Bi hài cảnh xếp hàng khám bệnh như mua vé tàu tết
Người phụ nữ trẻ bế đứa con trai hơn 12 tháng tuổi, đứng xếp hàng chờ làm thủ tục khám bệnh cho con, bất ngờ ngã nhào ra giữa hàng người đang đứng xếp hàng. Đứa bé trên tay chị gào khóc thảm thiết, mọi người trong hàng nhốn nháo tán loạn ra…
Đó là cảnh tượng mới xảy ra cách đây không lâu tại khu đăng ký khám bệnh bảo hiểm y tế của Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM mà phóng viên tận mắt chứng kiến.
Ngất xỉu tại “hiện trường”
Khi được đưa ra khỏi “hiện trường”, gương mặt của người phụ nữ trẻ này vẫn còn nhợt nhạt, thất thần. Được một số người xung quanh chăm sóc, chị mới dần định thần.
Người phụ nữ ấy tên N.T.V (ngụ quận 12, TP.HCM), đưa đứa con trai 14 tháng tuổi đến khám bệnh vì cháu bị ho và sốt.
Chị V. cho biết, trước đó con trai chị bị tiêu chảy cấp phải nhập viện điều trị ở đây gần 1 tuần, xuất viện được mấy hôm cháu bị ho dữ dội và sốt, ói nên chị đưa cháu trở lại đây khám.
Lúc nào khu đăng ký khám bệnh bảo hiểm y tế của Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đông nghẹt người đứng xếp hàng chờ đăng ký khám bệnh.
“Do chồng bận đi làm, tui chở con đi khám một mình. Đến đây xếp hàng chờ đăng ký khám từ lúc 7 giờ sáng, nhưng đến 9 giờ vẫn chưa tới lượt đăng ký khám bệnh. Lúc đầu mới vào xếp hàng, mọi người chen lấn, không khí ngột ngạt, nóng bức bé khóc quá, tui phải cố gắng dỗ cháu mới nín.
Mặc dù thay đổi tay bồng bé liên tục, nhưng thời gian kéo dài đến hơn 2 giờ đồng hồ cả 2 tay tui như rã rời. Lại còn đứng chen lấn trong dòng người đông đúc, không khí ngột ngạt nóng bức, chân tay bủn rủn, tui không chịu nổi nên quỵ luôn”, chị V.giải thích.
Cũng theo chị V., những lần trước chị đưa cháu đi khám vào buổi chiều, vì biết buổi sáng thường rất đông bệnh nhi, phải xếp hàng rất lâu; nhưng mấy ngày vừa qua, chiều trời hay mưa nên chị đi buổi sáng. Nhưng không ngờ…
Mắc đi vệ sinh cũng ráng… nín
Đến 9 giờ, phía bên trong khu vực đăng ký khám bảo hiểm y tế vẫn còn 4, 5 hàng được xếp rồng rắn dài cả chục mét. Trên tay bồng đứa con gái 7 tháng tuổi đứng xếp hàng hơn 30 phút, chị Th. (ở Củ Chi, TP.HCM) lại mắc tiểu, dù đã cố nín, nhưng vẫn không chịu nổi, chị đành ra ngoài vệ sinh. Quay lại thì mất chỗ, chị phải xếp hàng tụt lại ở phía sau.
Trong khi đó, nhìn đồng hồ đã hơn 9 giờ mà chị vẫn còn đứng ở tận phía sau cùng, không biết đến hết buổi sáng có khám được không, chị đành bỏ qua khu đăng ký khám dịch vụ.
Chờ đợi chồng xếp hàng để để đăng ký khám bệnh cho con quá lâu, các bà mẹ ở ngoài tranh thủ cho con dùng bữa.
Video đang HOT
Thế nhưng, “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Ở khu này, mọi người cũng đang rồng rắn xếp hàng chờ đăng ký khám bệnh, chị mới vào phải đứng nơi cuối cùng, rất khó có thể để đăng ký khám được trong buổi sáng, chị Th. đành thất thểu ẵm con ra về.
“Tui phải đưa con về thôi, mai quay lại khám, chắc phải nhờ thêm một vài người thân đi chung, chứ đi một mình không biết bao giờ đăng ký được cho con”, chị Th. rầu rĩ nói.
Điều này lý giải vì sao phần đông những người đưa trẻ đến đây khám bệnh đều đi từ 2 đến 3 người, chỉ có một số ít người dân TP.HCM do người thân vướng bận mới một mình mang trẻ đến khám bệnh.
Thường người chồng cầm sổ đứng xếp hàng, xí chỗ để đến lượt vào nộp sổ và khai báo bệnh của con để nhận phiếu khám bệnh và số thứ tự tại buồng khám; còn vợ bồng con ngồi ở bên ngoài, nơi mà người chồng có thể quan sát nhìn thấy được.
Sau nhiều giờ đứng xếp hàng, cuối cùng anh H. (quê ở Đồng Tháp) cũng đã tiếp cận được quầy khám bệnh để nộp sổ, khai báo bệnh của con cho nhân viên y tế ghi vào sổ khám bệnh.
