Bị hại vụ Alibaba: Cô giáo mua dự án ‘ma’ từ học trò
Được học trò cũ là nhân viên Công ty Alibaba giới thiệu, bà Thủy đã dùng số tiền tiết kiệm của mình và huy động thêm nhiều giáo viên khác mua đất để nhận lãi suất từ dự án.
Sáng 12-12, TAND TP.HCM tiến hành xét hỏi đối với các bị hại trong vụ Alibaba. Báo PLO ghi nhận được nhiều trường hợp éo le của bị hại mất tiền vì dự án “ma”.
Trong khi chờ xét hỏi, ông Huỳnh Tiến Sĩ (Đoàn luật sư TP.HCM) là luật sư ủy quyền của bà Thái Thị Thu Thủy (ngụ TP Thủ Đức) tranh thủ xem lại hồ sơ của đương sự.
Ông Huỳnh Tiến Sĩ – luật sư ủy quyền của bị hại trả lời phần xét hỏi của chủ tọa phiên tòa.
Nói về trường hợp của bà Thủy, ông Sĩ cho biết đương sự của mình hiện là giáo viên hưu trí. Được hai học trò cũ là nhân viên Công ty Alibaba giới thiệu về những lợi ích khi tham gia vào dự án bất động sản của công ty này, bà Thủy đã dùng số tiền tiết kiệm của mình và huy động thêm nhiều giáo viên khác trong trường mua đất để nhận lãi suất từ dự án.
Với chín dự án gồm 16 lô đất trị giá hơn 3 tỉ đồng, đến nay, bà Thủy vẫn chưa nhận được bất kỳ quyền lợi nào như trên hợp đồng đã mua bán với công ty.
“Đương sự của tôi không trách hai học trò của mình. Vì theo bà, dù là nhân viên Công ty Alibaba nhưng họ cũng là nạn nhân bị lợi dụng do ít kiến thức, mù mờ về pháp luật. Trong số họ cũng có người đã mua đất của công ty này.” – Ông Sĩ nói.
Về tính khả thi khi thực hiện đòi lại quyền lợi cho bà Thủy, luật sư cho biết đây là một vụ án rất phức tạp. Bởi lẽ, muốn lấy lại quyền lợi, bất động sản phải được thống kê và đem ra đấu giá nếu đó thật sự thuộc quyền sử dụng của Công ty Alibaba. Còn ngược lại thì thiệt hại rất lớn và sẽ còn kéo dài.
Ông Trương Đình Quý Anh, ngụ quận Bình Tân dùng số tiền làm công nhân hơn 10 năm để mua đất.
Video đang HOT
Ngồi trong số đông người bị hại, ông Trương Đình Quý Anh, ngụ quận Bình Tân gầy gò vì đang điều trị bệnh tim. Ông Anh cho biết qua tìm hiểu trong nhiều tháng và có đi thực tế để xem đất, ông quyết định mua một lô đất thuộc dự án Phú Mỹ Central City với giá hơn 500 triệu đồng.
“Số tiền này tôi tiết kiệm sau hơn 10 năm làm công nhân may. Khi dùng hết tiền tích góp vào dự án đó, nhà tôi không còn gì. Giờ đây, tôi phải ở nhà thuê lại còn bệnh tật, tôi đã vay mượn để chữa trị” – ông Quý Anh chia sẻ.
Bà Võ Thị Bích bị mất tiền khi tái đầu tư vào công ty Alibaba.
Cũng bị mất tiền khi đầu tư vào dự án Công ty Alibaba nhưng bà Võ Thị Bích có lẽ là người may mắn hơn vì dự án đầu tiên mà bà mua đã được công ty này hoàn trả lãi suất theo như thỏa thuận trong hợp đồng.
“Khi ký hợp thỏa thuận, người mua đất có hai option là lấy đất hoặc lấy lãi suất và tôi đã chọn lấy lãi. Trong thời gian sau khi ký hợp đồng, tôi có nhận được 30% lợi nhuận như theo như những gì đã ký kết” – Bà Bích kể.
