Bệnh Parkinson ở người cao tuổi
Bệnh parkinson còn gọi là bệnh liệt rung, là bệnh do suy thoái chức năng của hệ thống thần kinh. Bênh thường gặp ở người trên 50 tuổi và đa số là đàn ông, với tỷ lệ mắc bệnh là 1/500.
Người mắc bệnh Parkinson thường gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và có thể dẫn đến trầm cảm.
Nguyên nhân
Hiện nay y học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson, nhưng nhận thấy ở người mắc bệnh, hàm lượng dopamin trong cơ thể giảm đi đáng kể!
Dopamin là chất dẫn truyền thần kinh thuộc nhóm catecholamin (gồm có: dopamin, noradrenalin, adrenalin) tập trung nhiều ở vùng hạch đáy (basal ganglia) của não. Dopamin đóng vai trò quan trọng trong việc cử động và phối hợp các động tác của cơ thể. Khi các tế bào sản sinh ra dopamin bị thoái hoá hay chết đi, gây nên sự thiếu hụt dopamin trong cơ thể và đây chính là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh parkinson.
Ngoài ra còn có một số yếu tố thuận lợi như:
- Thường tiếp xúc với thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ.
- Có tiền sử về chấn thương vùng đầu, viêm não.
- Có bệnh xơ vữa động mạch…
Triệu chứng
Video đang HOT
Các triệu chứng của bệnh Parkinson thường diễn tiến kéo dài:
- Lúc đầu bị run ở một tay, sau lan ra ở chân cùng bên rồi dần dần run ở cả hai bên.
- Người bệnh thường có tư thế cứng đờ, chậm chạp, khuôn mặt vô cảm, dáng đi khom về phía trước, hay mất thăng bằng.
- Người bệnh gặp khó khăn khi viết chữ, tâm trạng lo lắng thường dẫn đến trầm cảm.
Điều trị
Hiện nay y học vẫn chưa có thể trị hết bệnh Parkinson nhưng giúp ngăn chặn quá trình phát triển bệnh qua các phương pháp sau:
Phương pháp vật lý trị liệu:
Trong giai đoạn đầu của bệnh
Parkinson, viêc ap dun g phương phap vật lý trị liệu giúp cải thiện đáng kể khả năng vận động và nâng đỡ về mặt tinh thần cho bệnh nhân.
Phương pháp dùng thuốc:
Levodopa: đây là thuốc chủ yếu dùng để điều trị bệnh Parkinson và RLS. Việc sử dụng levodopa sẽ giúp cho người bệnh giảm bớt những triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Levodopa là tiền chất của dopamin. Khi vào cơ thể, levodopa vượt qua được hàng rào máu não và chuyên hoá than h dopamin (dopamin không vượt qua được hàng rào máu não nên không thể sử dụng trực tiếp).
Tuy nhiên ở ngoại biên, levodopa bị các enzym decarboxylase chuyển hóa thành dopamin, nên levodopa thường được phối hợp với các chất ức chế enzym này như carbidopa, benserazid với các chế phẩm như: sinemet (levodopa carbidopa), madopar (levodopa benserazid). Đê tăng hiêụ qua điêu trị, levodopa thường được phối hợp với các thuốc sau đây:
- Amantadin là thuốc điều trị virut cúm týp A2 nhưng còn đuợc sử dụng trong điều trị bệnh Parkinson.
Amantadin giúp kích thích sự phóngthích dopamin nội sinh.
- Các thuốc chủ vận dopamin (dopamine agonists) gồm cóbromocriptin, pergolid, pramipexole…kích thích trực tiếp lên các thụ thểdopaminergic.
- Các thuốc kháng tiết cholin: gồm có trihexyphenidyl, benzatrophine, procyclidine… Hiện nay các thuốc này ít được sử dụng trong điều trị bệnh Parkinson.
Phương pháp ngoại khoa Phương pháp ngoại khoa được sử dụng khi các phuwong pháp trên không mang lại hiệu quả điều trị như mong muốn. Việc phẫu thuật não sẽ cải thiện đáng kể các triệu chứng run, cứng đơ… của người mắc bệnh Parkinson.
