Béo, bùi mầm ngà
Tôi gọi những mầm lạc tươi non là mầm ngà bởi nó trắng, nó mập và vì khoảnh khắc nó xuất hiện thật kỳ lạ.
Mầm lạc sần sật, béo thơm
Đâu phải lúc nào tôi cũng có mầm lạc để ăn. Nó chỉ có vào mùa hè, khi những vạt đậu lớn được nhổ lên. Ba tháng mười ngày mang nặng, thân lạc mới lúc lỉu hạt. Và phải thật may mắn lắm (may mắn với người ăn, chứ người trồng thì chẳng may chút nào), những mầm lạc vô tình sẽ mọc từ hạt lạc sót lại sau khi thu hoạch. Chỉ cần một trận mưa rào, khu đồng trống bỗng hớn hở hẳn lên, những mầm lạc tươi đội đất tắm ánh sáng mặt trời, trong veo, ngon mắt.
Nhổ mầm lạc chẳng kỳ công lắm đâu, có chăng là phải thật tinh mắt và cẩn thận chút ít. Hầu hết những thân lạc béo múp nhất thường núp rất kỹ. Vả lại, mầm càng béo thì càng dễ gãy. Với những ụ lạc to, cách thu hoạch tốt nhất là bứng cả cụm, sau đó mới phủi sạch đất cát. Những mầm lạc lớn hơn thì dễ thấy, song lại già, lúc ấy phần lá đã lên xanh, thân trở nên dai hơn. Ngon nhất là lạc đã mọc tầm một, hai đêm, thân dài vài cm, mập ú, mọng nước.
Video đang HOT
Mầm lạc dùng để xào, nấu canh, lẩu… Cách ăn mầm lạc chuẩn là chờ nước thật sôi, lửa thật to, sau đó cho mầm vào trụng. Khi ấy mầm lạc giữ vẹn nguyên vị tươi mát, béo bổ ngày hè.
Đủ vị, đủ cách chế biến, song thấm tháp nhất vẫn là dưa mầm chiên tóp mỡ. Mầm mang về rửa sạch, để thật ráo nước. Rải lớp mầm lớp muối, dùng que nén cho thật chặt. Để một đêm cho mầm hơi mềm là có thể xào thỏa thích. Mầm lạc dai dai sần sật, tóp mỡ giòn tan, béo bùi, chút ruốc và củ ném phi thơm với dầu lạc thật dậy vị. Cái mát lành, chua dịu của mầm non ấp ủ trong lòng đất ngọt ngào đến từng ngóc ngách.
Thật nhớ cách đây hơn mươi năm, thím và em tôi từ Đăk Lăk ra thăm. Kiếm chút thức ăn tươi lúc ấy thật khó khi vụ mùa đang kỳ hối hả. Ba mạ tôi đầu tắt mặt tối ngoài đồng, đến thời gian xách làn ra chợ cũng chẳng có. May thay, tôi phát hiện cả mấy sào lạc đã thu hoạch đang lấp ló mầm, thế là nhổ, là ướp. Rưới dầu lạc sóng sánh ra chảo, chỉ nháy mắt, mạ tôi đã biến những mầm lạc béo tròn thành món chính bắt cơm.
Mầm lạc ngon và giàu chất dinh dưỡng, thế mà chẳng thấy ai trồng. Thế nên, muốn có món ngon phải đợi đến mùa thu hoạch lạc. Sau đợt mưa rào, mầm lạc càng nhiều và ngon hơn.
Chẳng riêng tôi, vài loài chim chóc cũng yêu thích mầm lạc. Đôi cánh của chúng chao liệng để tìm thức ngon trời ban. Trên cánh đồng chiều, tiếng chim ríu rít gọi bầy sẻ chia mồi ngon thật yên ả.
Quê tôi còn nghèo lắm. Cây lạc cho dầu để ăn, cho bã để bón cây và giúp bà con có chút tiền trang trải cuộc sống. Mùa nhổ lạc là mùa rát bỏng, mầm lạc đâm chồi dưới ánh nắng cùng những giọt mồ hôi. Tôi đã hiểu vì sao mọng nước mà chúng vẫn mặn mòi, nghe trong đó còn là lời cầu mong cho vụ mùa khấm khá.
Gà nướng tổ mối lạ mà quen
Bạn khẳng định, món gà nướng tổ mối ở quê bạn là ngon số một. Ai đến Hương Thọ mà chưa nếm thử món ăn dân dã này, xem như đã bỏ qua một phần hồn cốt của vùng đất nơi ngã ba Tuần.
