Bêu tên dưới cờ là cách giáo dục dựa trên sự đau đớn của học trò
TS Trần Thành Nam cho rằng giáo viên cần quán triệt triết lý kỷ luật tích cực, không giáo dục học sinh dựa trên sự đau đớn, nhục nhã, sợ hãi.
“Vụ việc nữ sinh nghi tự tử ở An Giang là tiếng trống cảnh tỉnh về cách thức ứng xử của giáo viên với học sinh, đặc biệt là trong giai đoạn các em càng ngày càng nhạy cảm với sự tôn trọng”, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), nói về vụ nữ sinh ở An Giang.
TS Trần Thành Nam lý giải việc bêu tên học sinh trước trường là hình thức kỷ luật dựa trên nguyên tắc làm học sinh cảm thấy xấu hổ, nhục nhã, giảm giá trị, qua đó, hy vọng các em sẽ thay đổi hành vi.
Theo ông, hình thức này thuộc dạng kỷ luật truyền thống, hạ thấp, giảm giá trị của người học và dẫn đến nhiều nguy cơ.
Học sinh để lại thư tuyệt mệnh trước khi uống thuốc nhằm thể hiện thông điệp không muốn bạn khác cũng rơi vào tình huống tương tự. Ảnh: GĐCC.
Bêu tên dưới cờ là bạo lực tinh thần
Học sinh bị phạt như vậy sẽ oán giận. Thậm chí, một số em có hành vi trả đũa bằng cách chống đối giáo viên hay tự gây hại cho bản thân, khiến mọi người hối hận vì đã phạt mình.
Như trường hợp ở An Giang, nếu thực sự nữ sinh để lại thư tuyệt mệnh rồi uống thuốc, tức em tự gây hại bản thân để phản ánh mình không chấp nhận, đồng ý với cách xử phạt của thầy cô. Hành vi đó cũng có thể thể hiện thông điệp muốn người khác dừng lại cách xử phạt đó, không ai phải rơi vào hoàn cảnh giống mình.
Ông cho rằng đẩy đứa trẻ đến tình huống này không phải chỉ mỗi thầy cô mà có thể một phần do gia đình. Nếu gia đình không tin tưởng con, đồng ý với cách hành xử của thầy cô, trẻ cảm thấy cả thế giới, bao gồm người thân quan trọng nhất, quay lưng với mình.
“Trong trường hợp đó, học sinh sẽ cảm thấy mình là một đứa tồi, láo, không có giá trị, đáng bị trừng phạt. Những trẻ có vấn đề tâm lý sẵn hoặc thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc dễ dẫn đến hành động trả đũa, làm người khác hối hận vì đã làm mình tổn thương”, TS Trần Thành Nam phân tích.
Ông Nam khẳng định việc bêu tên học sinh trước toàn trường là bạo lực tinh thần. Trường hợp này liên quan một số hình thức bạo lực như bằng lời nói (mắng nhiếc), bêu tên, lấy lỗi cá nhân để bôi xấu trước toàn trường và có thể có dạng khác là bỏ mặc.
“Bỏ mặc tức là bố mẹ không quan tâm, lắng nghe, tin tưởng, thuộc dạng bạo lực không hành động kịp thời”, ông Nam cho hay.
Video đang HOT
Nữ sinh nghi tự tử ở An Giang. Ảnh: M.N.
Cần kỷ luật tích cực
Thực tế, theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT, việc phê bình học sinh trước lớp, trường không còn được cho phép. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng để thông tư đi từ ngành đến cơ sở, trường học cần có quá trình. Nhưng quan trọng hơn, giáo viên cần quán triệt triết lý kỷ luật tích cực.
Theo đó, mục tiêu tốt nhất của kỷ luật tích cực là không kỷ luật mà đưa học sinh vào trạng thái kỷ luật, bầu không khí tâm lý tích cực.
“Chúng ta có rất nhiều cách thức không trừng phạt mà vẫn giúp trẻ vào kỷ luật tích cực như khen thưởng, chú ý vào điểm mạnh, hành vi tốt của đứa trẻ, nói một cách thông thường là làm gương, lấy cái đẹp để dẹp cái xấu”, ông Nam phân tích.
Khi người lớn chú ý đến điểm mạnh, hành vi tốt, trẻ cũng sẽ chú ý vào đó. Hành vi tốt tăng lên đồng nghĩa hành vi xấu giảm đi. Theo ông Nam, đấy là cách thức bền vững nhất để giảm hành vi xấu.
“Những biện pháp đi ngược quan điểm này, như giáo dục dựa trên đau đớn và bị nhục nhã, sợ hãi, là bạo lực”, TS Trần Thành Nam khẳng định và cho rằng xử phạt như vậy là trái với Thông tư 32.
Đương nhiên, trong một số tình huống, giáo viên vẫn cần phạt học sinh nhưng phải dựa trên hệ quả tự nhiên (ví dụ, trẻ không ăn phải chịu đói) và logic (trẻ vứt rác bừa bãi sẽ phải tự dọn vệ sinh). Việc dựa trên hệ quả tự nhiên phải đảm bảo đứa trẻ an toàn, được tôn trọng.
