Bệnh hô hấp vào mùa
Thời tiết thay đổi, chuyển từ nắng sang mưa, đồng thời vào mùa nhập học là thời điểm thuận lợi cho các bệnh lý hô hấp gia tăng ở trẻ em.
Tại các bệnh viện (BV) nhi ở TP.HCM hiện nay, số lượng bệnh nhi khám bệnh hô hấp đang có dấu hiệu tăng dần đều. Dự báo số lượng bệnh nhi mắc các bệnh lý hô hấp sẽ ngày càng gia tăng khi bước vào những tháng sắp tới, đặc biệt là tháng 9, tháng 10.
Bệnh có xu hướng tăng
Tại BV Nhi đồng 1, chăm sóc bé Phạm Hồng Ngọc (hai tuổi, ngụ Tiền Giang) tại khoa hô hấp, chị Nguyễn Hồng Trinh (28 tuổi) cho biết bé ho nhiều, có đàm nhưng trị ở địa phương không đỡ nên lên TP.
“Mấy hôm nay thời tiết cứ thay đổi thất thường, ngày hôm trước thì nắng nóng, qua hôm sau chuyển lạnh và có mưa, người lớn cũng muốn đổ bệnh, huống gì là con nít. Ở nhà tôi, ngoài bé này ra thì ông bà bé cũng mắc cảm, ho. Xung quanh hàng xóm mấy bé nhỏ cũng bị như vậy” – chị Trinh kể.
Nằm khoa nội tổng hợp đã được một tuần nhưng bé Nguyễn Tuấn Khải (2,5 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM) vẫn còn thỉnh thoảng ho. Bà Trương Thị Kim Thoa (56 tuổi, bà nội bé) cho biết bé sinh non nên thời tiết thay đổi là hay bị viêm họng, cảm, sốt, đợt này bé bị bệnh nặng nhất. “Bác sĩ cho biết cháu tôi bị viêm phổi, cha mẹ thằng nhỏ không nghỉ được lâu nên tôi phải vào ở BV phụ chăm sóc cháu” – bà Thoa kể.
Theo số liệu thống kê của BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), kể từ tháng 6 đến nay, số lượng bệnh nhi khám bệnh và nằm viện do đường hô hấp có xu hướng tăng. Từ đầu tháng 8 đến nay BV ghi nhận hơn 30.000 lượt khám bệnh hô hấp, hiện tại có 1.300 ca nằm viện. BV dự báo theo diễn tiến mọi năm, số ca mắc bệnh hô hấp sẽ nhích dần và cao điểm sẽ rơi vào tuần thứ 38, 39 trong năm, tức tầm tháng 9, tháng 10.
Tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), gần cửa ngõ các tỉnh miền Đông Nam bộ, số lượt khám bệnh lý hô hấp cũng chiếm chủ yếu trong tổng số lượt khám bệnh trong ngày. Các bệnh lý hô hấp trẻ thường gặp là ho, sốt, sổ mũi, viêm mũi, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản.
Video đang HOT
Trẻ được cha mẹ đưa đi khám bệnh hô hấp tại khoa hô hấp BV Nhi đồng 1, TP.HCM. Ảnh: HL
Không phải ho nhiều là bệnh nặng
TS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa hô hấp BV Nhi đồng 1, nhận xét thời tiết giao mùa chuyển từ nắng gắt sang mưa là thời điểm thuận lợi cho nhiều mầm bệnh phát sinh.
Ngoài ra, cơ thể trẻ em, nhất là dưới năm tuổi, khả năng đề kháng và chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài hạn chế nên trẻ rất dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh liên quan đường hô hấp. Với thời tiết thay đổi đột ngột và thời gian trẻ bắt đầu nhập học tiếp xúc trong môi trường tập thể, các bậc phụ huynh cần quan tâm phòng bệnh cho con.
Đối với trẻ nhỏ còn đang bú mẹ, nhất là dưới sáu tháng tuổi, nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn và kéo dài càng lâu càng tốt để tăng sức đề kháng cho bé.
Ngoài ra, phụ huynh nên lưu ý chủng ngừa phòng bệnh viêm phổi cho con. Khi thời tiết trở mưa, lưu ý cho trẻ ăn mặc đủ ấm, tránh nơi gió lùa. Bên cạnh đó, biện pháp rửa tay đơn giản nhưng hiệu quả được khuyến khích.
Tiếp theo đó, cần tránh cho trẻ tiếp xúc gần gũi với người khác đang mắc bệnh cảm, ho thông thường. Đặc biệt, các bé sơ sinh, sinh non, có bệnh mạn tính càng cần được chú ý bảo vệ vì khi mắc các bệnh lý hô hấp, bệnh dễ diễn tiến nặng hơn ở các đối tượng này.
Theo BS Tuấn, mắc các bệnh đường hô hấp đa phần sẽ tự khỏi sau 10 ngày, tuy nhiên có một số tình huống cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay như bé ngủ li bì, không thể lay gọi, ăn được bao nhiêu nôn hết bấy nhiêu, không bú được, co giật, thở lõm ngực, khó thở, thở nhanh, sốt cao liên tục trên 39 độ kéo dài trên hai ngày, ho ra máu, ho ra đờm đục… Với những dấu hiệu này có khả năng trẻ không chỉ mắc bệnh lý hô hấp mà còn mắc các bệnh nguy hiểm khác.
