Bí ẩn cơ sở hạt nhân Triều Tiên
Punggye-ri và Yongbyon đang là những cái tên thu hút nhiều sự chú ý khi CHDCND Triều Tiên bị nghi sắp thử hạt nhân lần ba.
Báo chí Hàn Quốc dẫn các nguồn tin tình báo cho hay CHDCND Triều Tiên có thể thử hạt nhân lần ba trong nửa đầu tháng 5 sau cuộc phóng tên lửa mang vệ tinh thất bại vào ngày 13.4. Giới chức Hàn Quốc và Mỹ loan tin về hoạt động đào một đường hầm mới tại Punggye-ri, nơi miền Bắc tiến hành thử hạt nhân vào các năm 2006 và 2009. Sau đó, Viện Mỹ – Hàn thuộc Trường Quan hệ quốc tế cao cấp John Hopkins (Mỹ) công bố bản phân tích một chuỗi hình ảnh chụp bãi thử Punggye-ri từ vệ tinh cho thấy dường như khoảng 8.000 m3 đất đá đã được đào lên.
Bãi thử Punggye-ri
Theo website an ninh Global Security, Punggye-ri, còn gọi là Kilchu-kun, tọa lạc ở tỉnh Bắc Hamgyeong. Nhà báo người Nhật Eya Osamu từng tiết lộ có một căn cứ tên lửa Scud ở đây nhưng ông không cho biết địa điểm chính xác và thông tin này cũng chưa được xác nhận. Kilchu-kun cũng được cho là địa điểm đặt Trung tâm huấn luyện về vũ khí hạt nhân do Liên Xô giúp CHDCND Triều Tiên thành lập vào tháng 1.1958.
Khu vực này khá biệt lập, ít dân cư và gần bờ biển đông bắc CHDCND Triều Tiên nên thích hợp cho các vụ thử hạt nhân. Nơi đây cũng là một trong những địa điểm bí ẩn nhất tại Triều Tiên và cả thế giới. Hầu như chưa có thông tin chính thức hay chuyến thăm công khai nào của các phái đoàn nước ngoài đến Punggye-ri. Thế giới bên ngoài chỉ biết về nơi này chủ yếu từ thông báo của Hàn Quốc và Mỹ cùng hình ảnh chụp từ vệ tinh.
Video đang HOT
Theo Global Security, từ cuối thập niên 1990, chính quyền Hàn Quốc đã loan tin về những hoạt động đào đường hầm để cho nổ thiết bị hạt nhân dưới lòng đất tại Punggye-ri. Khi đó, Seoul dẫn hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy nhiều ụ đất nằm ở khu vực này.
Đến tháng 8.2004, đến lượt tình báo Mỹ cáo buộc Triều Tiên tiến hành các hoạt động chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân như vận chuyển vật liệu xung quanh các điểm thử tình nghi. Trong đó, dù Bình Nhưỡng có nhiều đường hầm đủ sâu và địa hình thích hợp để thử hạt nhân ở khắp nơi nhưng chuyển động rầm rộ nhất vẫn là tại Punggye-ri.
Cuối tháng 4.2005, có nhiều báo cáo nói rằng Triều Tiên đang xây một đài giám sát và tiến hành bít cửa hầm, dấu hiệu cho thấy một cuộc thử hạt nhân sắp diễn ra. Đến tháng 9.2006, tình báo Hàn Quốc cho biết đường hầm được đào sâu vào lòng núi Mantap 700 m. Vào ngày 3.10.2006, CHDCND Triều Tiên tuyên bố “sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân trong tương lai” và sự kiện này xảy ra 6 ngày sau đó. Đến năm 2009, Punggye-ri tiếp tục chứng kiến thêm một vụ thử hạt nhân sau khi Triều Tiên rút khỏi vòng đàm phán 6 bên. Vụ thử cũng diễn ra sau khi nước này bị cáo buộc phóng tên lửa tầm xa.
Vị trí bãi thử Punggye-ri chụp từ vệ tinh – Ảnh: Reuters
Thăng trầm Yongbyon
Nói đến các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên cũng không thể không nhắc đến Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon với quá trình hoạt động nhiều biến động. Nằm cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 90 cây số về phía bắc, đây là tổ hợp hạt nhân quan trọng nhất của nước này, là nơi cung cấp vật liệu phân hạch cho các vụ thử hạt nhân 2006 và 2009, theo BBC.
