Bệnh nhân tim mạch ‘mất hút’ trong đại dịch
Nhiều bệnh nhân dù bị đột quỵ hoặc đau tim cũng ngần ngại gọi cấp cứu bởi sợ lây nhiễm nCoV nếu nhập viện.
Bishnu Virachan là nhân viên giao hàng cho một hiệu tạp hoá ở Queens. Kể từ khi thành phố New York bị phong toả, ông bận rộn hơn bao giờ hết. Đầu tháng 4, khi đang xem TV, ông cảm thấy nhói đau ở ngực. Dù lo lắng, ông quyết định không gọi cấp cứu. Đối với người đàn ông 43 tuổi, tới bệnh viện lúc này thậm chí còn đáng sợ hơn.
“Tôi có thể làm gì được đây? Virus ở khắp mọi nơi”, ông nói.
Sau vài ngày, cơn đau trở nên dữ dội. Virachan buộc phải tới Bệnh viện Mount Sinai, Manhattan. Khi đó, động mạch vành bên trái của ông gần như tắc nghẽn hoàn toàn.
Virachan phải tiến hành phẫu thuật khi tim đã rất yếu. Bác sĩ cho biết nếu trì hoãn lâu hơn, có thể ông đã chết.
Y bác sĩ tại Bệnh viện Sharp Grossmont, Mỹ điều trị cho bệnh nhân cao huyết áp hôm 21/4. Ảnh: Shutterstock
Nghiên cứu sơ bộ cho thấy nỗi sợ Covid-19 khiến nhiều bệnh nhân nguy kịch như đột quỵ hoặc đau tim ngần ngại gọi cứu thương. Theo đội ngũ bác sĩ tại các trung tâm y tế trong thành phố, số bệnh nhân cấp cứu không nhiễm nCoV giảm còn một nửa giữa đại dịch. Trong khi đó khoa tim mạch hoặc đột quỵ gần như trống rỗng. Các chuyên gia lo ngại nhiều người sẽ chết vì bệnh khác trước khi mắc Covid-19.
Báo cáo công bố ngày 6/4 của các bác sĩ tim mạch tại 9 trung tâm y tế lớn cho thấy kể từ ngày 1/3, số bệnh nhân nhập viện vì đau tim nghiêm trọng, cần can thiệp động mạch, giảm 38%. Có những ngày khoa điều trị mạch vành 24 giường của Trung tâm Y tế Cleveland chỉ tiếp nhận 7 bệnh nhân. Thông thường ở đây không có chỗ trống.
Video đang HOT
“Vậy thì họ đâu rồi? Điều này hoàn toàn không bình thường”, tiến sĩ Steven Nissen, bác sĩ tim mạch tại Trung tâm Y tế Cleveland, đặt vấn đề.
Để giải đáp điều này, ông kể về một bệnh nhân sống tại Cleveland. Trong một lần chống đẩy, người đàn ông cảm thấy tức ngực, song không muốn đến bệnh viện vì sợ tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19. Anh quyết định ở nhà một tuần, sức khoẻ yếu đi nhanh chóng. Ngày 16/4, anh nhập viện trong tình trạng kiệt sức và phù nề chân. Cơn đau tim đơn giản đã tiến triển thành tình trạng đe doạ đến tính mạng. Người bệnh sống sót sau khi thực hiện phẫu thật, song phải thở máy gần một tuần ở khu hồi sức tích cực (ICU).
Khoa điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế Đại học Stanford cũng gặp vấn đề tương tự. Thông thường bệnh viện đón 12 đến 15 bệnh nhân một ngày. Tuy nhiên trong tháng 4, có những ngày không ai nhập viện. Giám đốc Gregory Albers cho biết đây là điều chưa từng thấy.
“Thật đáng sợ. Chúng tôi chuẩn bị tinh thần cho lượng lớn bệnh nhân, nhưng điều đó chẳng xảy ra”, ông Albers nói.
Theo bác sĩ Samin Sharma, người đứng đầu phòng thí nghiệm thông tim tại Bệnh viện Mount Sinai, số bệnh nhân đau tim đã giảm từ 7 người xuống còn ba người kể từ tháng 2 đến tháng 3. Tháng 4, khoa chỉ tiếp nhận hai bệnh nhân.
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Mỹ. Tiến sĩ Valentin Fuster, biên tập viên của Tạp chí Tim mạch Mỹ, cho biết ông nhận được báo cáo từ khắp nơi trên thế giới về sự “khan hiếm bệnh nhân đau tim” trong dịch Covid-19.
Bệnh viện Jaipur, Ấn Độ tiếp nhận 45 người bệnh vào tháng 1. Con số này giảm xuống còn 32 trong tháng 2. Tháng 4, bác sĩ chỉ điều trị cho 6 bệnh nhân.
Bệnh nhân Covid-19 tại New York ngày 20/4. Ảnh: AP
Các chuyên gia tại Áo ước tính trong tháng 3, 110 người đã chết vì đau tim do không nhập viện. Trong khi đó số ca tử vong do Covid-19 chỉ là 86.
“Tôi rất lo lắng xu hướng này sẽ tạo ra hệ luỵ lâu dài về sức khoẻ cộng đồng”, Tiến sĩ Richard A. Chazal, giám đốc y tế Viện Tim mạch Lee Health, Florida, Mỹ, nhận định.
