Bên trong startup tí hon ở Ý đang chạy đua phát triển vắc xin COVID-19
Takis Biotech kì vọng có thể thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 trên người vào mùa thu năm nay.
Bốn ngày trước khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được ghi nhận ở Ý hôm 31/1, một công ty công nghệ sinh học nhỏ ở ngoại ô Rome cho biết đang chuyển hướng kinh doanh. Các nhà nghiên cứu tại Takis Biotech, trước đó tập trung vào các nghiên cứu về ung thư, sẽ thực hiện phát triển vắc xin cho virus corona chủng mới.
Một nhà nghiên cứu đang thử nghiệm vắc xin chống COVID-19 tại Tập đoạn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc.
Khi COVID-19 hoành hành trên toàn thế giới, Takis, được dẫn dắt bởi Luigi Aurisicchio, CEO và nhà khoa học trưởng, đang lên kế hoạch sẽ thử nghiệm vắc xin dựa trên DNA trên người vào mùa thu năm nay. Với mục tiêu này, Takis đang là một trong số ít các công ty đã tiến xa đến bước này trong công cuộc tìm kiếm vắc xin COVID-19.
Công ty nhỏ chỉ với 25 nhân viên và doanh thu khoảng 2,2 triệu USD vào năm 2018 này được thành lập vào năm 2019 bởi một nhóm các nhà khoa học và nhà nghiên cứu tại công ty dược phẩm Merck & Co sau khi bộ phận nghiên cứu của nó giải thể ở Ý.
Được đặt tên theo một từ Hy Lạp cổ có nghĩa là tốc độ, Takis đặt mục tiêu phát triển vắc xin và phác đồ điều trị ung thư. Trước khi chuyển sang nghiên cứu vắc xin COVID-19, Takis đang trong quá trình xin phép thử nghiệm lâm sàng một loại vắc xin ung thư được cá nhân hoá, dựa trên DNA và RNA được trích xuất từ khối u của bệnh nhân. Takis hi vọng rằng vắc xin này có thể chặn quá trình phát triển trở lại của khối u.
“Ý tưởng của chúng tôi là tạo ra một công ty tốc độ và tốc độ là đặc điểm lớn nhất của chúng tôi,” Aurisicchio nói. “Thay vì ra nước ngoài như các đồng nghiệp, chúng tôi chọn cách thành lập công ty của riêng mình ở Ý trong giai đoạn khủng hoảng tài chính khó khăn. May mắn là mọi thứ lại hiệu quả.”
Không giống với vắc xin truyền thống vốn dùng một dạng yếu của virus để phát triển và có thể phải mất vài năm, vắc xin COVID-19 của Takis dùng các phân đoạn DNA của virus được thực hiện trong chính phòng thí nghiệm của hãng để tạo ra cơ chế miễn dịch.
Video đang HOT
Luigi Aurisicchio, CEO Takis Biotech. (Ảnh: Takis)
Sau khi bắt đầu nghiên cứu vắc xin COVID-19 vào ngày 27/1, Takis đã phát triển được một số mẫu vắc xin trong vòng 7 tuần và xin cấp phép được sử dụng chúng trên động vật. Vì Takis không có năng lực sản xuất, hãng này đã hợp tác cùng Stony Brook để thực hiện các mẫu vắc xin trên động vật. Hôm 10/4, Takis nói các kết quả ban đầu từ quá trình thử nghiệm “rất tích cực” với năm đối tượng sản sinh ra kháng thể chống lại virus.
“COVID-19 là cơ hội tốt để chúng tôi học hỏi vì nó là bệnh dịch đầu tiên chúng tôi làm việc,” Aurisicchio nói.
Phần lớn doanh thu hiện tại của Takis đến từ dịch vụ nghiên cứu chuyên môn mà nó cung cấp cho các công ty dược phẩm. Ngoài ra, công ty này cũng hợp tác với nhiều đối tác để chữa một số bệnh. Takis hiện chưa nhận được đầu tư vào bên ngoài song đang thực hiện đàm phán với nhiều nhà đầu tư mạo hiểm tại Mỹ, Pháp và Thuỵ Điển.
Cho dù cuộc đua tìm kiếm vắc xin COVID-19 có kết cụ như thế nào, Aurisicchio vẫn tin rằng Takis sẽ mạnh mẽ hơn và được chuẩn bị tốt hơn cho các đại dịch trong tương lai. “Chúng tôi sẽ có khả năng phản ứng nhanh với các bệnh dịch mới hoặc đại dịch, nhờ những gì tích luỹ được với COVID-19.”
Lê Nam Khánh
Startup Đông Nam Á "thắt lưng buộc bụng" vượt qua đại dịch
Khi thế giới đang đối phó với đại dịch Covid-19, các startup Đông Nam Á cũng đối mặt với trận chiến khác, đó là việc hết tiền do không thể huy động vốn các nhà đầu tư.
Đầu tư vào startup Đông Nam Á năm 2019 giảm 30% so với năm 2018. Ảnh: Nikkei
Startup thanh toán điện tử FOMO Pay đã dự đoán một năm tăng trưởng đầy hứa hẹn phía trước khi ngành công nghệ tài chính (fintech) Đông Nam Á tiếp tục bùng nổ về số người dùng chi tiêu qua ví điện tử. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ tưởng tượng về đại dịch toàn cầu đã buộc các doanh nghiệp và hộ gia đình phải lui về sau, cách ly xã hội để giảm lây lan virus trong cộng đồng.
