Bé trai 10 tuổi suy tuyến thượng thận vì dùng thuốc xịt mũi liên tục
Bé trai 10 tuổi nhập viện với gương mặt sưng húp, chân tay rậm lông. Bé còn bị suy tuyến thượng thận do dùng thuốc xịt mũi chứa thành phần corticoid trong 1 năm.
Ngày 21.7, thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy ( Quảng Ninh) cho biết, đơn vị đang điều trị bệnh nhi N.T.H. (10 tuổi, trú tại H.Sơn Động, Bắc Giang) đến khám do bị viêm mũi, ngạt mũi, dùng thuốc xịt tai mũi họng lâu ngày không đỡ.
Bệnh nhi bị suy thượng thận do dùng thuốc xịt mũi chứa thành phần Corticoid trong 1 năm. Ảnh LÃ NGHĨA HIẾU
Dựa trên các biểu hiện lâm sàng như bộ mặt cushing, chân tay rậm lông, xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy chỉ số cortisol thấp (3,43 nmol/l), các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị suy tuyến thượng thận do dùng thuốc có corticoid, viêm mũi xoang cấp. Trẻ được điều trị bù canxi, sử dụng thuốc hydrocotisol.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sơn, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết: “Việc sử dụng thuốc có thành phần Corticoid dài ngày không theo hướng dẫn của bác sĩ là một trong những nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận đối với bệnh nhi”.
Corticoid được sử dụng đúng chỉ định, liều lượng vừa phải trong một thời gian nhất định có thể điều trị hiệu quả một số bệnh lý nguy hiểm như hen phế quản, sốc phản vệ, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp… và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cơ thể.
Video đang HOT
Bác sĩ Sơn cho biết, việc dùng Corticoid liều cao và kéo dài dẫn đến nguy cơ suy tuyến thượng thận, làm trẻ chậm phát triển do tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngưng hoạt động, không còn duy trì chức năng nội tiết.
Trẻ bị tổn thương tuyến thượng thận cấp với các triệu chứng điển hình như hội chứng cushing (tăng cân, mặt tròn, béo trung tâm, tích tụ mỡ ở vùng cổ, sau gáy…), rậm lông, da mỏng, rạn da, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ hội, tăng đường huyết, rối loạn điện giải, rối loạn tâm thần, chậm phát triển chiều cao, loãng xương…
Trẻ suy tuyến thượng thận do Corticoid có biểu hiện bộ mặt cushing, tay rậm lông. Ảnh BỆNH VIỆN CUNG CẤP
Triệu chứng nặng có thể xuất hiện bất thường như: đau bụng; nôn và tiêu chảy nhiều gây mất nước nặng, xuất huyết tiêu hóa, tụt huyết áp, có khi không đo được; lơ mơ, có thể hôn mê.
“Khi đang dùng glucocorticoid liều cao, kéo dài và ngừng thuốc hoặc giảm liều đột ngột bệnh nhân sẽ thấy mệt mỏi khó chịu, chán ăn, đau cơ, nhức đầu, bong vảy da…”, bác sĩ Sơn cho biết.
Corticoid (hay corticosteroid) là nhóm hoạt chất có tác dụng kháng viêm mạnh, chống dị ứng, ức chế miễn dịch, thường được sử dụng để điều trị cho nhiều bệnh lý khác nhau, từ các bệnh về da như kích ứng do côn trùng đốt, eczema, chàm, vẩy nến…, các bệnh như viêm khớp, viêm phổi, các bệnh tự miễn như dị ứng, lupus ban đỏ hệ thống. Do tác dụng phổ biến mà có thể dễ dàng mua ngoài hiệu thuốc để sử dụng. Tuy nhiên, việc cha mẹ tự ý sử dụng các thuốc có corticoid nói riêng không theo hướng dẫn của bác sĩ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe và tính mạng của trẻ nhỏ.