Hệ quả logic dựa trên 3 yếu tố liên quan – tôn trọng – hợp. Ở yếu tố liên quan, hình thức xử phạt phải liên quan lỗi hành vi. Tôn trọng tức biện pháp đó phải làm trẻ hiểu rằng giáo viên đưa ra hình phạt vì muốn mình tốt lên, không phải để trả thù cá nhân hay thiên vị.
Yếu tố thứ 3 là hợp lý. Ví dụ, học sinh vứt rác xuống lớp, giáo viên không thể phạt em cọ nhà vệ sinh – nơi hôi hám, tối tăm, khiến trẻ sợ (tức bạo lực theo cách phạt truyền thống). Hơn nữa, cách xử phạt này còn khiến học sinh xấu hổ với bạn bè.
Ông Nam nói thêm không chỉ khi Bộ GD&ĐT ra Thông tư 32, trước đó, trong quá trình học, sinh viên sư phạm đã có kỳ thực tập để trải nghiệm các tình huống sư phạm, học cách xử lý tình huống để có cách hành xử phù hợp trong môi trường giáo dục.
Tuy nhiên, ông cho rằng cần kéo dài thời gian thực hành này để sinh viên sư phạm gặp đa dạng tình huống, rèn luyện phẩm chất đạo đức và cách ứng xử dựa trên các nguyên tắc trên.
Ngoài ra, một số chương trình như tại ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), sinh viên sư phạm được học môn Đạo đức nhà giáo dục – môn học dài nhất từ trước đến nay, kéo dài trong suốt 4 năm.
Ngay từ năm nhất, sinh viên có nhiệm vụ lập và theo đuổi dự án về văn hóa, cách thức ứng xử dạy trong 4 năm. Giảng viên đánh giá hoàn thành môn học dựa trên cả quá trình sinh viên học các môn khác, ứng xử với bạn bè trong lớp, môi trường cảnh quan trong trường, quá trình thực tập…
Hỗ trợ tâm lý cho nữ sinh tại An Giang
TS Trần Thành Nam cho rằng nữ sinh tại An Giang cần được hỗ trợ tâm lý. Nếu thực sự nữ sinh này lại viết thư tuyệt mệnh rồi uống thuốc, điều đó cho thấy năng lực quản lý cảm xúc và năng lực giải quyết vấn đề còn yếu, nên mới chọn cách xử lý tiêu cực.
Trong khi đó, khả năng quản lý cảm xúc, còn gọi là trí tuệ cảm xúc, là năng lực quan trọng của công dân thế kỷ 21, ngày càng được đề cao. Còn năng lực giải quyết vấn đề là khả năng chuyển đổi, giúp cá nhân thích ứng linh hoạt với bối cảnh thay đổi của thị trường lao động trong tương lai.
Vụ nữ sinh nghi tự tử: Đừng để mối quan hệ thầy trò mang màu sắc "thù địch"
Vụ nữ sinh An Giang nghi tự tử vì uất ức đã khiến dư luận xôn xao trong nhiều ngày qua.
Dưới góc độ tâm lý học, PGS.TS Trần Thành Nam - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, thầy cô đã thiếu nhạy cảm về kỹ năng sư phạm dẫn đến mối quan hệ thầy trò mang màu sắc "thù địch".
Nữ sinh học lớp 10 ở An Giang phải nhập viện cấp cứu nghi do uống thuốc tự tử sau khi bị nhà trường kỷ luật. Ảnh: CTV
Cách thức xử lý của nhà trường khiến sự việc trở nên trầm trọng
Theo dõi vụ việc nữ sinh lớp 10 ở An Giang tự tử do không đồng tình với cách kỷ luật từ nhà trường, ở góc độ tâm lý học, ông đánh giá và nhìn nhận vụ việc thế nào?
- Thực tế, vụ việc này ban đầu có thể không lớn. Tuy nhiên, hành động và cách thức xử lý của nhà trường đã khiến cho sự việc trở nên trầm trọng, dẫn đến hành vi cực đoan của nữ sinh lớp 10.
Phân tích kỹ sẽ thấy, nếu nhà trường triển khai dạy học thêm hợp lý thì phải thận trọng trong việc định hướng tư tưởng cho phụ huynh và học sinh rằng mục đích của việc này là hướng đến giáo dục toàn diện.
Hơn nữa, sau việc thầy cô "bêu" tên nữ sinh trước cờ và bắt em phải nhận những hình thức kỷ luật được cho là vô lý thì đã dẫn đến hành động tự tử của nữ sinh. Ý nghĩa hành động đó là sự thể hiện cảm xúc khi bị xúc phạm và không thể chấp nhận.
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, hành động tự tử của nữ sinh là sự phản kháng mạnh mẽ với nhà trường. (Ảnh: NVCC)
Đỉnh điểm của vụ việc là hành động tự tử cực đoan của nữ sinh. Vậy theo ông, trách nhiệm thuộc về ai?
