Bệnh viện Mỹ quá tải, phải đưa xác bệnh nhân COVID-19 vào xe đông lạnh
Báo Mail Online đăng tải một đoạn video cho thấy tình trạng quá tải tại bệnh viện ở Mỹ khi nhiều bệnh nhân tử vong do dịch COVID-19 buộc phải bảo quản bằng xe tải đông lạnh.
Thi thể bệnh nhân COVID-19 được bảo quản trong một chiếc xe tải đông lạnh ở bệnh viện Elmhurst tại New York. (Nguồn: MEGA)
Đoạn video được một người đi đường ghi lại bên ngoài Bệnh viện Brooklyn ở New York, khu vực đã có 36.000 người mắc bệnh và 790 người thiệt mạng.
Trước đó, một đoạn video tương tự ghi lại cảnh các nhân viên y tế vận chuyển thi thể bệnh nhân tới một chiếc xe tải đông lạnh.
Đoạn video được chia sẻ cùng ngày với một bức ảnh bên trong một chiếc xe tải chứa đầy túi đựng thi thể.
Một nhân viên y tế đã chụp bức ảnh này vào cuối ca làm để cho công chúng biết về sự thực ghê rợn của đại dịch COVID-19 đang hoành hành tại Mỹ.
Trong khi đó, các bệnh viện và nhà xác dã chiến được dựng lên khắp nơi ở thành phố New York, tâm dịch COVID-19 đang diễn ra tại Mỹ.
Lần cuối cùng thành phố New York triển khai hàng loạt các nhà xác dã chiến bên ngoài bệnh viện là sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001.
Thi thể các bệnh nhân COVID-19 được bảo quản trong thùng xe tải đông lạnh. (Nguồn: dailymail.co.uk)
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Đại học Brookdale cảm thấy như đang ở trong vùng chiến sự. (Nguồn: dailymail.co.uk)
Video đang HOT
Những chiếc xe tải được sử dụng làm nhà xác dã chiến. (Nguồn: dailymail.co.uk)
Một thùng đông lạnh được dùng làm nơi bảo quản thi thể bệnh nhân COVID-19 bên ngoài bệnh viện Lenox Hill ở New York.
Nguyễn Viễn
Nhiều bệnh viện Mỹ đang cạn dần thuốc men, máy thở, thiết bị y tế
Không chỉ thiếu khẩu trang chuyên dụng, nhiều nhân viên y tế tại một số bệnh viện của Mỹ bắt đầu thông báo tình trạng cạn dần thuốc men và các thiết bị y tế cần thiết như máy thở.
Đưa một người bệnh lên xe cấp cứu trong lúc các nhân viên y tế tiếp tục xét nghiệm COVID-19 cho mọi người ở bên ngoài Trung tâm bệnh viện Brooklyn ở Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 27-3-2020 - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, rất nhiều trang thiết bị y tế rất cần thiết trong điều trị người bệnh COVID-19 đang cạn dần tại một số bệnh viện Mỹ trong bối cảnh số ca bệnh ở đây vượt qua 103.000 người.
Ngày 27-3 cũng là ngày Mỹ ghi nhận số ca tăng thêm kỷ lục trong một ngày với khoảng 18.000 người bệnh mới.
Thiếu cả những thứ cơ bản nhất
Theo hãng tin Reuters, các y bác sĩ đang làm việc tại tuyến đầu chống dịch ở Mỹ ngày 27-3 lên tiếng báo động về tình trạng khan hiếm đồ bảo hộ y tế và trang thiết bị điều trị người bệnh COVID-19, đặc biệt là tình trạng thiếu máy thở.
Ông Marney Gruber, bác sĩ làm việc tại nhiều phòng cấp cứu ở thành phố New York, cho biết một số loại thuốc dùng thông dụng đang không đủ, ít nhất một bệnh viện đã hết các bộ dụng cụ thông tĩnh mạch trung tâm vốn thường dùng để truyền thuốc cho các bệnh nhân trong phòng hồi sức tích cực.
"Trước đây tôi chưa từng nghe thấy vấn đề này", ông Gruber chia sẻ với hãng tin Reuters trong cuộc phỏng vấn ngày 27-3.
"Đây là những thứ thiết yếu nhất trong y khoa cấp cứu và các phòng hồi sức tích cực (ICU). Những thứ này giống như bánh mì và bơ vậy, thực sự đó là những thứ hết sức cơ bản", ông tiếp.
Các bệnh viện ở New York mau chóng phải đối mặt với sức ép điều trị gia tăng khi nơi đây trở thành tâm dịch COVID-19 của Mỹ. Thành phố này đã có ít nhất 366 người chết vì virus trong tháng 3 và hơn 4.700 người đã nhập viện.
Theo ông Gruber các loại thuốc đang cạn dần gồm midazolam và fentanyl, đây là hai loại thuốc cần dùng để điều trị những bệnh nhân đã bị viêm phổi nặng và phải có máy thở hỗ trợ hô hấp.
Các bệnh viện cũng thiếu thuốc Levophed, một loại chuyên trị huyết áp thấp và các trục trặc tim mạch, và thiếu thuốc Albuterol thường dùng điều trị hen suyễn nhưng cũng cho thấy có tác dụng khi điều trị những người bị COVID-19.