Vì vậy, để tránh tình trạng lạm dụng Corticoid và tránh nguy cơ suy tuyến thượng thận, bác sĩ khuyến cáo:
Phụ huynh cần hiểu về thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng để biết thuốc có chứa thành phần corticoid hay không. Có nhiều tên thuốc khác nhau chứa Corticoid như Medron, Menison, Hydrocortison, Kacor, Prednisolone, Prednisone, Methylprednisolone, Betamethasone, Dexamethasone,… Có thể dựa vào ký hiệu tên thuốc có đuôi “sone” (“son”) hoặc “olone” (“olon”) để nhận biết nhóm thuốc có chứa corticoid.
Khi trẻ mắc các bệnh lý như dị ứng, xương khớp, tai mũi họng… cần đến khám tại bệnh viện để được bác sĩ tư vấn, kê đơn. Nếu phải dùng corticoid để điều trị bệnh thì cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ trong liệu trình sử dụng thuốc, tránh lạm dụng thuốc.
Gắp giun đũa gần 20 cm trong ống mật bé gái 11 tuổi
Ngày 18.6, thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị này vừa tiến hành gắp giun đũa gần 20 cm trong ống mật chủ của một bé gái 11 tuổi.
Bệnh nhân là bé T.T.N.H trú tại H.Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh), nhập viện trong tình trạng đau bụng từng cơn vùng thượng vị, buồn nôn và nôn ra thức ăn.
Hình ảnh giun trong ống mật trên màn hình tăng sáng C-Arm và giun sau khi lấy ra ngoài. Ảnh BỆNH VIỆN BÃI CHÁY
Qua thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm, CT - Scanner, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị giun đường mật.
Sau khi hội chẩn, bệnh nhi được chỉ định nội soi mật tụy ngược dòng cấp cứu lấy giun đường mật ngay trong đêm. Sau can thiệp, tình trạng bệnh nhân ổn định, không còn đau bụng và đang được theo dõi tại Khoa Nhi của bệnh viện.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Quảng Đại, Phó trưởng khoa phụ trách chuyên môn Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết nhờ phát hiện và điều trị kịp thời đã giúp giảm tối đa các biến chứng của viêm tụy cấp, nhiễm trùng đường mật. Nếu để muộn hơn, giun chết trong ống tụy sẽ khó có thể nội soi gắp ra hoàn toàn, về sau xác giun vôi hóa có thể gây ra sỏi ống mật chủ.
Kíp nội soi mật tụy ngược dòng, Khoa Thăm dò chức năng (Bệnh viện Bãi Cháy) đang tiến hành thủ thuật gắp giun cho bệnh nhi. Ảnh BỆNH VIỆN BÃI CHÁY
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên thực hiện ăn chín, uống sôi, không nên ăn các loại thực phẩm tươi sống chưa qua chế biến; hạn chế ăn rau sống; tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở sạch sẽ; tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần.
Biến chứng của giun chui ống mật có thể là nhiễm trùng đường mật, áp xe đường mật, áp xe gan. Nguy hiểm nhất là nhiễm trùng huyết dẫn đến suy gan, suy thận cấp, sốc nhiễm trùng nặng... có nguy cơ tử vong.
Triệu chứng thường gặp của giun chui ống mật là cơn đau bụng dữ dội ở vùng thượng vị làm cho toát mồ hôi, mặt tái xanh, tái nhợt, vật vã, quằn quại, đau từng cơn, buồn nôn, sốt...
Căn bệnh hiếm gặp khiến người đàn ông chảy mủ khắp người Người đàn ông 50 tuổi vào viện với triệu chứng nổi các sẩn cục ở cổ, nách, bẹn vỡ chảy mủ mùi hôi thối, khi lành để lại sẹo cơ chắc. Bác sĩ Chu Thùy Linh- Đơn nguyên Da liễu, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết bệnh nhân được chẩn đoán mắc viêm tuyến mồ hôi mủ (tên khoa...