Hoạt động hạt nhân tại Yongbyon bắt đầu vào năm 1965 khi Liên Xô và Triều Tiên hợp tác xây dựng một lò phản ứng nhỏ. Trong giai đoạn 1965-1973, các thành phần nhiên liệu được làm giàu đến 10% cung cấp cho Triều Tiên để vận hành lò phản ứng trên. Đến năm 1974, các chuyên gia Triều Tiên đã tự lực hiện đại hóa lò phản ứng, đồng thời chuyển sang sử dụng nhiên liệu được làm giàu đến 80%. Nhưng, do thiếu nhiên liệu nên hiện lò này chỉ thỉnh thoảng được vận hành để sản xuất iodine-131 dùng trong xạ trị ung thư tuyến giáp, theo Viện Nghiên cứu khoa học và an ninh quốc tế (ISIS) tại Washington.
Tuy nhiên, bước ngoặt thực sự trong quá trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên được ghi nhận khi nước này đưa vào hoạt động lò phản ứng công suất 5 MW tại Yongbyon vào năm 1986. Lò phản ứng này hoạt động chập chờn cho đến khi bị đóng cửa năm 1994 theo Thỏa thuận khung Mỹ – CHDCND Triều Tiên. Sau khi thỏa thuận này sụp đổ vào năm 2002, hoạt động của lò được nối lại vào tháng 2.2003, sản xuất khoảng 6 kg plutonium mỗi năm, trong đó có một số được sử dụng trong 2 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Theo Reuters, cơ sở Yongbyon tưởng chừng đã vĩnh viễn ngủ yên vào năm 2007. Khi đó, vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đạt đột phá khi Triều Tiên đồng ý đóng cửa nơi này với sự giám sát của các chuyên gia thuộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Tuy nhiên, vào năm 2009, thế giới ngỡ ngàng khi Hãng thông tấn KCNA loan báo Bình Nhưỡng rút khỏi đàm phán, khôi phục trung tâm Yongbyon và hoạt động đầu tiên chính là chế tạo vật liệu cho vụ thử hạt nhân cùng năm.
Đến cuối năm 2010, Bình Nhưỡng lại gây chú ý khi mời chuyên gia Siegfried Hecker thuộc ĐH Stanford (Mỹ) thăm Yongbyon để “khoe” một nhà máy làm giàu uranium mới. BBC dẫn lời ông Hecker nhận định cơ sở này được thiết kế chủ yếu để sản xuất điện nhưng có thể được chuyển đổi sang xử lý uranium nhằm chế tạo vũ khí. Hồi tháng 2 vừa qua, Triều Tiên bất ngờ tuyên bố tạm ngưng làm giàu uranium, thử hạt nhân và phóng tên lửa để đổi lấy 240.000 tấn lương thực của Mỹ. Tuy nhiên, tình hình xấu đi khi nước này cương quyết phóng tên lửa đẩy vệ tinh bất chấp cảnh báo từ nhiều phía và Washington lập tức hủy viện trợ. Vì thế, chưa rõ Bình Nhưỡng có làm theo thỏa thuận hay không.
Hai lần thử hạt nhân Trong hai lần thử hạt nhân vào năm 2006 và 2009, CHDCND Triều Tiên đều không công bố thông tin chi tiết về quy mô. Cả hai lần, HĐBA LHQ kể cả Nga và Trung Quốc đều lên tiếng phản đối hành động của CHDCND Triều Tiên. Thế nhưng, Moscow và Bắc Kinh đồng thời bác bỏ biện pháp can thiệp quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng. Tất nhiên, sau đó, Ủy ban Trừng phạt đã thông qua Nghị quyết 1718 (năm 2006) và 1874 (năm 2009) để lên án và tăng cường các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với CHDCND Triều Tiên.
Cởi mở nhưng vẫn cứng rắn?
Kể từ khi lên cầm quyền vào cuối năm 2011, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un được cho là có cái nhìn cởi mở hơn cha mình là ông Kim Jong-il. Báo chí Nhật Bản dẫn các nguồn không chính thức loan tin Kim Jong-un đã có những động thái thể hiện sự thay đổi như ra lệnh điều tra lại và phục chức cho một số quan chức bị kết tội trong thời trước hay yêu cầu các quan chức thảo luận về cải cách kinh tế, thậm chí “đừng e ngại nói về phương thức quản lý kiểu tư bản”.
Tuy nhiên, Kim Jong-un, vừa nhận chức Bí thư thứ nhất đảng Lao động Triều Tiên và Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng, nhìn chung vẫn đi theo đường lối cứng rắn và đề cao quân đội lâu nay. Điều này thể hiện qua vụ phóng vệ tinh ngày 13.4, cuộc diễu binh phô trương vũ khí vào ngày 15.4 và có thể là vụ thử hạt nhân lần ba nếu có. Ngày 4.5, Kim Jong-un đã đi thăm một đơn vị không quân từng bắn rơi máy bay do thám Mỹ vào năm 1969. Trước đó 2 ngày, Đài KBS dẫn lời giới chức quân đội Hàn Quốc cho hay tính đến nay miền Bắc đã chi hơn 6 tỉ USD để phát triển chương trình hạt nhân.
Theo Thanh Niên