Bên trong hòm thư của Steve Jobs
Cựu CEO của Apple thường trả lời trực tiếp các e-mail của khách hàng, trái ngược với những người ở vị trí như của ông và nhiều e-mail như thế đã được phát tán lên mạng.
Nhà báo Mark Milian của CNN đã dành hàng tháng trời tìm kiếm trên Internet từ các trang blog, diễn đàn cho đến việc trò chuyện với những người từng may mắn được cựu CEO Apple phản hồi e-mail để cho ra đời cuốn sách mang tên Letters to Steve: Inside the Email Inbox of Apple”s Steve Jobs với giá 3 USD dành cho Kindle.
Cuốn sách tập hợp e-mail của Steve Jobs vừa được xuất bản. Ảnh: Mashable.
Không như các Tổng giám đốc khác tập trung vào những công việc “vĩ mô”, Jobs kiên nhẫn tham gia vào khâu chăm sóc khách hàng. Ông đích thân trả lời thư phàn nàn về chuyện máy tính trục trặc, thậm chí gọi điện hỗ trợ. Ngược lại, một đại diện của hãng viễn thông AT&T, đối tác lâu năm của Apple, lại đe dọa một khách hàng vì đã hai lần gửi thư cho CEO Randall Stephenson để ca thán về việc tăng giá.
Khi một người hỏi Jobs qua thư vào năm 2008 rằng vì sao người dùng BlackBerry có thể kết nối điện thoại của họ tới máy tính để truy cập Internet không dây nhưng iPhone lại không thực hiện được, Jobs viết lại: “Đồng ý, chúng tôi đang thảo luận chuyện này với AT&T”. Và cuối cùng, tính năng đó cũng đã xuất hiện. Nhưng khi được hỏi về chuyện kết nối iPhone tới iPad qua mạng AT&T, Jobs đơn giản trả lời: “Không”.
Năm 1999, hệ thống G4 Tower của một khách hàng nhanh chóng được sửa sau khi anh này kêu ca với Jobs và nhận được cuộc gọi từ nhân viên “quan hệ công chúng” bí mật.
Video đang HOT
Hàng chục câu chuyện như thế về cựu CEO Apple được lan truyền trên Internet. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhà sáng lập Apple cũng đáp ứng mọi mong muốn của khách hàng và ông cũng không đề cao phương châm “khách hàng luôn đúng”. Chẳng hạn, năm 2008, một người ca thán chuyện hãng này không chịu bảo hành máy tính. Jobs thẳng thừng: “MacBook Pro của anh hỏng do bị thấm nước. Chúng là những cỗ máy chuyên nghiệp và chúng không ưa nước. Có vẻ anh chỉ đang cố tìm ra ai đó để trút giận thay cho bản thân”.
Hay khi khách hàng có tên Matthew Browing gửi thư cho Steve Jobs hỏi về chính sách không chấp nhận các ứng dụng khiêu dâm trên App Store, Jobs nói: “Chúng tôi có nhiệm vụ loại bỏ nội dung cấp ba khỏi iPhone. Ai muốn xem thì mua điện thoại Android”.
Steve Jobs coi chăm sóc khách hàng là khâu quan trọng trong kinh doanh. Ảnh: AllThingsD.
Ông không thường xuyên trao đổi qua điện thoại, nhưng một khách hàng là Scott Steckley đã may mắn khi gửi thư cho Jobs về chuyện máy tính của ông bị sửa quá lâu. Sau đó, ông nhận được một cuộc gọi.
“Chào Scott, Steve đây”, người đầu bên kia nói.
“Steve Jobs ư?”, Steckley hỏi.
“Đúng. Tôi muốn xin lỗi vì ông đã phải chờ đợi quá lâu. Thực sự đây không phải là lỗi của ai cả. Nó chỉ là vì lý do này, lý do khác thôi”, Jobs nói.
Jobs giải thích ông đang thúc giục việc sửa chữa: “Tôi muốn cảm ơn ông đã ủng hộ Apple. Tôi biết thiết bị ông đang sử dụng có giá bao nhiêu. Thật vui khi thấy ai đó thích sản phẩm của chúng tôi và luôn ủng hộ chúng tôi trong những giai đoạn thăng trầm”.
Steve Jobs, qua đời đầu tháng 10/2011, luôn giữ bí mật về tình trạng sức khỏe của ông trong nhiều năm. Từ khi biết mình mắc bệnh, ông đối mặt với cái chết kiên cường hơn nhưng cũng đầy chất thơ hơn. “Tôi không nghĩ cuộc đời tôi như một sự nghiệp. Tôi làm ra thứ này thứ kia. Tôi phản ứng trước mọi việc. Đó không phải là sự nghiệp. Đó là cuộc sống”, Jobs chia sẻ trên tạp chí Time năm 2010.
Jobs qua đời vào ngày 5/10/2011. Ảnh: CNN.
Một người tên James kể rằng ông gửi thư cho Jobs vào tháng 4/2010 để cảm ơn Jobs đã hỗ trợ cho chương trình hiến nội tạng. James nhắc đến chuyện bạn gái của mình đã chết vì khối u ác tính hai năm trước. “Tôi rất tiếc về chuyện bạn gái cậu. Cuộc sống thật mong manh”, Jobs trả lời.
Trước đó, năm 2005, trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Đại học Stanford, Jobs cũng nói: “Nghĩ rằng mình sắp chết là cách tốt nhất tôi tránh rơi vào bẫy rằng tôi sẽ mất cái gì đó. Khi không còn gì nữa, chẳng có lý gì bạn không nghe theo lời mách bảo của trái tim. 33 năm qua, tôi luôn nhìn vào gương mỗi sáng và hỏi: Nếu hôm nay là ngày cuối của cuộc đời mình, mình có muốn làm những gì định làm hôm nay không?”.
Theo VNExpress
Hòm thư Gmail lột xác với giao diện mới
Giao diện mới được kỳ vọng sẽ thay đổi mạnh mẽ trải nghiệm người dùng với Gmail.
Google mới đây đã thay đổi thiết kế giao diện cho dịch vụ thư điện tử Gmail và cho phép người dùng thử nghiệm rộng rãi. Để tiến hành thử nghiệm, bạn hãy truy cập vào phần cài đặt (Mail Setting), chuyển đến thẻ giao diện (Themes) và kích hoạt một trong hai tùy chọn: Preview hoặc Preview (Dense).
Sau khi kích hoạt giao diện mới, không khó để nhận ra các nút chức năng được thiết kế với kích cỡ, hình dạng lớn hơn. Nút soạn thảo mail mới (Compose Mail) bây giờ đã được làm nổi bật với màu đỏ. Kiểu thiết kế này khác hoàn toàn các giao diện mà Google từng cung cấp trong thẻ Themes. Hiện tại, màu sắc chủ đạo của thiết kê mới gồm đỏ, trắng, xám nhưng Google cho biết có thể màu sắc mới sẽ được bổ sung sau.
Sự thay đổi này cho thấy Google đã nỗ lực thiết kế lại một giao diện "sạch" hơn, hiện đại hơn. Chúng cũng là cách mang đến cho người dùng Gmail một trải nghiệm tốt hơn. Không chỉ Gmail, nhiều sản phẩm khác của Google cũng đang trong lộ trình thay đổi tương tự. Được biết, với giao diện mới, Google đang xem xét tới khả năng tương thích trên một loạt kích cỡ màn hình từ máy tính bảng đến điện thoại thông minh.
Như thường lệ, từng bước của quá trình thay đổi sẽ diễn ra trong vài tuần cho đến vài tháng. Giao diện mới sẽ được thay thế dần dần cho giao diện mặc định của Gmail. Rất có thể, một số người dùng sẽ được tiếp cận với thiết kế mới này sớm hơn những người còn lại.
Theo Bưu Điện VN