Bệnh sởi chưa qua, tay chân miệng lại đến
Trong khi bệnh sởi vẫn diễn biến phức tạp, bệnh tay chân miệng (TCM) lại có dấu hiệu bùng phát. Nhiều bệnh viện (BV) nhi đang trong tình trạng “bệnh chồng bệnh”.
Trẻ điều trị tay chân miệng tại khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1, TP.HCM
Tay chân miệng bắt đầu tăng
Sáng 6.5, khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) ghi nhận 51 ca mắc TCM, trong khi số bệnh nhi mắc bệnh sởi vẫn ở mức cao, với 50 trẻ đang nằm điều trị.
Chị Nhi, mẹ của bệnh nhi Trí Cường (11 tháng tuổi, ở Đắk Lắk) cho biết, bé điều trị tại khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 đã ba ngày nay. Trước đó, vì thấy bé có biểu hiện nóng sốt, nổi ban ở tay chân nên chị đưa bé đi khám. Các bác sĩ kết luận con chị bị TCM và phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 cho biết, hiện tại vẫn chưa phải là cao điểm của bệnh TCM nhưng do thời điểm này dịch sởi đang “nóng”, trẻ bị biến chứng nặng do sởi nên gây nhiều áp lực cho quá trình chăm sóc bệnh nhi.
Mặc dù mấy ngày gần đây, số lượng trẻ bị sởi điều trị nội trú có giảm hơn so với mấy ngày trước nhưng theo bác sĩ Thoa, tình trạng bệnh sởi “vẫn còn rất khó nói”.
Tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), số lượng trẻ nhập viện do mắc TCM đã bắt đầu tăng lên và cao gần gấp đôi so với tháng trước.
Hiện, mỗi ngày có khoảng 40 ca mắc TCM điều trị tại BV này, với các biểu hiện như nổi ban, bóng nước ở tay, chân. Từ đầu mùa đến nay, BV này ghi nhận hai ca bị biến chứng do mắc TCM nhưng đã được điều trị khỏi.
Video đang HOT
Nhiều trẻ phải nằm ngoài hành lang vì giường bệnh không còn chỗ
Đánh giá về bệnh sởi, bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 cho hay, xu hướng trẻ bị sởi điều trị nội trú giảm dần nhưng số khám ngoại trú vẫn chưa giảm. Sáng 6.5, ghi nhận điều trị nội trú cho 68 ca bị sởi, với khoảng 27 ca có biến chứng như viêm phổi, thở oxy…
Để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo do bệnh chồng bệnh, tại khoa Nhiễm của BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, các bệnh nhi được cách ly theo bệnh ở các phòng riêng.
Trẻ có thể được điều trị tại nhà
Do đều có biểu hiện nổi ban ngoài da nên theo bác sĩ Kim Thoa, để phân biệt sởi và TCM, phụ huynh nên để ý: thường sởi sẽ đi kèm sốt, ho, chảy nước mắt, đỏ mắt sau đó nổi ban trên mặt rồi lan dần xuống chân. Nếu không có biến chứng, khi sởi nổi đến chân thì trẻ sẽ hết sốt.
Còn bệnh TCM thường nổi ban trong lòng bàn tay, chân. Biến chứng của bệnh là viêm màng não, viêm não, tổn thương tim, phù phổi.
Hiện nay, bệnh TCM chưa có vắc xin phòng ngừa, và trẻ có thể bị nhiều lần trong đời. Vì vậy, cách tốt nhất khi bị bệnh là cách ly và giữ vệ sinh, đặc biệt ở vùng tai mũi họng.
Trẻ trong thời điểm đến trường cần được giữ ở nhà để tránh lây cho trẻ khác. Nhà trường cần vệ sinh trường lớp, khi làm thức ăn hoặc trước khi chăm sóc trẻ cần rửa tay sạch sẽ.
