Bị đàn chị ngôi sao ức hiếp, cô lập và cách ứng xử của Mỹ Uyên
“Tôi kể không phải để so đo mà chỉ muốn nói rằng, cuộc đời tôi đụng rất nhiều thứ. Và tính tôi từ xưa tới giờ là kiềm chế, nuốt vào lòng”, NSƯT Mỹ Uyên tâm sự.
Bị đàn anh đàn chị ức hiếp, cô lập trên sàn diễn
Trước khi trở thành sinh viên trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu & Điện ảnh TPHCM), Mỹ Uyên từng dấn thân vào vài cuộc thi nhan sắc nhờ ngoại hình khả ái. Hồi đó, nghề người mẫu đang rất hot và Mỹ Uyên cũng là gương mặt quen thuộc trên các bìa báo và lịch treo tường.
Cho đến khi Mỹ Uyên đi thi Hoa hậu Điện ảnh do Hội Điện ảnh TPHCM tổ chức và tình cờ xem được tiết mục biểu diễn của nghệ sĩ Trịnh Kim Chi và Quyền Linh. Vì quá thích, Mỹ Uyên lập tức cắp cặp đi học diễn viên.
Nhờ ngoại hình thuộc hàng “hoa khôi” của trường, Mỹ Uyên nhanh chóng được giới thiệu đi phim, đi kịch… dù chỉ là những vai quần chúng. Thời điểm đó, kịch truyền hình “Trong nhà ngoài phố” là một chương trình được người dân chờ đợi mỗi tuần, quy tụ toàn ngôi sao hàng đầu, vậy mà Mỹ Uyên cũng … được góp mặt vào như một mối duyên lành.
Dù vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng Mỹ Uyên đã bén duyên với điện ảnh, truyền hình khi được mời tham gia vào nhiều bộ phim “ăn khách” đình đám thời đó, như: Mảnh đất tình đời, Ai xuôi vạn lý, Nợ đời, Người đàn bà yếu đuối…
Mỹ Uyên thời trẻ qua góc máy của Vũ Ngọc Đãng.
Mỹ Uyên cũng có nhiều vai diễn hay trên sân khấu của Đoàn Kịch nói Thành phố khi ấy như mợ Hai Tiền trong “Vụ án trộm trứng gà”, đóng chung cùng cố nghệ sĩ Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Quyền Linh, Trịnh Kim Chi… hay bà Huyện trong “Nghề nuôi chằng”. Thế nhưng, với Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Mỹ Uyên vẫn là “người mới”.
Thập niên 1990 đến năm 2000, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ lừng lẫy vô cùng, vì đây là sân khấu đã tạo dựng nên biết bao nhiêu ngôi sao, tên tuổi của ngành sân khấu mà đến giờ, những ngôi sao đó vẫn là cái tên sừng sững trong lòng người hâm mộ.
Thế nên khi được đạo diễn Trần Minh Ngọc mời về Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ đóng cô nô lệ da đen Merita, một vai thứ trong “Con cáo và chùm nho”, Mỹ Uyên vô cùng hạnh phúc.
Tuy nhiên, ngay lần đầu tiên được đứng trên sân khấu mà mình từng mơ ước hàng đêm ấy, Mỹ Uyên đã bị sốc, bị hụt hẫng vì cách đối xử của một số đàn anh đàn chị là ngôi sao khi đó, với mình.
Mỹ Uyên bảo, cuộc đời chị có nhiều vai hay nhưng vai Merita khiến chị ấn tượng nhất, nhớ nhất là vì… đây là vai diễn đầu tiên của chị ở 5B và chị quá gian truân để có được vai diễn này.
Vai diễn Merita là một kỷ niệm vừa buồn vừa đẹp trong cuộc đời làm nghề của NSƯT Mỹ Uyên.
Mỹ Uyên tâm sự: “ Ngày ấy, tôi đã có nhiều vai chính hay ở các sân khấu khác, cũng nổi tiếng trên truyền hình nhưng ở 5B, tôi vẫn lấp ló ở cửa, chờ thời. Các anh chị diễn viên cũng như đạo diễn đều có ê-kíp của họ và tôi thì chẳng thể… chen chân. Một cô gái chập chững về sân khấu như tôi phải bôn ba đi tìm vai với bao khó khăn, cực khổ.