Gà nướng tổ mối, món ngon lạ miệng
Cậu bạn rủ rê, cuối tuần về quê bạn chơi. Đang mùa trăng. Khuya, ngồi nơi chòi sen giữa hồ, vừa ngắm trăng, vừa...lai rai vài ly giữa hương đồng gió nội thì thích phải biết. Tôi hỏi bạn: không phải ngắm trăng, thưởng sen thì phải uống trà sao? Bạn cười: "Bây giờ, ngắm trăng và ăn gà nướng tổ mối mới đúng điệu". Bạn còn khẳng định, món gà nướng tổ mối ở quê bạn là ngon số một. Ai đến Hương Thọ (thị xã Hương Trà) mà chưa nếm thử món ăn dân dã - gà nướng tổ mối nơi này, xem như đã bỏ qua một phần hồn cốt của vùng đất nơi ngã ba Tuần.
Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất vẫn là bạn. Lâu nay biết bạn khéo tay, nhưng nhìn đôi bàn tay to bè đầy những nốt chai sần của người đàn ông gần 40 tuổi chuyên làm rừng làm rẫy, giờ nhanh nhẹn, khéo léo vặt lông gà, nhóm lửa một cách điệu nghệ vẫn khiến tôi tròn mắt. Đặc trưng của món gà nướng vừa ngon vừa lạ mà bạn quảng cáo chính là ở tổ mối. Tổ mối được bạn lấy ngay trên đồi, nơi mấy rừng keo bạt ngàn phía trên kia.
Với một tay quen đi rừng như bạn, việc tìm tổ mối dễ như trở bàn tay. Sau chục phút len mình lên rẫy keo, đã thấy bạn khệ nệ lăn về một ụ mối cao tầm nửa mét, to bằng vành chiếc nón. Tổ mối bạn kiếm được có tuổi đời chắc cũng vài năm, bởi đất cứng khư, lồi lõm như đá tổ ong. Đầu ụ mối lõm xuống nửa gang tay, thuận tiện cho bạn đặt vào đó ít lá khô rồi nhóm lửa. Sau khi đám lá khô cháy trụi, cũng là lúc tổ mối bén lửa, âm ỉ cháy, nhìn y như một bếp than tổ ong. Bạn đặt chiếc vỉ nướng lên trên tổ mối, rồi cho con gà đã làm sạch lên nướng, chốc chốc lại trở để gà chín vàng đều.
Bạn nói để món gà nướng ngon, phải chọn gà kiến. Bởi sau khi nướng, thịt gà săn lại, vừa dai nhưng lại rất mềm và ngọt. Nếu gà thả vườn, thịt ngọt, nhưng lại không dai, nếu mua nhầm gà đá thịt lại dai mà không mềm. Vậy nên khâu chọn gà rất quan trọng.
Trong khi tôi được phân công ngồi trở gà, bạn lại loay hoay làm muối. Gà nướng tổ mối không chỉ ngon nhờ có cái vị rất riêng của nó, mà còn nhờ vào cách chế biến muối để chấm gà. Bạn nói làm muối chấm dễ ẹc à. Chỉ cần cho chục lá giang vò nát, một hai tép sả băm nhuyễn, thêm đôi trái ớt xanh, rồi trộn cùng với nắm muối hạt, cho thêm muỗng đường sau đó giã nhuyễn là được. Muối sẽ có vị thơm thơm của sả, cay nồng của ớt, chua chua của lá giang và vị mặn đằm vừa phải nhờ vào chút đường.
Nhìn con gà vàng ươm nằm trên ngọn lá sen, muối được bạn điệu đà bỏ trên cánh hoa sen hồng thắm, ăn bằng mắt thôi cũng đã thấy thỏa thích. Gà nướng tổ mối có vị rất lạ, cái ngon ngọt, dai dai của thịt gà, hòa với vị the the thơm nồng của mối, đúng là kích thích vị giác vô cùng. Xé một miếng gà nướng vàng ươm, chấm thêm chút muối lá giang đủ vị chua cay mặn ngọt rồi cho vào miệng, chỉ muốn nhắm mắt thật chặt để cảm nhận cái vị ngon ngọt của món ăn.
Đậm đà canh cá dưa môn Những sợi dưa môn vàng tươi hòa quyện vào bát cơm trắng càng khiến bữa ăn thêm đậm đà. Là món ăn dân dã, bình dị nhưng nhiều người vẫn thích thưởng thức. Bát canh cá nấu với dưa môn muối chua dân giã mà lại hao cơm Đang ngồi dưới hiên nhà ngắm nhìn những giọt mưa "vàng", tận hưởng làn gió...