Ngoài ra, theo BS Tuấn, có một hiểu lầm khá phổ biến là bệnh hô hấp có liên quan đến việc ho ít hay ho nhiều, ho ít là bệnh nhẹ, còn ho nhiều là bệnh nặng. “Trên thực tế, bé ho ít hay ho nhiều không phản ánh mức độ bệnh nặng mà quan trọng là bé thở ra sao. Bởi lẽ các trường hợp bệnh đường hô hấp dưới là bệnh nặng nhưng bé ho rất ít. Đối với bệnh đường hô hấp trên, bé ho nhiều hơn nhưng đa phần bệnh nhẹ do các thụ thể làm khởi phát phản xạ hô hấp đa phần nằm ở đường hô hấp trên. Khi ho không có dấu hiệu nguy hiểm, nhịp thở của bé sẽ còn nếu bé khó thở, thở nhanh hơn bình thường thở co rút lồng ngực là bệnh đang có dấu hiệu nặng, cần lưu tâm hơn” – BS Tuấn khuyến cáo.
Dưới hai tuổi cẩn thận với virus RSV
Theo những nghiên cứu gần đây, virushợp bào hô hấp hay còn gọi là RSV là tác nhân gây bệnh đường hô hấp trên và dưới phổ biến nhất. Khi nhiễm RSV, trong vòng 2-3 ngày đầu tiên trẻ cảm ho thông thường, sốt nhẹ, ho khan, xổ mũi. Sang ngày thứ ba trẻ có biểu hiện ho rất nhiều, trẻ dưới ba tháng tuổi ho như ho gà, thở khò khè như bị hen suyễn. Trẻ rất dễ bị khó thở, thở nhanh, thở co kéo, nặng hơn là thiếu ôxy, tím tái. Cho đến nay thế giới vẫn chưa tìm được vaccine phòng virus RSV hiệu quả. Do đó, biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất vẫn là rửa tay. Đối với các bé dưới hai tuổi hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao như suy dinh dưỡng, sinh non, mắc các bệnh tim não cần đặc biệt lưu ý không cho tiếp xúc gần gũi với người lớn hay trẻ em mắc cảm ho thông thường.
Phụ huynh cần chú ý các biện pháp khác như cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, sắt, vitamin cho trẻ theo khuyến cáo, bảo vệ trẻ tránh các tác động của thời tiết như sử dụng máy quạt, máy điều hòa hợp lý.
HOÀNG LAN
Theo PLO
Liên tục chảy nước mũi, hoá ra mắc bệnh hiếm gặp trên thế giới
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM vừa phẫu thuật thành công vá lỗ rò dịch não tủy tự cho một bệnh nhân 15 tuổi. Đây là ca bệnh hiếm gặp và là trường hợp được phẫu thuật thứ 3 trên thế giới
Ngày 9-7, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết bệnh nhân tên P.M.H (15 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa).
Từ năm 4 tuổi, mỗi khi H. cúi đầu xuống thấp hoặc nằm nghiêng sang trái sẽ có dòng dịch trong chảy ra trước mũi. Lúc đầu, người nhà chỉ nghĩ viêm mũi thông thường nhưng điều trị nhiều nơi, tình trạng chảy nước mũi trong không cải thiện. Em nhiều lần phải nhập viện điều trị viêm màng não không rõ nguyên nhân tái đi tái lại. Sau đó, các bác sĩ chẩn đoán em H. bị rò dịch não tuỷ qua mũi và chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Dược.
TS-BS Lý Xuân Quang, Phó Trưởng Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y Dược, thăm khám cho bệnh nhân
Tại đây, qua khảo sát hình ảnh học, các bác sĩ đã chẩn đoán đây là trường hợp rò dịch não tuỷ do giãn rộng lỗ tròn nơi đi qua của dây thần kinh V2 (nhánh hàm trên của thần kinh sinh ba - chi phối cảm giác một phần vùng mặt). Vị trí rò dịch não tuỷ tự phát này khá hiếm gặp trên y văn thế giới.
Các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi đường mũi vá lỗ rò dịch não tuỷ bằng vật liệu tự thân với mảnh cân cơ thái dương, sụn vách ngăn và vạt mũi vách ngăn. 2 tuần sau phẫu thuật, bệnh nhân không còn chảy dịch trong qua mũi. Sau 6 tháng, phần vạt mũi vách ngăn hồng hào, che phủ tốt vùng phẫu thuật, tình trạng chảy dịch trong qua mũi đã hoàn toàn chấm dứt.
TS-BS Lý Xuân Quang, Phó Trưởng Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y Dược, cho biết lỗ rò dịch não tủy tạo nên sự thông nhau giữa khoang dịch não tuỷ và hốc mũi. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây nên viêm màng não - một bệnh lý nhiễm trùng nặng nguy cơ tử vong cao. Phẫu thuật vá ngay lỗ rò để ngăn cách khoang mũi và màng não là vấn đề bắt buộc.
"Trước đây có vài ca được báo cáo như trường hợp này nhưng không được phẫu thuật, người bệnh bị viêm màng não và tử vong. Đây là ca bệnh hiếm gặp và cũng là trường hợp được phẫu thuật thứ 3 ghi nhận theo báo cáo y văn trên thế giới" - BS Quang thông tin.
Nguyễn Thạnh
Theo nguoilaodong
Bác sĩ chỉ cách mát xa cắt nhanh cơn đau, nhức đầu ngày nắng nóng Mùa hè nhiều người bị nhức đầu không có lý do bệnh lý nào, thậm chí lên cơn đau đầu dữ dội do thời tiết thay đổi với những người mẫn cảm. Trong clip này bác sĩ sẽ hướng dẫn cách mát xa cắt nhanh cơn đau đầu. Đau đầu do thời tiết thường chỉ kéo dài vài giờ là khỏi, nhưng nó...