Bi kịch của cầu thủ được Sir Alex đánh giá vượt trội Pogba
Ravel Morrison hội tụ nhiều tố chất để trở thành cầu thủ hàng đầu thế giới, nhưng tính cách vô kỷ luật và lười tập luyện khiến anh lụn bại.
Hôm 28/4, cựu trung vệ Rio Ferdinand tiết lộ mọi thứ về Ravel Morrison, cái tên một thời nổi đình đám ở lò trẻ MU. “Tôi nghĩ Morrison lẽ ra phải có giá 100 triệu bảng”, Ferdinand tuyên bố. Cựu trung vệ MU nhấn mạnh đôi chân Morrison hội tụ nhiều kỹ năng hiếm có, nhưng các vấn đề bên ngoài sân cỏ đã hủy hoại sự nghiệp của một thần đồng.
Ngày Morrison rời MU, “Quỷ đỏ” chỉ nhận lại 650.000 bảng. Đó là nỗi đau của Sir Alex Ferguson, cũng như những người từng chứng kiến đôi chân “nhảy múa” của Morrison ở đội trẻ MU.
“Báu vật” một thời của MU
Morrison là thành viên trong thế hệ tài năng sinh năm 1992, 1993 một thời được Sir Alex kỳ vọng rất cao ở học viện MU. Dàn “Quỷ đỏ” năm ấy còn có Paul Pogba, Jesse Lingard, anh em Michael và Will Keane. Morrison với kỹ thuật và nhãn quan chiến thuật sắc bén là nguồn cảm hứng số một ở đội trẻ MU.
HLV Ferguson thậm chí nhận định phẩm chất của Morrison còn tốt hơn Pogba.
Ravel Morrison (ngoài cùng bên phải) ăn mừng chức vô địch cùng Lingard và Pogba.
Mười năm trước, Sir Alex gọi đến Rio Ferdinand và chia sẻ đầy hào hứng: “Hãy đến đội trẻ MU và quan sát thằng nhóc Morrison đi, đó là tài năng tốt nhất tôi từng chứng kiến”.
“Ông ấy gọi cho tôi và nói rằng Morrison tốt hơn Rooney khi so sánh ở cùng độ tuổi. Sir Alex còn khẳng định phẩm chất của Morrison còn trội hơn cả Giggs”, Ferdinand kể lại với Talk Sports. Theo Ferdinand, Morrison ở tuổi 16 đã chơi thuần thục 2 chân, có thể vượt mặt đối thủ bất kỳ lúc nào. “Về tài năng thiên bẩm, tôi chưa từng thấy ai tốt như Morrison”, Ferdinand ca ngợi.
Ở đội trẻ MU mùa giải 2010/11, bộ đôi Pogba và Morrison là sự khác biệt so với phần còn lại ở cấp độ U23 tại Anh. Pogba được báo chí nhắc tới nhiều hơn, nhưng những ai chứng kiến Morrison thi đấu đều khẳng định đây mới thật sự là thiên tài. Cả 2 thi đấu xuất sắc, góp công lớn nhất cho hành trình vô địch Young FA Cup 2010/11 của đội trẻ MU.
Video đang HOT
Morrison bùng nổ với cú đúp bàn thắng ở trận chung kết lượt về với Sheffield. Pha lập công thứ 2 phô diễn đầy đủ phẩm chất ở đôi chân Morrison khi anh tự tin đi bóng giữa vòng vây đối thủ, ngoặt một nhịp vượt qua Harry Maguire và dứt điểm đưa bóng vào góc hiểm.
“Cristiano mới” hay “Paul Scholes mới” là những mỹ từ truyền thông Anh dự đoán cho tương lai của Morrison. HLV Phil Brogan, người tuyển chọn Morrison vào học viện MU, khẳng định: “Cậu ấy có đủ yếu tố để trở thành ngôi sao. Cách chơi của Morrison tự nhiên, kỹ thuật bắt mắt và luôn có sự bùng nổ”.
Dẫu vậy, Morrison bị đẩy khỏi MU vì những lý do ngoài sân cỏ, trong đó nổi trội là tính cách vô kỷ luật. Trong cuốn tự truyện của Sir Alex, ông tiếc nuối: “Có nhiều cầu thủ sở hữu tiềm năng để đạt tới đẳng cấp của Giggs hay Ronaldo, nhưng họ không có tinh thần mạnh mẽ để vượt qua chính bản thân. Morrison là trường hợp đáng tiếc nhất trong sự nghiệp cầm quân của tôi”.