Bên cạnh máy thở, một số bệnh viện cũng đã hết bình ô-xy, theo ông Gruber. Người bệnh thường chỉ dùng các bình này khi được vận chuyển từ nơi này tới nơi khác trong viện nhưng vì tất cả các bình dưỡng khí gắn trên tường đã dùng hết, các bác sĩ đã phải cho người bệnh COVID-19 dùng bình ô-xy trong các phòng ICU.
Nguy cơ với các nhân viên y tế
Tình trạng thiếu các trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế tại các bệnh viện ở Mỹ cũng đang là vấn đề rất đáng lo ngại. Trong đó việc thiếu khẩu trang chuyên dụng N95 đã được báo cáo trong nhiều tuần gần đây.
Chị Mary MacDonald, y tá tại bệnh viện Ascension Providence ở Novi, Michigan, đã nức nở khóc trong video đăng trên Facebook, cho biết chị đã thấy nơi làm việc của mình hết thuốc fentanyl và propofol (một loại thuốc khác điều trị người bệnh phải dùng máy thở), cũng như thiếu thuốc giảm đau cơ bản acetaminophen (thường được biết với tên gọi Tylenol).
Nhiều bệnh viện tại thành phố New York, New Orleans, Detroit và nhiều điểm nóng về dịch bệnh COVID-19 khác cũng đã báo động việc thiếu thuốc men, dụng cụ y khoa và nhân viên y tế.
"Chúng tôi rất lo sợ", bác sĩ Arabia Mollette thuộc bệnh viện đại học Brookdale và Trung tâm y khoa ở Brooklyn, chia sẻ với Reuters. "Chúng tôi đang cố gắng chiến đấu vì sinh mệnh của mọi người, nhưng chúng tôi cũng phải chiến đấu vì chính mạng sống của mình nữa, vì chúng tôi đang có nguy cơ phơi nhiễm cao nhất".
Một bác sĩ tại phòng cấp cứu ở Michigan (một tâm dịch mới khác đang nổi lên sau New York) cho biết anh đã phải dùng một khẩu trang bằng giấy trong suốt ca trực vì không có khẩu trang chuyên dụng.
Cũng theo bác sĩ này, các bệnh viện ở khu vực Detroit cũng sẽ sớm cạn nguồn máy thở.
Bác sĩ Rob Davidson chia sẻ trong video đăng trên Twitter: "Các bệnh viện ở vùng Detroit tại Michigan đang gần dùng hết các máy thở và sẽ phải nói với các gia đình là họ không thể cứu những người thân yêu của họ nữa vì bệnh viện không còn đủ thiết bị".
Người bệnh dùng máy thở trong phòng điều trị - Ảnh: METICULOUSBLOG
Tăng tốc sản xuất máy thở
Cũng theo hãng tin Reuters, nhiều nhà sản xuất thiết bị y tế đang dồn mọi nguồn lực vào việc sản xuất máy thở, đơn giản hóa thiết kế để làm được nhiều máy nhất có thể.
Ngày 27-3 Tổng thống Trump đã căn cứ Đạo luật sản xuất quốc phòng (DPA), ký sắc lệnh liên bang yêu cầu nhà sản xuất xe hơi General Motors phải sản xuất máy thở để chống lại đại dịch COVID-19. Ông Trump còn buộc tội hãng xe này đã chậm trễ và "làm lãng phí thời gian".
Tình trạng thiếu máy thở đã hối thúc nhiều công ty sản xuất thiết bị y tế khác phải đẩy nhanh quy mô lúc này. Ông Darren Saravis, CEO của công ty Nectar có trụ sở tại Long Beach, California, đã thành lập một công ty mới là BreathDirect để sản xuất một phiên bản máy thở gọn nhẹ hơn.
Loại máy thở mới này sẽ có giá khoảng 10.000 USD và có những cài đặt đơn giản hơn so với các mẫu đã có. Công ty BreathDirect dự kiến hoàn thành mẫu máy đầu tiên vào 5-4 và chiếc máy thở đầu tiên loại này sẵn sàng cho sản xuất hàng loạt dự kiến có trước 19-4, mặc dù thời gian chính xác còn tùy vào việc phê chuẩn của Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Mỹ.
Tuy nhiên theo ông Saravis, nếu mọi thứ suôn sẻ theo kế hoạch, trong tháng 5 công ty này sẽ sản xuất được 3.500 máy thở mỗi tuần và nâng lên 40.000 máy thở mỗi tháng trong tháng 6.
D. KIM THOA
Lựa chọn nghiệt ngã trong đại dịch Sau Italy, đến lượt các bác sĩ Mỹ phải đưa ra lựa chọn: bệnh nhân nào sẽ vào danh sách được cứu, và bệnh nhân nào không. Tại Bệnh viện Bellevue ở thành phố New York, y bác sĩ đang phải gồng mình đối phó với lượng bệnh nhân khổng lồ. Cơn bão Sandy quét qua năm 2012 đã khiến các máy phát...