Bé trai bị bỏ lại trên taxi vẫn chưa thể về với mẹ
Chiều 19.12, chị H.T.T.V (22 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM), mẹ ruột của bé trai bị bỏ lại trên taxi vào rạng sáng 2.12 tại khu vực cầu Kênh Xáng (phường 1, quận 8, TP.HCM), đã nhận được giấy khai sinh của bé Gia Huy từ UBND phường 16, quận 4. Theo thông tin trên giấy khai sinh thì bé trai mang tên Hồ Đinh Gia Huy, sinh ngày 30.5.2013.
Chị V. cùng ông Liêm đến trung tâm bảo trợ nuôi dưỡng trẻ em Tam Bình để xin nhận lại bé Huy – Ảnh: Phạm Hữu
Giải thích về việc bé Huy mang họ mẹ, ông Mai Thành Liêm (59 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM), là ông dượng của bé Huy, cho biết: “Sáng nay, thằng Thuấn (41 tuổi, người được cho là bố ruột của bé Huy – PV) cũng có mặt tại UBND phường 16 để hỗ trợ làm giấy khai sinh. Nhưng nó bị mất giấy chứng minh nhân dân mà mình cần làm nhanh giấy tờ để nhận lại bé Bo nên phải lấy họ mẹ”.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, bé Huy đã được UBND phường 1, quận 8 làm thủ tục bàn giao cho Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM) tạm thời chăm sóc.
Ngay khi có được giấy khai sinh, chị V. cùng ông Liêm nhanh chóng đến UBND phường 1 (quận 8) để nhờ hướng dẫn các thủ tục nhận lại bé Huy. Sau đó, hai người này tiếp tục đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình (quận Thủ Đức) xin nhận lại bé Huy.
Tuy nhiên, vì phía trung tâm cần thời gian để hoàn tất hồ sơ nên chưa thể bàn giao bé Huy cho gia đình chăm sóc.
Video đang HOT
Chị V. và ông Liêm đến UBND phường 1 (quận 8) nhờ hướng dẫn làm thủ tục nhận lại bé Huy – Ảnh: Đức Tiến
Ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng phòng tổ chức hành chính của Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, cho biết: “Vào sáng nay (19.12), trung tâm có tiếp nhận từ UBND phường 1 (quận 8) một bé trai. Nhiệm vụ của phía trung tâm lúc này là chăm sóc và đảm bảo an toàn cho bé trai này. Còn việc bàn giao lại cho người thân thì phải chờ hoàn tất hồ sơ”.
Cũng theo ông Dũng, người thân của bé phải xuất trình được giấy chứng sinh, giấy khai sinh của bé, đồng thời làm đơn có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người mẹ cư trú.
Tin, ảnh: Đức Tiến – Phạm Hữu
Theo Thanhnien
Viện trưởng VKSND tối cao: Chưa thể khẳng định Huỳnh Văn Nén vô tội
"VKSND tối cao kháng nghị vụ án Huỳnh Văn Nén để xem xét lại vì có những chi tiết chưa yên tâm. Nhưng điều đó không có nghĩa khẳng định Huỳnh Văn Nén không có tội", Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 10/11.
Vụ án oan Huỳnh Văn Nén mới đây đã được VKSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm với thông tin đưa ra, đơn tố giác tội phạm thực sự giết bà Lê Thị Bông đã có từ lâu nhưng không được xem xét. Là người quyết định kháng nghị, Viện trưởng có đề cập việc xem xét trách nhiệm của những cán bộ liên quan trực tiếp tới việc này?
VKSND tối cao đã kháng nghị như vậy thì thẩm quyền giải quyết bây giờ thuộc về TAND tối cao. TAND tối cao sẽ quyết định việc làm tiếp theo như thế nào; trên cơ sở đó mới biết hướng xử lý được. Bây giờ kháng nghị xem xét lại vì có những chi tiết chưa yên tâm. Nhưng điều đó không có nghĩa khẳng định rằng vào thời điểm này Huỳnh Văn Nén không có tội. Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang) có tình tiết khác hẳn. Cho nên vấn đề đặt ra xem xét trách nhiệm gì đó mà phóng viên nói thì vào thời điểm này là hơi sớm.
