Bí ẩn: Thành phố ‘quỷ khóc ma gào’ ở Trung Quốc
Nơi đây được mệnh danh là thành phố ma quỷ bởi những tiếng hú khóc ghê rợn thường vang lên những ngày xấu trời.
Đó chính là ‘thành phố cổ’ Moguicheng ở Tân Cương, Trung Quốc, một khu vực bị lãng quên, mang một vẻ đẹp bí ẩn và hoang dã, với vô số gò đồi cao thấp khác nhau.
Moguicheng theo tiếng địa phương có nghĩa là thành phố của quỷ, cũng bởi tuy không một bóng người nhưng luôn náo nhiệt với vô số âm thanh kỳ lạ.
Vào những ngày đẹp trời, nếu thả bước ở Moguicheng, bạn sẽ nghe vẳng bên tai những giai điệu tuyệt vời như hàng vạn cây đàn đang cùng tấu khúc nhạc đồng quê, rất thư thái và yên bình.
Nhưng sẽ thật đáng sợ nếu bạn tới Moguicheng đúng vào những hôm thiên nhiên ‘khó ở’, trời đất tối sầm, gió lốc nổi lên, cát bay tung tóe…
Video đang HOT
Giữa khung cảnh giống như cơn thịnh nộ của quỷ thần ấy là hàng loạt những âm thanh ghê rợn:
Tiếng khóc thét của trẻ sơ sinh, tiếng cười như xé vải của người đàn bà, tiếng hổ gầm, ngựa hú, tiếng chửi mắng nhau, tiếng rao hàng, tiếng ma kêu quỷ khóc…!
Tất cả những âm thanh náo động như thể có cả một thành phố lắm người nhiều ma đó lại ngập tràn ở một chốn không người, âm u, lạnh lẽo, vì thế càng trở nên ghê rợn.
Sự huyền bí, đáng sợ của Moguicheng còn nằm ở mật độ xuất hiện dày đặc của những phiến đá với vô số hình thù kỳ dị, màu sắc sặc sỡ, nhiều phiến đá có hình ác quỷ nhe răng như đang dọa người.
Để tìm hiểu tại sao lại có những âm thanh sởn gai ốc kia, các nhà khoa học đã đến khảo sát, nghiên cứu và rút ra kết luận: Không có ma quỷ nào hết.
Tất cả đều có thể giải thích bằng các kiến thức địa chất – những cơn gió cực mạnh của vùng sa mạc Tân Cương chính là nguồn cơn của những ấn tượng quỷ khốc thần sầu.
Địa tầng của Moguicheng được tạo thành bởi những lớp đá trầm tích từ đại cổ sinh, với độ dày mỏng, rắn lỏng khác nhau.
Khí hậu sa mạc khắc nghiệt ngày nóng như thiêu như đốt, đêm rét dưới nhiệt độ nước đóng băng làm nền đất đứt vỡ, tạo ra vô số lỗ thủng, kẽ nứt như ống thông gió len lỏi trong địa tầng.
Tân Cương là nơi nổi tiếng với những cơn gió cực mạnh. Moguicheng lại là điểm gặp nhau của rất nhiều nguồn gió: Gió sa mạc, gió bồn địa Dzungaria, cùng với gió từ vùng sa mạc Trung Á thổi đến.
Sức gió mạnh thổi tung cả đất đá, sỏi cộng với tác động của nước khi có mưa, tạo nên những vách đá hình thù kỳ dị, độc đáo trênbề mặt nham thạch.
Nhờ đó Moguicheng như một thành phố cổ hoang phế, với những ‘tòa kiến trúc’ đứng san sát nhau trông như đền đài vọng các, kim tự tháp, quanh co, sâu hun hút…
Chính vì vậy mà Moguicheng được gọi là ‘thành phố’ dù nó thực sự là chốn hoang dã, hoàn toàn không phải nơi dân cư.
Những âm thanh quỷ khốc thần sầu những hôm gió lớn được giải thích là do tác động của những cơn gió, lốc, cuốn theo cát đá, khi xuyên qua khoảng trống giữa những phiến nham thạch.
Và vào những hôm đẹp trời, gió vi vu thổi, âm thanh mà khách qua đường nghe được sẽ nhẹ nhõm, du dương…
Chính các tác động tự nhiên của trời đất khi tác động với nhau đã tạo nên đặc điểm lạ lùng mà kỳ thú của ‘thành phố’, thu hút sự tò mò khám phá của nhiều du khách.
Vì vậy, thành phố ma quỷ này được dân ghiền du lịch đánh giá là một trong những điểm đến huyền bí và hấp dẫn nhất.
Theo Datviet