Từ sau lần nhận được tiền lời của dự án này, bà Bích quyết định tái đầu tư và bi kịch của bà mới bắt đầu từ đây. Người phụ nữ U70 đã mua thêm 23 lô đất với số tiền khoảng 3 tỷ đồng thuộc dự án Ali Venice City ( Bình Thuận).
Giữa lúc bà nghĩ sẽ có thêm lợi nhuận từ dự án mới thì năm 2019, Chủ tịch của công ty Alibaba là Nguyễn Thái Luyện bị bắt. Giờ đây, khi nghĩ lại những điều được và mất, bà Bích vẫn còn cảm thấy rất buồn. Bà chỉ mong sao mình lấy lại được một phần tiền để dưỡng già.
Tại tòa, khi được chủ tọa hỏi về yêu cầu của mình, đa số các bị hại đều yêu cầu đòi lại số tiền đã đầu tư vào Công ty Abilaba. Trong số đó cũng có những bị hại yêu cầu tòa án giải quyết xem xét được cho nhận đất. Đa phần các bị hại trong vụ án đều mong tòa sẽ xử một bản án nghiêm minh, đúng pháp luật.
Nhiều người bị hại theo dõi phần xét hỏi của tòa.
Lời khai mâu thuẫn giữa vợ và em trai Nguyễn Thái Luyện
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Võ Thị Thanh Mai cho rằng cáo buộc rửa tiền là oan sai, còn Nguyễn Thái Lực (em trai Nguyễn Thái Luyện) khai rút tiền theo chỉ đạo của chị dâu.
Sáng 9/12, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.
Rút tiền theo chỉ đạo của chị dâu
Trả lời thẩm vấn của HĐXX về hành vi rửa tiền, bị cáo Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm, vợ Luyện) cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo tội danh trên là oan sai. Bị cáo Mai khai không chỉ đạo em chồng là Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa Ốc Xanh, em ruột Luyện) và Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng Công ty Alibaba) rút tiền như cáo trạng truy tố. Mai cho rằng thời điểm đó mọi người tự làm việc của mình, không ai chỉ đạo.
"Hôm 18/9/2019, bị cáo có mặt tại công ty nhưng không biết bị khởi tố. Trước đó, bị cáo nhờ Thắng đứng tên trên sổ tiết kiệm 30 tỷ đồng nhưng bị cáo đang cầm cố sổ đó để vay ngân hàng 18 tỷ. Thời điểm đó, Thắng sợ liên quan khoản vay nên đã chuyển lại trả cho bị cáo", Mai trình bày.
Bị cáo Nguyễn Thái Lực tại tòa. Ảnh: Duy Hiệu.
Trong khi đó, Huỳnh Thị Kim Thắng khai làm mọi việc theo sự chỉ đạo của Võ Thị Thanh Mai. Còn bị cáo Nguyễn Thái Lực khai rằng do không am hiểu pháp luật, tin tưởng vào anh trai là Nguyễn Thái Luyện nên bị cáo buộc phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
"Anh Luyện kêu bị cáo phụ anh việc trợ lý, bị cáo chỉ nhận chuyển thông tin pháp lý từ các công ty về cho anh Luyện chứ không làm việc gì khác", Lực nói.
Đối với hành vi rửa tiền, Nguyễn Thái Lực khai nhận lệnh từ Võ Thị Thanh Mai đi rút tiền giao lại cho Mai. "Chị Mai nói bị cáo ra ngân hàng rút xong đưa về cho chị, bị cáo làm theo và giao tiền cho chị Mai tại trụ sở Công ty Alibaba. Lúc đó chị có chị Mai và bị cáo, còn tiền để trong bao tải", Lực cho rằng chỉ làm theo lệnh của Mai, bị cáo không cất giấu, không biết số tiền phạm pháp, không tư lợi cá nhân...