Theo SKDS
Tin vui cho bệnh nhân Parkinson
Căn phòng nhỏ chỉ có hai người. Trên giường là một nữ bệnh nhân vừa trò chuyện với chồng, vừa cố gắng gồng cả thân thể để áp chế sự hoạt động liên tục của tứ chi.
Người chồng thấy vợ "khua chân, múa tay" quá khổ sở, ông tiến đến định giúp bà. Nhưng người vợ xua tay: bà muốn tự mình giữ ổn định hai bàn chân với đôi cánh tay lúc nào cũng run bần bật. Người phụ nữ không may đó là bà Cao Thị Tuyên, 63 tuổi ngụ ở Gò Vấp, TP.HCM, bị bệnh Parkinson đã 15 năm.
Ước một ngày không run lẩy bẩy
Thời kháng chiến, bà Tuyên tham gia đội ngũ dược sĩ pha chế dịch, thuốc phục vụ chiến trường. Năm 1976, bà lập gia đình cùng với ông Nguyễn Thanh Đông, cũng là quân nhân. Rồi vợ chồng bà sinh được hai người con thông minh, hiếu thảo. Cuộc sống sẽ viên mãn nếu bà không mắc bệnh Parkinson, thể run.
Bà Tuyên thổ lộ: "Trước khi biết mình mắc bệnh Parkinson, tôi từng bị phẫu thuật đường ruột, cắt túi mật. Cả hai lần phẫu thuật đều gây mê, có lẽ ảnh hưởng nhiều đến vùng não. Đến năm 1998, hai tay tôi tự dưng run nhè nhẹ, sau đó diễn tiến liên tục. Tôi đi khám ở một trung tâm chức năng, bác sĩ bảo tôi bị Parkinson. Lúc đó tôi không rõ bệnh này như thế nào, khi nghe bác sĩ giải thích, nước mắt tôi lăn dài. Tôi khóc vì khi đó hai đứa nhỏ còn tuổi ăn, tuổi học, nếu tay chân run lẩy bẩy thì làm sao nuôi sống gia đình".
Vợ chồng bà Tuyên - ông Đông tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Mỗi lần lên cơn run, bà Tuyên kể rằng cả cơ thể bà như có búa đập vào các xương khớp, càng run thì càng đau nhức khó chịu. Đã vậy, năm 2006, ông Đông chẳng may bị tai nạn giao thông vỡ lách, giập tuỵ, gãy xương sườn. Trước giờ mỗi lần đau, bà Tuyên chỉ biết dựa vào chồng, giờ tự bản thân bà phải làm chỗ dựa cho cả hai. Vượt qua bệnh tật của mình, bà nén cơn đau, kiềm chế những cơn run, nấu cháo mang cho chồng, vệ sinh tắm rửa cho ông trong khả năng có thể. Cũng từ đó, bệnh của bà Tuyên ngày một nặng. Từ những cơn run từng hồi, giờ bệnh cứ diễn tiến liên tục, cả cơ thể cứ run bần bật, đến lúc bà mệt nhoài, nằm vật ra, chân tay vẫn "múa" liên hồi. Bà Tuyên kể lại những lần đớn đau: "Tôi nào có được ngủ ngon giấc, cả cơ thể như con lật đật, bần bật cả đêm. Còn gì tồi tệ hơn khi hai tay tôi không cầm được cả những vật nhẹ nhất như cái lược, đôi đũa. Cơ thể tàn tạ dần. Những cơn đau cứ khiến mồ hôi đầm đìa cả áo quần, chồng và các con tôi lại phải thay nhau vệ sinh, giặt giũ cho tôi. Sáu năm qua, tôi như sống trong địa ngục".
Cuộc sống đã sang trang
Đến đầu tháng 4.2012, bà Tuyên được các bác sĩ bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM gọi vào. Và một tin vui bất ngờ: trường hợp của bà đã được bác sĩ đồng ý điều trị phẫu thuật với kỹ thuật mới đưa từ nước ngoài về. Bà Tuyên hào hứng kể: "Không biết lần này có thành công hay không, nhưng nghe mình được điều trị là tôi như "bắt được vàng". Sau khi thăm khám, sức khoẻ bà Tuyên đã đủ điều kiện để trải qua một cuộc đại phẫu.
