Bệnh nhân Covid-19 sáng chế máy rửa tay tự động khi nằm điều trị
Chiếc máy tính cá nhân vẫn luôn sáng điện cả ngày. Giường bệnh trở thành bàn làm việc. Tiến sĩ Dũng đã khiến hơn 1 tháng điều trị trong khu cách ly của mình trở nên vô cùng ý nghĩa.
Tiến sĩ Hàn Huy Dũng vừa cùng những người bạn của mình sáng chế thành công sản phẩm máy rửa tay tự động, chuẩn bị đưa ra sản xuất trên diện rộng. Sản phẩm được đánh giá rất có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay, khi dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp ở nước ta.
Sự ra đời của chiếc máy này trở nên đặc biệt hơn khi anh Dũng tham gia công việc thiết kế ngay trên giường bệnh, trong những ngày anh điều trị cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2.
Tiến sĩ Hàn Huy Dũng là Phó Bộ môn Điện tử và Kỹ thuật máy tính, Viện Điện tử Viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng là một trong những bệnh nhân Covid-19 được ghi nhận tại Việt Nam.
Tiến sĩ Hàn Huy Dũng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh
Tiến sĩ Dũng chia sẻ, ngay thời điểm Tết Nguyên Đán, khi Việt Nam ghi nhận những ca Covid-19 đầu tiên, anh đã có mong muốn vận dụng hiểu biết của mình để thiết kế những sản phẩm hữu dụng, có ích trong công cuộc chống dịch.
Nhận thấy rửa tay là biện pháp phòng bệnh hàng đầu, anh Dũng cùng nhóm học trò của mình dần lên ý tưởng về thiết bị rửa tay không chạm, loại máy giúp việc làm sạch tay trở nên thuận tiện và an toàn hơn. Tuy nhiên, sản phẩm mới chỉ dừng lại ở thiết kế đơn giản, chưa thể tối ưu và sản xuất diện rộng và mang mục đích giáo dục.
Ngày 14/3, Tiến sĩ Dũng từ Anh về Việt Nam sau một khóa học ngắn hạn. Đến ngày 18/3, anh nhận tin dương tính virus SARS-CoV-2 và được chuyển cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Trong những ngày ở bệnh viện, anh Dũng xuất hiện khá nhiều triệu chứng. Ban đầu, anh đau người giống như bệnh cúm, nơi cổ họng có cảm giác ngứa râm ran. Sau đó, cả cơ thể luôn trong trạng thái mỏi nhừ.
Điều khó khăn nhất mà anh Dũng phải đối mặt những ngày bệnh trở nặng là cơn đau kéo từ nửa đầu sang hai hốc mắt cùng những trận sốt cao suốt nhiều ngày. Khứu giác luôn có kèm một mùi ẩm mốc rất lạ cũng khiến anh Dũng khó ăn uống hơn.
Sự động viên từ các y bác sĩ là một trong những nguồn động lực giúp anh Dũng vượt qua giai đoạn mệt mỏi nhất. Biết anh Dũng khó ăn uống, mỗi buổi tối, các bác sĩ lại vào phòng và hỏi anh muốn thay đổi thực đơn thế nào để họ đem đến vào hôm sau. Chỉ hành động nhỏ này cũng khiến anh Dũng rất cảm động.
Video đang HOT
Anh Dũng bảo, các triệu chứng của anh khá nhẹ nên các bác sĩ có thể nhàn hơn. Tuy nhiên, với những ca bệnh nặng, nhân viên y tế phải chăm sóc từng chút một, vô cùng vất vả. Những hình ảnh ấy khiến suy nghĩ cần phải làm gì đó lại một lần nữa thôi thúc người giảng viên.
Nhớ lại thời gian ở bên Anh, sân bay Nội Bài, khi ở khu cách ly tập trung hay chuyển tới bệnh viện, anh Dũng nhận thấy rất nhiều nơi đặt các dung dịch rửa tay khô. Thế nhưng, việc làm sạch tay theo cách này hay bằng vòi nước thông thường đều có nhược điểm là ít nhất 1 ngón tay vẫn phải chạm vào bình chứa dung dịch. Khi ấy, bàn tay hoàn toàn có thể trở thành nguồn lây lan virus.
Ý tưởng về chiếc máy rửa tay tự động dần xuất hiện trở lại trong tâm trí anh. Tiến sĩ Dũng chia sẻ, sản phẩm máy rửa tay không chạm hiện có nhiều ở nước ngoài, tuy nhiên giá thành khá cao, những sản phẩm giá thấp thì lại không đảm bảo chất lượng.
