Bí ẩn chén mắm pha
Nói khó tin nhưng là thật: chén mắm ở quê pha bao giờ cũng ngon hơn ở thành phố.
Mỗi lần về quê giỗ chạp hay cơm nhà bình thường tôi vẫn cứ ngạc nhiên vì sự ngon miệng mặc dù bữa cơm khá đơn giản, thịt heo luộc, rau sống, trứng chiên, đồ xào gì đó nữa. Loại trừ sự ngon miệng do tâm lý, vợ tôi bảo, chắc thịt heo ở quê được nuôi sạch hơn heo thành phố ăn cám công nghiệp chăng? Thế nhưng khi mang thịt ở quê về thành phố thì rõ ràng giả thiết đó không vững. Mọi thứ hình như do chén mắm ở quê.
Mắm ở quê chắc chắn chất lượng không bằng mắm thành phố rồi. Vợ tôi dễ dàng mua chai mắm thượng hảo hạng, nhưng ở quê, nhà cô em họ, ông bác trưởng tộc làm nông đơn thuần chắc chắn sẽ chỉ dùng loại mắm rẻ nhất, lượng đạm thấp nhất để ăn. Nhưng sao chén mắm vẫn cứ dậy mùi và đậm đà một cách khó hiểu và bất thường. Cũng một chút ớt, một chút tỏi, đâm nát thêm chút đường, chút bột ngọt. Có lần tôi thấy ở quê bao giờ cũng cho chút tiêu bột vào chén mắm và quả thực điều này cũng khiến chén mắm ngon lên một cách bất ngờ, điều trước đây chưa hề thấy ở chén mắm pha thành phố. Mặc dù vậy, sau khi thêm tiêu bột vào, chén mắm có ngon hơn, lát thịt heo luộc có đậm đà hơn (ai chưa bao giờ cho tiêu vào chén mắm pha thử một lần sẽ thấy) nhưng thực sự so với chén mắm pha ở quê thì vẫn cứ như anh thợ học việc với một nghệ nhân tóc bạc vì nghề.
Video đang HOT
Cối giã ớt tỏi đã được pha mắm chí ít đã gần 50 năm tuổi. Ảnh:Hồ Trung Tú
Tôi mang thắc mắc này có khi đã hơn 20 năm, có lúc vào tận bếp nhìn các mẹ các chị pha mắm, mọi thứ rõ ràng trước mắt nhưng vẫn chịu, không hiểu tại sao nó lại thế; cho đến hôm gần đây bà bác gái một mực hỏi cái cối sành giã ớt tỏi đứa mô đem đi đâu rồi; tôi bảo để con giã cho, giã vào chén cũng được mà bác. Bà bác bảo không phải, giã ở cối sành nó mới ngon! Ui, bí quyết là ở đây ư, chưa phải, khi thấy bà bác không lấy ớt tỏi ra khỏi cối mà đổ thẳng nước mắm vào cối, thêm chút gia vị như vừa nói rồi mới lấy ra chén. Đây rồi, tất cả bí ẩn là ở đây, pha nước mắm ngay trong cối chứ không pha ở chén. Bà bác giải thích, chiếc cối sành dùng đã rất lâu năm, hồi bà về làm dâu nhà này đã thấy nó rồi, nên hương thơm đã thấm vào trong thân cối, có cho nước lã vào cũng ra nước chấm ngon được! Thật vậy không, tôi không biết, nhưng quả thực điều này là có thể kiểm chứng được, vị của chén nước mắm pha ngon lên so với việc lấy ớt tỏi ra pha ở chén.
Có thể đã có một ít vi sinh nào đó giúp việc dậy mùi giống như bao bí quyết trong nấu ăn, nhiều chuyên gia vẫn chưa thể giải thích cặn kẽ được. Có người bảo cách pha này không hợp vệ sinh, có thể, nhưng chắc chắn đó là những vi sinh có ích. Một cuộc sống vô trùng há không phải đã ngày càng chứng tỏ là phi tự nhiên nhất đó sao. Các bạn hoàn toàn có thể thử xem. Nếu vẫn không nhận ra gì khác so với việc giã ớt tỏi trong chén thì bản thân việc này cũng giúp có chén mắm pha ngon hơn nhiều các loại mắm pha sẵn trong chai.