“Không cần bàn cãi về chuyện Morrison là tài năng số một của MU thời bấy giờ. Thế nhưng nhiều vấn đề sân cỏ đã hủy hoại tương lai của Morrison. Tôi đau lòng khi phải bán Morrison sang West Ham vào năm 2012. Cậu ấy đã tự vùi dập tương lai chính mình, do đó MU bắt buộc làm điều này”, Sir Alex nhấn mạnh.
Sự nghiệp chạm đáy ở tuổi 27
Morrison khoác áo West Ham trong thương vụ không được tiết lộ về giá chuyển nhượng. Thế nhưng theo Daily Mail, MU chỉ nhận lại khoảng 650.000 bảng, con số nhỉnh hơn đôi chút so với khoản tiền “Quỷ đỏ” thu về khi để Pogba sang Juventus (500.000 bảng phí đào tạo).
Sir Alex nối máy với HLV Sam Allardyce và nói “Hãy để ý Morrison, đó là tài năng sáng giá của chúng tôi”. Morrison không khoác áo West Ham trong mùa giải đầu tiên, mà được gửi tới Birmingham City theo dạng cho mượn. Anh thi đấu khá tốt với 30 trận ra sân, ghi 3 bàn.
Morrison không thể chứng tỏ tài năng khi trở lại Premier League khoác áo Sheffield vào hè 2019.
Morrison trở lại West Ham ở mùa giải 2013/14. Trong trận thắng 3-0 của West Ham trước Tottenham vào tháng 10/2013, Morrison solo từ giữa sân, trước khi thực hiện cú lốp bóng điệu nghệ. HLV Allardyce gọi đây là bàn thắng của thiên tài. “Bàn thắng của Morrison là thách thức cho mọi đối thủ trong cuộc đua giành giải pha lập công đẹp nhất mùa này”, Big Sam phấn khích.
Khoảnh khắc xé lưới Tottenham là dấu ấn cuối cùng Morrison để lại ở Premier League. Sau nửa mùa giải 2013/14, anh bị đẩy xuống giải hạng Nhất Anh, khoác áo QPR theo dạng cho mượn. Morrison tiếp tục gia nhập Cardiff City, nhưng bất lực trong việc khẳng định tài năng. Chỉ sau 3 tháng, Morrison bị trả về West Ham, HLV Russell Slade đã nói: “Cậu ấy không có tương lai ở đây”.
Morrison trở lại West Ham và đối diện viễn cảnh tồi tệ. Anh chỉ ra sân một trận từ ghế dự bị ở Premier League, sau đó bị đầy ải vì vấn đề chuyên môn. Trước đó, Morrison bị lên án vì scandal tấn công bạn gái cũ và mẹ của cô này.
Anh phiêu bạt sang Serie A, nhưng chỉ chơi 8 trận cho Lazio trong cả mùa giải 2015/16. Morrison trở lại QPR và tiếp tục thất bại. Sao trẻ một thời của MU tìm đến giải VĐQG Mexico và Thụy Điển, nhưng không trụ lại quá một năm.
Vào hè 2019, Morrison khoác áo Sheffield, song chỉ gắn bó một mùa giải. Anh hiện đầu quân cho Middlesbrough theo dạng cho mượn từ Sheffield, nhưng chỉ đóng vai trò dự bị.
Ở tuổi 27, Morrison đã trải qua 14 mùa giải ở 10 CLB khác nhau, nhưng chỉ ra sân 134 trận và ghi 19 bàn. Sự nghiệp của tiền vệ này trở thành tấn bi kịch khi đặt cạnh những người đồng đội một thời như Pogba, Lingard (đang là trụ cột của MU) và Michael Keane (tỏa sáng ở Everton).
Ferdinand dùng tấm gương của Morrison để cảnh báo cho những tài năng trẻ ở lò MU nói riêng và của bóng đá thế giới nói chung. Ferdinand cho rằng MU của 10 năm về trước và hiện tại thiếu một HLV chuyên đảm nhận công tác làm tâm lý, theo sát mọi hành động của cầu thủ trẻ. Morrison không có người tư vấn chuẩn xác những gì anh phải làm và dẫn tới cái kết đáng buồn.
Ronaldo và những cầu thủ ăn mừng khi phá lưới đội bóng cũ
Cristiano Ronaldo ăn mừng phấn khích khi chọc thủng lưới MU tại Champions League 2018/19, nhưng hành động của anh không bị lên án như Adebayor hay Van Persie.