Sau khi ghi, cô nhân viên y tế liền hỏi lại anh H.: bé đâu? Anh H. liền ngoái ra phía ngoài khu vực có mấy chiếc ghế đá gọi vợ mang con vào; nhưng không thấy vợ và con đâu, anh H. liền nói lớn: “Chỗ tui nghen, để tui ra ngoài tìm vợ đưa con vào liền”.
Vì sợ người khác tiến lên chiếm chỗ, anh H. phóng thật nhanh, vấp ngay phải một vật cản gần đó ngã nhào, nhưng anh kịp đứng dậy chạy tiếp ra ngoài tìm vợ để đưa con vào cho nhân viên y tế phòng đăng ký khám bệnh thấy mặt.
Quay lại, anh H. cho biết, anh tới đây xếp hàng để chờ đăng ký khám bệnh cho con từ lúc hơn 6 giờ, còn vợ anh bồng con ngồi ghế đá bên ngoài chờ, khi nào đến lượt anh nộp sổ, khai bệnh thì bồng con vào, nhưng chờ lâu quá vợ anh đi vệ sinh.
“Phải đứng xếp hàng, chứ không thì không biết khi nào được vào đăng ký khám bệnh. Nhiều lúc muốn đi vệ sinh cũng ráng nín, có khi nín không nổi thì gọi vợ vào đứng thay, tui ra ngoài ẵm con sẵn đi vệ sinh luôn. Vậy mà nhiều người chen lấn, đi sau muốn được đăng ký khám trước, cứ chen vào trước, tranh cãi nhau mệt lắm”, anh H. phân trần.
“Tại sao phải bắt người nhà xếp hàng”?
Qua tìm hiểu của chúng tôi, khu đăng ký khám bệnh (cả khu bảo hiểm và dịch vụ) của Bệnh viện Nhi đồng 1 đều không có ghế ngồi, không bảng điện tử thông báo số thứ tự đăng ký khám….
Những người đưa trẻ đến đây đều phải đứng xếp hàng, ai đến trước đứng trước, ai đến sau đứng sau. Nhưng đó là phụ thuộc vào sự ý thức của mỗi người. Có người đến sau muốn được đăng ký khám trước lại chen vào trước, khiến không ít những cuộc cãi vã, chửi bới xảy ra ở đây… hơn cơm bữa.
Vậy mà mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu rằng, sau hơn 1 năm thực hiện Quyết định 1313 của Bộ Y tế về hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện, tại nhiều khu vực đăng ký khám bệnh của bệnh viện đều được trang bị bằng ghế ngồi inox như ở sân bay, có bảng điện tử thông báo số thứ tự khám bệnh của bệnh nhân. Các bệnh nhân thỏai mái ngồi trên ghế chờ đến lượt mình đăng ký khám bệnh…
Thế nhưng ở đây, chưa cần ghế inox hay ghế ngồi như sân bay, chỉ cần ghế nhựa để bệnh nhân ngồi chờ cũng không có. Ở đây không có bảng điện tử hiện số thứ tự hay nhân viên đọc số thứ tự của bệnh nhân vào đăng ký khám cũng không có.
Chị Th. buồn bã, ngồi bệt dưới gốc cây sau khi ra ngoài đã bị mất chỗ
“Thật không thể hiểu nổi, một bệnh viện như Bệnh viện Nhi đồng 1 được xem là bệnh viện hạng 1 của thành phố còn thua xa các bệnh viện quận huyện. Lẽ ra, nơi đăng ký khám bệnh, bệnh nhân phải được phát số thứ tự, bố trí ghế ngồi chờ bảng điện tử hiện số thứ tự của ai thì người đó vào đăng ký khám; nếu không có bảng điện tử thì nhân viên y tế đọc số thứ tự, đến số thứ tự của ai thì người đó đến khám.
Tại sao lại bắt người nhà phải đứng xếp hàng chờ hàng giờ liền, trong khi đó, với bệnh viện nhi, người xếp hàng không chỉ đứng một mình mà nhiều người còn phải bồng trẻ trên tay, làm sao họ có thể đứng nổi nhiều giờ liền”, chị Th. bức xúc
Vì thế, chuyện nhiều người đến đây đứng đăng ký khám bệnh, không bị ngất xỉu thì cũng toát mồ hôi, bủn rủn tay chân.
Theo Một Thế Giới
Thời tiết bất thường khiến bệnh viện quá tải
Sau kỳ nghỉ lễ dài, những ngày làm việc đầu tiên của năm Giáp Ngọ các bệnh viện tại TP.HCM bị quá tải trầm trọng do lượng bệnh từ trước Tết dồn lại.
Nhiều trẻ đi khám sởi, hô hấp
Theo ghi nhận của TS, vào sáng 11/2 (12 Tết), khu khám bệnh của Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM đông nghẹt. Các phụ huynh kẻ đứng người ngồi, tay bế con nhỏ chờ tới lượt.