Không xin lập dự án khi bán đất cho khách hàng
Trước đó, trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thái Luyện bác bỏ một số nội dung trong cáo trạng. Tuy nhiên, Luyện thừa nhận bản thân là người có quyền quyết định về chủ trương, nguồn đất, giá đất do có kinh nghiệm, từng làm nhiều công ty về bất động sản. Sau đó, Luyện chỉ đạo các nhân viên dưới quyền thực hiện việc vẽ dự án, quảng cáo và bán hàng.
Nguyễn Thái Luyện khai lập 22 công ty và chỉ đạo các nhân viên đứng tên làm giám đốc hoặc đại diện pháp luật vì muốn cấp dưới phát triển được doanh nghiệp riêng. Do các nhân viên chưa đủ năng lực nên họ đứng tên các pháp nhân cho Luyện.
"Những người đứng tên 22 pháp nhân này không được hưởng lợi gì, họ chỉ được nhận lương cho công việc họ đang phụ trách ở Alibaba. Con dấu của các công ty này là do vợ bị cáo (Võ Thị Thanh Mai) quản lý. Mọi thu chi, bị cáo không trực tiếp quản lý mà giao cho vợ và người quản lý tài chính của công ty", Nguyễn Thái Luyện khai.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện. Ảnh: Duy Hiệu.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc có xin lập dự án ở địa phương khi làm các dự án để bán cho khách hàng, Luyện khẳng định không xin lập dự án của Nhà nước mà luật quy định người sử dụng đất có quyền làm cho thửa đất của mình tăng giá trị. Do đó, bị cáo mua đất, tách thửa để bán.
Các bị cáo khác khai đứng tên lãnh đạo các công ty con của Công ty Alibaba nhưng chỉ nhận mức lương như nhân viên bán hàng và khoản lợi nhuận theo doanh số. Nhiều bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt vì sau khi làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra, họ đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật.
Theo cáo trạng, ngày 21/11/2018, Võ Thị Thanh Mai chỉ đạo Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Luyện) nộp 50 tỷ đồng vào tài khoản của Nguyễn Thái Lực. Đây là số tiền khách hàng thanh toán mua nền đất tại Công ty Alibaba. Sau đó, theo chỉ đạo của Mai, Lực rút 31 tỷ đồng, mở sổ tiết kiệm cho Huỳnh Thị Kim Thắng đứng tên.
Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Mai, Thắng rút số tiền 18 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm, mua 2 căn nhà ở Đồng Nai cùng đứng tên với Nguyễn Thái Lực. 13 tỷ đồng còn lại vẫn giữ trong sổ tiết kiệm.
Ngày 18/9/2019, sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra thi hành lệnh bắt và khám xét trụ sở công ty và các chi nhánh Công ty Alibaba, Võ Thị Thanh Mai, Thắng và Lực biết rõ số tiền 13 tỷ đồng còn lại trong sổ tiết kiệm có nguồn gốc bất hợp pháp. Hôm sau (19/9/2019), Mai chỉ đạo Thắng chuyển toàn bộ số tiền gốc và lãi hơn 13,9 tỷ đồng vào tài khoản do Mai đứng tên mở tại Ngân hàng ACB. Cùng ngày, Mai chuyển 13 tỷ đồng vào tài khoản của Lực, rồi chỉ đạo Lực rút ra, giao lại cho Mai. Quá trình điều tra, Mai khai đã sử dụng hết số tiền đó vào việc cá nhân và trả nợ. Đến nay, cơ quan điều tra chưa thu hồi được.
Nguyễn Thái Luyện: 'Tôi khẳng định không lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ai cả' Sáng ngày 9-12, phiên tòa xét xử Nguyễn Thái Luyện cùng các đồng phạm tiếp tục diễn ra. Đứng trước tòa, Luyện khẳng định không chiếm đoạt tiền của ai, cáo trạng được tống đạt có nhiều nội dung chưa đúng sự thật.