Emanmanuel Adebayor từ bỏ Arsenal khi bước vào độ chín sự nghiệp để đầu quân cho Man City và bị CĐV Arsenal chỉ trích là kẻ hám tiền. Adebayor kìm nén cơn tức giận cho đến khi đánh đầu tung lưới Arsenal. Anh chạy một mạch từ đầu đến cuối sân với tốc độ cao nhất, sau đó trượt dài trên mặt cỏ và ăn mừng khiêu khích CĐV Arsenal. Kể từ đây, Adebayor trở thành kẻ thủ số một với những người yêu mến "Pháo thủ".
Vào hè 2014, David Luiz rời Chelsea để gia nhập PSG với giá chuyển nhượng 50 triệu bảng. Trung vệ người Brazil có cơ hội trở lại Stamford Bridge khi PSG đụng độ Chelsea tại vòng 1/8 Champions League 2014/15. Luiz ghi bàn thắng quyết định ở phút 86 và thực hiện màn ăn mừng cuồng nhiệt. Anh bị CĐV Chelsea chỉ trích, sau đó phải lên tiếng xin lỗi.
Trong mùa giải 2012/13, Robin van Persie 2 lần chọc thủng lưới Arsenal, nhưng anh không ăn mừng. Một số CĐV Arsenal chỉ trích Van Persie và gọi anh là kẻ giả tạo và đó là lý do khoảnh khắc này xuất hiện trong trận MU thắng Arsenal 1-0 ở mùa giải 2013/14. Van Persie ghi bàn bằng đầu, sau đó trượt dài trên mặt cỏ và ăn mừng cảm xúc. Hình tượng của Van Persie trong mắt CĐV Arsenal hoàn toàn sụp đổ từ khoảnh khắc này.
Sau khi HLV Louis van Gaal giữ ghế HLV MU, Danny Welbeck không còn tương lai tại sân Old Trafford và bị đẩy sang Arsenal. Trong trận tứ kết FA Cup 2014/15, Welbeck chớp thời cơ từ sai lầm của Antonio Valencia và chọc thủng lưới MU. Anh ăn mừng phấn khích như trút nỗi uất hận. Ba năm sau, Welbeck thêm một lần có cơ hội ăn mừng trước đội bóng cũ.
Vào hè 2015, James Milner rời Man City để đầu quân cho Liverpool. Trong trận đấu vòng 27 Premier League 2015/16, Milner ghi bàn và ăn mừng trong chiến thắng 3-0 của Liverpool trước Man City. Đến mùa giải tiếp theo, Milner lại chọc thủng lưới Man City và không hề có sự e dè với đội bóng cũ.
Zlatan Ibrahimovic từng có những năm tháng thành công tại Inter Milan, trước khi gia nhập Barcelona và sau đó trở lại Italy khoác áo AC Milan. Trong trận derby thành Milan vào tháng 11/2010, Ibra lạnh lùng chọc thủng lưới Inter trên chấm 11 m. Ibra dang tay ăn mừng trong tiếng la ó, huýt sáo từ CĐV Inter trên khán đài.
Trước trận bán kết lượt đi Champions League 2018/19, Luis Suarez tuyên bố tạm gác lại tình cảm với Liverpool để chiến đấu vì Barca. Chân sút người Uruguay ghi bàn mở tỷ số trận đấu, sau đó khiến CĐV Liverpool chết lặng vì màn ăn mừng mãnh liệt. Suarez từ hình ảnh người hùng, trở thành tội đồ với nhiều CĐV Liverpool. Khi Barca chơi tại Anfield, Suarez bị la ó mỗi khi cầm bóng.
Ở Champions League 2012/13, Cristiano Ronaldo khi bàn ở cả trận lượt đi và về khi Real Madrid đụng độ Man United. Ronaldo không ăn mừng để tri ân đội bóng giúp anh vươn tầm thành cầu thủ hàng đầu. Đến mùa giải 2018/19, Ronaldo gặp lại MU khi khoác áo Juventus. CR7 ghi bàn thắng đẹp mắt ở trận lượt về của vòng bảng, sau đó khoe body ăn mừng. Ronaldo cho biết đây là cảm xúc tự nhiên và anh luôn dành sự tôn trọng cho MU.
Viết Tuệ
Tin HOT bóng đá sáng 28/4: MU nên xây đội bóng xung quanh Rashford Bản tin bóng đá ngày 28/4: Cựu trung vệ của Man United, Rio Ferdinand đã lên tiếng khẳng định MU nên xây dựng đội bóng xung quanh một ngôi sao tấn công, giống như cách PSG đang làm với tiền đạo Kylian Mbappe. MU nên xây dựng đội bóng xung quanh "hình mẫu Mbappe" Cựu trung vệ của Man United, Rio Ferdinand đã...