FOMO ghi nhận giao dịch sụt giảm hơn 50% trong tháng 2/2020 khi Covid-19 càn quét qua khu vực. Công ty phải cho một số nhân viên bán thời gian nghỉ việc, hoãn kế hoạch mở rộng ra nước ngoài. Đồng sáng lập Zack Yang cho biết việc này giúp FOMO giảm khoảng 10 tới 20% chi phí. Ông đánh giá đây là tình hình rất tồi tệ.
Theo dữ liệu từ trang thông tin tài chính DealStreetAsia, đầu tư vào startup tại Đông Nam Á của các nhà đầu tư mạo hiểm và tổ chức khác đạt 9,5 tỷ USD năm 2019, giảm khoảng 30% so với năm 2018. Nó cho thấy các nhà đầu tư đang lựa chọn kỹ càng hơn sau khi nhiều startup tưởng bom tấn lại thành bom xịt.
Khi mà các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng, đại dịch tấn công nền kinh tế toàn cầu và thị trường vốn trong quý I khiến startup càng khó khăn hơn trong huy động vốn. GV Ravishankar, Giám đốc quản lý Sequoia Capital India, cảnh báo các nhà sáng lập startup hồi đầu tháng này về số tiền huy động được sẽ rất nhỏ và khuyên họ cắt giảm chi phí "nhanh và sâu".
Theo Yang, startup của ông buộc phải giảm lương từ 20% đến 50%. FOMO chỉ là một trong số nhiều startup non trẻ của Đông Nam Á đối mặt với thời kỳ khó khăn vì dịch bệnh.
Yang và các đồng nghiệp phải dựa vào nhau trong cộng đồng bao gồm hơn 30 doanh nhân đến từ Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia trong nhóm "SEA Founders".
Giden Lim, CEO startup giao hoa BloomThis của Malaysia, một thành viên của SEA Founders, cho hay công ty của mình bị tác động mạnh vì lệnh kiểm soát đi lại, cấm tụ tập đông người và du lịch trong - ngoài nước. Doanh thu của BloomThis giảm tới 90% và không biết còn kéo dài tới khi nào, khiến họ cảm thấy bị áp lực về tài chính.
Lim nói startup buộc phải loại bỏ tất cả chi phí tiếp thị, xin chủ nhà giúp đỡ, tìm kiếm hỗ trợ từ các ngân hàng và cân nhắc giảm lương. "Chúng tôi phải sẵn sàng cho việc có thể mất 12 tháng hoặc hơn để phục hồi. Cố giảm chi phí hết sức và tìm kiếm cơ hội mới là điều sống còn để vượt qua khủng hoảng này".
Nhà phát triển game Agate International của Indonesia quyết định dừng tuyển dụng mới do một số khách hàng hoãn thanh toán. Giám đốc điều hành Shieny Aprilia nói đang chuẩn bị cho kế hoạch 6 tới 12 tháng cho tới khi mọi thứ về lại bình thường.
Sau khi thực hiện khảo sát trong số các thành viên, SEA Founders phát hiện hơn 70% startup xem doanh thu bị trì hoãn là thách thức lớn nhất, 62% cho rằng giảm đốt tiền là yêu cầu khẩn cấp.
Ngay cả những startup có tài chính dồi dào thông qua các nỗ lực huy động vốn trong quá khứ cũng không "miễn dịch" trước khủng hoảng. Caecilia Chu, CEO ví điện tử YouTrip của Singapore, thừa nhận công ty phải giảm lương ở cấp quản lý và giảm chi phí tiếp thị 50% dù trước đó gọi vốn thành công 30 triệu USD. Cô cho biết do khách hàng giảm chi tiêu, họ cũng bị ảnh hưởng.
Các startup khác còn trải qua nhiều đau khổ hơn. "Kỳ lân" Traveloka của Indonesia phải sa thải khoảng 100 người, tương ứng 10% nhân sự. Covid-19 đã tàn phá nặng nền ngành công nghiệp du lịch, buộc Traveloke phải hoàn số tiền khổng lồ trong tháng 2.
Hạn chế đi lại cũng gây đau đầu cho startup đang tìm vốn. Hyuk-Tae Kwon, CEO của hãng đầu tư Pine Venture Partners, nói sẽ tập trung hoàn tất các giao dịch trước đó. Ông không tìm kiếm các thương vụ mới do không có cơ hội gặp mặt trực tiếp, trong khi đầu tư mạo hiểm là ngành công nghiệp rất nhạy cảm, không thể chỉ nhìn vào bảng biểu và giấy tờ.
Dù startup có thể dựa vào các gói cứu trợ từ chính phủ, Jixun Foo - đối tác quản lý tại hãng đầu tư mạo hiểm GGV Capital - cho rằng startup nên tối ưu hóa hoạt động và trông cậy vào nhân tài của mình. "Nhìn vào nội bộ để quản lý tài chính tốt hơn và củng cố một số hoạt động. Làm được điều này, nó sẽ cho thấy sức mạnh của công ty với nhà đầu tư tương lai do khả năng xử lý khủng hoảng là một trong các yếu tố mà nhà đầu tư tìm kiếm trong bất kỳ nhà lãnh đạo nào".
Du Lam
Top startup gọi vốn đầu tư nhiều nhất Đông Nam Á từ năm 2010 đến 2019 Với nhiều nhà đầu tư, Đông Nam Á đang là vùng đất có những startup tiềm năng và hấp dẫn nhất. Startup công nghệ Đông Nam Á nào gọi được nhiều vốn đầu tư nhất? Câu trả trả lời Grab có lẽ không làm nhiều người bất ngờ. Thế nhưng, có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết Grab có số vốn đầu...