Bi hài xếp hàng thời bao cấp
Thời bao cấp, hàng hóa khan hiếm nên mua gì ở cửa hàng mậu dịch cũng đều bị hạn chế số lượng.
Vào một buổi trưa nắng, Giáo sư Văn Như Cương đạp xe từ trường về nhà. Qua cửa hàng mậu dịch Cầu Giấy (Hà Nội), ông chợt thấy có rất nhiều phụ nữ đứng xếp hàng trước quầy.
Dao cạo râu cũng xếp hàng
Trông vẻ mặt ai cũng hớn hở, thấy lạ, giáo sư dừng xe lại hỏi: “Các chị xếp hàng mua gì đấy?” Một chị nhận ra nhà giáo nên nhanh nhẩu: “Xếp hàng mua dao cạo râu thầy ạ!
Giáo sư thắc mắc tại sao mua dao cạo râu mà lại toàn phụ nữ xếp hàng? Hỏi thêm vài câu mới biết, thì ra hôm nay cửa hàng mậu dịch có đợt hàng dao cạo râu mới về nên mở cửa bán theo tiêu chuẩn cho mỗi người một cái. Có người xếp hàng mua dao hộ chồng, có người là “con phe” mua ra ngoài để bán lại kiếm lời.
Giáo sư Cương vội chen chân bước lại gần quầy hàng, mấy chị em phụ nữ cũng nhường lối cho ông. Đến nơi, ông nói với cô mậu dịch viên: “Cô làm ơn bán cho tôi một hộp?” Cô mậu dịch viên trố mắt: “Mỗi người chỉ được mua một cái”. “Cô cứ bán cho tôi một hộp?!”.
Lần này cô mậu dịch viên tỏ vẻ khó chịu: “Đã bảo chỉ được mua một cái. Anh mua một hộp để mang ra ngoài bán à?”
Giáo sư Cương nhẹ nhàng chỉ vào mặt mình: “Cô trông tôi có giống bọn đầu trộm đuôi cướp, hay dân con phe chợ đen không? Râu tôi nhiều thế này, chưa cạo dạo đã mòn rồi. Không lẽ cao một bên, trừ lại một bên”
Lúc này mấy người đằng sau cũng kêu lên: “Đúng đấy! Bán cho ông ấy đi!”
Kết quả, giáo sư Cương đã được cô mậu dịch viên bán cho một hộp dao cạo râu.
Giáo sư Văn Như Cương (Ảnh: Lao động)
Nhưng đó cũng chỉ là một lần hy hữu giáo sư có nhiều dao cạo râu như vậy. Ông vốn nhiều râu, hồi đó dao cạo râu lại hiếm. Thành thử ông thường xuyên phải để râu. Có lần, bị cán bộ trường phê bình rằng, như vậy là làm xấu hình ảnh trước học sinh, ông bảo: “Tôi có muốn để vậy đâu, nhưng vì không có dao cạo”. Lâu dần, ông để luôn râu như vậy không thèm cạo nữa.
Nhà văn Lê Lựu vẫn không quên những lần xuống cửa hàng mậu dịch ở phố Ngọc Hà đứng xếp hàng cả nửa ngày trời. Đến khi ông mua được mấy con cá thì đã mủn hết, đem về lấy mỗi phần xương để kho.
Ông cười nói: “Thời gian đứng xếp hàng có người tranh thủ sáng tác được cả văn thơ”. Một trong những lần xếp hàng như thế, nhà văn đã viết được đoạn đầu tiểu thuyết “Mở rừng”. Cũng trong những ngày tháng này, nhà văn Lê Lựu đã viết tác phẩm nổi tiếng “Thời xa vắng”.
Nhà văn Lê Lựu (Ảnh: Công an nhân dân)
Xếp hàng cả buổi, về tay không
Video đang HOT
Chúng tôi đã có dịp ôn lại kỷ niệm với rất nhiều người từng sống trong thời kỳ bao cấp. Ông Nguyễn Văn Long (60 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) có lẽ là người nhớ tỉ mỉ nhất những câu chuyện một thời tem phiếu.
Ông Long kể: Nói đến thời bao cấp là nhắc đến thời kỳ tem phiếu và phân phối. Thời bao cấp bắt đầu ở miền Bắc từ những năm kháng chiến chống Mỹ (1965). Nhưng sau giải phóng miền Nam (1975), chế độ tem phiếu được áp dụng toàn quốc, từ thành phố tới nông thôn. Tuy nhiên, nông thôn có cái khác là phân chia theo công điểm ở hợp tác xã.
Đối với cán bộ, công nhân viên chức, những loại hàng hóa nhu yếu phẩm gồm lương thực, thực phẩm như gạo, thịt, cá… đều phải mua bằng sổ và tem phiếu theo định mức. Mỗi gia đình được cấp cho một sổ gạo mỗi năm 12 tháng ghi khẩu phần của tất cả thành viên trong nhà.
Bố mẹ là cán bộ, viên chức mỗi tháng được mua 13,5kg, nếu là công nhân lao động trực tiếp có thể nhiều hơn vài ba kg. Trẻ con tùy độ tuổi có thể được 4 hoặc 6kg…
Còn tem phiếu mua thực phẩm, người lớn được 0,5kg thịt/tháng, trẻ em là 0,3kg. Một số nhu yếu phẩm khác như chất đốt, xà phòng, mỳ chính… đều có tem phiếu quy định riêng nhưng rất ít ỏi.
Chuyện cơ cực nhất của những người sống trong thời kỳ tem phiếu là phải xếp hàng mua lương thực, thực phẩm tại các cửa hàng mậu dịch. Người thì đông, các cửa hàng mậu dịch lại ít. Bởi vậy mà trước cửa hàng, lúc nào người cần mua lương thực cũng xếp hàng nối đuôi nhau dài dằng dặc như chơi trò rồng rắn. Có những người nhà lỡ hết gạo hoặc có công buổi giỗ chạp, muốn mua được sớm phải đến đứng từ 3-4h sáng, thậm chí nửa đêm. Gặp hôm nhiều người cùng “tư tưởng lớn”, khi trời còn tối thui, đã đến xếp hàng đứng, ngồi vật vờ trước cửa hàng mậu dịch như những bóng ma.
Đứng xếp hàng lâu thế nhưng chắc gì đã mua được. Chờ mãi mới đến lượt mình thì cô nhân viên mậu dịch dõng dạc tuyên bố hết hàng rồi đóng sập cửa xuống. Tất cả những người còn lại đành lủi thủi quay lưng ra về trong sự mệt mỏi rã rời. Ngày mai, họ lại ra xếp hàng…
Câu “có tiền mua tiên cũng được” ít nhất là không thể đúng ở thời bao cấp. Thời bao cấp, sổ gạo mới là thứ quan trọng nhất. Nếu lỡ “bảo bối” này thất lạc thì cả gia đình nhịn đói. Nhịn đói không phải một ngày hay một tháng mà có khi đến dăm ba tháng. Bởi hành trình, thủ tục xin cấp lại cuốn sổ này thời đó khổ sở vô cùng. Suốt những ngày còn lại cứ thế mà chạy vạy, vay mượn bạn bè, làng xóm cố sống cho qua.
Theo 24h
Sống dậy ký ức thời bao cấp
Thời bao cấp, muốn uống một cốc bia phải mua kèm một gói lạc. Nay đến cửa hàng mậu dịch ở Nam Tràng (Ba Đình), người ta có thể uống thoải mái mà không ai cấm.
LTS: Thời bao cấp mới chấm dứt hơn 20 năm nhưng với thế hệ trẻ ngày nay, nó như một câu chuyện đã xảy ra từ rất lâu bởi họ chỉ biết đến cái thời tem phiếu qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Còn với những người từng sống dưới thời bao cấp, nó lại là những ký ức không thể nào quên. Qua câu chuyện của ông chủ cửa hàng mậu dịch mới mở tại Hà Nội cùng những người đã từng sống dưới thời bao cấp, chúng tôi đăng tải loạt bài "Những câu chuyện thời bao cấp" với mong muốn phần nào làm sống dậy một thời gian khó nhưng bình dị ấy. Chúng tôi mong nhận được bài viết và chia sẻ của độc giả về chủ đề này.
Kỳ 1: Sống dậy ký ức một thời bao cấp
Một buổi sáng, trong "cửa hàng mậu dịch" ở phố Nam Tràng, mấy vị khách trung tuổi ngồi mơ màng bị hút hồn bởi tiếng bài hát "Nhớ mùa thu Hà Nội" đang phát ra từ chiếc đài cassette.
