Bí ẩn nhà hàng Triều Tiên
Không chỉ là nguồn thu nhập lớn cho nhà nước, các nhà hàng Triều Tiên ở nước ngoài còn bị cáo buộc là “ổ gián điệp và rửa tiền”.
Biểu diễn văn nghệ tại một nhà hàng Triều Tiên ở Bangkok – Ảnh: Concord Monitor
Hôm qua 12.4, Yonhap dẫn các nguồn tin an ninh và ngoại giao Hàn Quốc cho hay các bên liên quan vẫn đang xử lý vụ 13 nhân viên tại một nhà hàng Triều Tiên ở TP. Ninh Ba, Trung Quốc bất ngờ đào tẩu sang Hàn Quốc.
Nhà hàng này được mở hồi năm ngoái, có tổng cộng 18 nhân viên gồm 15 nữ và 3 nam. Vụ bỏ trốn đã được Bộ Thống nhất Hàn Quốc lẫn Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận còn Hãng thông tấn KCNA ngày 12.4 dẫn lời giới chức Bình Nhưỡng cáo buộc miền Nam “dụ dỗ và bắt cóc” những người nói trên.
Trước khi đào tẩu, tất cả các nhân viên ở nhà hàng đều có giấy phép lao động hợp pháp và thị thực còn hiệu lực. Vụ việc một lần nữa khiến dư luận thế giới hướng sự chú ý đến hoạt động của các nhà hàng Triều Tiên, vốn đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới.
Bán cả thuốc cương dương
Theo tờ The Korea Times, hiện có khoảng 100 nhà hàng do chính phủ CHDCND Triều Tiên quản lý hoạt động ở Trung Quốc. Ngoài ra, còn có khoảng 30 nhà hàng khác tại nhiều thành phố lớn của hơn 10 quốc gia như Dubai (UAE), Phnom Penh (Campuchia), Bangkok (Thái Lan), Hà Nội và TP.HCM (VN), Yangon (Myanmar), Moscow (Nga)… Thậm chí, ở châu Âu cũng có một nhà hàng Triều Tiên hoạt động tại Amsterdam, Hà Lan và Bình Nhưỡng đang xem xét mở nhà hàng ở Scotland, một số nguồn tin ngoại giao tiết lộ với The Korea Times.
Video đang HOT
Giới tình báo Hàn Quốc cho rằng tất cả nhà hàng Triều Tiên ở nước ngoài do Văn phòng 39 trực thuộc đảng Lao động Triều Tiên quản lý với nhiệm vụ thu về ngoại tệ cho quốc gia. Đây được xem là nguồn thu nhập cực lớn cho Bình Nhưỡng với tổng số tiền chuyển về nước ước tính lên tới 100 triệu USD.
Để hoàn thành nhiệm vụ, các nhà hàng này đều bán các món ăn truyền thống với giá khá cao. Mỗi tối đều có đội ngũ các cô gái xinh đẹp biểu diễn văn nghệ từ dân ca đến các bài hát hiện đại không thua kém nhạc pop Hàn Quốc. Ngoài ra, đây cũng là những cơ sở bán đủ các loại sản phẩm như rượu, kẹo sâm, thuốc bổ, thực phẩm chức năng và thậm chí cả thuốc cương dương, tăng cường sinh lực được quảng cáo là làm từ các bài thuốc bí truyền.
Giới chức sở tại các nước không ít lần mở nhiều cuộc điều tra nhằm vào các nhà hàng Triều Tiên vì nghi ngờ trốn thuế và bán hàng nhập khẩu trái phép. Hồi tháng 5.2015, giới chức Bangladesh đã bắt quản lý nhà hàng Pyongyang ở thủ đô Dhaka với cáo buộc bán lậu rượu bia và thuốc Viagra, theo Đài Jamuna. Một số các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng khác thì bị cho là có thành phần không rõ ràng, không có đăng ký kiểm định và có thể gây hại cho sức khỏe.
Trước đó, Yonhap loan tin chính quyền các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang (Trung Quốc) đồng loạt kiểm tra nghi vấn nhà hàng Triều Tiên sử dụng lao động không đăng ký cũng như bán rượu và thuốc lá nhập khẩu trái phép.
“Nhiệm vụ ngầm”
Hồi tháng 2, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân và tên lửa đẩy, Hàn Quốc kêu gọi công dân đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài không đến nhà hàng Triều Tiên, theo The Korea Times. Lý do là phần lớn nguồn thu nhập từ đây bị cho là đổ vào chương trình tên lửa và hạt nhân của miền Bắc. Ngoài nguồn thu “chính ngạch”, hệ thống nhà hàng còn bị nghi là cơ sở hữu hiệu để luân chuyển nguồn tài chính từ các ngân hàng, doanh nghiệp Triều Tiên bị đưa vào danh sách trừng phạt của LHQ.