Tại Việt Nam, ngoài anh Dũng và nhóm sinh viên, nhiều nhóm nghiên cứu khác cũng đã thực hiện sản phẩm này nhưng chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản, nhỏ lẻ.
“Nếu có thể thiết kế, sản xuất diện rộng máy rửa tay không chạm ngay tại Việt Nam với chất lượng cao, giá thành hợp lý thì thật tốt. Khi ấy, chúng ta có thể giảm thiểu nhiều hơn nguy cơ lây nhiễm bệnh tại nơi công cộng, từ đó bớt đi gánh nặng cho các nhân viên y tế”, anh Dũng tự nhủ.
Tiến sĩ Dũng làm việc ngay trên giường bệnh, cùng những người bạn của mình sáng chế máy rửa tay tự động
Suy nghĩ này đã được anh tâm sự với hai người bạn thân, là Tiến sĩ Dương Tuấn Hưng (Viện Hoá học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) và Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước Nguyên, giám đốc công ty sản xuất xe máy điện Selex.
Ngay lập tức, anh Dũng nhận được sự hưởng ứng từ những người bạn của mình.
“Họ từ lâu luôn mong có thể đóng góp điều gì đó cho cộng đồng. Nghe tôi kể về các câu chuyện đã trực tiếp chứng kiến trong bệnh viện, họ lại càng muốn được thực hiện hơn. Chúng tôi chính thức bắt tay vào việc chỉ sau một vài ngày suy nghĩ, bàn bạc”, anh Dũng chia sẻ.
Có rất nhiều công đoạn để biến từ ý tưởng thành một chiếc máy rửa tay hoàn chỉnh, bao gồm việc lên định hướng về đối tượng sử dụng, hoàn cảnh sử dụng; sau đó thiết kế cơ khí, mạch điện tử, dung dịch sát khuẩn; rồi thiết kế vỏ máy, kiểu dáng công nghiệp.
Việc liên hệ nơi sản xuất linh kiện để chọn ra các linh kiện có chất lượng tốt nhất với giá thành hợp lý cũng vô cùng quan trọng. Sản phẩm mẫu cũng được thử đi thử lại trong nhiều ngày để đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật. Trong trường hợp một số thông số không đạt yêu cầu, cả nhóm phải thực hiện việc thiết kế lại.
Ngoài anh Dũng và 2 người bạn, còn có nhiều kỹ sư khác thuộc công ty của Tiến sĩ Nguyên tham gia vào việc sản xuất chiếc máy này. Nhiệm vụ chính của anh Dũng trong nhóm là tư vấn và chốt thiết kế về mạch điện tử. Bên cạnh đó, anh cũng tham gia đóng góp ý kiến ở tất cả các công đoạn khác trong quy trình sản xuất.
Anh Dũng thừa nhận, những ngày bệnh trở nặng với cơn sốt, đau đầu kéo dài khiến anh khó khăn hơn trong việc thao tác công việc. Tuy nhiên, anh vẫn luôn cố gắng tham gia thiết kế cùng với những người bạn của mình.
“Đúng là hôm nào mệt, tôi làm việc chậm hơn một chút, tuy nhiên những hôm khỏe sẽ lại đẩy nhanh tiến độ. Sự quyết tâm phải sớm hoàn thiện sản phẩm đã giúp tôi quên hết mệt mỏi. Có những hôm, chúng tôi làm việc tới tận nửa đêm để chốt thiết kế”, anh Dũng chia sẻ.
Anh tâm sự thêm, khó khăn lớn nhất không đến từ vấn đề sức khỏe mà do anh phải làm mọi việc từ xa, không thể trực tiếp cảm nhận sản phẩm. “Tôi chỉ có thể tự mình hình dung chiếc máy sẽ chạy như thế nào chứ không được trực tiếp kiểm chứng. Tuy nhiên, thành viên trong nhóm nghiên cứu đều là những người rất giỏi nên tôi hoàn toàn yên tâm”, anh Dũng nói.