Đó là chiếc đài cassette Akai - loại đài chạy băng có thân to như chiếc loa thùng. Băng cassette là loại băng gồm 2 vòng cuốn to như vành xe đạp. Khi muốn phát nhạc, người ta cầm 2 vòng này đặt vào trục quay của đài. Bao giờ đài chạy hết băng, người ta lại nhấc ra, đổi bên cho vòng cuốn ngược lại.
Những kỷ vật 30 năm trước...
Ông Nguyễn Quang Minh, chủ cửa hàng cho biết, chiếc đài cassette, chiếc tivi nhãn hiệu National và quạt tai voi ở trong quán đều là của gia đình ông mua từ những năm 70 và được ông lưu giữ cho đến ngày nay.
Ông chủ cửa hàng mậu dịch ở Nam Tràng
Cũng giống các loại tivi hồi đó, tivi của ông Minh là kiểu cửa lùa. Loại tivi này có cửa phía trước màn hình, có thể mở ra đóng vào như cửa nhà.
Ông Minh nhớ, những đồ này, hồi đó chỉ có người đi nước ngoài về mới có. Thời bao cấp, nước mình với Liên Xô hợp tác, thường xuyên tổ chức cho người sang đó học tập và làm việc. Sang nước bạn, những người này thường mua đồ mang về nước cho gia đình sử dụng. Nếu cần tiền, có thể bán lại với giá rất đắt.
Những đồ điện từ thời xưa được ông Minh trưng bày trong cửa hàng hiện giờ đều còn sử dụng được.
Những vật dụng từ thời bao cấp được ông trưng bày trong quán
Cửa hàng ông Minh có vô vàn những thứ đồ vật mang dấu ấn một thời đã qua như tivi, quạt đài, bi đông nước, sổ gạo, tem phiếu, dép cao su... Bát cho khách ăn được làm bằng sắt tráng men - loại bát phổ biến của thời bao cấp.
Hầu hết những kỷ vật thời bao cấp trong quán đều là của gia đình được ông lưu giữ lại. Phần còn lại là do người khác gửi tặng. Một số thứ, ông Minh được bạn bè mang cho. Một số người không quen biết nghe tin ông mở quán mậu dịch, liền tìm cách liên hệ và tặng lại những kỷ vật của họ. Có những thứ ông Minh phải rất kì công mới tìm mua lại được.
Nhân viên cửa hàng ăn vận kiểu mậu dịch viên thời bao cấp (quần đen, áo trắng)
Người chạy bàn ở quán là các cô "nhân viên mậu dịch" mặc áo trắng quần đen kiểu cũ. Nhiều tem phiếu mua thực phẩm được trưng bày tại quán là do ông Minh và bạn bè lưu lại từ ngày xưa. Đồ ăn khách gọi được ghi vào hóa đơn làm bằng những mẫu tem phiếu được mô phỏng lại như thời bao cấp. Tuy nhiên cung cách phục vụ của nhân viên vẫn phải theo lối hiện đại. Chứ nếu vẫn phục vụ theo lối cũ, chắc chẳng có khách nào dám đến.
Món ăn ở quán mậu dịch
Bên cạnh danh sách thực đơn theo lối hiện đại, có nhiều món ở quán mậu dịch ngày trước được dùng lại tại cửa hàng này như cơm độn khoai, dưa xào tóp mỡ, đậu phụ tẩm hành...
Món ấn tượng với thực khách nhất là "phở không người lái" (chẳng có miếng thịt nào) nhưng giá không mềm chút nào - 35.000 đồng. Và đương nhiên những món này không có mùi gạo mốc, mỳ đen như ngày xưa.
Hóa đơn ở nhà hàng này làm giống tem phiếu thời bao cấp
Dĩ nhiên, quán ở đây cũng không hạn chế số lượng được mua như thời bao cấp. Ông Nguyễn Văn Long, một khách hàng đến đây lắc đầu nhớ lại: "Hồi đó, vào quán bia, người ta quy định, muốn uống một cốc bia phải mua kèm một gói lạc, hoặc một đĩa đồ ăn nào đó. Mà tôi thèm bia chứ có thèm lạc đâu!"