Quãng năm 1998, tôi chỉ là một đứa con nít, lẽ ra mình phải được nâng đỡ, được dạy dỗ khi đóng với đàn anh đàn chị thì họ ăn hiếp, soi tôi, cô lập tôi.
3 người đóng chung, người này kêu người kia ra bàn thoại, tôi chạy theo hỏi, họ gạt đi, không trả lời. Lúc ra sân khấu, họ tự diễn với nhau và bỏ lơ tôi”.
Mỹ Uyên yêu thích và chăm chút cho vai diễn đầu tiên này tới mức, 8h tối mở màn thì 4h chiều chị đã tới sân khấu hóa trang. Vì đóng cô nô lệ da đen nên chỗ nào hở da hở thịt là Mỹ Uyên bôi đen hết. Chị thậm chí cứ đi vòng vòng, chẳng dám ngồi vì sợ trôi mất màu đen trên da đã kỳ công chét mấy tiếng đồng hồ.
Có lần vô tình đứng dựa tường, màu da bị trôi, Mỹ Uyên phải dặm lại. Đúng lúc đó, một đàn chị ngôi sao đóng chung trong vở nói “ủa em, giờ này còn dặm gì nữa, đi diễn thì phải vô sớm chứ”, trong khi đó, họ sát giờ diễn mới tới còn Mỹ Uyên đã có mặt ở sân khấu từ 4h chiều.
Nào ngờ vai cô nô lệ da đen của Mỹ Uyên được báo chí khen, gương mặt mới mà diễn hay. Thêm một lần nữa, họ không vui. Nhưng cũng từ vai đó, Mỹ Uyên trưởng thành hơn rất nhiều. Chị ý thức được rằng, mình phải đương đầu, đối diện, không tháo lui. Mình đã yêu, đã chọn sân khấu thì phải chấp nhận nó.
Video đang HOT
Vì từng bị ức hiếp nên sau này, Mỹ Uyên không để đàn em, đồng nghiệp có cảm nhận tương tự về mình trong quá trình làm việc.
Bài học đẹp đẽ từ những điều cay đắng đã đi qua…
Hỏi Mỹ Uyên cứ im lặng chấp nhận sự ức hiếp đó và không chia sẻ với ai? Mỹ Uyên thật thà: “ Lúc đầu, tôi cứ nghĩ mình bị góp ý nhưng đến khi thấy cảnh đó có mình mà họ không cho trao đổi, mình chạy tới hỏi thì bảo “được rồi, không liên quan tới em”. Lúc ra sân khấu, họ cứ diễn với nhau, mặc kệ mình… thì tôi hiểu. Tôi buồn nhưng không bỏ vai.
Nghệ sĩ Nguyễn Sanh lúc đó đóng vai nộ lệ với tôi, anh biết và an ủi tôi “đừng buồn nghe nhỏ, không nói được thì nói cho anh nghe” nhưng tôi giả bộ không biết gì, cười bảo “dạ, đâu có gì đâu anh”.
Từ nhỏ, tôi ý thức được rằng, cái gì không bộc bạch được thì nên nuốt vào lòng. Tôi biết chắc rằng, nếu nói với thầy Trần Minh Ngọc, thầy sẽ kêu mọi người lại nói chuyện nhưng tôi tôn trọng thầy tới mức, diễn đúng với bản dựng của thầy.
Các anh chị diễn sao thì diễn, tôi có bị rớt, không nhịp nhàng hay đứng đó một mình cũng không sao vì cuối cùng thì tất cả vẫn phải nằm trong khuôn khổ bản dựng của đạo diễn.
Nếu lúc đó tôi nói, chẳng những họ không kết hợp với mình mà còn có cớ bảo mình hỗn. Tôi kiềm chế, lễ phép tới ngoan ngoãn, sợ sệt, buồn bã… tất cả chất chứa trong đó, vô tình biến mình thành người thông minh. Thật ra, kiểu của họ làm tôi sợ, cảm giác mình bị cô lập nhiều hơn là họ ghét mình“.