Bác sĩ Trần Nam lưu ý: “Không phải tất cả bệnh nhi bị sởi, TCM đều cần nhập viện. Vì nếu cứ đua nhập viện sẽ gây quá tải. Các trường hợp nhẹ vẫn có thể chăm sóc tại nhà”.
Phụ huynh không nên tự ý chữa bệnh bằng rau mùi, vòng đeo tay hay tiêu ban lộ vì đây là những phương pháp chưa được chứng minh bằng cơ sở khoa học.
“Cũng không nên kiêng tắm, kiêng gió không bật quạt cho trẻ vì sẽ khiến trẻ mất vệ sinh, ngoài ra không nên ăn cháo muối vì không đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ”, bác sĩ Nam khuyến cáo.
Hà Minh
Theo TNO
Sau 'bão' sởi sẽ là siêu bão' viêm não Nhật Bản
Dịch sởi vẫn gia tăng số trẻ mắc và tử vong. Tại các bệnh viện (BV), nhiều ca biến chứng sởi nặng vẫn trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc". Lúc này dịch tay-chân-miệng đã bùng phát mạnh và bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản cũng bắt đầu vào mùa. Tình trạng dịch chồng dịch đã đến rất gần...
Sởi vẫn "nóng" ở bệnh viện
Theo nhận định của Bộ Y tế, những ngày qua, số lượng bệnh nhân (BN) mắc sởi cũng như tử vong liên quan đến sởi không có gì đột biến, số ca mắc sởi ghi nhận trên cả nước dao động khoảng 48-50 ca/ngày. Có thêm 246 trường hợp xác định dương tính với sởi. Riêng tại Hà Nội, số BN mắc sởi mới vẫn khoảng 70-90 ca/ngày. Tình trạng BN sởi cũ biến chứng viêm phổi suy hô hấp nặng nằm viện điều trị vẫn ở mức cao, trong đó có nhiều ca đe dọa tử vong.
Tại các BV tuyến trung ương trên địa bàn Hà Nội, số BN sởi nằm viện điều trị vẫn ở con số hàng trăm. Tại BV Nhi T.Ư, hiện vẫn còn 268 trẻ đang điều trị, mỗi ngày, BV này vẫn tiếp nhận 20-30 ca sởi biến chứng. Tại BV Bạch Mai, số BN mắc sởi điều trị nội trú vẫn duy trì 70-80 ca/ngày, cao hơn so với thời điểm tháng 2-3, trong đó có 3 BN phải thở máy.
Vào những ngày cuối tháng 4, đã không có thêm ca tử vong do sởi, nhưng trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua, Hà Nội lại thêm 3 trường hợp tử vong do sởi (2 trường hợp ở BV Bạch Mai, 1 trường hợp ở BV Nhi T.Ư), nâng số ca tử vong do sởi lên 133 trường hợp.
PGS-TS Lê Thanh Hải - Giám đốc BV Nhi T.Ư - nhận định: Bệnh sởi hiện tại tuy không bùng phát đáng kể về số lượng bệnh nhân nhưng vẫn xuất hiện những ca sởi biến chứng nặng, diễn biến bệnh lý bất thường... là một điều đáng lo ngại.
Bé Triệu Quang Nam (1 tuổi, ở Hà Nội) đang được y tá BV Bệnh nhiệt đới T.Ư lấy máu xét nghiệm sởi. Ảnh: Hải Nguyễn.
Hiện, tại BV Nhi T.Ư có 268 bệnh nhi sởi thì đều phải điều trị tích cực. Số bệnh nhi phải thở máy, thở ôxy khá nhiều. Tại BV Bạch Mai, hiện có hơn 70 bệnh nhi mắc sởi đang điều trị, trong đó hơn chục bệnh nhi nằm ở phòng điều trị đặc biệt.
TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi - BV Bạch Mai - cho biết, nhiều trẻ diễn tiến bệnh rất nhanh, thậm chí có trẻ đã cai được máy thở thì vài ngày sau phải trở lại thở máy. Vì thế vẫn sẽ có những trẻ tử vong do các biến chứng nặng của sởi.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 133 ca tử vong do sởi chủ yếu là ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc, trong khi đó ở các địa phương phía nam, miền Trung và Tây Nguyên lại chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào do sởi.
Giải thích điều này, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho rằng, số ca tử vong tập trung khi điều trị tại BV, nên nguy cơ lây chéo cao, trên nền BN đã mắc những căn bệnh nặng.
Tay-chân-miệng - chưa có vaccine phòng ngừa
Theo Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM), đã có 2 trường hợp tử vong tại Long An và BRVT, nhiều ca phải điều trị tích cực, thậm chí phải thở máy và lọc máu.
Mặc dù số mắc giảm 20% và số tử vong giảm 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2013, tuy vậy bệnh TCM có số mắc cao tập trung ở khu vực miền Nam với 14.254 trường hợp, tương đương 83,5% tổng số ca mắc trên cả nước. Một số địa phương đã có số mắc tăng cao như TP.Hồ Chí Minh tăng 28,9%, BRVT tăng 34,4%, Cà Mau tăng 15,5%, Kon Tum tăng 69,7%...
Bệnh TCM đã xuất hiện tại 62 địa phương. Tại TPHCM đã có hơn 2.800 trẻ mắc TCM từ đầu năm đến nay, các tuần gần đây, mỗi tuần có khoảng 200 ca mới mắc. Tại Đồng Nai có 1.348 trẻ mắc TCM nhập viện. Trong 2 tuần qua, số ca mắc tăng cao, lên 130 ca/tuần. Tỉnh BRVT có hơn 1.000 trẻ mắc TCM, 1 trẻ tử vong, đã có 47 ổ dịch, trong đó có 4 ổ dịch TCM xuất hiện tại các trường học mầm non và tiểu học...
Các chuyên gia y tế cảnh báo, năm nay bệnh TCM nhiều nguy cơ bùng thành dịch và có thể lặp lại đợt dịch "đỉnh" năm 2011 với 112.000 ca mắc làm 169 trẻ tử vong. Năm nay, bệnh TCM có nguy cơ vướng vào chu kỳ 3 năm có một đợt dịch lớn và nguy hiểm quay lại. Bệnh TCM có nhiều biến chứng nguy hiểm, nếu không phát hiện, xử lý kịp thời rất dễ tử vong. Hơn nữa, bệnh không có thuốc đặc trị và vaccine dự phòng nên bệnh sẽ lây lan rộng.
TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - lo ngại, trong lúc bệnh sởi vẫn đang ghi nhận các ca mắc mới hằng ngày, thì bệnh TCM quay trở lại và các dịch bệnh khác như thủy đậu, sốt xuất huyết cũng đang... vào mùa nên nguy cơ dịch chồng dịch rất có thể xảy ra. Nếu không giám sát chặt các ổ dịch, không kiểm soát được nguồn lây thì có nhiều nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.
Đặc biệt, rất có thể có những trường hợp một bệnh nhi cùng lúc mắc bệnh sởi và TCM. Sau sởi, TCM sẽ là bệnh viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết, dự báo đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ từ tháng 6 đến tháng 10. Tháng 6 đến tháng 8 sẽ là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản ở phía bắc. Nếu gọi sởi là "bão" thì viêm não Nhật Bản là "siêu bão", do mức độ nặng, tỉ lệ tử vong rất cao, ước tính của thế giới là 20-30%.
Theo Báo lao động
Những điều cần biết về bệnh sởi để phòng bệnh tốt nhất Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần nắm được các vấn đề liên quan đến bệnh sởi để có thể phòng bệnh tốt nhất. Theo Cục y tế dự phòng hiện nay ở nước ta dich sởi xảy ra tại 61/63 tỉnh, thành phố, đến ngày 23/4/2014 cả nước ghi nhận 3.569 trường hợp mắc sởi xác định trong số...