Theo Hồ Trung Tú (Sài Gòn Tiếp thị)
Bánh quấn Tam Đảo
Thị trấn Tam Đảo (H.Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) nằm ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển. Phố núi có mây mù phủ quanh năm này nổi tiếng cả nước, thu hút nhiều du khách đến tham quan không chỉ vì cảnh đẹp thiên nhiên, kiến trúc hiện đại, khí hậu mát lành mà còn có nhiều món ăn ngon, trong đó món bánh quấn là một đặc sản ở đây.
Nói món này ngon vì có những lẽ riêng. Hôm đó, từ miền Trung ra, buổi sáng đi dạo trong những con đường ở thị trấn tôi chẳng biết dùng món nào cho bữa sáng đầu tiên của mình. Nhìn đâu cũng thấy toàn những món đặc trưng vùng núi xứ lạnh như cơm lam, gà nướng, trứng nướng... Nhờ lời mời thân tình của một anh chủ quán bình dân tại khu chợ thị trấn, tôi mới vào quán và gọi dùng bữa sáng bằng món bánh có tên là lạ, đó chính là bánh quấn.
Bánh quấn Tam Đảo ăn với thịt lợn đồi nướng - Ảnh: Tuy An
Chủ quán bảo, món này ngon, giá lại bình dân, anh cứ dùng rồi biết. Bánh được làm bằng bột gạo từ lúa rẫy trồng trên non cao. Cách chế biến từa tựa như cách làm bánh ướt dưới đồng bằng. Gạo ngâm xay nhuyễn có pha ít thịt nạc với mộc nhĩ, khi có thực khách, chủ quán đem tráng tròn đều trên một tấm vải mỏng, nấu chín bằng cách hấp hơi trên nồi nước sôi ùng ục. Công đoạn tráng bánh rất nhanh, chỉ trong chốc lát đã có từng đĩa bánh đem ra bày biện bốc hơi giữa những lá hành phi thơm ngun ngút.
Tùy thích mà người dùng có thể ăn bánh quấn với nhiều thức kèm theo. Nào là canh gà, trứng chiên, thịt heo luộc, nhưng ngon nhất có lẽ là ăn bánh quấn với thịt lợn đồi nướng. Đây là loài lợn rừng chính gốc, được săn bắt từ nhiều năm trước rồi họ làm hàng rào thả nuôi trong rừng, lâu ngày sinh sản số lượng nhiều. Thức ăn của chúng là rau củ rễ trong rừng, nên thịt săn chắc. Khi nướng chọn những chỗ thịt ngon, thái ra từng miếng nhỏ, ướp với gia vị đặc thù riêng rồi nướng bằng lửa than.
Toàn bộ thịt nướng chín vàng thơm phức được cho vào một chén nước chấm được nấu bằng nước mắm với đường và giấm. Người ăn cầm đũa gắp từng cái bánh quấn chấm vào chén nước chấm kèm từng miếng thịt nướng mà cảm nhận từng độ ngon ngọt lạ miệng của lần đầu tiên được thưởng thức. Cảm giác ngon và hương vị đặc trưng của miền núi cứ như dần thấm vào vị giác nên món đã ngon lại càng cảm thấy ngon hơn...
Tuy An
Theo thanh niên
Nem chua trong ẩm thực phố núi Pleiku Nem chua ăn kèm với bún cua, bún mắm nêm hoặc ăn không cũng được... Nói đến văn hóa ẩm thực của phố núi Pleiku (Gia Lai), nem chua là một trong những món ăn không thể bỏ qua. Cái màu hồng tươi của nem khi chín, ăn vào giòn sần sật và có vị chua nhẹ đem đến cảm giác ngon miệng...