Lần khác, Mỹ Uyên được mời đóng thế nữ chính ở vở diễn khác vì người này bận đi phim. Mỹ Uyên đã diễn được vài suất. Hôm đó, theo lịch, Mỹ Uyên xách giỏ lên nhà hát, hóa trang gần xong thì diễn viên kia xuất hiện. Mỹ Uyên chưng hửng, hỏi ra mới biết, tối nay, người ta diễn vai của mình.
Trong cuộc sống này, ai cũng phải đối đầu với những vấn đề đau đầu mỗi ngày nhưng thái độ và cách phản ứng của mỗi người sẽ quyết định tất cả.
Vậy mà người quản lý đêm diễn không báo cho chị một tiếng. Mỹ Uyên cất đồ vào giỏ, lẳng lặng đi về. Đường về tối tăm, thưa vắng bóng người, lại đụng ngay mấy người xăm trổ ở khúc đường nguy hiểm, trời thì mưa, Mỹ Uyên òa khóc với bao nhiêu uất ức trong lòng.
Mỹ Uyên cảm thấy mình không được tôn trọng. Giá như người ta báo với Mỹ Uyên một tiếng để chị đừng lên thì đã không có tình huống thật buồn kia!
Nhưng Mỹ Uyên cũng ngấm ngầm nuốt hết tất cả nỗi buồn đó vào lòng. Có tổn thương cũng tổn thương một mình. Có khóc cũng khóc một mình. Ngày mai đánh phấn tô son, lại xinh đẹp trước mọi người, cười nói như chưa từng có gì xảy ra.
Bởi từng bị người ta đối xử như thế nên sau này, Mỹ Uyên không muốn ai phải rơi vào cảm xúc tồi tệ mà mình đã đi qua. Chị rút ra bài học thật đẹp đẽ trong cách sống, cách ứng xử với người xung quanh, mà gần gũi nhất là với chính đồng nghiệp, đàn anh, đàn chị, đàn em trong nghề.
Mỹ Uyên bày tỏ: “ Tôi kể không phải để so đo mà chỉ muốn nói rằng, cuộc đời tôi đụng rất nhiều thứ. Và tính tôi từ xưa tới giờ là kiềm chế, nuốt vào lòng. Đến ngày hôm nay, dù diễn với một đứa con nít hay với bạn diễn, tôi luôn bàn bạc với họ, nâng đỡ, dìu nhau, nhịp nhàng với nhau.
Ngay cả khi đã là Giám đốc sân khấu, bỏ tiền ra dựng biết bao vở diễn, tôi cũng không cho phép mình đối xử với ai như vậy, không cho phép mình thiếu tôn trọng ai“.
NSƯT Mỹ Uyên: Tôi cầm giấy tờ nhà đi vay 400 triệu làm vở diễn mới
"50% diễn viên nghĩ rằng, họ về sân khấu diễn là ban ơn cho tôi, theo kiểu tôi diễn cho chị, tôi giúp chị, không có tôi thì chị chẳng thể làm gì", NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ.
Với NSƯT Mỹ Uyên, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần là một mối duyên nợ khó dứt, vừa giống một người tình "vũ phu", lại vừa như một đứa con cưng yếu đuối cần được bảo vệ, nâng niu và dốc lòng chăm sóc.
Bởi yêu thương quá nhiều mà Mỹ Uyên đắm đuối vào sân khấu với bao vui buồn, đôi khi mệt nhoài, đôi khi hạnh phúc.
Và, dù có thế nào, Mỹ Uyên cũng nuốt hết vào trong. Có tổn thương cũng tổn thương một mình. Có khóc cũng khóc một mình. Ngày mai đánh phấn tô son, lại xinh đẹp trước mọi người, lại lao vào sân khấu như con thiêu thân, dốc hết tin yêu như thể lần đầu và cũng là lần cuối, khờ dại một cách đẹp đẽ!
NSƯT Mỹ Uyên (ảnh: C.T.H)
"50% diễn viên nghĩ, họ về sân khấu là giúp tôi, ban ơn cho tôi"
NSƯT Mỹ Uyên tâm sự: "Ở giai đoạn nào cũng thế, diễn sân khấu là phải yêu nghề nhiều lắm. Lương một đêm có vài trăm ngàn, trong khi các show bên ngoài vài triệu, vài chục triệu. Thế nên, tôi luôn tôn trọng những người về sân khấu. Nhưng ngược lại, tôi cũng có nhu cầu được họ tôn trọng.