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình bên hành lang Quốc hội ngày 10/11.
Nhưng thưa ông trong vụ việc này đã xuất hiện ít nhất 3 nhân chứng tố giác tội phạm vào thời điểm xảy ra vụ án và họ đều nói hung thủ sát hại bà Bông không phải ông Huỳnh Văn Nén nhưng không được xem xét tới?
Tất cả những việc đó phải xem xét lại theo trình tự chặt chẽ hơn. Mọi đánh giá, kết luận về vụ án trước khi phiên tòa mở ra đều là sớm nên không thể đặt ra được.
Vậy VKSND tối cao có kiến giải gì với quan điểm cho rằng cần phải tổ chức truy tìm ngay Nguyễn Thọ - người đã bị tố giác là hung thủ thực sự giết hại bà Lê Thị Bông?
Đó là hướng đặt vấn đề chính xác. Việc đó thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra tỉnh Bình Thuận.
Quan điểm của VKSND tối cao là kháng nghị để xem xét minh oan ngay cho ông Nén hay hủy án, trả hồ sơ điều tra lại? Trong thời gian xem xét lại vụ án, liệu ông Huỳnh Văn Nén có thể được tính toán cho tại ngoại?
Quan điểm của chúng tôi khi khi kháng nghị là phải xem xét lại toàn bộ vụ án theo cách trả lại hồ sơ. Còn ở thời điểm này, chưa đặt ra chuyện cho Huỳnh Văn Nén được tại ngoại.
Có ý kiến cho rằng vụ án Huỳnh Văn Nén có nhiều yếu tố, tình tiết giống vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn nên chắc chắn sẽ có nhiều cán bộ phải bị xử lý?
Đến giờ chưa thể có cơ sở nào kết luận về vụ việc này như thế nào. Tôi rất mong dư luân, nhân dân chờ đợi kết quả của phiên tòa sắp tới.
Có nhiều vụ án VKSND tối cao ra kháng nghị khi bị án đã thi hành án rất lâu rồi. Dịp này, VKSND tối cao có xem xét lại kỹ càng những vụ án có đơn kêu oan dai dẳng, kéo dài không?
Nói về đơn khiếu nại đối với các bản án thì hàng năm toàn ngành kiểm sát nhận được rất nhiều. Có thể nói tất cả các vụ án đều có khiếu nại, nhưng xem xét phải có điều kiện, kêu oan phải có căn cứ. Tất cả được ghi trong luật không phải tùy tiện muốn làm thế nào thì làm.
Theo thông lệ mỗi năm một quốc gia cũng giải quyết các vụ án hình sự theo trình tự tái thẩm, giám đốc thẩm nhưng không phải nhiều. Chúng tôi một năm nhận được 140.000 đơn, tất cả các vụ án đều xem xét lại thì biến tái thẩm và giám đốc thẩm trở thành một cấp xét xử, trong khi luật và Hiến pháp của chúng ta quy định xét xử chỉ có 2 cấp là sơ thẩm và phúc thẩm, phúc thẩm là bản án có hiệu lực.
Trừ những trường hợp theo quy định của luật có thể xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm và tái thẩm và có điều kiện, nhưng rất chặt chẽ, chứ không phải vụ việc nào cũng xem xét lại. Mong dư luận hiểu quy định là như thế thì chúng ta mới thực thi được.
Xin cảm ơn Viện trưởng!
P.Thảo ghi
Theo Dantri
Chưa thể dẹp trường mầm non không phép Dù các địa phương nắm rõ thực trạng tồn tại nhiều lớp mầm non độc lập, tư thục không phép nhưng vẫn phải chấp nhận bởi các trường mầm non công lập không đáp ứng đủ nhu cầu Tại hội thảo "Quản lý các nhóm, lớp mầm non (MN) độc lập, tư thục", do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức...