Bệnh thận – biến chứng đáng sợ của đái tháo đường
Bệnh thận đái tháo đường là thuật ngữ dùng để chỉ bệnh thận xảy ra ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Thận giúp điều chỉnh lượng dịch và muối trong cơ thể, giúp kiểm soát huyết áp và giải phóng các loại hoóc-mônkhác nhau.
Bệnh thận là thuật ngữ được sử dụng khi thận bắt đầu bị tổn thương, cuối cùng có thể dẫn đến suy thận. Dưới đây là những điều cần biết về mối liên quan giữa bệnh đái tháo đường và suy thận.
Bệnh thận đái tháo đường là gì?
Sơ đồ bệnh thận đái tháo đường ở thận trái.
Các vấn đề về thận tương đối phổ biến ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Điều này là do đái tháo đường ảnh hưởng đến các động mạch trong cơ thể và thận lọc máu từ các động mạch đó. Ước tính khoảng 40% số người bệnh đái tháo đường týp 2 phát triển bệnh thận.
Những người mắc đái tháo đường týp 1 hoặc týp 2 đều có thể bị bệnh thận. Bệnh thận đái tháo đường là một nguyên nhân đáng kể của bệnh thận mạn tính và bệnh thận giai đoạn cuối (ESRD), là khi thận không còn hoạt động đủ tốt để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hàng ngày.
Bệnh thận đái tháo đường có 5 giai đoạn và ESRD là giai đoạn cuối cùng. Bệnh thận đái tháo đường là nguyên nhân thường gặp nhất của ESRD ở Mỹ, với khoảng 40 đến 50% số trường hợp ESRD liên quan trực tiếp với đái tháo đường. Người bị ESRD sẽ cần chạy thận nhân tạo.
Nguyên nhân
Bệnh thận đái tháo đường là khi thận bị thoát mạch, cho phép albumin (một loại protein do gan tạo ra) thoát vào nước tiểu. Tình trạng xấu đi khi mức albumin tăng.
Bệnh thận đái tháo đường phát triển chậm và phổ biến hơn ở những người mắc đái tháo đường từ 20 năm trở lên.
Bệnh thận đái tháo đường dễ xảy ra ở những người mắc đái tháo đường cũng có chỉ số đường huyết cao hơn. Các bác sĩ cũng tin rằng bệnh thận chịu ảnh hưởng trực tiếp của huyết áp cao (tăng huyết áp), có thể khiến người bệnh diễn biến qua các giai đoạn của bệnh thận đái tháo đường nhanh hơn.
Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh thận đái tháo đường bao gồm:
hút thuốc lá
tuổi, vì bệnh phổ biến hơn ở người cao tuổi
giới tính, bệnh phổ biến hơn ở nam giới
chủng tộc, bệnh phổ biến hơn ở người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Mexico
béo phì
Triệu chứng và giai đoạn
Video đang HOT
Các triệu chứng của bệnh thận đái tháo đường giai đoạn 4 hoặc 5 có thể bao gồm khó thở, sưng mắt cá chân và nước tiểu sẫm màu hơn
Mặc dù bệnh thận đái tháo đường có nghĩa là thận không hoạt động bình thường, nhưng người bệnh trong giai đoạn đầu có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, có sự thay đổi huyết áp và cân bằng chất dịch trong cơ thể. Dần dần, nó có thể gây ứ đọng các chất cặn bã trong máu và khiến người bệnh rất ốm yếu.
Bệnh nặng thường xảy ra vào khoảng giai đoạn 4 hoặc 5 của bệnh thận đái tháo đường. Các triệu chứng bao gồm:
phù ở mắt cá chân, bàn chân, cẳng chân hoặc bàn tay do giữ nước
nước tiểu sẫm màu hơn, do máu trong nước tiểu
khó thở
mệt mỏi, do thiếu oxy trong máu
buồn nôn hoặc nôn
vị kim loại trong miệng
Các giai đoạn của bệnh thận đái tháo đường được xác định bởi mức độ tổn thương thận và tốc độ lọc cầu thận (GFR). GFR có thể cho bác sĩ biết thận hoạt động tốt như thế nào. GFR thấp cho thấy các vấn đề về thận.
Giai đoạn 1: Có tổn thương thận nhưng chức năng thận bình thường; GFR lớn hơn90.
Giai đoạn 2: Tổn thương thận với chức năng thận giảm sút; GFR trong khoảng từ 60 đến 89.
Giai đoạn 3: Suy giảm chức năng thận từ nhẹ đến nặng; GFR trong khoảng từ 30 đến 59.
Giai đoạn 4: Suy giảm chức năng thận nghiêm trọng; GFR trong khoảng từ 15 đến 29.
Giai đoạn 5: Suy thận; GFR dưới 15.
