý có sẵn?
Về vấn đề này, GenK.vn cho rằng dù sao chức năng vẫn quyết định kiểu dáng. Từ xưa tới nay, mọi biến đổi đều xuất phát từ công nghệ. Thay vì bỏ ra 800 USD cho một case máy tính độc nhất, bạn có thể thiết kế một “bộ giáp” đẹp với chỉ dưới 100 USD (hoặc 200 USD – nếu là game thủ). Số tiền dư thừa là bổ sung quý giá cho phần cứng.
Cuối cùng, GenK.vn chúc bạn lựa chọn được chiếc “áo giáp” vững chắc nhất, phản ánh tính cách độc đáo của chủ nhân.
Theo PLXH
Bí kíp chọn "áo giáp" cho máy tính (Phần 1)
Hãy chú ý đến sức mạnh phần cứng trước khi mặc "áo giáp" cho máy tính.
Case máy tính không phải bộ phận kỹ thuật cao nhưng lại là thứ bảo vệ các thiết bị bên trong. Nói không ngoa, đó là bộ áo giáp của cỗ PC thân yêu. Bên cạnh đó, case cũng là điều dễ gây ấn tượng nhất, ngay cả chưa cần biết tới cấu hình bên trong. Vậy, làm thế nào để lựa chọn một case máy tính chắc chắn, tản nhiệt tốt, thẩm mỹ mà lại hợp túi tiền? Dưới đây GenK.vn sẽ tư vấn cho bạn vài mẹo nhỏ.
Lựa chọn kiểu dáng, kích thước phù hợp
Khái niệm kích thước case không có gì khó hiểu. Chúng ta chỉ cần biết rằng kích thước lớn hơn sẽ cho không gian rộng rãi hơn, đủ chỗ cho ổ đĩa quang, ổ đĩa cứng, card đồ hoạ... Căn cứ vào kích cỡ, người ta chia thành full-tower, mid-tower và mini-tower. Dĩ nhiên, để đi sâu vào còn nhiều thuật ngữ song bạn chỉ cần nhớ tới một số kiến thức cơ bản sau đây.
Lời khuyên đầu tiên là "liệu cơm gắp mắm". Hãy lựa chọn một case phù hợp với sức mạnh phần cứng của bạn. Nếu thiết kế bên ngoài quyết định tính thẩm mỹ thì bên trong sẽ trả lời câu hỏi liệu hệ thống của bạn có hoạt động hiệu quả không. Đặc biệt chú ý tới cấu trúc bên trong: Khoảng trống dành cho mainboard, dạng mainboard được hỗ trợ, số ổ đĩa quang có thể lắp đặt, nguồn điện cung cấp...
Có hai loại kích cỡ thông dụng nhất là ATX (12 x 9.6 inch) và micro ATX (9.6 x 9.6 inch). Loại case micro ATX có kích thước nhỏ hơn nên có thể gây ra một số khó khăn trong lắp đặt. Ngược lại, bạn có thể hô biến một case ATX thành micro ATX. Rõ ràng, lựa chọn ATX sẽ cho bạn sự linh hoạt, khả năng nâng cấp tốt hơn. Hơn nữa, bạn cũng phải chắc chắn các thành phần của mainboard tương thích với case. Vậy là chúng ta đã làm đúng bước đầu tiên rồi đấy!
Số lượng ổ đĩa
Như đã nói, kích cỡ càng lớn thì càng có nhiều lựa chọn cho ổ đĩa. Thông thường, một case máy tính sẽ có 3 hộp lắp ổ đĩa: Một hộp 5,25 inch phục vụ cho ổ DVD và Blu-ray, hai hộp 3,5 inch dùng cho đĩa cứng (bên trong) và đĩa mềm (bên ngoài). Ngày nay, khi đĩa mềm đã "tuyệt chủng", khe này được dùng cho đầu đọc thẻ nhớ.
Với những case máy tính "khổng lồ" (loại full-tower), nhà sản xuất có thể bố trí tới 3 hộp 5,25 inch và 5 hộp 3,5 inch. Đặc biệt, còn có những sản phẩm "lai" giữa 2 loại. Bạn có thể cài đặt loại ổ đĩa dùng cho 3,5 inch vào hộp 5,25 inch. Đây là giải pháp tích hợp để tiết kiệm không gian.
Còn một loại nữa là hộp 2,5 inch. Đây được coi là sự lựa chọn của tương lai. Những thiết bị tương thích với hộp 2,5 inch là ổ cứng có kích thước nhỏ hơn hay ổ cứng đặc (SSD). Ở mặt ngoài case, hộp 2,5 inch nằm khiêm tốn dưới "đàn anh" 3,5. Tuy nhiên, đây là trường hợp hiếm. Nhà sản xuất thường cung cấp giải pháp sử dụng chung hộp kích cỡ 3,5 inch cho các loại ổ đĩa 3,5 và 2,5.
Khe mở rộng
Hầu hết các loại case ATX đều có 6 - 7 khe mở rộng ở bảng điều khiển phía sau. Ngược lại, case micro ATX chỉ cung cấp 4 khe mà thôi. Đặc biệt, những loại case tân tiến dành riêng cho game thủ có thể sở hữu tới 10 khe (phục vụ cho card đồ hoạ, tản nhiệt...). Bạn cần lưu ý xem lại mainboard của mình để chắc chắn tương thích với case bởi nếu không sẽ... mất tiền oan. Cùng với đó, công đoạn kiểm tra thông số kỹ thuật trước khi lắp "áo giáp" vào cũng rất cần thiết.
Theo PLXH
Thử xây dựng "siêu máy tính" cá nhân Dựng siêu máy tính với " bộ não " là chip Core i7 980X EE. Chắc các bạn cũng đã biết, với Series Core i7, Intel tự tin rằng đây là dòng vi xử lý đứng đầu thế giới hiện nay. Sự thật đúng như vậy khi các dòng vi xử lý core i7 với 4 nhân thực (tên mã là Bloomfield) là...