Bệnh do ăn mắm
Chính thói quen ăn mặn của người Việt đã dẫn tới nhiều chứng bệnh mà nói như GS. Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội ung thư TP.HCM, là “bệnh tùng khẩu nhập” (bệnh vào theo miệng).
Món ăn khoái khẩu
Xuất phát từ tập quán thích dự trữ thực phẩm phòng khi mưa bão hoặc mất mùa nên người Việt thường bảo quản nhiều loại thức ăn bằng hình thức muối mặn hoặc tẩm ướp phơi khô. Tại các chợ, siêu thị tới gian bếp mỗi gia đình đều có mặt các loại khô mắm như: cá khô các loại, mắm từ cá, từ tôm và từ các loại rau dưa… Mắm có tác dụng kích thích giúp bữa ăn ngon miệng và ăn nhiều cơm. Có người chỉ ăn mắm suông với cơm mà không cần thêm thịt cá.
Năng lượng ít
BS. CK1 Đào Thị Yến Thủy (chuyên gia dinh dưỡng) khẳng định, các món khô, mắm khoái khẩu chỉ nên dùng thỉnh thoảng với số lượng càng ít càng tốt vì chúng không tốt cho sức khỏe. Chẳng hạn như với các món mắm làm từ rau dưa, xét về mặt giá trị dinh dưỡng, chúng được xếp vào nhóm rau, nhưng không còn hoàn toàn là rau nữa vì chỉ còn giống rau chủ yếu ở thành phần chất xơ, còn các loại vitamin và khoáng chất thì thay đổi rất nhiều. Vitamin trong mắm hầu như không còn bao nhiêu, nhưng lượng muối trong mắm thì rất cao và có thể xem mắm như là muối.
Nguy cơ ung thư dạ dày Trên thế giới, người Hàn Quốc mắc căn bệnh này chiếm tỷ lệ cao nhất do thói quen ăn kim chi hằng ngày – là một giả thiết được các nhà nghiên cứu đưa ra. Tương tự, tại Việt Nam, người miền Bắc ung thư dạ dày nhiều hơn các miền khác do thói quen ăn mặn nhiều hơn. Hàm lượng chất ni-tric trong mắm khá cao, khi vào dạ dày không những mất đi chất kháng oxy hóa mà sẽ cùng với các chất khác gây nên ung thư. GS. Nguyễn Chấn Hùng
Không thể áp dụng một công thức chung cho tất cả mọi người bởi chế độ ăn của mỗi gia đình hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, do lượng muối trong các loại khô, mắm rất cao nên những người cao huyết áp, bệnh tim, phù thũng, suy thận, tiểu đường… cần hạn chế ăn, nếu thèm quá cũng chỉ nên ăn một hai lần trong tuần với số lượng ít. Người mập phì, nhất là trẻ em, cũng không nên ăn quá thường xuyên vì tuy rằng trong mắm năng lượng cung cấp ít nhưng nó lại làm người ta ăn nhiều cơm hơn bình thường, có thể làm trẻ em không ăn đủ chất đạm (thịt, cá, tôm, trứng, đậu hũ) cần thiết trong bữa ăn và làm mất tính cân đối các chất dinh dưỡng trong bữa ăn.
Vì vậy, nếu trên mâm cơm đã có sẵn món mắm thì không nên dùng thêm nước mắm chấm. Khi ăn trái cây không nên chấm muối. Thói quen dùng nước muối rau dưa để nấu canh cũng không nên duy trì.
Ở trẻ em cũng như người lớn, ăn mặn thường xuyên có thể dẫn đến cao huyết áp hoặc các biến chứng nguy hiểm khác như phì đại tim, tai biến mạch máu não, liệt nửa người… Ăn mặn cũng dễ gây ra chứng phù thũng ở những người thận yếu, suy tim… Lượng muối ăn chỉ nên từ 6-10g/ngày, tức là phải hạn chế muối, mắm và các món mặn khác trong khẩu phần ăn, vì ăn ít muối thì tốt hơn ăn nhiều. Riêng đối với người có bệnh lý về huyết áp hay tiểu đường thì nên hạn chế tối đa ăn mặn.
Theo Minh Châu
Thanh niên