Điều trị
Điều trị sớm có thể trì hoãn hoặc ngăn ngừa khởi phát của bệnh thận đái tháo đường. Vì giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, những người mắc đái tháo đường cần được kiểm tra sàng lọc các biến chứng thận hàng năm.
Sàng lọc bao gồm một xét nghiệm nước tiểu đơn giản để xem liệu protein có trong nước tiểu hay không. Tuy nhiên, sự hiện diện của protein không nhất thiết có nghĩa là một người bị bệnh thận, vì chúng cũng có thể là do nhiễm trùng đường tiết niệu.
Mục đích chính của điều trị là duy trì và kiểm soát đường huyết và huyết áp. Đôi khi, có thể cần sử dụng thuốc.
Nếu bệnh thận đái tháo đường đã phát triển đến giai đoạn cuối và ESRD thì chỉ có hai biện pháp điều trị là lọc máu và ghép thận.
Lọc máu
Nếu bệnh thận đái tháo đường phát triển đến giai đoạn cuối, thì lọc máu có thể được sử dụng như một lựa chọn điều trị.
Lọc máu là một thủ thuật trong đó các chất cặn bã được tách khỏi máu và loại bỏ ra khỏi cơ thể. Lọc máu hoạt động như một cách thay thế cho quả thận khỏe mạnh.
Một người cần lọc máu thường sẽ phải điều trị trong suốt quãng đời còn lại hoặc cho đến khi được ghép thận.
Ghép thận
Một bác sĩ có thể đề nghị ghép thận nếu bệnh thận đái tháo đường đã đến giai đoạn cuối. Tuy nhiên, ghép thận cần có người cho thận, có thể mất một thời gian.
Mọi người có thể sống sót với một quả thận đang hoạt động, vì vậy người cho thận còn sống là lựa chọn cho một số người. Tuy nhiên, cơ thể nhận thận vẫn có thể từ chối cơ quan mới. Ghép thận từ một thành viên trong gia đình thường mang lại cơ hội chấp nhận quả thận ghép tốt nhất.
Phẫu thuật ghép thận được thực hiện dưới gây mê và mất khoảng 3 đến 4 giờ. Khoảng 20% thận ghép bị cơ thể của người nhận từ chối.
Phòng ngừa
Người bị đái tháo đường cần kiểm soát đường huyết để giảm nguy cơ mắc bệnh thận đái tháo đường. Giữ huyết áp ở mức bình thường cũng rất quan trọng.
Có nhiều thay đổi trong lối sống để giúp kiểm soát mức đường huyết và huyết áp, bao gồm:
Chế độ dinh dưỡng ít carbohydrat và các loại đường khác
Tập thể dục thường xuyên
Tránh rượu và thuốc lá
Kiểm tra đường huyết thường xuyên
Tiên lượng
Tiêm lượng cho những người mắc bệnh thận đái tháo đường sẽ phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Điều trị càng sớm thì tiên lượng sẽ càng tốt.
Nếu bệnh thận đái tháo đường phát triển thành ESRD, nó có thể dẫn đến một số bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như suy thận hoặc các bệnh tim mạch. Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở những người mắc bệnh thận và những người mắc bệnh đái tháo đường.
Điều trị đúng cách có thể trì hoãn hoặc ngăn ngừa sự phát triển của bệnh thận đái tháo đường. Những người mắc bệnh đái tháo đường nên thực hiện sớm các bước để ngăn ngừa tình trạng này, vì có thể mất 20 năm để bệnh thận đái tháo đường tiến triển đến giai đoạn cuối.
Cẩm Tú
Theo MNT
Dự báo sẽ có trên 600 triệu người mắc bệnh tiểu đường vào năm 2030
Năm 2017, theo ước tính của Liên đoàn Đái tháo đường (ĐTĐ) Thế giới số người mắc ĐTĐ đã lên tới 415 triệu người. Dự báo đến năm 2030, con số này sẽ lên tới trên 600 triệu người.
Hiện nay, có hơn 199 triệu phụ nữ mắc đái tháo đường trên thế giới, con số này dự kiến sẽ tăng lên 313 triệu vào năm 2040. Trong đó, có khoảng 10-15% trẻ em mắc bệnh trên tổng số bệnh nhân ĐTĐ.
Theo thống kê của Bộ y tế, Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh ĐTĐ. Con số này dự báo tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Mặc dù, cả nước hiện có 3,5 triệu người (độ tuổi từ 20-79) mắc bệnh này nhưng có tới 69,9% không biết mình bị bệnh. 85% chỉ phát hiện ra bệnh khi có biến chứng nguy hiểm như: tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân đái tháo đường... Có đến 80% người bệnh đái tháo đường chết do biến chứng tim mạch. Bên cạnh đó, họ có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường 2-4 lần. 20% người bệnh đái tháo đường bị bệnh thận, gây suy thận, có thể chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới với tỷ lệ bệnh nhân tăng 5,5% mỗi năm. Tuy nhiên, theo Bộ y tế cả nước mới chỉ có 28,9% người bệnh bị đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế, trong khi số chưa được quản lý theo số liệu thống kê mới nhất năm 2015 là 71,1%.
