Bí ẩn 5 “họng súng” Sao Hỏa chuyên bắn đá vào Trái Đất
Kết quả phân tích 200 thiên thạch Sao Hỏa từng rơi xuống Trái Đất cho thấy chúng chỉ xuất phát từ 5 địa điểm, là những “vết sẹo” ở Tharsis và Elysium.
Một nhóm nhà khoa học từ Đại học Alberta (Canada) đã lần theo dấu vết của 200 thiên thạch Sao Hỏa từng được thu thập ở khắp nơi trên Trái Đất để tìm hiểu vì sao hành tinh láng giềng lại tống những khối đá này về phía chúng ta.
Cuộc nghiên cứu đã dẫn đến 5 miệng hố va chạm lớn ở 2 vùng núi lửa mang tên Tharsis và Elysium nơi hành tinh đỏ.
Và gắn liền với 5 “họng súng” này là 5 sự kiện cổ xưa đầy bạo lực.
5 miệng hố va chạm trên Sao Hỏa là “quê hương” của hàng trăm thiên thạch bị bắn đến tận Trái Đất – Minh họa AI: Anh Thư
NASA ước tính có khoảng 44 tấn vật liệu thiên thạch rơi xuống Trái Đất mỗi ngày, mặc dù phần lớn rơi xuống bề mặt dưới dạng các hạt bụi nhỏ không đáng chú ý. Tuy nhiên, đôi khi cũng có những tảng đá đủ to để chúng ta có thể nhặt được.
Theo Space.com, vào những năm 1980, một nhóm thiên thạch có độ tuổi 1,3 tỉ năm và dường như có chung nguồn gốc núi lửa đã gây chú ý.
Điều này có nghĩa là những tảng đá này phải đến từ một thiên thể có hoạt động núi lửa gần đây – “gần” theo định nghĩa địa chất – khiến sao Hỏa trở thành ứng cử viên tiềm năng.
Video đang HOT
Một thiên thạch Sao Hỏa rơi xuống sa mạc Sahara năm 2022 – Ảnh: Steve Jurvetson
Bằng chứng xác thực đã xuất hiện khi tàu Viking của NASA có thể so sánh thành phần khí quyển của Sao Hỏa với các loại khí bị mắc kẹt trong những tảng đá này và xác nhận chúng đúng là thiên thạch từ hành tinh láng giềng.
Tuy nhiên, Sao Hỏa không tự nhiên bắn đá về phía Trái Đất. Những cú bắn này cần đến một tác động lớn – đó là những vụ va chạm thiên thạch mạnh mẽ khác giáng vào Sao Hỏa, khiến vật liệu bề mặt hành tinh vỡ ra, văng lên mạnh đến nỗi thoát khỏi lực hấp dẫn của hành tinh.
Các mảnh vỡ này thành thiên thạch lang thang trong hệ Mặt Trời. Một số đã đáp xuống Trái Đất – có thể là sau hàng ngàn, hàng trăm ngàn, hàng tỉ năm – đem đến cho các nhà khoa học cơ hội vàng để nghiên cứu địa chất hành tinh đỏ.
Trong đó, việc biết chính xác những thiên thạch này đến từ vị trí cụ thể nào trên Sao Hỏa sẽ cho phép họ ghép nối tốt hơn quá khứ địa chất của hành tinh.
Giờ đây, nhóm nghiên cứu đã kết hợp kỹ thuật khớp quang phổ thông dụng khi cần so sánh thành phần của vật liệu với các mô phỏng có độ phân giải cao về những vụ va chạm vào một hành tinh giống Sao Hỏa.
Sự mô hình hóa này giúp xác định kích thước hố va chạm hoặc phạm vi kích thước hố va chạm cuối cùng có thể đã phóng ra thiên thạch đó, cùng nhiều chi tiết cụ thể khác liên quan đến sự kiện.
Cuối cùng, các bước sàng lọc và đối chiếu dữ liệu bề mặt Sao Hỏa đã đưa họ đến 5 hố va chạm thuộc 2 vùng núi lửa Tharsis và Elysium.
Các kết quả cũng giúp họ hiểu rõ hơn về thời điểm xảy ra các sự kiện núi lửa trên Sao Hỏa, các nguồn magma khác nhau trên hành tinh này và tốc độ hình thành các hố va chạm trong thời kỳ Amazon của Sao Hỏa, diễn ra khoảng 3 tỉ năm trước và có thể là lúc hành tinh này có sự sống.
