Bí ẩn bản chất vụ thử hạt nhân của Triều Tiên
Các nỗ lực khẩn cấp nhằm tìm hiểu xem loại thiết bị nào đã được kích nổ trong vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên cho tới hôm qua vẫn chưa có kết quả, khi các chuyên gia Hàn Quốc không thể tìm thấy bất kỳ chất phóng xạ nào.
Máy bay Nhật Bản cất cánh để thu thập các mẫu không khí sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hôm 12/2 đã gây ra một chiến dịch tức thì nhằm thu thập và phân tích dữ liệu phóng xạ có thể giúp cung cấp các đầu mối quan trọng về bản chất của vụ thử và sự tiến triển mà Bình Nhưỡng thu được trong chương trình vũ khí hạt nhân.
Trong khi các dữ liệu địa chấn có thể hé lộ quy mô của vụ thử trong lòng đất – ước tính mạnh 6-7 kiloton, mục đích chính của chiến dịch là tìm kiếm các đồng vị phóng xạ có thể giúp xác nhận loại nguyên liệu phân tách nào đã được sử dụng trong vụ thử nghiệm.
Các chuyên gia muốn biết liệu Triều Tiên đã chuyển từ plutonium – từng được sử dụng trong 2 vụ thử hạt nhân năm 2006 và 2009 – sang một chương trình vũ khí hạt nhân mới sử dụng uranium làm giàu cao hay chưa.
Uỷ ban an ninh và an toàn hạt nhân Hàn Quốc ngày 14/2 cho hay cơ quan này đã phân tích 8 mẫu không khí, do các tàu chiến và máy bay của không quân được trang bị các thiết bị dò tìm độ nhạy cảm cao thu thập được.
Video đang HOT
“Không đồng vị phóng xạ nào được tìm thấy cho tới nay”, uỷ ban cho biết trong một tuyên bố.
Mục tiêu chính của các chuyên gia Hàn Quốc là các dấu vết của khí xenon được phát tán trong vụ nổ nhằm xác định loại vũ khí mà Triều Tiên sử dụng. “Chúng tôi đang phân tích các mẫu không khí nhưng chưa phát hiện xenon”, tuyên bố nói thêm.
Nếu vụ thử dưới lòng đất được kìm chế tốt, rất khó hoặc có rất ít chất phóng xạ bị rò rỉ vào không khí.
Hãng tin Yonhap dẫn một nguồn tin chính phủ Hàn Quốc nói không chất phóng xạ nào bị rò rỉ và cho biết thêm rằng lối vào đường hầm nơi vụ thử được tiến hành vẫn còn nguyên vẹn.
Và cho dù là có chút khí nào thoát ra ngoài, các nhà khoa học nói rằng phải rất may mắn mới thu thập được chúng. Khí xenon cũng không được phát hiện sau vụ thử hạt nhân năm 2009.
Ngoài các chuyên gia dò tìm của quân đội, Uỷ ban an ninh và an toàn hạt nhân Hàn Quốc còn cho hay 122 thiết bị tự động trên khắp nước này vẫn đang tiếp tục thu thập và phân tích các mẫu không khí.
Nỗ lực tìm kiếm đang sắp hết thời gian. Xenon-133m, một đồng vị cần thiết để xác định loại nguyên liệu phân tách, chỉ có thể tồn tại hơn 2 ngày.
Bằng chứng về một vụ thử uranium có thể chứng minh điều bị nghi ngờ lâu nay: liệu Triều Tiên có thể sản xuất uranium cấp độ vũ khí hay chưa? Nếu câu trả lời là có, Triều Tiên sẽ có con đường thứ 2 để chế tạo bom nguyên tử trong tương lai.
Triều Tiên có trữ lượng quặng urani lớn và việc làm giàu uranium trong các máy ly tâm dễ dàng hơn nhiều so với làm giàu plutonium trong lò phản ứng hạt nhân.
Theo xahoi
Triều Tiên bị nghi đang chuẩn bị thử tên lửa
Những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tại một bãi phóng tên lửa của Triều Tiên đang có những diễn biến giống như việc chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa tầm xa.
Triều Tiên từng khiến thế giới bất ngờ khi phóng vệ tinh hồi năm ngoái
Thông tin trên được trang 38 North, một blog của Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn thuộc Đại học Johns Hopkins, công bố ngày 14/2 dựa trên phân tích các hình ảnh chụp từ vệ tinh. Theo trang này, những bức ảnh trên cho thấy có khả năng Triều Tiên đang nhận được sự hỗ trợ từ Iran tại bãi phóng vệ tinh Tonghae ở phía Đông Bắc nước này.
38 North cho biết, một bức ảnh chụp từ vệ tinh thương mại ngày 5/1 cho thấy "những tiến bộ quan trọng" kể từ sau khi khu vực này bị bão tàn phá hồi năm ngoái và cho thấy các hoạt động giống với những bước chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa.
Dù vậy website trên cho biết chưa đủ bằng chứng để xác nhận tin đồn rằng Triều Tiên có thể tiến một bước mới là thử nghiệm tên lửa KN-08. Đây là loại tên lửa được đánh giá có tầm bắn liên lục địa lần đầu được công bố trước công chúng hồi tháng 4 năm ngoái.
Website trên cho biết Triều Tiên có thể đang chuẩn bị để thử các loại tên lửa lớn hơn rất nhiều khi khu bãi phóng Tonghae hoàn thành vào năm 2016. Lần cuối cùng bãi phóng này được sử dụng là vào tháng 4/2009 với vụ phóng thử một tên lửa tầm xa bị cho rằng đã thất bại.
Các hầm lửa tại khu vực trên đã có các tấm phủ mới, giúp bảo vệ tên lửa khỏi khí thải. Thiết kế của các chi tiết này giống với các hầm lửa tại bãi phóng Semnan ở miền Trung của Iran, 38 North khẳng định.
Các hình ảnh từ vệ tinh cũng cho thấy 3 bồn chứa nhiên liệu lớn được xây dựng từ năm ngoái có thể chứa khoảng 439.100 lít nhiên liệu. Đây là con số cao hơn rất nhiều so với năng lực của Triều Tiên trong các đợt phóng thử gần nhất.
38 North khẳng định họ quan sát được một đường hầm mà qua đó các nhân viên kỹ thuật, hệ thống dây điện và hệ thống cáp thông tin liên lạc có thể đi xuyên qua mặc dù con đường duy nhất dẫn vào Tonghae hiện vẫn chỉ là đường đất.
Trước đó hôm 12/2 vừa qua, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần 3 với tuyên bố nhằm đáp trả sự "hiếu chiến" của Mỹ sau khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc lên án vụ phóng thử vệ tinh của họ hồi năm ngoái. Trong vụ phóng này, một tên lửa được phóng đi từ bãi phóng Sohae đã vươn tới gần Philippines và đưa được một vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo.
Theo xahoi
Thiên thạch "ngày tận thế" bay sát trái đất Thiên thạch Apophis - được gọi theo tên một con quỷ biểu tượng cho sự hủy diệt và bóng tối của Ai Cập - đã bay ngang qua gần trái đất vào sáng 10-1 (giờ Việt Nam). Nếu Apophis chạm vào trái đất sẽ gây vụ nổ mạnh gấp 100 lần nổ bom nguyên tử. Thiên thạch Apophis cũng từng bị quy là...