Tôi bỏ tiền ra làm vở, để người khác được thỏa thích trên sàn diễn. Ai không thích, không đủ lòng yêu sân khấu nữa thì dứt áo ra đi. Tôi đồng ý và tôn trọng điều đó. Nhưng đã về sân khấu thì hãy tôn trọng cái nơi mà họ nói yêu và muốn làm nghề, tôn trọng khán giả.
Tôi cũng là một nghệ sĩ. Tôi đứng ra đầu tư tác phẩm, phải bán từng chiếc vé với bao nhiêu áp lực nhưng hiện nay, 50% diễn viên nghĩ rằng, họ về sân khấu diễn là ban ơn cho tôi, theo kiểu "tôi diễn cho chị, tôi giúp chị, không có tôi thì chị chẳng thể làm gì".
Nhưng họ không nghĩ rằng, họ không làm thì tôi mời người khác. Với sân khấu mà không mặn mà, không tha thiết yêu thì không thể làm được.
Từ năm 2005 đến nay, nhờ các vở diễn tôi đầu tư mà nhiều người được Huy chương vàng, Huy chương bạc. Và những huy chương đó giúp nhiều người đủ tiêu chuẩn xét duyệt lên Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân...
Tôi đầu tư biết bao tiền làm vở diễn nhưng khi có huy chương, họ bỏ không diễn nữa. Tôi cũng không giận. Sắp tới, tôi làm vở mới nhưng để tránh bị động, phụ thuộc, tôi sẽ chọn hai diễn viên chính, vắng người này, còn người kia. Có thể bây giờ họ nói không bỏ mình nhưng ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai, tới lúc họ bỏ mình đi thì mình vẫn còn sống được.
Tôi nói không phải kể công vì tôi nghĩ mình cũng như người đưa đò. Đưa họ qua sông rồi, họ còn tới những bến mới, những con đường mới. Người ta không quay về thì mình cũng phải bản lĩnh vững vàng, bình tĩnh và chịu đựng".
Không nhận một đồng lương từ chức danh Giám đốc, bỏ tiền túi bù lỗ sân khấu
Người làm bầu sân khấu vào giai đoạn này giống như mang "nghiệp". Bởi nếu không "nặng nợ" thì chắc chắn, họ đã chọn một con đường khác nhẹ thân hơn, không phải nhọc lòng, nhọc sức mà hàng tuần, hàng tháng vẫn phải "ném" tiền đi.
Năm 2005, Mỹ Uyên đặt vấn đề với Ban giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ khi đó là nghệ sĩ Huỳnh Minh Nhị, cho chị đầu tư dựng vở và mướn sân khấu để biểu diễn.
Vở đầu tiên Mỹ Uyên làm là "Cõi tình". Vở diễn chỉ có 3 người là Mỹ Uyên, Thanh Hoàng và Công Ninh. Lý do kịch chỉ có 3 người là để phòng trường hợp thua lỗ, sẽ không mất quá nhiều tiền. Không ngờ, vở diễn cực kỳ "ăn khách" và gây tiếng vang tại Liên hoan Sân khấu xã hội hóa toàn quốc.
Trên đà chiến thắng, Mỹ Uyên làm tiếp vở thứ hai "Bàn tay của trời", Ái Như đạo diễn, quy tụ gần 20 diễn viên. Vở tiếp tục thắng vé. Ban Giám đốc nhìn thấy sự tâm huyết của Mỹ Uyên, tình yêu, sự gắn bó của chị dành cho sân khấu nên bổ nhiệm làm Phó Giám đốc phụ trách truyền thông.
Thế nhưng, đây cũng là thời điểm Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ bắt đầu đi xuống. Mỹ Uyên nhớ lại: " Thời điểm đó, Nhà hát đầu tư làm những kịch bản không hay nên dần mất khán giả, cứ bù lỗ rồi cụt vốn.