...và ký ức của ông chủ quán
Ông Nguyễn Quang Minh cho hay, "cửa hàng mậu dịch" của ông không theo khuôn mẫu riêng nào cả. Nhà hàng này là sự kết hợp của 2 loại cửa hàng đặc trưng và phổ biến thời bao cấp. Đó là cửa hàng mậu dịch bán hàng bách hóa tổng hợp (nơi xếp hàng mua lương thực, thực phẩm bằng tem phiếu) và quán ăn mậu dịch (nơi bán bia, phở và một số đồ ăn khác).
Khách đến đứng xếp hàng trước quầy. Cấm chen ngang!
Hướng ánh mắt về mấy vị khách già trong quán, ông Minh (chủ quán) trầm ngâm: "Chỉ mới gần ba chục năm mà đất nước đã đổi thay nhiều quá em ạ! Nhiều người đến đây tìm lại kỷ niệm mà cứ ngỡ thời bao cấp đã đi qua từ lâu lắm!"
Ông Minh nhớ lại cuộc sống ở thủ đô Hà Nội của một thời lịch sử. Khi đó ông còn là chàng thanh niên mới lớn. Cuộc sống ngày đó hiện lên trong ký ức của ông là một cuộc sống thiếu thốn, đói khổ nhưng cũng thật bình dị.
Ông nhớ những ngày phải ăn mỳ sợi vừa đen vừa hôi hồi đó. Nhà vốn đông anh em, đến bữa, 6-7 người ngồi quanh rổ mỳ sợi được vớt ra từ trong nước sôi cùng bát nước mắm. Người ta bảo "của không ngon, nhà đông con cũng hết" cấm có sai.
Khung cảnh cửa hàng mậu dịch ở Nam Tràng
Rồi ông nhớ đến những bữa ăn cơm độn khoai - một món ăn được ông tái hiện lại trong thực đơn của quán ngày nay. Dĩ nhiên, mùi gạo mốc, khoai hà của ngày xưa không còn nữa, mà cơm độn khoai của quán ngày nay chỉ mang tính tượng trưng cho một thời đói khổ.
Nhà bếp - nơi tổ phục vụ làm việc
Hiện ông Minh đang là chủ doanh nghiệp với một số nhà hàng quán xá tại Hà Nội làm ăn phát đạt nhưng ký ức về một thời thiếu thốn, vất vả vẫn chưa bao giờ phai nhạt trong ông. Những ngày được bố mẹ giao nhiệm vụ đứng xếp hàng cả buổi trước cửa hàng mậu dịch hoa đến cả mắt, tê cả chân. Những lần chờ đợi rồi thất vọng quay về vì đến lượt mình mua thì hết hàng. Đôi khi, ông lại được tận hưởng niềm vui vì sau một buổi xếp hàng đã mua được cá. Dù là cá biển ướp lâu ngày nhưng đối với ông Minh, "cá hồi đó ngon không thể tưởng tượng nổi".
Chiếc cân để đong lương thực của cửa hàng mậu dịch
Bây giờ, hầu hết dấu tích của những cửa hàng mậu dịch ở Hà Nội không còn nữa. Thi thoảng ông Minh đi qua phố Nhà Chung, thấy cửa hàng ông mua thực phẩm khi xưa đã trở thành nhà hàng phục vụ khách nước ngoài. Chỉ còn thấy một dãy cửa hàng trên đường Ngô Thì Nhậm vẫn chưa bị phá. Mặc dù bây giờ người ta kinh doanh thứ khác, nhưng tường, nhà vẫn còn của thời cũ.
Đã gần 30 năm trôi qua nhưng cảm giác đứng xếp hàng chờ mua thực phẩm vẫn còn hiện hữu trong đôi mắt người đàn ông hiện đã là một doanh nhân thành đạt. Đó cũng là lý do khiến người đàn ông 50 tuổi xây dựng lại cửa hàng mậu dịch để gợi lại câu chuyện của một thời đã qua.
Theo 24h
Xây nhà ngay cho vợ thương binh sống trong căn chòi rách Một ngày sau khi Dân tríđăng tải bài viết "Vợ thương binh 91 tuổi sống cô độc trong căn chòi rách", UBND huyện Hương Sơn đã quyết định trích 30 triệu đồng, giao xã Sơn Trường nhanh chóng xây nhà cho cụ Huệ. Ngay sau khi bài viết về hoàn cảnh đáng thương của cụ Phạm Thị Huệ, 91 tuổi, vợ thương binh,...