Tham khảo thêm
Phát hiện "nguồn sống" gây sốc ở Sao Hỏa
Một phát hiện "không thể tin nổi" ở xích đạo Sao Hỏa có thể định hướng lại các sứ mệnh thám hiểm hành tinh này.
Hai tàu vũ trụ của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang bay trên quỹ đạo Sao Hỏa là ExoMars Trace Gas Orbiter (TGO) và Mars Express đã cùng xác nhận sự hiện diện của một lớp sương giá kỳ quặc trên đỉnh ngọn núi lửa cao nhất hệ Mặt Trời và hàng loạt núi lửa khác ở khu vực Tharsis.
Núi lửa cao nhất hệ Mặt Trời - Olympus Mons của Sao Hỏa - chứa băng giá ngay trên đỉnh - Ảnh: ESA
Khu vực Tharsis là lãnh địa núi lửa lớn nhất Sao Hỏa, trong đó cái cao nhất là Olympus Mons nổi tiếng, với độ cao khoảng 2,5 lần đỉnh Everest của Trái Đất.
TS Adomas Valantinas từ Đại học Brown (Mỹ) và các cộng sự đã xác định được lượng sương giá mong manh, khó lý giải này khi phân tích tỉ mỉ dữ liệu quan sát của 2 tàu ESA.
"Chúng tôi nghĩ rằng sương giá không thể hình thành xung quanh xích đạo của Sao Hỏa, vì sự kết hợp giữa ánh nắng và bầu không khí mỏng giữ nhiệt độ tương đối cao ở cả bề mặt và đỉnh núi" - TS Valantinas giải thích.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng sự tồn tại của sương giá rất thú vị và gợi ý rằng có những quá trình đặc biệt, không thể thấy ở Trái Đất, đang diễn ra nơi hành tinh đỏ.
Lớp sương giá này cực kỳ mỏng, với độ dày tương đương với độ dày của sợi tóc người (khoảng 1/100 mm).
Tuy nhiên, bất chấp điều này, các mảng băng giá bao phủ một khu vực rộng lớn của mỗi ngọn núi lửa.
Núi lửa trên Sao Hỏa lại rất khổng lồ, nên tổng lượng nước từ lớp sương giá này có thể lấp đầy khoảng 60 bể bơi Olympic, với tổng thể tích gần 111 triệu lít nước.
Nước này cũng liên tục hoán đổi giữa bề mặt và bầu khí quyển của Sao Hỏa mỗi ngày - kéo dài khoảng 24,5 giờ Trái Đất - trong mùa lạnh của hành tinh.
Vùng Tharsis là nơi có nhiều ngọn núi lửa khổng lồ nằm giữa một vùng đồng bằng rộng lớn nơi xích đạo Sao Hỏa.
Cùng với Olympus Mons, cụm núi lửa này còn có 3 núi lửa "anh em" Tharsis Montes, bao gồm các ngọn Ascraeus, Arsia Mons và Pavonis. Pavonis cao tương đương Everest.
Sự tồn tại của sương giá không chỉ là bằng chứng cho thấy hành tinh đỏ là thế giới còn nhiều bí ẩn.
Đó còn là tin vui lớn cho nhiều cơ quan vũ trụ, bao gồm ESA, những người từ lâu đã lên kế hoạch cho căn cứ ngoài hành tinh ở Mặt Trăng và Sao Hỏa.
Lượng sương giá này chính là nguồn sống, nguồn nhiên liệu cho tên lửa, thiết bị... có thể khai thác tại chỗ, giúp các kế hoạch này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với việc phải đem theo mọi thứ từ Trái Đất.
Phát hiện dấu vết của hồ nước ngầm khổng lồ nằm sâu dưới bề mặt Sao Hỏa Theo nghiên cứu mới công bố ngày 12/8, dữ liệu từ tàu đổ bộ InSight của NASA đã tiết lộ bằng chứng về một hồ nước ngầm khổng lồ nằm sâu bên dưới bề mặt Sao Hỏa. Lượng nước dưới lòng đất đủ để bao phủ toàn bộ bề mặt hành tinh Theo nghiên cứu được công bố hôm 11/8 trên tạp chí...