Bên cạnh đó, giới an ninh Hàn Quốc và Mỹ còn lo ngại các nữ nhân viên phục vụ, ca sĩ, nhạc công trong nhà hàng Triều Tiên được huấn luyện kỹ năng tình báo, kể cả “mỹ nhân kế”, để moi các thông tin nhạy cảm của các doanh nhân và giới chức nước ngoài, đặc biệt là người Hàn Quốc. Báo JoongAng Daily loan tin trong một đợt khám xét hồi năm 2011, cảnh sát Nepal phát hiện tại nhà hàng Okryugwan ở Kathmandu nhiều văn bản đáng ngờ ghi lại thông tin cá nhân và các cuộc đối thoại của khách hàng Hàn Quốc. “Khoảng 60 – 80% khách hàng đến từ Hàn Quốc, chủ yếu là doanh nhân. Chúng tôi được giao nhiệm vụ thu thập thông tin về chuyện làm ăn của họ và báo cáo lại cho quản lý”, The Korea Times dẫn lời một nữ tiếp viên người Triều Tiên đào tẩu nói.
Đến nay, CHDCND Triều Tiên và chính quyền các nước liên quan chưa đưa ra phản ứng gì về những cáo buộc nói trên.
Tuyển chọn nghiêm ngặt
Tờ Chosun Ilbo dẫn lời một quan chức miền Bắc đào tẩu loan tin nhân viên tại các nhà hàng Triều Tiên ở nước ngoài được tuyển chọn rất gắt gao. Họ thường là những cô gái có ngoại hình đẹp, xuất thân từ gia đình “trong sạch”, có người thân là đảng viên đảng Lao động. Để được nhận nhiệm vụ, họ phải trải qua quá trình đào tạo kỹ lưỡng về tư tưởng, kỹ năng phục vụ, âm nhạc, khiêu vũ, chơi nhạc cụ…
Tại nước sở tại, họ sống trong các khu tập thể riêng, có xe đưa đón đi làm, không được sử dụng điện thoại di động, và nếu muốn ra ngoài thì phải đi thành nhóm ít nhất 3 người.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Triều Tiên tố Hàn Quốc bắt cóc 13 nhân viên nhà hàng đào tẩu
Hội Chữ thập đỏ của Triều Tiên ngày 12.4 cáo buộc chính quyền Seoul đứng sau vụ 13 nhân viên làm việc tại một nhà hàng ở Trung Quốc đào tẩu sang Hàn Quốc hồi tuần trước, theo Yonhap.
Nhân viên tại một nhà hàng Triều Tiên ở Hà Lan hồi năm 2012 - Ảnh: AFP
Trong bản tin do hãng thông tấn KCNA đăng tải ngày 12.4, Bình Nhưỡng khẳng định Seoul "dụ dỗ và bắt cóc" công dân Triều Tiên làm việc ở nước ngoài, yêu cầu Seoul lên tiếng xin lỗi và thả những người đào tẩu.
Bĩnh Nhưỡng còn lên tiếng cảnh báo Seoul sẽ phải trả giá đắt nếu không thả 13 người nói trên. Đây là phản ứng đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ khi 13 người Triều Tiên trốn khỏi một nhà hàng ở thành phố Ninh Ba của Trung Quốc để đến Hàn Quốc hôm 6.4.
Đáp lại, Bộ Thống nhất Hàn Quốc chỉ trích cáo buộc của Bình Nhưỡng là vô căn cứ, với lập luận những nhân viên nói trên tự nguyện đến Seoul, theo Yonhap.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 11.4 cũng khẳng định không giống những người đào tẩu Triều Tiên khác, 13 nhân viên nhà hàng nói trên rời khỏi nước này một cách hợp pháp, với hộ chiếu còn hiệu lực, theo BBC.
Hiện nay, Triều Tiên có khoảng 130 nhà hàng hoạt động ở 12 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Nga và Mông Cổ, theo tờ The Korea Times. Những nhà hàng này là nguồn thu tài chính lớn cho chính quyền Bình Nhưỡng, nhưng trong thời gian gần đây gặp phải khó khăn, trong đó có một số phải đóng cửa do bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của LHQ, theo Yonhap.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Trung Quốc bị tố ngó lơ cho 13 người Triều Tiên đào tẩu 13 người mang hộ chiếu Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc hôm 7/4 từ một thành phố Trung Quốc, gây ra tranh cãi giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh. Khách Trung Quốc đi qua một nhà hàng do chính quyền Triều Tiên mở tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Korea Joongang Daily Trung Quốc phủ nhận hoàn toàn những...