Sau khoảng 1 tháng, những sản phẩm mẫu đầu tiên của nhóm đã được thiết kế hoàn chỉnh. Tiến sĩ Dũng cho biết, đầu tháng 5 tới đây, sản phẩm máy rửa tay tự động này sẽ được đưa vào sản xuất với quy mô lớn để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Máy bên phải: bản mẫu thiết kế chức năng rửa tay khi chưa có thiết kế kiểu dáng; Máy ở giữa: bản mẫu với vỏ được in bằng máy in 3D; Máy bên trái: sản phẩm cuối cùng với đầy đủ kiểu dáng và chức năng
Anh Dũng dự định tặng khoảng 20 chiếc máy cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nơi anh đang điều trị và Trường ĐH Bách khoa, nơi anh công tác. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm sẽ tặng máy rửa tay không chạm cho trường học, bệnh viện và địa điểm công cộng khác khi số lượng bán ra đạt mức nhất định.
Tiến sĩ Hàn Huy Dũng đã được công bố khỏi bệnh vào giữa tháng 4 và đang trong quá trình theo dõi sức khỏe. Ở khu cách ly bệnh nhân sau khỏi bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, anh Dũng vẫn ngày ngày làm việc trên giường bệnh của mình.
Sau khi sáng chế thành công máy rửa tay tự động, anh đem những kỹ thuật mình đã nghiên cứu hướng dẫn lại cho sinh viên để thế hệ sau tiếp tục phát triển các sản phẩm tương tự.
Anh Dũng coi nghiên cứu khoa học là một phần của cuộc sống. Trước khi thực hiện máy rửa tay không chạm, anh đã từng cùng các đồng nghiệp của mình thiết kế rất nhiều sản phẩm hữu dụng khác như máy đo chất lượng không khí, máy đo điện tim, máy đo điện cơ và hợp tác với các trường Đại học và các công ty Mỹ và Việt Nam.
“Tôi rất vui vì đã phần nào đóng góp cho cộng đồng bằng những hiểu biết của mình. Sáng chế về máy rửa tay tự động lần này là một trong những nghiên cứu đáng nhớ, ý nghĩa nhất với tôi”, anh Dũng chia sẻ.
Thầy trò ĐH Sư phạm sáng chế máy rửa tay tự động
Để phòng chống dịch COVID - 19, các giảng viên, sinh viên ĐH Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã sáng chế máy rửa tay sát khuẩn tự động và lắp đặt tại các chợ lớn ở Đà Nẵng để người dân dùng.
Máy rửa tay sát khuẩn tự động đặt ở cổng chính chợ lớn thành phố Đà Nẵng Ảnh: G.T
ĐH Sư phạm vừa lắp đặt và bàn giao 6 máy rửa tay sát khuẩn tự động tại chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Mới và chợ Hòa Khánh.
Ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, cho biết, máy được đặt tại cổng chính của chợ để phục vụ người dân và tiểu thương. Các giảng viên và sinh viên khoa Lý, khoa Hóa - ĐH Sư phạm nghiên cứu và sản xuất máy rửa tay.
Máy được thiết kế với kết cấu nhỏ gọn (cao 50cm, dài 45cm, rộng 30 cm), tiện lợi cho việc di chuyển và lắp đặt ở những địa điểm công cộng, đông người ra vào. Máy hoạt động dựa trên hệ thống cảm biến tự động, tương tự các máy sấy khô tay được sử dụng phổ biến hiện nay.
Khi đưa lòng bàn tay vào gần vòi xịt (phía dưới cảm biến), hệ thống cảm biến tự động kích hoạt và phun ra một lượng dung dịch vừa đủ cho một người dùng. Với dung tích bình chứa lên tới 10 lít, máy có thể sử dụng cho khoảng 2.000 lượt rửa tay. Dung dịch sát khuẩn tay cũng do sinh viên, giảng viên ĐH Sư phạm pha chế, an toàn cho người sử dụng.
"Sáng chế này giúp cho mọi người hạn chế việc phải đụng chạm vào thân hoặc vòi xịt khi sử dụng các loại chai rửa tay thông thường, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp qua tay. Với dung tích lớn, máy rất phù hợp để lắp đặt tại các khu vực công cộng, nhiều người qua lại", anh Trương Trung Phương, Bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, nói. Thời gian tới, ĐH Sư phạm tiếp tục sản xuất máy rửa tay sát khuẩn và pha chế dung dịch để lắp đặt miễn phí tại các địa điểm công cộng.
Giang Thanh
Đôi bạn trẻ chế tạo máy rửa tay tự động chung sức chống dịch Covid-19 Một đôi bạn trẻ quê Phú Thọ đã chế tạo thành công máy rửa tay tự động chung sức chống dịch Covid-19. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhóm bạn trẻ ở Thị trấn Phong Châu (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) đã hưởng ứng tinh thần từ lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ "người có tiền...