Thêm một phần nữa, đổ thừa mà cũng không phải đổ thừa là internet lên ngôi, khán giả ở nhà vẫn coi được nhiều chương trình giải trí mà không tốn tiền. Chưa kể, nạn cướp giật hoành hành, khán giả ngại ra đường về đêm nên không đi xem kịch...
Đêm nào sân khấu cũng bù lỗ. Ba anh em nằm trong ban giám đốc là anh Thanh Hoàng, anh Việt Anh và tôi... không ai nhận một đồng lương nào ở chức danh này, thậm chí còn bỏ tiền túi ra bù lỗ cho sân khấu sáng đèn.
Đùng cái, anh Thanh Hoàng không làm Giám đốc nữa, Nhà hát không có kinh phí. Tôi và anh Việt Anh, mỗi người bỏ ra 50 triệu để làm vở. Đầu tư kịch bản, tìm gương mặt mới về làm nhưng cũng chỉ được vài suất. Những suất sau đều phải bù lỗ, mà mình đâu chỉ làm mỗi vở đó, phải đầu tư làm tiếp vở khác..."
Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ là sân khấu của Hội Nghệ sĩ nhưng hơn chục năm nay, các vở diễn đều là tiền Mỹ Uyên đầu tư và đem về không biết bao nhiêu huy chương cho các anh chị nghệ sĩ như anh Việt Anh, anh Thanh Hoàng, anh Công Ninh, Cát Tường, Tuyết Thu, Quý Bình...
Năm 2015, Nhà hát đóng cửa nhưng vẫn quyết định đưa Mỹ Uyên lên làm Giám đốc vì nghệ sĩ Việt Anh nghỉ. Nhà hát đóng cửa 3 năm, từ 2015 đến tháng 4/ 2018 thì Mỹ Uyên mở lại.
Chị chia sẻ: " 3 năm đóng cửa sân khấu, không ngày nào, không tuần nào, không tháng nào tôi không lên sân khấu. Vì hễ trời mưa là sân khấu bị dột. Tôi đội mưa lên, kêu 1, 2 bạn làm hậu đài lên cùng rồi gửi tiền các bạn uống cà phê. Nóc nhà bị tốc mái tôn, cũng tôi mua từng tấm tôn che chắn.
Và 3 năm đó, tôi vẫn nhận chỉ đạo từ Hội làm vở tuyên truyền. Tôi phải thuê sân khấu khác tập để có vở báo cáo cho Hội. Hàng năm, Hội Sân khấu nhận tiền từ Thành ủy, rót chi phí cho trại sáng tác, có kịch bản mới trình Nhà nước xin kinh phí dàn dựng rồi chỉ đạo tôi làm. Lẽ ra, Hội phải đi xin kinh phí biểu diễn nhưng cũng tôi trực tiếp đi xin.
Tôi làm đơn, đứng chầu chực gửi từng người xin kinh phí. Chưa được duyệt nhưng tôi vẫn đưa đoàn đi diễn ở Bình Chánh bằng tiền của mình. Số tiền đó, nếu người ta không trả thì tôi mất.
Tôi làm sân khấu xã hội hóa, đầu tư 100% tiền và đưa vào kịch mục thương hiệu của Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B. Tôi không nhận một đồng xu cắc bạc nào ở chức danh Giám đốc Nhà hát, còn phải bù tiền ra làm sân khấu".
Mang giấy tờ nhà đi "cầm", vay 400 triệu làm sân khấu
Tháng 4 năm 2018, Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần mở cửa hoạt động trở lại. Mỹ Uyên bỏ ra hơn 800 triệu để sửa sang sân khấu. 3 năm bỏ không, sân khấu giống như nhà kho, bụi bặm, dơ dáy, Mỹ Uyên cho dọn dẹp, sơn sửa lại hết.
Nguyên dàn âm thanh, dàn đèn bị hư phải mua mới, máy lạnh mua mới, trang trí lại lối đi, gia cố, sửa cửa, toilet, chỉ có ghế là vẫn thế. Cùng với tiền đầu tư vở diễn lên tới gần 1 tỉ và số tiền đó, Mỹ Uyên chưa lấy lại được một đồng.
Mỹ Uyên bộc bạch: " Từ tháng 4 năm 2018 đến nay, hơn 2 năm, tháng nào tôi cũng bù lỗ gần 100 triệu đồng . Mình đã lỡ thì phải theo, phải làm vở mới để lôi kéo khán giả.
