‘Bếp ma’ bùng nổ khắp châu Á
Trong một căn “bếp ma” ở khu công nghiệp ven đô Đài Bắc, đầu bếp đang nấu các món ăn không được phục vụ tại nhà hàng.
Trước khi Covid-19 gây ra cơn địa chấn với ngành nhà hàng toàn cầu, dịch vụ giao đồ ăn nhanh tới nhà khách hàng đã rất phát triển. Nhưng các lệnh phong tỏa và biện pháp hạn chế đi lại do Covid-19 lại tiếp tục khiến ngành nghề này bùng nổ ở châu Á.
Sự bùng nổ các ứng dụng giao đồ ăn đồng nghĩa khách hàng đã quen với việc có thể gọi các món ăn với tiêu chuẩn nhà hàng giao tận nhà một cách nhanh chóng. Đáp ứng nhu cầu đó, ngày càng nhiều nhà hàng chỉ mở dịch vụ giao đồ ăn mà không phục vụ tại chỗ, hay còn gọi là “bếp đám mây” hoặc “bếp ma”. Sau đó, đại dịch ập tới, khiến hàng tỷ người không còn có thể tới nhà hàng ăn uống.
“Đại dịch thực sự đã thúc đẩy cả ngành phát triển vượt bậc, thực sự giúp ích cho chúng tôi”, Jason Chen, giám đốc điều hành của JustKitchen, nói.
Nhân viên công ty JustKitchen Đài Loan chuẩn bị nướng bánh mỳ phục vụ đồ ăn giao tận nhà ở Đài Bắc hôm 18/8. Ảnh: AFP
JustKitchen bắt đầu vận hành “bếp ma” đầu tiên ở Đài Loan từ đầu năm ngoái. Bây giờ, công ty đã có 17 cơ sở khắp hòn đảo, một ở Hong Kong và đang muốn mở rộng sang Philippines và Singapore cuối năm nay.
Những công ty khổng lồ trong ngành giao hàng trong khu vực cũng nắm bắt xu hướng này và mở thêm nhiều bếp đám mây khắp Đông Nam Á kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Theo báo cáo của Researchchandmarkets.com, ngành “bếp ma” toàn cầu dự kiến tăng trưởng hơn 12% mỗi năm, trị giá khoảng 139,37 tỷ USD tới năm 2028. Châu Á – Thái Bình Dương, khu vực có 4,3 tỷ người, chiếm khoảng 60% thị phần quốc tế.
Với nhiều người tại các thành phố đông dân, đắt đỏ trong khu vực, việc ăn uống mỗi ngày tại các nhà hàng hay quán ăn bình dân khả thi và dễ dàng hơn so với nấu nướng ở nhà. Công ty nghiên cứu Euromonitor ước tính 7.500 bếp đám mây đang vận hành ở Trung Quốc, 3.500 ở Ấn Độ so với 1.500 ở Mỹ và 750 ở Anh.
Natalie Phanphensophon đã phải xoay chuyển hướng kinh doanh của đế chế nhà hàng hoạt động suốt 45 năm thành bán mang đi năm ngoái vì đại dịch. Gia đình cô sở hữu chuỗi nhà hàng Mango Tree & Coca nổi tiếng ở Thái Lan, nhiều cửa hàng nằm trong trung tâm mua sắm giá thuê mặt bằng cao nhưng vắng người vì đại dịch.
Đầu năm nay, họ mở nhà hàng đám mây đầu tiên ở ngoại ô Bangkok và định mở thêm hai cái nữa.
Video đang HOT
“Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo mọi nhân viên trong chuỗi vượt qua khó khăn cùng nhau”, người phụ nữ 35 tuổi giải thích.
Lợi nhuận mà bếp đám mây mang lại ít hơn so với nhà hàng thông thường vì người ta ít gọi nhiều món như khi đến tiệm ăn, nhưng chi phí vận hành lại thấp hơn nhiều.
iBerry Group, công ty điều hành các nhà hàng và cửa hàng kem tại đa số trung tâm thương mại ở Thái Lan, cũng mở một trung tâm giao hàng tận nhà.
“Bếp đám mây về cơ bản là mặt nạ dưỡng khí cho chúng tôi trong thời kỳ Covid-19″, Thitanun Taveebhol, giám đốc thương hiệu của iBerry Group, nói.
Trong khi các tập đoàn và chuỗi nhà hàng chuyển hướng sang hoạt động giao hàng, các bếp đám mây của hộ kinh doanh cũng nở rộ.
