Bên trong dinh thự như cung điện của nguyên soái Afghanistan bị chiếm giữ
Các tay súng của Taliban đã chiếm giữ dinh thự của một nguyên soái quân đội Afghanistan khi quan chức này chạy ra nước ngoài trước đà tiến công của Taliban.
Bên trong dinh thự của nguyên soái Afghanistan bị Taliban chiếm giữ
Một video được lan truyền trên mạng xã hội cuối tuần qua cho thấy, hàng chục tay súng Taliban đã xông vào bên trong dinh thự của nguyên soái quân đội Afghanistan Abdul Rashid Dostum ở thành phố Mazar-i-Sharif.
Đoạn video cho thấy các tay súng Taliban thảnh thơi thưởng trà bên trong dinh thự được cho là của nguyên soái Dostum, người đồng thời là một lãnh chúa lâu năm.
Ông Dostum, 67 tuổi, là một trong những nhân vật quyền lực ở Afghanistan. Nguyên soái Dostum từng liên kết với Liên minh phương Bắc do Mỹ hậu thuẫn trong cuộc xung đột ở Afghanistan vào năm 2001.
Không lâu sau khi trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ hôm 11/8 sau đợt điều trị, ông Dostum cùng với nhiều thành viên khác của lực lượng an ninh Afghanistan được cho là đã rời khỏi Mazar-i-Sharif đến Uzbekistan khi thành phố này “thất thủ” trước đà tiến công của Taliban hồi tuần trước. Thời điểm nhóm tay súng Taliban xông vào bên trong dinh thự, ông Dostum không còn ở đó.
Cựu Thống đốc tỉnh Balkh Atta Mohammad Noor nói với truyền thông rằng, chính ông đã chỉ huy lực lượng dân quân địa phương lúc hàng phòng thủ của Mazar-i-Sharif bị chọc thủng. Ông Noor cho biết, hiện cả ông và ông Dostum đều đã an toàn.
Mazar-i-Sharif là một trong những thành phố của Afghanistan rơi vào tay của Taliban những ngày gần đây. Các nguồn tin cho biết, Taliban tiến vào Mazar-i-Sharif mà gần như không gặp bất cứ sự kháng cự nào.
Taliban khởi động chiến dịch tiến công để mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ Afghanistan từ cuối tháng 5 khi Mỹ và các nước đồng minh bắt đầu rút quân khỏi quốc gia Trung Nam Á này. Chỉ trong vòng vài ngày gần đây, Taliban liên tục chiếm quyền kiểm soát ở hàng loạt thành phố ở Afghanistan, thậm chí, ở một số thành phố, Taliban tiến vào mà không gặp bất cứ sự kháng cự nào. “Chiến lợi phẩm” mà Taliban thu được ngoài các tài sản mà quan chức Afghanistan để lại còn là vũ khí hiện đại của quân đội chính phủ như máy bay chiến đấu, xe bọc thép, đạn dược.
Đà chiến thắng của Taliban và sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Afghanistan khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, giới chuyên gia đã chỉ ra những lý do có thể dự báo trước sự thất bại của lực lượng an ninh Afghanistan, trong đó có việc nhiều thành viên bắt đầu rệu rã vì tình trạng thiếu đạn dược, thiếu lương thực và không được trả lương.
Sự trở lại của Taliban ở Afghanistan mang ý nghĩa gì với Al-Qaeda?
Khi lực lượng Taliban tiếp quản Afghanistan sau chưa đầy 1 tuần phản công, điều này có ý nghĩa như thế nào với tổ chức Al-Qaeda và các nhóm cực đoan khác đang toan tính khơi dậy một cuộc thánh chiến toàn cầu?
Phái đoàn Taliban tham dự hội đàm với chính phủ Afghanistan tại Doha ngày 12/8. Ảnh: AFP
Không nghi ngờ gì rằng khi chiến thắng nhanh chóng đến kinh ngạc của các tay súng Taliban sẽ tạo ra cú hích to lớn cho các phần tử Hồi giáo cực đoan ở khắp mọi nơi, bất kể là Al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS), các chiến binh ở Mozambique và Syria, hay các phần tử thánh chiến đang ủ mưu hành động ở Birmingham hoặc Manila.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã trả lời kênh Sky News khi được hỏi về tình hình Afghanistan rằng ông hoàn toàn lo ngại các quốc gia thất bại sẽ là nơi sinh sản của những phần tử cực đoàn và Al-Qaeda có thể quay lại.
Theo tờ Guardian, Bộ trưởng Wallace đã đúng khi lo ngại về các nhà nước thất bại. Thảm kịch tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001 được lên kế hoạch và tiến hành bởi lực lượng Al-Qaeda tại Afghanistan khi nhà nước này do Taliban nắm quyền lãnh đạo. Song ông đã sai lầm về sự trở lại của nhóm khủng bố trên, bởi lẽ Al-Qaeda vốn đang ở đó.
Mới tháng trước, Liên hợp quốc đã công bố bản đánh giá dựa trên thông tin tình báo nhận được từ các nước thành viên cho biết Al-Qaeda đã hiện diện tại ít nhất 15 tỉnh của Afghanistan. Ngoài ra, chi nhánh Al-Qaeda ở Tiểu lục địa Ấn Độ đang hoạt động dưới sự bảo vệ của Taliban từ các tỉnh Kandahar, Helmand và Nimruz. Phương tiện truyền thông của Al-Qaeda cũng ca ngợi những phần tử của nhóm này hoạt động thường xuyên ở Afghanistan.
Theo giới quan sát, đây luôn là một vấn đề bị Chính phủ Mỹ phớt lờ. Nằm trong thỏa thuận năm ngoái với Mỹ, Taliban cam kết không cho phép hoạt động đào tạo, gây quỹ hoặc tuyển quân những kẻ khủng bố, trong đó có cả Al-Qaeda có thể đe dọa an ninh của Mỹ cùng các đồng minh. Zalmay Khalilzad, đại diện đặc biệt của Mỹ về hòa giải Afghanistan, phát biểu trước Quốc hội hồi tháng 5 rằng Taliban đã đạt tiến bộ đáng kể trong việc đáp ứng các cam kết này. Nhưng ngay cả khi điều này là sự thật tại thời điểm đó, thì bây giờ tình thế đã khác.
Chưa rõ Taliban sẽ chọn cách tiếp cận nào đối với Al-Qaeda hoặc các phần tử Hồi giáo cực đoan khác tham gia vào những chiến dịch bạo lực xuyên quốc gia bắt nguồn từ Afghanistan. Cũng không rõ Al-Qaeda sẽ phản ứng như thế nào về loạt sự kiện gần đây.
Các tay súng Taliban trên đường phố tỉnh Laghman, Afghanistan, ngày 15/8. Ảnh: AFP
Một trong nhiều lý do dẫn đến thất bại của Mỹ ở Afghanistan là trong những năm đầu không thể phân biệt được đâu là Al-Qaeda - một nhóm phần tử Hồi giáo cam kết lật đổ các chế độ ở Trung Đông cũng như chiến tranh chống lại Israel và phương Tây - và Taliban, một phong trào ở Afghanistan có yếu tố dân tộc mạnh mẽ nhằm áp đặt một quy tắc tôn giáo nghiêm ngặt cho một quốc gia.
Mối quan hệ giữa Taliban - gồm nhiều phe phái khác nhau - và Al-Qaeda đã phát triển đáng kể từ đó. Nhiều thập kỷ trôi qua, các mối quan hệ cá nhân và liên kết gia đình đã được hình thành. Các nhà lãnh đạo của những mạng lưới thánh chiến khác đã đóng vai trò trung gian. Một số ưu tiên vẫn khác nhau nhưng Taliban đã nhận thức toàn cầu hơn rất nhiều so với 20 năm trước. Điều này có nghĩa là phong trào này đã chia sẻ thế giới quan của Al-Qaeda theo những cách mới và quan trọng. Cơ quan tình báo Mỹ mô tả mối quan hệ giữa hai bên là gần gũi.
Nhưng Taliban cũng sẽ tìm kiếm sự hợp pháp quốc tế. Họ đã làm điều này khi nắm quyền trước đây và sẽ thực hiện lại. Câu hỏi đặt ra là từ ai và thỏa hiệp nào mà các nhà lãnh đạo của Taliban có thể chuẩn bị thực hiện để đạt được điều đó.
Một yếu tố quan trọng cho mối quan hệ với Al-Qaeda có thể là sự thay đổi chiến lược của thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri khi chiến binh gốc Ai Cập này nắm quyền lãnh đạo mạng lưới sau cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden vào năm 2011.
Zawahiri đã giảm tần suất tấn công "kẻ thù xa" ở phương Tây, và thay vào đó là tìm cách giành được sự ủng hộ và tính hợp pháp tại những khu vực bất ổn của thế giới Hồi giáo. Zawahiri tin tưởng sẽ có cơ hội bành trướng và "kẻ thù gần" của các chế độ địa phương là dễ đánh bại hơn. Thay vì lái máy bay vào các thành phố của Mỹ, Al-Qaeda đã tìm cách xây dựng danh tiếng và thẩm quyền đối với các cộng đồng đang cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bị đe dọa. Điều này sẽ giúp Taliban, vốn không bị đổ lỗi trực tiếp cho bất kỳ vụ khủng bố quốc tế nào, dễ dàng duy trì mối quan hệ hiện tại với nhóm này.
Tuy nhiên, sức khỏe của thủ lĩnh Al-Qaeda đã rất yếu Zawahiri đang rất ốm và không có gì đảm bảo rằng chiến lược của ông ta vẫn sẽ tồn tại sau khi ông ta chết đi hay các sự kiện gần đây ở Afghanistan. Thế giới sắp sửa chứng kiến sự kết hợp hỗn độn của một Afghanistan xập xệ do Taliban điều hành, một thất bại của Mỹ dưới tay lực lượng Hồi giáo, một Trung Đông đã trải qua hai thập kỷ bạo lực phân cực, và sự lan rộng chưa từng có của hệ tư tưởng thánh chiến cực đoan khắp hành tinh. Ngay cả khi Al-Qaeda không cố gắng tận dụng những hoàn cảnh mới này để trỗi dậy, những tổ chức khác sẽ làm vậy.
Tương lai bất định của Afghanistan Những diễn biến dồn dập ở Afghanistan trong chưa đầy 24 giờ qua, lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul, Tổng thống Ashraf Ghani quyết định rời đất nước và chính quyền chuyển tiếp tạm thời nắm quyền..., vốn là "kịch bản" đã được dự đoán từ trước, chỉ có điều nó đến sớm hơn so với tính toán. Lực lượng Taliban...