Trước Tết, tôi cầm giấy tờ nhà ra ngân hàng vay 400 triệu để lấy tiền đầu tư vở diễn mới. Làm vở mới, diễn Tết được vài ngày thì bùng nổ dịch covid-19.
Mới mùng 6 là khán giả đã thưa vắng. Thời điểm đó là cuối tháng 2 dương lịch, đầu tháng 3, sân khấu đóng cửa theo lệnh của Nhà nước. Cuối tháng 5 mới mở lại".
Mới sáng đèn lại sau mùa dịch, cuộc sống đang dần ổn định nhưng người thất nghiệp đi tìm việc làm, họ phải lo chén cơm manh áo, sau đó mới đến giải trí. Họ xả stress sau dịch bằng những bữa nhậu, gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, tìm cách làm ăn, mấy ai đi xem kịch. Thế nên dù có dựng vở mới thì diễn suất nào Mỹ Uyên vẫn bù lỗ suất đó.
"Thời gian giãn cách xã hội, cứ cách một, hai ngày, tôi lại lên sân khấu thắp nhang khấn Tổ. Hàng ngàn lần tôi nói với Tổ, hay là cho con buông sân khấu này. Đêm nào cũng bù lỗ, tôi mệt nhoài. Thế mà khi sân khấu được hoạt động trở lại, tôi lại cuống cuồng tìm kịch bản, hô hào anh chị em làm vở mới mà quên bẵng đi rằng, mình đã từng muốn dừng lại vì quá mệt mỏi.
Tôi thấy mình giống như yêu một người mà người đó đánh đập mình tơi tả vẫn cắm đầu vào yêu. Nhưng nếu chỉ mình tôi yêu thì tôi cũng đã cố buông nhưng xung quanh tôi, còn biết bao diễn viên, đạo diễn, tác giả, nhân viên điện đài... ai ai cũng yêu nên tôi lại lao vào như con thiêu thân", Mỹ Uyên nói.
" Tôi không nợ nần gì nơi này nhưng vì tôi thương mà không bỏ được. Nói vậy, không phải là tôi có ý đụng chạm gì các thế hệ đàn anh đàn chị thành danh từ 5B. Chỉ là tôi cứ bị băn khoăn, bị đắn đo, bị dày vò, nếu tôi đi thì nó sẽ ra sao.
Tôi không ngồi ghế gameshow. Người ta mời tôi làm giám khảo, mỗi số 12 triệu, quay một ngày được biết bao nhiêu tiền nhưng tôi không làm. Nhiều spa, thẩm mỹ viện mời tôi làm hình ảnh đại diện, tôi cũng từ chối vì ngại. Mọi người chửi tôi ngu. Nhưng giờ tôi phải nhận để lấy tiền làm sân khấu.
Tuổi xuân, sức khỏe, nhan sắc của tôi đều dồn hết cho Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B. Tôi là nghệ sĩ biểu diễn, tôi đam mê biểu diễn, tại sao tôi phải ôm sân khấu làm gì? Nhưng vì cái tình, tôi dứt không được.
Tôi chỉ mong Hội Nghệ sĩ ngó tới sân khấu. Chúng ta có một cái hội nghề nghiệp, có ban chấp hành, chúng ta vào đó không phải để cho vui mà để làm, đừng tránh nặng tìm nhẹ, đừng chối bỏ trách nhiệm. Khi chúng ta quyết tâm làm và làm không phải cho mình mà cho cái chung thì mới thấy điều mình làm ý nghĩa vô cùng", Mỹ Uyên buồn bã chia sẻ.
Nghệ sĩ Ái Như: Nếu đêm nào cũng ngồi tính lỗ bao nhiêu thì sẽ kinh hãi, không thể chịu nổi "Có khán giả xem thì người diễn viên vẫn phải diễn. Vậy tại sao họ lại bị giảm nửa lương? Tự tôi cảm thấy như vậy không được nên không dám làm điều đó", nghệ sĩ Ái Như chia sẻ. Ái Như không cần một người để nghe mình kể khổ. Chị cần một người hiểu sân khấu và đủ đồng cảm để...