Bệnh nhân chen chúc nhau đóng tiền khám bệnh
Chị Thủy (ngụ quận 2) chia sẻ: "7 giờ sáng tôi đã đưa cháu tới lấy số khám sốt, viêm họng nhưng ai ngờ vẫn chậm chân. Số thứ tự của tôi tận thứ 90. Mẹ con tôi ngồi đợi cả tiếng nhưng vẫn còn sau 20 người nữa. Xác định cho con đi khám, tôi đã xin cơ quan nghỉ nguyên buổi sáng nay".
Anh Đức (ngụ tại quận 3), đưa con trai 7 tháng tuổi đi khám phát ban cũng than về tình trạng quá tải sau Tết: "Nghi bé bị sởi nên người ta chỉ định khám nhiễm. Đang có dịch sởi, bệnh nhi đông quá. Chờ gần 2 tiếng đồng hồ vẫn chưa tới lượt, chẳng đủ chỗ ngồi, không khí ngột ngạt quá nên mình bế con ra gốc cây đứng. Khi nào gần tới số thứ tự bà xã sẽ ra gọi hai cha con vào".
Theo BS Đặng Thị Kim Huyên, Phó Khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, do lượng bệnh tăng đột biến sau Tết Nguyên đán, nên bệnh viện rơi vào cảnh quá tải nghiêm trọng.
"Chúng tôi không hề nghỉ Tết, vẫn khám 24/24 h mỗi ngày, vậy mà vài ngày nay số bệnh nhi tới khám tăng vọt hơn cùng kỳ năm ngoái", bác sĩ Huyên nói.
Cụ thể, cùng thời điểm này vào những năm trước, lượng bệnh tới khám chỉ khoảng 2.500 ca/ngày, còn hiện nay mỗi ngày Khoa khám bệnh của Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận từ 5.000 - 5.600 ca. Bệnh nhi chủ yếu dưới 3 tuổi.
Tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa Bưu điện dù thứ 3 vẫn đầy ắp người
Giải thích sự quá tải đột biến, BS Huyên cho rằng do vừa qua thời tiết lạnh bất thường, kéo dài tới hơn 2 tháng khiến nhiều trẻ bị bệnh hô hấp. Người dân nghỉ ăn Tết, nay mới đưa trẻ đi khám bệnh nên lượng người bệnh ùn ứ.
Mặt khác, dịch sởi bỗng dưng bùng phát từ trước Tết, rất nhiều trẻ tới khám do bị phát ban. Ngay trong Khoa Nhiễm của bệnh viện cũng đang có tới hơn 20 bệnh nhi sởi phải điều trị nội trú.
Người già đổ xô khám hô hấp vì lạnh
Không chỉ những bệnh viện hay bị quá tải như Nhi Đồng 2, các bệnh viện do tính chất đặc thù ngày thường vắng bệnh nhân, nay vào đầu năm cũng vô cùng tất bật.
Sáng 11/2, tại Khoa khám Bệnh của cơ sở 1, Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TP.HCM cũng đầy ắp người.
Mới đầu năm mà Khoa hô hấp của Bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh nhi nằm la liệt
Bệnh nhân đa số là dân công chức, người già, tới khám về tim - mạch, huyết áp, tai - mũi - họng và nội tiết.
Bác Nguyễn Văn Khương (65 tuổi) đang chờ khám tai - mũi - họng cho biết: "Tết vừa rồi trời lạnh quá! Sáng tôi lại hay dậy sớm tập thể dục nên bị ho. Con cái khuyên tôi ăn Tết xong phải đi khám ngay kẻo để lâu lại viêm phổi".
Anh Trần Hữu Dũng (40 tuổi) đang chờ khám gút tâm sự: "Mình bị gút, lẽ ra theo lịch phải tái khám từ cách đây 10 ngày, nhưng lại trúng vào Tết. Tết rồi ăn nhậu nhiều quá, mấy khớp xương mình trở nên đau nhức. Dù đầu năm công việc dồn ứ rất bận nhưng mình cũng phải ráng bỏ ra một buổi đi khám, lấy thuốc uống cho yên tâm".
Theo ghi nhận, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cũng đang trong tình trạng quá tải, mặc dù bệnh nhân ở đây chủ yếu là người già và cán bộ hưu trí.
BS Đỗ Kim Quế, PGĐ bệnh viện cho hay, thông thường bệnh viện khám cho khoảng 1.000 bệnh nhân/ngày, nay tăng lên 1.400 bệnh/ngày.
Nguyên nhân chủ yếu do bệnh nhân dồn lại trong dịp Tết.
Thanh Huyền
Theo VNN
Chồng đâm chết vợ khi đang khám bệnh do bị cắm sừng Nghi ngờ bị vợ cắm sừng, người đàn ông đã đâm 6 phát chí mạng vào người vợ gục xuống, tử vong ngay lập tức. Liên quan đến vụ việc Vũ Văn Mạnh điên cuồng đâm dao vào người vợ là chị Bùi Thị O. ngay tại trung tâm y tế khiến người vợ tử vong ngay tại chỗ, thông tin từ người...