Vào ngày 11.4 vừa qua, bà đã được phẫu thuật kích thích điện não sâu để điều trị bệnh Parkinson. PGS.TS.BS Nguyễn Thi Hùng, giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương, phó chủ tịch hội Thần kinh TP.HCM, người chủ trì ca phẫu thuật cho bệnh nhân Tuyên, cho biết: "Chương trình phẫu thuật được kết hợp giữa bệnh viện Nguyễn Tri Phương với các chuyên gia nước ngoài nhằm chuyển giao kỹ thuật tại chỗ. Ca mổ kéo dài chín giờ. Bệnh nhân được cố định đầu bằng một khung stereo tactic.
Bác sĩ sẽ chụp cộng hưởng từ và CT scan sọ não bệnh nhân, và xử lý qua vi tính để xác định đúng vị trí của các nhân trong não gây ra triệu chứng bệnh. Điện cực được gắn qua thăm dò của hình ảnh CT và MRI. Khi điện cực chạm đến vị trí của nhân não gây bệnh, các tế bào thần kinh tại đó sẽ phát ra tín hiệu đặc biệt và được xác định qua âm thanh, hình ảnh trên máy vi tính đặc hiệu. Bác sĩ sẽ cử động tay chân người bệnh để kiểm tra xem đúng vị trí chưa. Khi đã đúng vị trí, bác sĩ mới nối dây điện cực với pin phát xung điện được lắp đặt ở vùng ngực của bệnh nhân. Các triệu chứng của bệnh nhân sẽ được cải thiện ngay lập tức khi pin hoạt động".
Một tuần sau phẫu thuật, người viết trở lại thăm bà Tuyên. Tay, chân của bà vẫn còn hoạt động thái quá, nhưng bà kể lại khi khoé mắt vẫn còn rưng rưng: "Bệnh của tôi đã giảm đến 70%. Tôi có thể đi lại một cách từ từ, tự xúc ăn, tự thay đồ cho mình được rồi. Cơ man nào là vui mừng cô ơi!" Niềm vui đó cũng dâng trào trong ánh mắt người chồng và các con bà Tuyên. Họ sẽ không còn đau khi nhìn thấy bà vật vã từng cơn run.
PGS.TS.BS Nguyễn Thi Hùng, giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM: Tin vui cho bệnh nhân Parkinson Trong hai ngày 11 - 12.4, ngoài bà Tuyên, bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã phẫu thuật điều trị thành công bằng kỹ thuật kích thích điện não sâu (DBS - Deep Brain Stimulation) cho một bệnh nhân 71 tuổi ở Phú Nhuận. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam, các nước Âu, Mỹ đã sử dụng từ năm 1998, dành cho những bệnh nhân giai đoạn không còn đáp ứng với thuốc, loạn trương lực cơ toàn thể và run vô căn. Một tuần sau mổ, các bác sĩ thần kinh đã chỉnh cường độ, tần số xung của dòng điện kích thích, cho hệ thống pin kích hoạt. Loại pin này sẽ được thay sau bốn, năm năm sử dụng.
Các bệnh nhân sau phẫu thuật đã giảm hẳn các triệu chứng cứng đơ, vô động, run vô căn 60 - 80%, và giảm hẳn liều thuốc từ mười viên xuống còn ba viên mỗi ngày. Đây là một đột phá trong khoa học kỹ thuật ở Việt Nam, cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Chi phí của phẫu thuật giảm phân nửa so với nước ngoài, và hy vọng sẽ tiếp tục giảm về sau.
Theo Nguyễn Cao (Sài gòn tiếp thị)
Các bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi Phổ biến nhất là chứng tai biến mạch máu não do tắc mạch, lấp mạch gây nhồi máu hoặc thiếu máu não cục bộ. Ngoài ra còn có hiện tượng chảy máu màng não, viêm màng não do mủ hoặc lao và bệnh Parkinson. Các triệu chứng lâm sàng của các bệnh thần kinh ở người cao tuổi - Điển hình nhất là...