- Để vụ việc này diễn ra lỗi là do nhà trường. Thứ nhất, việc dạy và học thêm tại trường là không đúng nguyên tắc, nhà trường hoàn toàn sai. Thứ hai là việc dọa nạt, chế giễu, "bêu tên" học sinh trước cờ đã khiến nữ sinh cảm thấy bị xúc phạm, dẫn đến hành vi cực đoan.
Tất cả những hành động của thầy cô đã khiến nữ sinh cảm thấy mất mặt và xấu hổ trước bạn bè, khiến em cảm thấy không có giá trị. Hành động tự tử của em được xem là sự phản kháng mạnh mẽ, thể hiện mình không thể chấp nhận những hành động của thầy cô.
Đặc biệt, nữ sinh không chỉ phản ứng với hình thức phê bình, kỷ luật mà còn phản ứng bởi suy nghĩ thầy cô đang dùng quyền lực ép buộc mình, vì không ép buộc được nên thầy cô tìm cách "trả thù".
Như vậy, trong vụ việc này, bản thân thầy cô đã mắc sai lầm và thiếu nhạy cảm về kỹ năng sư phạm, khiến cho học sinh diễn giải hành vi của thầy cô theo một hướng khác mang màu sắc "thù địch".
Vậy sau vụ việc, gia đình và nhà trường cần làm gì để tâm lý của nữ sinh ổn định và không tiếp diễn hành động cực đoan trong tương lai, thưa ông?
- Có thể thấy, tâm lý của nữ sinh hiện đang bất ổn. Vì vậy, gia đình cần nhờ chuyên gia tâm lý để có thể chia sẻ, tìm ra ý nghĩ thực sự mà nữ sinh mong muốn để phòng chống suy nghĩ tự tử tiếp theo của em, từ đó đưa ra phương hướng giải quyết vụ việc. Hơn nữa, mọi người cần chứng minh rằng có rất nhiều người, tổ chức đang quan tâm và đứng về phía em.
Về phía nhà trường, để xảy ra sự việc này, bản thân thầy cô và nhà trường đã sai. Cơ quan chính quyền địa phương cần có hình thức kỷ luật cụ thể với những người đã tạo nên tình huống này. Cần kiểm điểm người đứng đầu đến giáo viên liên quan trong trường, thậm chí chính thầy cô cũng cần trải qua những hình phạt mà mình đã áp dụng với học sinh.
Thầy cô cần đứng về lẽ phải và làm đúng giá trị đạo đức
Vụ việc này có câu chuyện ứng xử của giáo viên với học sinh, cách phê bình của giáo viên khi học sinh mắc lỗi. Vậy ông có lời khuyên nào dành cho giáo viên để tương lai không lặp lại những chuyện tương tự?
- Vụ việc này cho thấy, người đứng đầu cơ sở giáo dục cần chịu trách nhiệm khi làm sai nguyên tắc. Hiện nay, các trường hợp tổ chức dạy học thêm trong trường diễn ra theo nhiều mục đích, trong đó có việc áp đặt chỉ tiêu và lợi ích tài chính. Đây có thể coi là nguồn áp lực khiến cho nhiều thầy cô dù không muốn nhưng vẫn phải hành động và có những hành vi không phải với học sinh.
Vì vậy, thầy cô cần có chính kiến, đoàn kết, đứng về lẽ phải và làm đúng giá trị đạo đức của nhà giáo. Đặc biệt, thầy cô cần thấu hiểu, nắm bắt tâm lý học sinh để tạo nên mối quan hệ khăng khít giữa thầy và trò.
Qua vụ việc này, ông có lời khuyên gì dành cho học sinh để các em có thể giải quyết các vấn đề trong trường học và cuộc sống một cách tích cực?
- Là công dân của thế kỷ 21, các em học sinh cần trau dồi và nâng cao hai kỹ năng chính. Thứ nhất là kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp. Cụ thể, nếu mối quan hệ giữa nhà trường và học sinh khi có khúc mắc, các em phải đưa ra nhiều giải pháp và cân nhắc lựa chọn giải pháp tốt nhất. Điều này giúp học sinh tránh được những hành vi cực đoan.
Thứ hai là kỹ năng quản lý sức khỏe và tinh thần, trong đó có quản lý cảm xúc tốt. Điều này giúp các em có thể điều khiển cảm xúc, đưa ra lựa chọn sáng suốt cho bản thân khi gặp phải cú sốc tinh thần hay ức chế về cảm xúc.
Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Nữ sinh nghi tự tử ở An Giang: 'Em không dám đến trường nữa' "Sau mọi chuyện diễn ra, em không dám đến trường nữa. Em tìm đến cái chết vì muốn thay đổi suy nghĩ của thầy cô, không muốn ba mẹ phiền lòng". Liên quan đến sự việc em NTNY, học sinh trường THPT Vĩnh Xương, An Giang nghi uống thuốc tự tử, để lại thư nêu lý do tìm đến cái chết vì bị...