Bà cũng nêu khả năng chế độ ăn uống, luyện tập và điều kiện không khí trong lành khiến người dân ít mắc bệnh nan y hơn. Như vậy số người nhập viện do tim mạch hoặc đột quỵ thực sự giảm xuống. Song các chuyên gia khác tỏ ra nghi ngờ giả thuyết này. Tiến sĩ Steven Nissen thậm chí cho rằng các bệnh nhân đang ăn uống quá bừa bãi và không bằng chứng nào cho thấy họ có thói quen tập thể dục đều đặn.
Hiện chưa thể kết luận vì sao số lượng bệnh nhân tim mạch và đột quỵ giảm rõ rệt trong đại dịch. Song hoàn toàn thấy được tâm lý “sợ bệnh viện” ở những người quyết định gọi cấp cứu, dù muộn màng.
Kaplana Jain là một phụ nữ sinh sống tại Cresskill, New Jersey. Ngày 18/4, bà đột nhiên ngã gục trong khi đang đi vào phòng tắm. Nhận thấy lượng đường huyết tăng cao, gia đình quyết định gọi cấp cứu. Khi nhân viên y tế có mặt, Jain nói bà không muốn đến bệnh viện.
“Tôi rất sợ nhiễm Covid-19″, người phụ nữ 60 tuổi khẩn khoản.
Kết quả điện tâm đồ cho thấy bà bị đau tim và phải can thiệp động mạch. Jain may mắn thoát chết. Song bác sĩ cho biết nếu không sớm đến bệnh viện, có thể bà đã không qua khỏi.
Thục Linh
Bóc khối u trung thất nặng đến 1 kg, cứu nam thanh niên 20 tuổi thoát chết
Chiều 22.4, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM cho hay đã phẫu thuật thành công lấy khối u trung thất cực lớn lên đến hơn 1kg cho một nam thanh niên 20 tuổi.
Bệnh nhân N.N.N. (20 tuổi, ngụ Đồng Nai) đang tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 - Ảnh: BVCC
BS.CK2 Dương Văn Mười Một - Phó khoa Phẫu thuật tim - Lồng ngực mạch máu, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết nam thanh niên là anh N.N.N. (20 tuổi, ngụ Đồng Nai). Bệnh nhân còn rất trẻ và tiền căn chưa ghi nhận bệnh lý bất thường. Ngày nhập viện anh N cảm thấy nhói ngực, nhất là khi ho nên đã đến bệnh việm kiểm tra.
Tại đây, bác sĩ chỉ ghi nhận bệnh nhân than đau ngực nhẹ, ngoài ra không có triệu chứng gì bất thường. Tuy nhiên, bất ngờ, khi chụp CT scan ngực có cản quang, các bác sĩ phát hiện một khối choán chỗ đậm độ thấp vùng trung thất trước, kích thước khoảng 8.5 x 8 x 6 cm, giới hạn rõ, bắt thuốc tương phản kém không đồng nhất sau tiêm, chèn ép nhẹ thân động mạch phổi.
Ngay sau đó, bệnh nhân tiếp tục siêu âm Doppler tim thì phát hiện 1 cấu trúc ngoài tim, hồi âm dày khá đồng nhất, chèn ép nhẹ thân động mạch phổi. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị u trung thất trước trên chèn ép mạch máu lớn và được chỉ định phẫu thuật.
Theo bác sĩ Một, trong quá trình phẫu thuật, khi tiến hành mở ngực trái, ê kíp mổ phát hiện khối u to, có kích thước 10x10 cm, xâm lấn, chèn ép động mạch chủ, tĩnh mạch chủ. Các bác sĩ tiến hành cắt toàn bộ u. Khối u trung thất được đưa ra ngoài nặng đến hơn 1kg. Bác sĩ tiến hành đóng ngực, đồng thời gửi khối u để giải phẫu bệnh.
"Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, bệnh nhân hồi phục tốt. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, sinh hiệu ổn, ăn uống được, không còn nhói ngực, vết mổ khô, lành tốt", bác sĩ Một cho hay.
Các bác sĩ ở đây cho biết, đây là trường hợp một bệnh nhân trẻ, diễn tiến bệnh âm thầm, may mắn đã được phát hiện và phẫu thuật kịp thời, nếu để khối u tiếp tục phát triển sẽ chèn ép các mạch máu lớn và các tạng quan trọng gây nguy hiểm đến tính mạng.
"Người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ, kể cả người trẻ tuổi để phát hiện sớm các bệnh lý, đặc biệt là u trong lồng ngực, thường có diễn tiến âm thầm, để được phát hiện và xử trí kịp thời", bác sĩ Một khuyến cáo.
Hồ Quang
Ho, đau ngực, khó thở khi gắng sức... triệu chứng của bệnh gì? Khi có triệu chứng khi gắng sức, mệt mỏi do giảm cung lượng tim, ho, đau ngực, đái ít... rất có thể bạn đang bị suy tim. Suy tim là biến chứng chung của tất cả các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, bệnh van tim... Mặc dù suy tim là một bệnh mạn tính khó có thể chữa khỏi hoàn toàn,...