Trong buổi gặp trao đổi thông tin với báo chí về Hội trại dinh dưỡng đái tháo đường tên gọi "Chung tay kiểm soát và đẩy lùi bệnh đái tháo đường" lần III - năm 2018 (Diabetes Camp - 2018) diễn ra vào chiều 23/10, PGS.TS Tạ Văn Bình - Nguyên giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa (Đại học Y Hà Nội), Chủ tịch Hội người giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam nhấn mạnh: "ĐTĐ thực sự là căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, việc tầm soát, phát hiện sơm bệnh ĐTĐ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất, kiểm soát, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm".
PGS Bình cũng cho biết thêm, nếu cách đây 10-20 năm thì người ta khuyên bệnh nhân ĐTĐ càng ăn ít tinh bột thì càng tốt, càng chia nhỏ bữa ăn ra bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.
Tuy nhiên hiện nay lại có quan niệm khác, nếu bệnh nhân ĐTĐ ăn được 3 bữa thì rất tốt bởi nó giúp cho tuyến tụy có thời gian nghỉ ngơi.
PGS.TS Tạ Văn Bình - Nguyên giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa (Đại học Y Hà Nội), Chủ tịch Hội người giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam chia sẻ với báo chí chiều 23/10.
Như chúng ta đã biết, tất cả năng lượng sinh ra cho con người để hoạt động đều đến từ Gluxit, dù chúng ta có ăn gì đi chăng nữa thì vào đến cơ thể thì đều chuyển hóa thành đường, lúc đó đường mới tạo ra năng lượng để nuôi sống cơ thể. Chính vì thế chúng ta phải tính toán làm sao để lượng tinh bột vừa phải để cho cơ thể đỡ phải một chu kỳ hoạt động khác.
Một điều chúng ta cũng cần phải biết đó là trong vòng khoảng 10 năm đầu của thế kỷ 21 thì những tiến bộ về thuốc của bệnh ĐTĐ bằng cả một thế kỷ 20 cộng lại. Đây là một trong những sự tiến bộ mà không có một lĩnh vực chuyên ngành nào của y học có thể sánh bằng, kể cả thuốc chữa ung thư.
Ví dụ, thuốc thuộc các nhóm hóc môn đường ruột hay thuốc ức chế đồng thuận tái hấp thu đường và natri của thận làm thay đổi toàn bộ quan điểm về điều trị bệnh ĐTĐ.
Nếu trước đây điều trị bệnh ĐTĐ thì làm sao để đường máu thấp thôi, đừng bao giờ vượt quá để qua đường niệu thì bây giờ lại khác, chúng ta điều trị để làm sao rút đường và nước tiểu ra cùng một lúc với natri. Khi rút đường với natri qua nước tiểu sẽ làm giảm mức độ suy tim, giảm số đo huyết áp, ngăn ngừa hội chứng tim mạch... kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ĐTĐ.
Về Hội trại dinh dưỡng đái tháo đường năm nay, PGS Bình cho hay, mục tiêu hội trại nhằm đem đến một ngày hội hướng dẫn, tư vấn chăm sóc sức khỏe, cung cấp kiến thức bổ ích cho cộng đồng và người bệnh đái tháo đường. Đặc biệt cung cấp kiến thức phòng ngừa bệnh đái tháo đường ở trẻ em và kiểm soát biến chứng bệnh nhi đái tháo đường.
"Nhiệm vụ của Hội người giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam là làm sao để những người đái tháo đường nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung hiểu được rằng bệnh đái tháo đường là một đại họa của thế kỷ 21, vì hiện nay 6 giây thì có một người chết bởi đái tháo đường", PGS.TS Tạ Văn Bình thông tin.
Ban tổ chức cũng cho biết thêm, hội trại dinh dưỡng đái tháo đường lần III này sẽ dự kiến khoảng 1000 đến 1.200 người tham dự, diễn ra từ 7h đến 17h ngày 28/10/2018, tại Trung tâm y tế quận Hà Đông (Hà Nội).
Nguyễn Hùng
Theo Dân trí
Người cao huyết áp có nguy cơ cao bị suy thận Các chuyên gia Mỹ cảnh báo bệnh nhân cao huyết áp có nguy cơ cao bị suy thận. Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên thường xuyên kiểm tra huyết áp - SHUTTERSTOCK Báo cáo mới đây của Quỹ Nghiên cứu Thận Mỹ (AKF) cảnh báo cao huyết áp là nguyên nhân đứng hàng thứ hai dẫn đến suy thận, theo trang tin...