Sau khi nghỉ hưu tại công ty hàng không Air India, Nirjash Roy Chowdhury lấy tiền tiết kiệm mở một căn bếp ở Mumbai. Ông thuê 6 người từng làm nhân viên khách sạn, ngành bị đại dịch ảnh hưởng nặng nề.
“Họ chẳng có gì để ăn. Nếu tôi có thể cho ai đó bánh mỳ và bơ bằng cách này thì không còn gì bằng”, người đàn ông 61 tuổi nói.
Chowdhury ước tính mất 6 tháng để hòa vốn, nhưng tự tin ngành này có tiềm năng dài hạn. “Tôi cho rằng bếp đám mây sẽ tồn tại được”, ông bày tỏ.
Các chuyên gia cho rằng đây là hướng đi an toàn. Nailul Huda, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu phát triển kinh tế và tài chính có trụ sở tại Jakarta, cho hay chi phí vận hành thấp hơn, thói quen gọi đồ ăn giao tận nhà của thế hệ trẻ am hiểu công nghệ sẽ đảm bảo tăng trưởng cho ngành bếp đám mây.
“Người ta sẽ tiếp tục gọi đồ ăn kể cả sau đại dịch và tôi cho rằng bếp ma có tiềm năng phát triển nhanh chóng sau khi dịch bệnh chấm dứt”, ông nói.
Chen, giám đốc JustKitchen, cho hay đại dịch đã thay đổi cách người ta gọi đồ ăn giao tận nhà. “Một khi đã đặt đồ ăn qua mạng, bạn sẽ quen và khó mà bỏ qua tính thuận tiện của nó. Chúng tôi rất lạc quan vào triển vọng tương lai”.
Kwon Ohshin (phải), chủ sở hữu kiêm đầu bếp của Donkatsu Kitchen, cùng đồng nghiệp chuẩn bị cơm hộp trong căn “bếp ma” tại Seoul hôm 1/9. Ảnh: AFP
Vào thời điểm ngành dịch vụ ăn uống bị ảnh hưởng nặng nề, bếp ma giúp đầu bếp, tài xế giao hàng và nhà bán buôn tiếp tục công việc. Nhưng chúng cũng làm phát sinh một vấn đề khác, đó là núi rác thải nhựa khổng lồ.
Một nghiên cứu ở Bangkok cho thấy rác thải nhựa tăng gần gấp đôi trong thời kỳ đại dịch, một phần do sự bùng nổ của dịch vụ giao đồ ăn. Leslie Tay, một người bình luận ẩm thực, cho rằng bếp ma đã “phần nào lấy đi tính chất hay linh hồn của món ăn”, nhưng vẫn có không gian để chúng phát triển bên cạnh các nhà hàng truyền thống.
“Cuối cùng, chất lượng món ăn sẽ nói lên tất cả. Nếu đồ ăn ngon, người ta sẽ bắt đầu truyền tai nhau”, Tay nói.
Nhiều nước Đông Nam Á hướng tới mở cửa kinh tế giữa Covid-19
Nhiều nước Đông Nam Á xem xét nới lỏng hạn chế, trong bối cảnh nền kinh tế hứng chịu thiệt hại nặng vì lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.
Hàng loạt quốc gia khu vực đang thúc đẩy kế hoạch tái mở cửa, tìm cách cân bằng giữa kiểm soát lây lan virus với duy trì hoạt động kinh tế, bảo đảm nguồn lao động và dòng tiền luân chuyển. Họ đang dần nhận ra nền kinh tế không còn đủ sức chịu đựng những lệnh phong tỏa chặt chẽ, vốn được áp đặt để ngăn đại dịch bùng phát.
Tỷ lệ tiêm chủng thấp tại Đông Nam Á khiến đây là một trong những khu vực dễ tổn thương nhất trước biến chủng Delta, trái ngược với Mỹ và châu Âu, những nơi đang dần mở cửa. Tuy nhiên, tình hình tài chính ngày càng khó khăn khiến các lệnh phong tỏa ngày càng khó thực thi.
Người dân trên đường phố khu mua sắm Orchard Road ở Singapore hôm 7/9. Ảnh: AFP .
"Đó là sự cân bằng khó khăn giữa mạng sống và sinh kế", nhà kinh tế học Krystal Tan tại công ty Australia & New Zealand Banking Group nhận xét, thêm rằng Singapore cũng đang chật vật đối phó với đợt bùng phát ca nhiễm nCoV dù có tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 hàng đầu thế giới.
Các nhà máy bị đóng cửa ở Đông Nam Á đã gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Hãng ôtô Toyoto phải cắt giảm sản lượng, trong khi hãng bán lẻ đồ may mặc Abercrombie & Fitch Co. cảnh báo tình hình đang "vượt tầm kiểm soát".
