Bệnh về tim mạch có tỉ lệ tử vong hàng đầu ở Việt Nam
Ngày 29.12, PGS- TS Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia – cho biết bệnh lý tim mạch có tỉ lệ tử vong hàng đầu tại Việt Nam, với nhiều yếu tố nguy cơ cao.
PGS-TS.Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia: “Bệnh lý tim mạch là kẻ làm chết người thầm lặng” – ẢNH: AN DY
Đó là những chia sẻ trong khuôn khổ buổi giao lưu tọa đàm về sức khỏe tim mạch chủ đề “Kiểm soát huyết áp và các bệnh lý tim mạch để sống vui, sống khỏe”, do Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) phối hợp với Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đà Nẵng) tổ chức.
Theo PGS-TS.Phạm Mạnh Hùng, bệnh tim mạch đã và đang là gánh nặng cho xã hội với tỉ lệ tử vong và tàn phế cao hàng đầu. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy có đến 17,5 triệu người tử vong mỗi năm do các bệnh liên qua đến tim mạch và con số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều. Việt Nam chưa có thống kê cụ thể về con số, tuy nhiên thống kê nguyên nhân tử vong hàng đầu tại các bệnh viện là do bệnh lý tim mạch.
Theo điều tra của Bộ y tế, có 77% người dân hiểu sai về bệnh tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ của bệnh, hơn 70% người dân không biết cách phát hiện sớm và dự phòng bệnh tăng huyết áp. Đây chính là lý do khiến các bệnh lý tăng huyết áp và bệnh lý tim mạch ngày càng có xu hướng gia tăng.
Tại buổi tọa đàm, PGS-TS.Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Phó chủ tịch Hội Tim mạch VN, chia sẻ về cách kiểm soát huyết áp và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác, bởi theo ông, tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch hiện nay là lớn nhất. Cứ 3 người chết do bất kỳ nguyên nhân gì thì có 1 người chết do bệnh lý tim mạch.
Chưa kể, đáng báo động còn là tình trạng trẻ hóa độ tuổi đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp được ghi nhận tại các bệnh viện.
Video đang HOT
“Có những người mới ngoài 20 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim cấp do các thói quen sinh hoạt xem thường sức khỏe, hút thuốc lá và béo phì. Những bệnh nhân thế này phải được cấp cứu kịp thời tại các bệnh viện, được nong và đặt stent mạch vành cứu sống bệnh nhân. Ngày trước, những người như thế thì không thể qua khỏi, nếu qua khỏi cũng để lại di chứng như suy tim, tàn phế…”, PGS-TS.Phạm Mạnh Hùng cho biết.
Đa số người mắc bệnh tim mạch đều do các yếu tố nguy cơ gây ra như người có huyết áp cao, bệnh nhân đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… và nguyên nhân chung vẫn là do ăn uống, sinh hoạt tùy tiện, ăn nhiều chất mỡ, mặn, ngọt. Bên cạnh đó, việc hút thuốc lá, lười vận động, tình trạng béo phì thừa cân cũng là nguy cơ cao dẫn đến bệnh lý tim mạch.
“Bệnh lý tim mạch không chừa một ai, và có xu hướng gia tăng theo lối sống, lối sinh hoạt trong xã hội. Đó thực sự là “kẻ làm chết người thầm lặng”. Tuy nhiên, bệnh lý này lại có thể chủ động phòng ngừa được với kiến thức sức khỏe và dinh dưỡng, vận động. Bên cạnh dó, sự phát triển của y học hiện đại cũng đã tăng khả xử lý được đa số vấn đề của tim mạch nếu được phát hiện kịp thời”, PGS-TS.Phạm Mạnh Hùng khẳng định.
Theo PGS-TS Hùng, mỗi người nên có lối sống lành mạnh cho tim mạch và sức khỏe bao gồm chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường rau củ quả, cá, giảm chất mỡ động vật. Đặc biệt phải tránh xa những thức ăn chế biến sẵn như dầu rán nhiều lần, không ăn quá mặn, quá ngọt, quá nhiều tinh bột.
Đặc biệt, tuyệt đối không được hút thuốc lá chủ động và cả bị động, không lạm dụng đồ uống có cồn, gia tăng các biến cố về bệnh lý tim mạch. Đồng thời phải tăng cường vận động thể lực, tốt nhất là 30 phút mỗi ngày.
Theo thanhnien
Báo động 80 người Việt tử vong mỗi ngày vì căn bệnh tiểu đường
Trong năm 2017, Việt Nam ghi nhận 29.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến đái tháo đường, tương đương với 80 ca tử vong/ngày. Căn bệnh này là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư.
Sáng 11/11 tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ngày hội phòng, chống Đái tháo đường Thế giới (14/11 hàng năm) với chủ đề "Gia đình cùng hành động sớm phòng chống bệnh Đái tháo đường", đã được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tình trạng mắc các bệnh không lây nhiễm, đái tháo đường đang gia tăng rất nhanh.
Như với bệnh tăng huyết áp hiện cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc tăng huyết áp và trong 25 người thì có 1 người bị bệnh đái tháo đường. Trong các bệnh không lây nhiễm, bệnh đái tháo đường chiếm tỉ lệ tử vong đứng thứ 3. Trong nhóm tuổi từ 18 - 69, tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp cũng chiếm 18,9%.
Đáng nói, hiện còn đến 70% bệnh nhân đái tháo đường chưa được chẩn đoán sớm, là căn nguyên gây ra các biến chứng nguy hiểm của tiểu đường như cắt cụt chi, biến chứng tim mạch, thận, mắt...
Bộ trưởng Y tế cũng khuyến khích người dân tầm soát bệnh và chủ động phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm bằng chế độ vận động, sinh hoạt, ăn uống khoa học.
Bởi có đến 80% số bệnh nhân tim mạch giai đoạn đầu, tiểu đường tuýp 2, 40% ung thư hoàn toàn có thể phòng ngừa qua tập thể dục, không lạm dụng đồ uống có cồn, thuốc lá.
"Với chủ đề "Gia đình cùng hành động sớm phòng, chống bệnh đái tháo đường" tôi mong sẽ nhận được sự vào cuộc của gia đình, người thân, cộng đồng xã hội cùng góp sức đẩy lùi gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam", Bà Kim Tiến nói.
Theo các bác sĩ, bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa... khiến bệnh nhân đái tháo đường tăng nhanh.
Đặc biệt bệnh ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi; thanh niên 20 - dưới 30 tuổi.
GS Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, trong dịp này các bác sĩ sẽ của 8 bệnh viện lớn tham gia khám, tầm soát tư vấn bệnh đái tháo đường cho 1.000 người dân sống tại hai thành phố.
Qua đó các bác sĩ sẽ cung cấp kiến thức nâng cao nhận thức về tác động của bệnh Đái tháo đường đối với gia đình và thông tin về mạng lưới hỗ trợ của những người bị ảnh hưởng; Thúc đẩy vai trò của gia đình trong việc quản lý, chăm sóc, phòng ngừa và giáo dục Đái tháo đường.
"Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tầm soát sớm bệnh, giảm thiểu nguy cơ biến chứng, từ đó hạ tỉ lệ tử vong cũng như giảm chi phí điều trị đối với người bệnh", GS Thuấn chia sẻ.
Theo đó các bác sĩ khuyến cáo người dân nên duy trì khám sức khỏe 6 tháng/lần để có thể phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ.
Bên cạnh đó cần điều chỉnh chế độ ăn, vận động thể lực mỗi ngày để ngăn ngừa béo phì, tiểu đường, các bệnh lý huyết áp, tim mạch.
Hồng Hải
Theo Dân trí
F.A.S.T : 'Quy tắc' phát hiện sớm khi nghi ngờ đột quỵ Mục tiêu điều trị đột quỵ não là giảm tỷ lệ tử vong và hạn chế đến mức thấp nhất tàn phế do di chứng để lại cho người bệnh. Cấp cứu bệnh nhân tai biến Đột quỵ não (tai biến mạch máu não - có thể do thiếu máu não hoặc xuất huyết não) là bệnh gây tổn thương các tế bào...