Tỷ lệ tử vong hàng ngày ở một số nước trong khu vực đã vượt mức trung bình thế giới, nhưng giới chức nhiều quốc gia ngày càng lo lắng về hậu quả kinh tế nếu các biện pháp hạn chế kéo dài quá lâu. Malaysia đã cắt giảm một nửa dự báo tăng trưởng kinh tế xuống 3-4% trong bối cảnh số ca nhiễm mới hàng ngày liên tục lập kỷ lục, trong khi hy vọng hồi sinh ngành du lịch của Thái Lan đã gần như biến mất.
Wellian Wiranto, nhà kinh tế thuộc tập đoàn Oversea-Chinese Banking Corp, cho rằng các nước Đông Nam Á đang dần hao mòn bởi thiệt hại kinh tế từ những lệnh phong tỏa liên tiếp, cũng như sự mệt mỏi của người dân khi tình hình chưa được cải thiện. " Hy vọng mở cửa biên giới để thúc đẩy thương mại và du lịch vẫn còn là giấc mơ xa vời ", ông nói.
Sự kiên nhẫn của người dân cũng đang suy giảm, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước phải ứng phó với Covid-19 lâu hơn phần còn lại của thế giới. Ở Singapore và Philippines, các doanh nghiệp liên tục lên tiếng về khó khăn trong kế hoạch dài hạn do thiếu sự rõ ràng trong các chính sách của chính phủ.
Người dân tiêm vaccine Covid-19 tại điểm tiêm chủng trong một xe buýt tại Bangkok, Thái Lan, hôm 8/9. Ảnh: AFP .
Kết quả là hàng loạt nước đang hướng tới coi Covid-19 là bệnh đặc hiệu thay vì là đại dịch, trong đó Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Singapore đều đang theo đuổi chiến lược "sống chung với virus".
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, tập trung vào chiến lược dài hạn. Giới chức đang tìm cách củng cố những điều luật như bắt buộc đeo khẩu trang trong những năm tới, thay vì áp dụng các đợt hạn chế đi lại có thời hạn. Họ cũng triển khai quy định riêng cho các khu vực cụ thể như trường học và văn phòng, nhằm chuẩn bị những điều luật cố định trong trạng thái bình thường mới.
Thông báo số ca nhiễm mới hàng ngày giờ đây ít quan trọng hơn mức độ nghiêm trọng của chúng. Điều này có thể áp dụng tại Singapore và Malaysia, hai quốc gia có tỷ lệ tiêm đầy đủ vaccine cao nhất khu vực với mức lần lượt là 80% và 50%.
Thay vì các lệnh phong tỏa toàn quốc hoặc khu vực rộng, Philippines đang tìm cách áp dụng hạn chế đi lại ở những khu vực nhất định , tới cấp độ đường phố hoặc từng ngôi nhà.
Nhân viên y tế chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở thành phố Quezon, Philippines, ngày 20/8. Ảnh: Reuters .
Chỉ những người có thẻ xanh vaccine mới được đến trung tâm thương mại và địa điểm tôn giáo ở Jakarta, hoặc đến rạp chiếu phim ở Malaysia. Nhà hàng ở Singapore cũng được yêu cầu kiểm tra tình trạng tiêm chủng của thực khách. Tại thủ đô Manila của Philippines, giới chức đang xem xét thành lập những khu vực "bong bóng vaccine" cho công sở và hệ thống giao thông công cộng.
Chiến lược này có thể giảm thiệt hại tổng thể cho nền kinh tế, nhưng một số chuyên gia vẫn cảnh báo tình trạng phân bố vaccine không đồng đều, tập trung cho những vùng thiết yếu về kinh tế, có thể dẫn tới bất lợi cho những cư dân có thu nhập thấp.
Trung Quốc ưu tiên vaccine Covid-19 cho Đông Nam Á Tiêu chí để các nước sống chung với Covid-19 Sáng kiến luồng vaccine tạo tiền đề mở cửa cho Singapore
Con đường thành tỷ phú giàu nhất Singapore của ông chủ Shopee Từng đắm chìm trong game, Forrest Li được truyền cảm hứng khởi nghiệp từ Steve Jobs và trở thành tỷ phú công nghệ giàu nhất Singapore. Forrest Li tên thật là Lý Tiểu Đông, sinh năm 1977 tại Trung Quốc. Giống như nhiều thanh niên thế hệ 7x, ông sớm cảm nhận được sự thay đổi nhanh chóng của Trung Quốc và tìm...